Mỹ: Thượng Viện và Tổng Thống đẩy mạnh chống Trung Cộng tại Biển Đông
Ngày 10 tháng 7, 2017:
Ngày 10/7/2017, với toàn bộ phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết mang mã số S.RES.412 về Biển Đông yêu cầu Trung Cộng quay lại nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.
Nghị quyết S.RES.412 được một số Thượng Nghị Sỹ có ảnh hưởng bảo trợ như Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy; Thượng nghị sỹ John McCain; Thượng nghị sỹ Robert Menendez; Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Benjamin Cardin; Thượng nghị sỹ James Risch; Thượng nghị sỹ Marco Rubio; Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein và Thượng nghị sỹ John Cronyn.
Nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với quyền tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và không phận ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Nghị quyết nêu rõ mặc dù không phải là một bên có yêu sách ở Biển Đông nhưng Mỹ là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương, có lợi ích quốc gia trong việc khuyến khích và ủng hộ các quốc gia trong khu vực hợp tác với nhau để giải quyết các tranh chấp bằng con đường ngoại giao và hòa bình; phản đối việc cưỡng bức, hù dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của tuyến hàng hải qua Biển Đông, cho rằng việc gia tăng các hoạt động tuần tra và đưa ra các quy định đối với các vùng biển và không phận có tranh chấp ở Biển Đông đang làm gia tăng căng thẳng cũng như nguy cơ đối đầu.
Nghị quyết S.RES.412 liệt kê một loạt hành động của Trung Cộng vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Cụ thể, ngày 1/5 vừa qua, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Cộng (CNOOC), với sự tháp tùng của hơn 25 tàu, đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.
Sau đó, Trung Cộng điều động thêm hơn 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự, và sử dụng máy bay trực thăng, vòi rồng để ngăn chặn hoặc có những hành động đe dọa, nhiều lần cố tình đâm húc tàu của Việt Nam. Trung Cộng cũng thiết lập vùng bất khả xâm phạm xung quanh giàn khoan Hải Dương-981…
Nghị quyết cho rằng các yêu sách lãnh thổ và hành động trên đây của Trung Cộng là không thể biện minh theo luật pháp quốc tế như đã được nêu rõ trong UNCLOS và là một hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) mà Trung Cộng đã ký với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
Nghị quyết cũng lên án việc cưỡng chế, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực gây cản trở các hoạt động hàng hải, hối thúc chính phủ Trung Cộng rút giàn khoan Hải Dương-981 cùng các lực lượng ra khỏi các vị trí hiện nay, ngay lập tức trả mọi việc trở về nguyên trạng trước ngày 1/5/2014.
Liên quan đến căng thẳng ở biển Hoa Đông, Nghị quyết S.RES.412 chỉ trích việc Trung Cộng đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển này từ ngày 23/11/2013, coi đây là hành động vi phạm công ước về hàng không dân dụng, gây căng thẳng quan hệ với các nước trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngày 23 tháng 7, 2017
Tổng thống Donald Trump mới chuẩn thuận kế hoạch trao cho hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn để thực hiện các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, theo một bài đăng trên trang tin Breibart News hôm 21/7.
Kế hoạch của tổng thống Mỹ đồng thời gây sức ép lên các nỗ lực của Trung Cộng gia tăng sự hiện diện quân sự ở vùng biển bằng cách xây đảo nhân tạo.
Các nhà ngoại giao nhìn nhận rằng có thể coi động thái kể trên là một thách thức đối với những tuyên bố đòi chủ quyền biển của Trung Cộng về hầu hết Biển Đông và các nỗ lực của nước này nhằm bác bỏ những tuyên bố chồng lấn của 5 nước khác, gồm có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.
Động thái của Mỹ sẽ làm cho hải quân Trung Cộng phải “bận rộn” trong vùng, và khiến Bắc Kinh khó xử lý những tranh chấp lãnh thổ với những nước khác như Ấn Độ và Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã lập bản kế hoạch mới với lịch hoạt động cho cả một năm, xác định các thời điểm hải quân Mỹ sẽ cử tàu đi xuyên qua những vùng biển có tranh chấp. Ông Mattis đã trình kế hoạch lên Tòa Bạch Ốc hồi tháng 4 năm nay.
Một quan chức Mỹ nói với Breibart News rằng Tòa Bạch Ốc sẽ nắm được tất cả các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải nằm trong kế hoạch. Như vậy, họ sẽ không “ngạc nhiên” khi có các đề xuất được chuyển từ dưới lên, và việc phê duyệt sẽ nhanh hơn, theo vị quan chức.
Quan chức này nói thêm quy trình phê duyệt nhanh hơn cũng có nghĩa các cuộc hành quân có thể được thực hiện “thường xuyên hơn”, trong khuôn khổ một chương trình duy trì các vùng biển luôn thông thương, thay vì chỉ là một hoạt động đơn lẻ.
Hiện chưa rõ kế hoạch này có phải là một phần trong một chiến lược lớn hơn về châu Á-Thái Bình Dương, hay nó đơn thuần chỉ nhằm làm cho các hoạt động vì tự do hàng hải diễn ra thường xuyên hơn ở Biển Đông.
Theo kế hoạch mới, hải quân Mỹ sẽ có nhiều tự do hơn so với thời chính quyền Tổng thống Obama.
Chính quyền khi đó đề nghị Hội đồng An ninh Quốc gia phê duyệt các quyết định hành quân quan trọng. Cũng trong thời ông Obama, Mỹ đã đình chỉ các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải trong suốt 3 năm, từ 2012-2015.
Trong năm 2016, Mỹ chỉ có ba cuộc tuần tra như vậy. Trong khi đó, kể từ khi ông Trump nắm quyền đến nay, với khoảng thời gian 6 tháng, Mỹ cũng đã thực hiện tới 3 cuộc tuần tra.
“Rõ ràng mọi việc quay trở lại với mức độ bình thường”, phát ngôn viên chính của Ngũ Giác Đài nói với Breitbart News.
Khi một nước đưa ra tuyên bố chủ quyền biển quá đáng, hải quân Mỹ thách thức lại bằng cách điều tàu, thường là khu trục hạm, đi vào sát vùng lãnh thổ trong vòng tranh chấp và đi xuyên qua vùng biển có tranh chấp, như là một cách bảo đảm tự do hàng hải cho tất cả các nước.
Trong năm 2016, Mỹ đã thách thức các tuyên bố quá đáng của 22 nước, trong đó, các tuyên bố của Trung Cộng ở Biển Đông được xem là các tuyên bố nổi bật nhất.
Biển Đông có nhiều tuyến vận tải biển đi qua, chuyên chở lượng hàng giá trị tới 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Trung Cộng đã hồi đáp mạnh mẽ với các hoạt động của Mỹ, tuyên bố các động thái của Mỹ mang tính khiêu khích.
Bắc Kinh cũng đòi Washington “phải xin phép”, một yêu cầu không phù hợp với luật quốc tế và các công ước của Liên Hiệp Quốc.
(theo Breibart News, South China Morning Post, Business Insider)