Con Đường Tơ Lụa Mới : Ý đồ mở rộng thế lực của Trung Cộng gây lo ngại
Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác sẽ tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Cộng. Phía Trung Cộng loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Moskva cho đến New Delhi, Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.
Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng “Con Đường Tơ Lụa Mới”, một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ châu Á, qua châu Phi và châu Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng Trung Cộng, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.
Một số nước khác thì lo ngại Trung Cộng có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Cộng bị nợ nần chồng chất.
Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Cộng. New Delhi không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Cộng đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Cộng có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Cộng – tổng thống Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Moskva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Cộng vốn năng động hơn Nga.
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Cộng bằng cách đề xuất một “Đại Dự Án Á-Âu”, trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Moskva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Warsaw, sáng kiến đó cho phép điện Kremlin “duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị trong khu vực”.
Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Cộng, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Cộng phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Trần Đại Quang chủ tịch nước CSVN đến tham dự hội nghị “Con Đường Tơ Lụa” do Trung Cộng tổ chức.
Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị Indonesia lo ngại rằng Trung Cộng có thể lên làm “bá chủ khu vực”.
Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Cộng dĩ nhiên cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Cộng làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Cộng tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Cộng.
RFI