Khủng bố ở Pháp và căng thẳng Biển Đông phủ bóng thượng đỉnh Á-Âu

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk (T) phát biểu trong phiên khai mạc thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Mông Cổ, ngày 15/07/2016.

Vụ khủng bố đẫm máu tại Nice, thành phố du lịch miền nam nước Pháp, và không khí căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, bao trùm thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ, khai mạc ngày 15/07/2016.

Thượng đỉnh ASEM được tổ chức hai năm một lần, với sự tham gia của lãnh đạo hơn 50 quốc gia, kỷ niệm 20 năm thành lập, dự kiến là một dịp để các quốc gia hai châu lục, tăng cường hợp tác về kinh tế và chính trị. Thế nhưng, vụ khủng bố tối ngày 14/07 tại Pháp đã đảo lộn lịch trình. Thượng đỉnh mở đầu với một phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân vụ khủng bố trên đại lộ Promenade des Anglais ở Nice, khiến hơn 80 người chết.

Lãnh đạo 51 nước tham dự ASEM ra thông cáo chung, lên án “các hành động tấn công khủng bố, đầy hận thù và hèn hạ”, tái khẳng định “cam kết phối hợp chống nạn khủng bố”.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố : “Đây là một ngày đau buồn với nước Pháp, châu Âu và với tất cả chúng ta tại Mông Cổ”. Ông nhấn mạnh : “Điều bi thảm là chứng kiến vụ thảm sát nhắm vào những con người đang vinh danh tự do, bình đẳng và bác ái (nhân ngày Quốc Khánh Pháp). (…) Chúng ta hãy đoàn kết với nhân dân Pháp và chính phủ Pháp trong cuộc chiến chống bạo lực và thù hận”. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), trong một phát biểu ngắn bằng tiếng Trung, tỏ lòng thương tiếc các nạn nhân, và nhắc lại là Bắc Kinh “chống lại mọi hình thức khủng bố”.

Có mặt tại Ulan Bator, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, thảm kịch kinh hoàng tại Nice làm dấy lên “một tình cảm đoàn kết tự nhiên” trong giới lãnh đạo các nước Á-Âu tham dự ASEM, đối với nước Pháp. Theo lãnh đạo ngoại giao Pháp, không một nơi nào trên thế giới hiện nay có thể bình yên trước đe dọa khủng bố, thông cáo chung của ASEM về chủ đề này chắc chắn sẽ phải được “tăng cường”.

Biển Đông được đề cập tại ASEM bất chấp Trung Quốc

Biển Đông là chủ đề lớn bất ngờ thứ hai bao trùm ASEM, ít ngày sau khi Tòa Trọng Tài La Haye ra phán quyết, bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông. Trung Quốc gửi tín hiệu cảnh báo, thượng đỉnh ASEM không phải là “một nơi thích hợp” để thảo luận về vấn đề này. Bất chấp việc Bắc Kinh tức giận, hồ sơ Biển Đông chắc chắn có mặt trong nhiều đối thoại song phương ngày 15 và 16/07.

Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố sẽ cử đặc phái viên tới Trung Quốc để “tái khởi động đàm phán”, như một cử chỉ hòa dịu. Cùng lúc đó, ngoại trưởng Perfecto Yasay khẳng định sẽ dùng cơ hội tại Mông Cổ, để “thảo luận về một tiếp cận hòa bình, dựa trên luật pháp, của Philippines, và việc các bên tuân thủ quyết định của Tòa Trọng Tài”.

Trả lời AFP ngày 14/07, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ca ngợi phán quyết của Tòa, và cho biết mọi vấn đề liên quan hiện đang được bàn thảo. Phán quyết La Haye là thắng lợi lịch sử của Philippines, nhưng cũng có thể rất có lợi cho nhiều quốc gia ven bờ Biển Đông, như Việt Nam, Malaysia, Brunei hay Indonesia.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trước chuyến đi Mông Cổ, hy vọng sẽ thảo luận về các tranh chấp, và tầm quan trọng của việc “tìm ra giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế”. “Đối thoại và cam kết tôn trọng trật tự quốc tế, dựa trên luật pháp là điều cần thiết. Các quy tắc ứng xử chung và có thể tiên liệu trước khiến các quốc gia được bảo vệ” là nhận đinh của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.

Trọng Thành (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt