Chính sách đối ngoại của bà Hillary và ông Trump

Báo chí Mỹ có câu “we provode,you decide” (chúng tôi cung cấp tin tức, các bạn quyết định bỏ phiếu), dĩ nhiên tin tức là phải từ những nguồn tin xác thực. Dưới đây là những nét chính về chính sách đối ngoại của hai ứng cử viên Tổng Thống Hoa Kỳ, không đề cập đến vấn đề Biển Đông. Tuy vậy bên trong chính giới Hoa Kỳ tại Washington hiện nay đang nghĩ rằng Biển Đông là một vần đề lớn trong chính sách ngoại giao đối với tân Tổng Thống…

Tin VOA: Lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, thế giới đang theo dõi sát tình hình giữa lúc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà Donald Trump trình bày kế sách của họ để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ về thế giới ra sao? Lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, từ những liên minh quốc tế cho tới việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là gì?

Đối với khối NATO:

19 thành viên khối NATO

NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã ra đời cách đây 67 năm về trước, đã bị đẩy vào chiến dịch vận động tranh cử đầy cay đắng tại Hoa Kỳ.

Bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ phát biểu:

“Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà trong thời gian qua, Donald (Trump) tỏ ra không mấy quan tâm.”

Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump:

“Chúng ta đã làm việc với họ trong rất nhiều năm rồi, giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.”

Quan điểm khác biệt về mức độ cam kết của Mỹ đối với NATO nêu bật thế giới quan của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, theo nhà khoa học chính trị Jeremy Mayer. Ông nhận xét.

“Tôi tin rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người muốn lấy lòng dân, trong khi bà Hillary Clinton là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ một chính sách đa phương.”

Ông Trump ủng hộ một lực lượng quân đội hùng mạnh và hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích của nước Mỹ. Về phần bà Clinton, bà hứa sẽ dùng tất cả mọi công cụ quyền lực, từ ngoại giao cho tới phát triển, để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Chính trị gia Nga: Chọn Trump hay chọn chiến tranh hạt nhân?

 

Hai viễn kiến tương phản nhau đã dẫn tới những khác biệt lớn về chính sách đối với các nước đối nghịch chẳng hạn như Nga. Ông Trump nói về nước này như sau:

“Tôi không biết ông Putin, tôi nghĩ nếu chúng ta hoà hoãn với nước Nga thì rất tốt, bởi vì hai nước chúng ta có thể cùng sát cánh chống lại Nhà nước Hồi giáo.”

Bà Hillary Clinton có lập trường diều hâu hơn. Bà tuyên bố:

“Tôi sẽ đứng lên trực diện nước Nga. Tôi đã từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác, và trong cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy.”

Hai ứng cử viên tổng thống cũng bất đồng quan điểm mạnh mẽ với nhau về thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump miêu tả đây là một thoả thuận xấu, không có lợi cho Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton thì cho rằng thoả thuận này đã giúp kiềm chế chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.

Về vấn đề đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, vấn đề đối ngoại mà người dân Mỹ quan tâm nhất, những khác biệt về chính sách giữa hai ứng cử viên còn sâu rộng và rõ nét hơn nữa. Ông Donald Trump nói:

“Tôi không thích ông Bashar al-Assad một chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt quân Nhà nước Hồi giáo. Nga cũng thế, và Iran cũng vậy, và các nước này dàn hàng với nhau bởi vì chính sách đối ngoại của ta quá yếu.”

Bà Hillary Clinton đề cập tới vấn đề này trong cuộc tranh luận thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ:

“Nga không hề quan tâm tới Nhà nước Hồi giáo. Họ chỉ muốn giữ ông Assad ở vị thế cầm quyền. Cho nên thời tôi còn giữ chức Ngoại trưởng, tôi đã cổ vũ và bây giờ vẫn tiếp tục cổ vũ việc thiết lập các khu vực cấm bay, an toàn.”

Nhưng cũng như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ, giới cử tri Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề khác: đó là vấn đề kinh tế và công việc làm ăn của họ, chứ không mấy quan tâm tới chính sách đối ngoại.

Tin BBC: “Bầu cử Mỹ và xung đột Biển Đông”

Những người theo dõi chủ đề Biển Đông lâu nay tất nhiên quan tâm tới việc liệu cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng thế nào tới tình hình vốn đã khá căng thẳng ở khu vực này.

Thay đổi thái độ

Đầu tiên là sự thay đổi trong thái độ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong quan hệ với Trung Cộng. Không những xích lại gần Bắc Kinh, ông Duterte còn dừng tập trận với đồng minh truyền thống của Philippines là nước Mỹ.

Tiếp theo đó, một nước tham gia tranh chấp Biển Đông khác là Malaysia cũng tỏ ra hướng về Trung Cộng. Mới rồi Thủ tướng Najib Razak đã ký thỏa thuận quốc phòng với Bắc Kinh và hai bên thống nhất hợp tác cả trong lĩnh vực an ninh biển. Malaysia mua bốn tàu tuần tra biển của Trung Cộng và bắt đầu lớn tiếng phản đối sự can dự của “các bên không liên quan” ở Biển Đông, hàm ý nói Hoa Kỳ.

Ông Najib trong một bài phỏng vấn trên tờ China Daily còn yêu cầu “các nước thực dân cũ nên thôi ngay việc dạy bảo các quốc gia họ từng bóc lột về cách thức xử lý công chuyện nội bộ”.

Xem ra tình trạng nước Mỹ ngập đầu trong cuộc bầu cử hiện thời và chắc còn mất thời gian ổn định chính sách đối ngoại hậu bầu cử đã khiến cho các quốc gia xung quanh Biển Đông cảm thấy họ nên dĩ hòa vi quý với Trung Cộng.

Washington có lo ngại về việc này hay không thì không biết, nhưng về mặt công khai thì Mỹ vẫn tuyên bố không có gì lo lắng cả.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói rằng “không có cơ sở gì để cho là đang có một sự chuyển dịch vũ bão của các nước trong việc xích lại gần Trung Cộng và rời xa Hoa Kỳ, nhất là khi chúng tôi cũng có quan hệ tốt đẹp và phát triển song phương với các nước đó” (?!)

Tuy nhiên ông Kirby cũng phải thừa nhận là Washington “không mù” nên đã thấy Bắc Kinh tăng cường quân sự và “hai, ba hoặc bốn” nước Asean ngày càng thân thiện hơn với Trung Cộng.

Không có gì thay đổi?

Thực ra trong cả mười quốc gia Asean, không có quốc gia nào muốn căng thẳng với nước lớn Trung Cộng cả. Trong lúc này, Hoa Kỳ chỉ dừng lại ở tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động bảo đảm tự do đi lại ở Biển Đông.

Khi một tổng thống mới lên, ít nhất trong thời gian đầu Washington cũng sẽ không có gì thay đổi trong lập trường này, theo các nhà quan sát.

Sẽ không có việc Mỹ đột nhiên từ bỏ quan tâm tới khu vực Biển Đông vì quyền lợi của Hoa Kỳ trên mọi khía cạnh chính trị, an ninh và kinh tế tại đây là quá lớn.

Sự hiện diện của Hoa Kỳ nhất là về quân sự tại Biển Đông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm ổn định và trật tự ở đây.

Nếu như các nước nhỏ trong khu vực không còn tin tưởng vào vai trò của Mỹ nữa thì họ sẽ có các kịch bản đối phó có thể dẫn tới hậu quả nặng nề cho chính nước Mỹ thí dụ tăng cường trang bị vũ trang hay để mặc cho Trung Cộng lộng hành.

Quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Mỗi năm khoảng trên 5 nghìn tỷ đôla hàng hóa đi qua khu vực Biển Đông, trong đó 1,2 nghìn tỷ là giao thương với Hoa Kỳ.

Không có vị tổng thống nào ở Mỹ, dù là thuộc đảng nào, muốn xảy ra xung đột và bất ổn trong khu vực này. Tuy nhiên can dự tới đâu lại phụ thuộc vào các chính sách của cá nhân sẽ lãnh vai trò đứng đầu chính phủ và quân đội Hoa Kỳ.

Trước mắt cho dù kết quả cuộc bầu cử ngày 8/11 thế nào thì Mỹ cũng sẽ giữ nguyên lập trường và mong muốn bảo toàn hiện trạng ở Biển Đông. Các lãnh đạo Mỹ sẽ không động tới chủ đề này trong một thời gian, ít nhất nếu như hiện trạng này vẫn còn có thể tiếp tục.

Tin tức tổng hợp

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt