Tập đoàn quân sự Thái Lan “xoay trục” qua Trung Quốc

TT Trung Cộng Lý Khắc Cường (giữa) và TT Thái Lan Prayuth Chan-ochan trong cuộc họp thượng đỉnh ASIANtại Mã Lai 22/11/2015

Nếu có một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, thì đó là cảnh tượng chiến đấu cơ Trung Quốc bay lượn trên bầu trời Thái Lan trong tuần này. Vào lúc Hoa Kỳ xoay trục qua châu Á, thì đồng minh truyền thống của Mỹ tại Đông Nam Á là Thái Lan lại nghênh đón cuộc tập trận đầu tiên với Trung Quốc, đối thủ của Hoa Kỳ. Trong một bài phân tích công bố hôm nay, 25/11/2015, hãng tin Pháp AFP không ngần ngại cho là Bangkok đang “xoay trục” về phía Bắc Kinh.

Theo AFP, kể từ khi quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính vào tháng 5 năm 2014 và sau đó lên cầm quyền, quan hệ Mỹ-Thái đã bắt đầu trắc trở, nhất là khi tại Bangkok lại xuất hiện một chính phủ quân sự độc tài, vẫn đẩy lùi vô thời hạn các cuộc bầu cử.

Quan hệ phần nào nguội lạnh với Mỹ như đã thúc đẩy tập đoàn quân sự Thái Lan hướng qua Trung Quốc, một nước vừa có tiền, vừa có một chế độ độc đoán, vừa rất vui khi chiêu dụ thêm được một nước nặng ký ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt khi đó là một đồng minh kỳ cựu của Hoa Kỳ.

Theo nhà phân tích chính trị Puangthong Pawakapan, trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, chính quyền Thái Lan hiện thời “rõ ràng là thoải mái hơn nhiều với Trung Quốc, bởi vì hai bên có cùng một ngôn ngữ của các thể chế độc đoán”.

Dấu hiệu chuyển trục qua Trung Quốc

Theo AFP, Bắc Kinh đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ. Ngay sau cuộc đảo chính, Trung Quốc đã công nhận lãnh đạo tập đoàn quân sự Thái Lan là tướng Prayuth Chan-ocha, trong khi Hoa Kỳ trái lại đã đình chỉ mọi chuyến thăm cấp cao đến vương quốc Thái.

Thậm chí, gần như là trong một chuyện tiếu lâm, mùa hè vừa qua, Ngoại trưởng Thái Lan, Tướng Tanasak Patimapragorn, đã gây sửng sốt khi dùng một hình tượng lãng mạn để nói về quan hệ đang nồng ấm giữa Bangkok và Bắc Kinh. Ông đã nói công khai trong cuộc họp báo chung có mặt Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng : “Tôi mà là phụ nữ, thì tôi sẽ yêu ngài ấy thôi”. “Ngài ấy” tức là ông Vương Nghị.

Song song với ngoại giao, các mối quan hệ về kinh tế, quân sự cũng phát triển tốt, nổi bật là dự án khổng lồ nhằm thiết lập mạng lưới đường sắt tại Thái Lan, với chi phí lên đến hàng tỷ euro, do Trung Quốc xây dựng. Ngoài ra, Thái Lan cũng đã nêu lên khả năng mua tàu ngầm của Trung Quốc, với kinh phí gần một tỷ euro.

Khía cạnh đen tối của quan hệ hữu hảo Thái-Trung

Trước mắt, nạn nhân của tiến trình cải thiện bang giao rõ nét giữa Bangkok và Bắc Kinh là những người từ Trung Quốc chạy sang Thái Lan trước đây với hy vọng tìm được chốn dung thân.

Trong tháng Bảy vừa qua, hơn một trăm người Duy Ngô Nhĩ đã bị Bangkok trục xuất về Trung Quốc, bất chấp những lời cảnh báo của Liên Hiệp Quốc về nguy cơ họ bị ngược đãi khi bị cưỡng bức hồi hương.

Tệ hại hơn nữa, đầu tháng Mười vừa qua, Thái Lan lại trục xuất thêm về Trung Quốc hai nhà đối lập Trung Quốc, trong đó có một người từng sống nhiều năm ở Thái Lan. Quyết định trục xuất này đáng chú ý vì được tiến hành bất chấp quy chế tị nạn đã được Liên Hiệp Quốc cấp cho họ.

Nhận định về chính đường lối xích lại gần Trung Quốc hiện nay của chính quyền quân sự Thái Lan, ông Paul Chambers, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, đã nêu bật chính sách thực dụng của giới quân sự, luồn lách giữa các mối quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ để thu lợi nhiều nhất.

Điều đáng ngại – như chuyên gia này nhận định – là việc trục xuất hai nhà ly khai Trung Quốc mới đây bất chấp phản ứng của Liên Hiệp Quốc, là tín hiệu “để cho Trung Quốc thấy rằng quân đội Thái Lan sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn để giúp Bắc Kinh”.

Theo RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt