Con ngáo ộp “Liêu Ninh” đang bơi trên Biển Đông!

Ông Từ Tăng Bình chỉ tay vào tàu sân bay Liêu Ninh khi mới kéo về tháng 3/2002. Ảnh: SCMP

Trung Cộng mua chiếc Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) phế thải không có động cơ, chỉ là chiếc xà lan không hơn không kém từ Ukraine năm 1998, mất gần 4 năm sau mới kéo về được hải cảng Đại Liên năm 2002, rồi chế biến thêm phần đầu, sơn lại phần đuôi, đặt súng phòng không, máy chân vịt mất 10 năm trời.  Năm 2012, nó được hạ thuỷ đặt tên “Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh” (HKMH Liêu Ninh) bàn giao cho Hải quân Trung Cộng. Từ đó các cơ quan truyền thông Trung Cộng tuyên truyền liên tục cả mấy năm trời rằng đó là “sức mạnh  hiện đại” của “Hải Quân Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc” và là nơi đặt niềm tin của 1.3 tỉ dân tộc Hán!
Thật ra đó là mối nhục của Hán tộc có nền văn minh lâu đời trên trái đất này, mà tôi sẽ sắp nói đến.

Trong vài tuần qua các cơ quan truyền thông  Trung Cộng với sự phụ hoạ mua vui của truyền thông quốc tế lại đánh đánh bóng khối sắt “Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh” đang bơi trên Biển Đông, quả là lố bịch!

Con ngáo ộp “Liêu Ninh” đang bơi trên Biển Đông!

HKMH Liêu Ninh có gì?

Theo mô tả của các cơ quan truyền thông, báo chí tây phương thì “HKMH Liêu Ninh” sau khi chế biến từ chiếc HKMH phế thải của Ukraine rồi chuyển giao cho Hải Quân Trung Cộng ngày 23 tháng 9, 2012 có chiều dài 300m, chiều rộng 73m, chạy bằng động cơ turbine hơi nước 8 nồi hơi, 4 động cơ chân vịt, công suất 200,000 mã lực (hp), vận tốc 59 km/giờ,  hoạt động tầm xa 7310 km, và chỉ được 45 ngày trên biển.
Tàu được trang bị 12 hoả tiễn hải-đối-hải loại P-700 Granit SSM, 18 bệ phóng hoả tiễn hải-đối-không, 8 súng phòng không.
Tàu chuyên chở 26 máy bay chiến đấu J-15 và 24 trực thăng. Thuỷ thủ đoàn gồm 1960 người.

“Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh” của Hải Quân Trung Cộng năm 2012

Thử đem so sánh “HKMH Liêu Ninh”  với HKMH USS D. Roosevelt của Hải Quân Hoa Kỳ hạ thuỷ tháng 4/1945:

Năm 1945, Hải quân Hoa kỳ cho hạ thuỷ chiếc HKMH USS D. Roosevelt dài 296m, chiều rộng 72.5m, chạy bằng động cơ turbine hơi nước hộp số, công suất 212,000 mã lực (hp), vận tốc 61 km/giờ. Có trang bị radar dò tìm mặt đất và trên không, không có tin nói tầm xa hoạt động, nhưng USS D. Roosevelt đã từng vượt Thái Bình Dương tham chiến trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953.
Tàu được trang bị 18 trọng pháo 127 mm, 21 trọng pháo bốn nòng 40mm, 68 trọng pháo phòng không 20mm, 2 giàn phóng hoả tiễn hải-đối-hải,  2 bệ phóng hoả tiễn hải-đối-không.
Tàu chuyên chở 137 máy bay chiến đấu và trực thăng. Thuỷ thủ đoàn 4104 người. USS D. Roosevelt nghỉ hưu và cho vào viện bảo tàn năm 1977 (1)

Hàng Không Mẫu Hạm USS D. Roosevelt  năm 1945

Ngoài ra “HKMH Liêu Ninh” còn gặp những khuyết điểm kỹ thuật sinh tử như Wikipedia diễn tả:

“Khi tàu được xem là biểu tượng trở thành một cường quốc hải quân của Trung Quốc thì những câu chuyện về những phi công lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay đầu tiên của họ lại chứng minh ngược lại. Có rất nhiều thứ, có thể có và sẽ đi sai, sự kết hợp lại tạo ra nhiều nghi ngờ về khả năng Bắc Kinh sẽ có một tàu sân bay thật sự hữu ích trong thời gian tới. Đã có ít nhất 3 sự cố lớn liên quan đến lực lượng thử nghiệm các máy bay chiến đấu J-15.

Theo các chuyên gia quân sự đánh giá thì chỉ trong thời tiết lý tưởng, sóng yên biển lặng, tiêm kích J-15 mới có thể cất, hạ cánh được an toàn trên tàu sân bay này, còn trong điều kiện thời tiết xấu thì J-15 đành “nằm bẹp”, Liêu Ninh cũng bị “xếp xó”, vì nếu tiêm kích hạm bị tê liệt thì cả biên đội tàu sân bay cũng không còn khả năng tác chiến. Sự phụ thuộc vào kỹ thuật của Nga khiến tầm hoạt động và khả năng tác chiến trên biển của tàu Liêu Ninh bị hạn chế. Liêu Ninh bị xem là “Trái bom hẹn gờ” có thể phát nổ bất kỳ lúc nào, kéo lùi mọi nỗ lực của nước này nhằm trở thành một thế lực mạnh về hải quân.(2)

Vậy thì: HKMH Liêu Ninh của Trung Cộng năm 2012 so với HKMH Hoa Kỳ USS D. Roosevelt năm 1945 thì Liêu Ninh thua xa về mọi mặt từ kỹ thuật, công suất, vận tốc, và khả năng mang máy bay….Đến đây đủ chứng minh kỹ thuật chiến tranh của Trung Cộng còn thua Mỹ cách đây 67 năm !

Còn nếu “HKMH Liêu Ninh” đem so với các HKMH của Hoa Kỳ bây giờ thì không xứng là loại hàng phế thải, vì HKMH của Mỹ hiện nay thuộc lớp Nimitz chạy bằng năng lượng nguyên tử, hoạt động không hạn chế trên biển với mọi điều kiện thời tiết. Nó có thể chạy từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương đến Biển Đen trong vòng 20 năm không cần tiếp tế nhiên liệu, trang bị 100 máy bay chiến đấu tối tân F-16, F-18 Hornest, F-22 tàng hình. Trên tàu có những giàn phóng hoả tiễn đối hạm và đối không tối tân với độ chính xác thần kỳ.  Một sân bay di động trên đại dương bất khả xâm phạm, con kình ngư không đối thủ có thể chuyên chở cả sư đoàn bộ binh đổ bộ bất cứ nơi nào trên thế giới…

Khoe khoang lố bịch là nỗi nhục mà không biết che đậy:

Khoe khoang khoát lác, nói không thành có để tuyên truyền vốn là sở trường của cộng sản, như trong chiến tranh Việt Nam khi thấy máy bay trực thăng của Mỹ không mang khung sườn, đài phát thanh CSVN tuyên truyền rằng “máy bay của Mỹ bị quân ta bắn hạ nhiều quá nên chế tạo không kịp lắp sườn vào”. Đó là chuyện của 50 năm về trước khi người dân chưa tiếp cận được với văn minh truyền thông Internet. Thế mà ngày nay, trước thế kỷ thứ 21, Internet nở rộ, thế giới được thu hẹp như trong một thôn xóm, mọi diễn biến tin tức trên thế giới chỉ cần 1 phút sau là đến trên chiếc máy tính computer đặt trên bàn, hoặc trong chiếc phone tay của mình.

Vậy mà, với một sản phẩm “HKMH Liêu Ninh” tồi tệ như vậy mà tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng khoe khoang: “các cuộc diễn tập mà chiếc Liêu Ninh thực hiện đã cho thấy là tàu sân bay của Trung Quốc đang hoàn thiện năng lực tác chiến, và nhất là đã có thể đi hoạt động ngoài khơi xa.”
Rồi còn đe doạ: “Sớm muộn gì thì hạm đội Trung Quốc sẽ ra đến tận phía đông Thái Bình Dương, và ngày mà hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ, ngày đó (Mỹ) sẽ phải suy nghĩ dữ dội về vấn đề luật lệ hàng hải.”

Tin tức này được các cơ quan truyền thông tây phương đưa lên những hàng tít giật gân: “Tàu sân bay Trung Quốc tiến vào Biển Đông qua eo biển cạnh Đài Loan.”  Bản tin này viết:  Một nhóm chiến hạm Trung Quốc với tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến vào Biển Đông hôm 26/12/2016 để tiến hành điều được Bắc Kinh gọi là một cuộc diễn tập bình thường. Điểm thu hút sự chú ý là tiểu hạm đội Trung Quốc đã vào Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Đài Loan và Philippines, một động thái được giới quan sát cho là hàm ý thị uy trong bối cảnh Bắc Kinh đang bực tức với Mỹ trước quan hệ Washington-Đài Bắc.”

Một lần khác đưa đề tài giật gân mạnh hơn: “Tàu sân bay Mỹ và Trung Quốc sẽ gườm nhau trên Biển Đông ?”  như sau:

Vào lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một hàng không mẫu hạm Mỹ nào hoạt động trên biển. Thế nhưng tình trạng này không kéo dài vì vào hôm nay, 06/01/2017 chiếc tàu Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xẩy ra, nhưng biết đâu chừng. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.”

Tại sao lại dùng từ “gườm” ở đây? một động từ chỉ dùng cho hai bên cân sức, còn đem tàu Liêu Ninh so với USS Carl Vinson chẳng khác nào như “chuột mà dám gườm mèo”.

Đài VOA thì đưa bản tin: “Hàng không mẫu hạm Trung Quốc đến Biển Đông giữa lúc căng thẳng.” Bản tin cho hay:

“Một nhóm tàu chiến của Trung Quốc do hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này dẫn đầu đã tiến vào khu vực nửa trên của Biển Đông hôm thứ Hai sau khi đi qua phía nam Đài Loan, Bộ Quốc phòng của đảo tự trị cho biết về động thái mới nhất mà Trung Quốc gọi là một cuộc diễn tập thường kỳ.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây khi Tổng thống Đài Loan gọi điện thoại cho Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump khiến Bắc Kinh giận dữ. Bắc Kinh lâu nay vẫn xem Đài Loan thuộc về Trung Quốc và không đủ tư cách pháp nhân cho mối quan hệ quốc gia với quốc gia.”

Sao lại đánh bóng “ngáo ộp” Liêu Ninh?

Trung Cộng mua xà lan về chế biến “HKMH Liêu Ninh” có kỹ thuật lạc hậu thua nước Mỹ cách đây 67 năm, rồi tự đánh bóng đó là “Hiện Đại Hóa Quân đội Nhân dân Trung Quốc” để đề cao vai trò lãnh đạo hiện nay của chế độ cộng sản đang rất tồi tệ… Báo chí Tây Phương, nhất là Pháp, Anh, Đức, Mỹ làm lớn chuyện “HKMH Liêu Ninh” bơi ra biển Đông sẽ là pháo đài bay làm cản trở đường hàng hải quốc tế, thậm chí còn cho là “gờm” HKMH nguyên tử của Mỹ !

Về phía Trung Cộng thì dễ hiểu, bản chất của họ là tuyên truyền bịp bợm. Nhưng với các cơ quan truyền thông tây phương đưa tin giật gân với mục đích gì?

Có thể để cho Trung Cộng “tự sướng” ngủ vùi trong cơn mê sảng “ta đã là cường quốc trên biển”, hay dùng đó để được quốc hội dễ dàng thông qua khi tăng ngân sách quốc phòng, hoặc do “thủ thuật” của truyền thông thương mại… Dù gì đi nữa thì cả hai: Trung Cộng và các cơ quan truyền thông Tây Phương đều “thổi ống đu đủ” cho mục tiêu riêng của mình.

Có lẽ tin đồn từ mấy năm qua “Trung Quốc có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới” là thuộc loại tin như “HKMH Liêu Ninh” ?

Hoa Kỳ ngày 8 tháng 1, 2017

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

————–

Chú thích:

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Franklin_D._Roosevelt_(CV-42)

(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%C3%AAu_Ninh 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt