Kết quả Brexit là “khó đảo ngược”

Nước Anh đang là tâm điểm của dư luận toàn cầu sau kết quả trưng cầu dân ý hôm thứ Năm về Brexit đang đưa nước này trên đường rời khỏi EU

Có rất ít khả năng đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày thứ Năm lịch sử (23/6) và việc nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), theo các ý kiến quan sát và bình luận hôm Chủ Nhật.

Trong khi đó, đã đang diễn ra một cuộc vận động lấy chữ ký lên tới trên ba triệu người kiến nghị Quốc hội Anh mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về tư cách thành viên của Anh ở EU, theo báo Anh.

Một số tờ báo của Anh dịp cuối tuần này đặt dấu hỏi về khả năng “đảo ngược” quyết định của nước Anh hôm thứ Năm và về tính “ bắt buộc pháp lý” của kết quả trưng cầu dân ý vốn cho thấy 52% người Anh chọn chia tay EU, trong khi 48% muốn nước này ở lại.

Quý có thể vị bấm vào đây để theo dõi Bàn tròn Đặc biệt của BBC Việt ngữ tuần này về nước Anh quyết định ra khỏi EU, ý nghĩa và hệ lụy.

Hôm Chủ nhật, Biên tập viên châu Á – Thái Bình Dương của BBC, Michael Bristow trích dẫn ý kiến của giới quan sát từ Anh cho rằng việc nước Anh rời khỏi EU, sau trưng cầu dân ý hôm 23/6/2016, là việc “khó đảo ngược”.

Ông Bristow cũng dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng kết quả cuộc trưng cầu dân ý không có tính chất “bắt buộc pháp lý” mà chỉ có “ý nghĩa tham vấn” cho chính quyền.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý đã có những tác động mạnh mẽ tới chính trường Anh và lan rộng ra châu Âu và phần còn lại của thế giới ở nhiều khía cạnh và góc độ.

Hôm 26/6, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế từ Singapore, nói với BBC:

“Tôi thấy rằng có rất ít khả năng để đảo ngược, nhưng cũng có những điều kiện để đảo ngược, ví dụ tỷ lệ vừa rồi số người dân Anh quốc đi bỏ phiếu mà thấp, đấy là một điều kiện để nước Anh có thể đảo ngược lại.

“Tức là có thể tổ chức trưng cầu ý dân một lần nữa và nếu có một lần nữa, thì cũng có khả năng người dân lại bỏ phiếu ở lại, đấy là một khả năng pháp lý.

“Khả năng thứ hai là chính phủ Anh và Quốc hội Anh có một động tác rất mạnh mẽ trong cuộc họp ngày 27/6 ở Hội đồng châu Âu, với tất cả các nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu, để đặt lại vấn đề này.

“Nhưng khả năng này là rất khó vì theo thẩm quyền Hiến định của Thủ tướng Anh, ông ấy phải tôn trọng quyết định của người dân trong kết quả trưng cầu ý dân vừa rồi.

“Cho nên rất khó có khả năng là ông ấy thay mặt nội các của Anh quốc, cùng với Nghị viện Anh quốc có một đề nghị khác đối với Liên hiệp châu Âu,” nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với BBC từ Hà Nội.

Hơn ba triệu chữ ký

Hôm thứ Bảy, hơn 2,5 triệu người đã ký một kiến nghị kêu gọi mở một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai ở nước Anh về EU, theo một thống kê sơ bộ mà BBC nhận được vào thời điểm cuối ngày.

Kiến nghị này, mà nay đã lên tới trên ba triệu chữ ký, được cho là có nhiều chữ ký hơn bất cứ một kiến nghị nào khác trên trang mạng của Quốc hội Anh và về nguyên tắc khi con số chữ ký vượt quá 100.000, Quốc hội Anh sẽ cân nhắc thảo luận về nó.

Các cử tri Anh đã bỏ phiếu trưng cầu đi hay ở lại EU với tỷ lệ sát sao 52% muốn tảch ra, so với 28% muốn ở lại vào hôm 23/6, nhưng đa số cử tri ở London, Scotland và Bắc Ireland đã hậu thuẫn khuynh hướng “ở lại” qua lá phiếu.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã phát biểu rằng sẽ không có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai và ông từng cảnh báo nước Anh là kết quả dù thế nào cũng sẽ “không thể đảo ngược”.

Hôm thứ Sáu, ông đã tuyên bố ý định từ chức Thủ tướng và rời chiếc ghế lãnh đạo nội các Anh vào tháng Mười tới đây, sau khi có kết quả.

Một nữ phát ngôn nhân của Hạ viện Anh hôm thứ Bảy nói bản kiến nghị đề nghị mở trưng cầu dân ý lần thứ hai về nước Anh với tư cách thành viên châu Âu đã được tạo ra từ ngày 24 tháng Năm.

Vào thời điểm kết quả trưng cầu dân ý được công bố hôm thứ Năm, nó mới chỉ có vỏn vẹn 22 chữ ký.

Bà cũng xác nhận đã có lúc số lượng truy cập ký kiến nghị trên mạng lên “cực kỳ cao” và kết quả tới nay là cao hơn bất cứ một kiến nghị nào được ký trên trang mạng của Quốc hội Anh kể từ trước.

Hôm Chủ Nhật, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp bình luận về khả năng “có cuộc trưng cầu” thứ hai và liên hệ nếu có, với kết quả cuộc trưng cầu lần thứ nhất, ông nói:

“Đây không phải là hủy bỏ kết quả của lần thứ nhất, ví dụ là sẽ có lần thứ hai, quy chế này không phải là quy chế để hủy bỏ kết quả của lần thứ nhất.

“Mà ở trong bộ luật quy định về trưng cầu ý dân của Anh quốc, có một điều khoản là với tỷ lệ ví dụ dưới 65% dân số hay cử tri đi bỏ phiếu, thì có thể đề xuất, đề nghị một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai, bởi vì số người đi bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu ý dân lần vừa rồi (23/6) không mang tính đại diện cao,” nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nói với BBC.

Tuy nhiên, biên tập viên của BBC Michael Bristow trích dẫn một nguồn quan sát từ Anh cho rằng nếu có một cuộc trưng cầu ngay vào thời điểm hiện nay, thì kết quả vẫn có thể không khác đi nhiều.

“Kết quả nếu có, có thể cũng không khác mẫy với hôm thứ Năm, nhưng điều đáng nói là tác động của cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 là rất mạnh mẽ”, ông chia sẻ một nguồn phân tích và quan sát chính trị từ Anh quốc.

Còn nhà nghiên cứu từ Hà Nội trao đổi thêm với BBC cũng trong ngày Chủ nhật:

“Dù không đảo ngược được, trong UK, Northern Ireland và Scotland có thể ở lại EU. Ngoài ra, nếu Britain làm giống như Norway – công nhận các quy chế kinh tế của EU sau khi chia tay, thì cuộc chia ly này chắc hẳn sẽ đỡ buồn và tiếc,” TS. Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm.

Phản ứng, hành động và thái độ:

Sau khi kết quả trưng cầu ngày thứ Năm lịch sử được công bố, chính trường và công luận nước Anh đã có những chuyển động và các sắc thái trái ngược nhau.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel, kêu gọi người dân EU bình tĩnh và đề nghị lãnh đạo EU nhóm họp khẩn cấp vào thứ Tư này.

Sau khi ông David Cameron tuyên bố ý định từ chức, Ủy viên của Anh tại Cộng đồng châu Âu, chuyên trách về tài chính, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Anh, ông Jonathan Hill cũng đã tuyên bố rời bỏ chức vụ ở Brussels.

Trong khi đó, ông Boris Johnson, cựu thị trưởng London, dân biểu đảng Bảo thủ đứng đầu phong trào Brexit tuyên bố ngày thứ Năm là một ngày lịch sử, ông ghi nhận đóng góp của Thủ tướng và đề nghị người dân Anh bình tĩnh, không vội vàng.

Chủ tịch đảng cực hữu Ukip, người vận động mạnh mẽ cho việc rời khỏi EU tuyên bố ngày thứ Năm là “ngày Độc lập” đem lại thắng lợi cho những người đã bỏ phiếu cho Brexit, ông nói nước Anh đã “lấy lại được đất nước của mình”.

Hôm Chủ nhật, một nửa thành viên nội các đối lập thuộc đảng Lao động đã tuyên bố từ chức.

Một thành viên nắm ghế Ngoại trưởng của nội các này, ông Hilary Benn đã bày tỏ bất đồng và bất tín nhiệm với Chủ tịch đảng Lao động, Jeremy Corbyn, và sau đó đã bị lãnh đạo đảng “sa thải”.

Từ khu tài chính London, Ngân hàng HSBC tuyên bố sẽ chuyển nhân viên và văn phòng sang thủ đô Paris của Pháp.

Trong lúc đó, Thủ hiến Scotland, bà Nicola Sturgeon khẳng định Scotland tôn trọng ý kiến của người dân và cử tri về “ở lại” EU, cùng lúc Sinn Fein, phong trào chính trị đòi độc lập ở Ireland kêu gọi thống nhất Bắc Ireland, một bộ phận lãnh thổ của Liên hợp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, và Cộng hòa Ireland thành một khối.

Nhiều báo Anh cuối tuần trong lúc đưa tin về “cảm giác hân hoan” của nhiều người bỏ phiếu thuận cho Brexit, cũng đã đưa tin rất nhiều người “hối tiếc” đã bỏ lá phiếu “rời EU” hôm thứ Năm.

Một số tờ báo và truyền thông của Anh đăng các thống kê cho hay nhiều người dân sau khi đã bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU mới vào tra cứu trên mạng để tìm hiểu những thông tin cơ bản về tổ chức này, nhiều câu hỏi được họ tìm kiếm có tỷ lệ thống kê cao là: “EU là gì?, Tư cách thành viên EU là thế nào, Có lợi gì khi ở trong EU”, hay “Điều gì xảy ra nếu nước Anh rời khỏi EU”.

Một số tờ báo Anh hôm cuối tuần cũng cho hay có một xu thế (trend) gia tăng về tra cứu trên mạng về các chủ đề “Kết quả trưng cầu dân ý về Brexit có bắt buộc pháp lý hay không?” hay “Kết quả trưng cầu dân ý Brexit có thể đảo ngược hay không?” v.v…

Trong lúc đó, từ Brussels, nhiều lãnh đạo EU tuyên bố lấy làm tiếc về kết quả cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh, nhưng yêu cầu nước này “khẩn trương đàm phán” để ra khỏi EU càng sớm càng tốt.

Theo kế hoạch, thứ Tư tuần tới, 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ nhóm họp tại trụ sở khối này để bàn về quyết định của nước Anh và ứng phó.

Trong khi đó, đồng Bảng Anh được quan sát thấy đang rớt giá khá mạnh và thị trường chứng khoán quốc tế ở nhiều trung tâm tài chính quốc tế “chao đảo” với nhiều chỉ số cho thấy sự mất điểm đáng quan ngại.

Một trong các ngân hàng lớn tại trung tâm tài chính của nước Anh ở London, HSBC đã công bố họ sẽ di chuyển nhân viên từ London sang Paris.

Theo BBC

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt