Giới ngoại giao ở Washington giờ không còn dùng từ “xoay trục” khi nói về châu Á
Khi nói về chính sách đối ngoại của Mỹ đối với khu vực châu Á, những thuật ngữ như “trục”, “xoay trục” hay “tái cân bằng” hiện không còn được xử dụng nữa.
Giới ngoại giao Mỹ không còn nhắc tới “trục” hay “tái cân bằng” ở châu Á
Giáo sư David Shambaugh, chuyên gia khoa học chính trị và nhà nghiên cứu sâu rộng về Trung Hoa tại đại học George Washington, đồng thời từng tư vấn xây dựng chính sách đối ngoại cho chính phủ Mỹ, trong cuộc trò chuyện bàn tròn với báo chí tại Hà Nội ngày 24/2 đã cho biết: Những thuật ngữ ngoại giao như “trục” hay “tái cân bằng” nay đã không còn được xử dụng chính thức nữa.
Đây là những thuật ngữ mà chúng ta được nghe và đọc rất nhiều dưới thời của chính quyền ông Obama.
Giáo sư Shambaugh cho biết, lý do của việc các thuật ngữ này không còn được xử dụng là vì ngôn ngữ ngoại giao luôn thay đổi khi đất nước có chính quyền mới.
Theo ông, dù chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn nhắc tới các thuật ngữ như thời Obama thì những chính sách đối ngoại đối với châu Á có thể vẫn không có quá nhiều thay đổi.
“Tôi cho rằng chúng ta sẽ nhìn thấy một sự tiếp nối trong chính sách ngoại giao đối với châu Á, từ chính quyền Obama sang chính quyền Trump. Nói cách khác, châu Á vẫn là khu vực Mỹ đặt ưu tiên cao, nếu không muốn nói là ưu tiên cao nhất khi so với các khu vực khác trên thế giới, có lẽ trừ khu vực Trung Đông”, ông Shambaugh nói.
Ông cũng cho rằng vì chính quyền Trump đang cần thời gian để lấp đầy vị trí còn trống ở các cấp, nên có lẽ phải ít nhất 6 tháng nữa chúng ta mới có thể hiểu rõ ràng hơn về đường lối đối ngoại của chính quyền này.
Có thể hội nghị cấp cao APEC cuối năm nay sẽ là cơ hội tốt để Tổng thống Trump tuyên bố các chính sách đối ngoại với khu vực (nếu Trump dự hội nghị này – được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 11/2017).
Khi nhận định rằng các chính sách đối với châu Á của chính quyền mới Hoa Kỳ sẽ “là một sự tiếp nối chứ không phải thay đổi”, giáo sư Shambaugh cũng không quên nhắc tới một ngoại lệ: “Nếu có sự thay đổi nào trong đối ngoại của Mỹ ở châu Á thì đó sẽ là những thay đổi đối với Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.
“Trong quá trình tranh cử và chuyển giao, Trump đã xử dụng ngôn ngữ khá gay gắt đối với Trung Quốc. Có thể dự báo rằng ít nhất trong lĩnh vực thương mại thì các chính sách của Trump đối với Trung Quốc sẽ mang tính chất “đối đầu” hơn. Nhưng đó chỉ là dự báo và chúng ta còn phải chờ xem”.
Mỹ sẽ vẫn giữ 4 nguyên tắc tiếp cận vấn đề tranh chấp trên Biển Đông
Khi được hỏi về việc liệu Mỹ có thể có sự thay đổi nào về chính sách đối với khu vực Biển Đông hay không, ông Shambaugh nhận định chính quyền Trump sẽ không thờ ơ với vấn đề Biển Đông.
“Tôi đã thấy gần đây Trump có tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, thậm chí Trump đã lên án Trung Quốc quân sự hóa khu vực biển này”, ông nói.
Giáo sư người Mỹ cho rằng, trong vấn đề Biển Đông, Mỹ sẽ không thay đổi bốn nguyên tắc tiếp cận cũ.
Thứ nhất, chính quyền Trump sẽ tiếp tục sự tôn trọng tuyệt đối với luật pháp quốc tế – đồng nghĩa với việc ủng hộ 100% đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông (phán quyết đã được đưa ra tháng 7/2016 – bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông).
Thứ hai là việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do thật sự và hoàn toàn trên các vùng biển quốc tế.
Thứ ba, tranh chấp giữa các bên ở khu vực cần được giải quyết trong hòa bình.
Thứ tư, Mỹ không nghiêng về bên nào trong số 6 quốc gia tranh chấp.
Quan hệ Mỹ với ASEAN chưa bao giờ có quy mô và sâu sắc hơn hiện nay
Trước cuộc bàn tròn với báo chí ngày 24/2, David Shambaugh đã có một buổi nói chuyện với chủ đề “Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Đông Nam Á” tại Trung tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội.
Tại đây, giáo sư cho biết mối quan hệ giữa Mỹ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển và chưa bao giờ tốt hơn trong thời kỳ ông Obama làm Tổng thống. Đến chính quyền Trump, mối quan hệ này có cơ hội được tăng cường hơn nữa, trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng.
Về kinh tế, Mỹ đang là nhà đầu tư lớn ở Đông Nam Á với số vốn các công ty Mỹ rót vào khu vực này là hơn 230 tỷ USD trong năm 2015. Riêng ở quốc đảo Singapore đã có gần 4.000 công ty Mỹ đang hoạt động. Đồng thời, Mỹ cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đông Nam Á.
Về hợp tác an ninh, Mỹ có quan hệ hợp tác với 5 nước thành viên chủ chốt của ASEAN. Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng có một số phát ngôn không được lòng ông Obama, nhưng Shambaugh cho biết các quan chức chính phủ Philippines lại tin rằng quan hệ quân sự lâu dài với Washington sẽ không đổi.
“Tôi cho rằng Philippines không có một sự thay đổi chiến lược nào trong mối quan hệ với Mỹ. Đối với Trung Quốc, sự hợp tác của Phillipines thuần túy là về kinh tế”, giáo sư Shambaugh nhận định.
Vị giáo sư cho rằng, chính quyền của Tổng thống Trump có thể lựa chọn hoặc là tiếp tục xây dựng mối quan hệ đang tốt đẹp với Đông Nam Á, hoặc là sẽ thờ ơ với khu vực này, nhưng khả năng thứ nhất là lớn hơn nhiều.
Trả lời về mối quan hệ ASEAN – Trung Quốc và liệu Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra cuối năm nay sẽ tác động như thế nào tới mối quan hệ này, ông Shambaugh nhận định:
“Đại hội đó sẽ dẫn đến những thay đổi về nhân sự ở Bắc Kinh nhưng sẽ không tạo ra nhiều thay đổi lớn trong nội bộ Trung Quốc cũng như đối với khu vực châu Á nói chung, ASEAN nói riêng. Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến lược, chính sách mà họ đã tiến hành với khu vực này”.
Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP là việc “không thể tồi tệ hơn”
Đánh giá sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sắc lệnh đầu tiên mà Tổng thống Trump ký chỉ 2 ngày sau nhậm chức, giáo sư Shambaugh không ngần ngại nói: “Xét về mặt uy tín và sức mạnh của Mỹ thì việc rút khỏi TPP là tồi tệ, không thể tồi tệ hơn”.
Theo vị giáo sư, dù là quốc gia lớn hay nhỏ thì cũng đều nên tuân thủ các cam kết của mình. Việc Mỹ rút khỏi TPP, rút lại các cam kết đã đưa ra sẽ ảnh hưởng tới cách mà các quốc gia khác nhìn vào Mỹ.
“Tổng thống Trump không thích chủ nghĩa ‘đa phương’, ông ấy thích ‘song phương’ hơn. Các cuộc gặp gỡ của ông ấy cho tới thời điểm này chỉ là các cuộc gặp song phương. Tất nhiên ông ấy sẽ không thể tránh được các cuộc họp đa phương với các tổ chức như G20, NATO,… nhưng ông ấy sẽ có cách tiếp cận khác trong các thỏa thuận”, GS Shambaugh nhận định.
Tuy nhiên, GS Shambaugh khá lạc quan về tương lai của TPP, ông cho rằng các quốc gia khác vẫn đang tiếp tục xúc tiến hiệp định này, và ông hy vọng Trump sẽ dẫn dắt Mỹ trở lại TPP một cách thích hợp (ví dụ như thay đổi các điều khoản đàm phán).