Bản án dành cho kẻ “không giữ lời thề”

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Thực dân Pháp mở chiến dịch đàn áp VNQD Đảng, chúng bắt đầu thực hiện câu châm ngôn “Laisser dévolopper pour mieux réprimer” nhằm hốt trọn “hội kín” nguy hiểm này. Trong lúc này, Nguyễn Thái Học phải cải trang, lúc thì anh đeo râu giả, dùng thẻ thuế thân giả, ăn mặc như một nông dân, khi thì anh đội khăn, mặc yếm đóng vai đàn bà. Anh vẫn xuất hiện đấy chứ! Đến nỗi thiên hạ đồn rằng Nguyễn Thái Học có phép “tàng hình”. Có gì đâu. Nhờ sự quả cảm nên anh đã vượt qua sự bủa vây của kẻ thù trong gang tấc. Đầu của anh và Nguyễn Khắc Nhu được thực dân treo giá 5.000 đồng, nhưng chẳng ai dại dột điềm chỉ cả. Họ bảo: “Bắt làm sao được các ông ấy. Các ông ấy cho phát súng thì toi mạng, còn đâu mà ăn cái giải 5.000 đồng”. Thế mới biết quần chúng vừa tin yêu Nguyễn Thái Học vừa lại sợ uy tín của anh.
Có lần, mật thám đương hùng hổ khám xét nhà của một đồng chí, do không được thông báo nên anh vẫn ung dung bước vào nhà. Giữa lúc ngàn cân treo sợi tóc như thế này, tiến thoái đều lưỡng nan, nếu quay lui bỏ chạy thì chúng sẽ phát hiện ngay. Một ý nghĩ táo bạo như luồng điện chạy qua óc, anh bình tĩnh vào trong nhà, ngồi xuống ghế và bảo:

– Tôi là thư ký của làng này, các ông có cần lập biên bản không?

May mắn, lúc ấy quả thật viên thư ký của làng đi vắng thật nên không phát hiện anh đã đóng giả vai ấy. Thế là anh bình thản lấy giấy bút ra ghi biên bản cho chúng. Vóc dáng cục mịch và nét chữ xấu như gà bươi nên anh đã đóng vai này rất đạt. Sau khi bọn mật thám rút lui thì dân làng hết sức kinh ngạc – không ai hiểu được tại sao Nguyễn Thái Học ngồi sờ sờ ra đó nhưng không ai phát hiện được! Đã thế, trước khi đi chúng cũng không quên lịch sự bắt tay anh và… cám ơn!

Lại có lần, Nguyễn Thái Học trốn về Hải Dương, vào lúc bốn giờ sáng thì bọn thực dân và lính cơ về khám xét. Đang ngủ say và ngáy như sấm, những đồng chí vào đánh thức anh dậy. Biết có chuyện không may đang xảy đến, anh điềm nhiên cởi hết quần áo ra, rồi mặc bộ quần áo của thợ cấy, đi ngả sau ra ruộng cùng cuốc đất với nông dân. Bọn chúng vào khám xét không thấy gì liền rút lui. Hú vía!

Thoát được lần này, anh phải xuống Hải Phòng để chủ trì một cuộc họp quan trọng. Trong khi đi anh cải trang thành một ông già từ quê ra tỉnh với áo dài khăn đóng, vai vác dù, nách kẹp đôi guốc mộc. Anh chọn chuyến xe lửa xuất phát vào lúc bốn giờ rưởi sáng và ngồi ghế ở toa hạng ba. Không ngờ khi xe lửa sắp chạy có hai tên mật thám đang áp tải một đồng chí ngồi đối diện với anh. Nguyễn Thái Học bủn rủn tay chân. Gương mặt bê bết máu của người tù với đôi tay bị còng đang lén nhìn anh. không khéo léo xử trí tình huống này là bị phát hiện ngay. Anh nhổm người dậy định bước xuống, không kịp nữa rồi. Xe lửa đã chuyển bánh. Từng âm thanh đay nghiến trên đường ray vọng lên khô khốc. Tàu lửa chạy một hồi, anh đứng lên nói với bà cụ ngồi bên cạnh:

– Nhờ cụ giữ giùm tôi chiếc va li này, tôi đi giải một chút sẽ quay lại ngay.

Nói xong, anh đi thẳng về phía toa-lét mặc dầu bọn mật thám đang nhìn chòng chọc về phía anh. Bất cần. Bước vào đó, anh trút bỏ quần áo đang mặc và lao khỏi xe lửa. Thế là thoát!

Tưởng rằng Nguyễn Thái Học sẽ sợ hãi mà lẩn trốn tiếp, nhưng không, anh vẫn tiếp tục đón xe kéo về Hải Phòng. Khi đến cầu Hạ Lý, anh bèn điều đình với người phu xe là cho anh thuê lại chiếc xe với bộ quần áo với giá ba đồng. Người phu xe kinh ngạc, chẳng hiểu ất giáp gì nhưng cũng đồng ý cho anh thuê. Thế là anh lẳng lặng kéo xe lên cầu. Khi đến trạm gác thì tên lính vẫy anh lại:

– Lại đây! Có giấy tờ gì không?

Anh vui vẻ đáp:

– Chào sếp. Tôi đây mà sếp. Sếp có về thì tôi kéo về. Mọi ngày tôi vẫn thường kéo sếp đấy mà!

Câu chào hỏi thân thiện, lễ phép và bất ngờ đã làm hắn ngớ người ra. Một lúc sau, hắn nghĩ đây là người kéo xe quen nên để cho anh qua. Khi anh đến nơi thì đã có Nguyễn Thị Giang và các đồng chí ngồi đợi anh. Họ ngạc nhiên không rõ tại sao anh có thể đến đúng giờ hẹn như thế. Anh ngã người ra trên chiếc chõng tre sau khi đã một ngụm nước chè xanh và rít một hơi thuốc lào Vĩnh Bảo. Cô Giang ngồi bên cạnh quạt cho anh. Anh âu yếm nhìn vào mắt người yêu mà ngâm bài thơ của Nguyễn Khắc Nhu mới trao cho anh:

Nặng lòng ưu ái khó làm thinh
Dội máu nam nhi rửa bất bình
Cướp nước, chém cha quân Phú Lãng
Cháy thành, chết mẹ chú Ba-danh (Bazin)
Gian nan những xót người cùng hội
Tâm sự nào ai kể với mình
Hỡi hỡi anh em cùng gắng sức
Phen này quét sạch lũ hôi tanh

Bài thơ này đã mở đầu cho buổi họp, nhằm tìm kế hoạch liên lạc để động viên anh em đang bị giam trong Hỏa Lò giữ vững khí tiết.

Vào tháng 4/1929, tên Armoux – Tổng giám đốc công an Bắc Kỳ và tên Brides – Chủ tịch Hội đồng đề hình đã nhận được một tin quan trọng: Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí mình đang chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa đánh phá Hỏa Lò – nhân kỷ niệm Jeanne d’Arc, một nữ anh hùng của Pháp vào ngày 14/7 sắp tới để giải thoát tù nhân. Tin này đã làm cho bọn thực dân điên tiết và kinh hãi. Hằng ngày, Brides đích thân xuống tận xà lim C – nơi mệnh danh là Le tombeau vivant (Mồ chôn người sống) để răn đe các đảng viên VNQD Đảng. Hắn đã điên cuồng vung ba-toong đánh người tù tóe máu với câu quát tháo:

– Chúng mày liệu hồn. Bảo với Học là nó phải yên đi. Nếu xảy ra bất cứ một cuộc nổi loạn nào ở Hà Nội là tất cả chúng mày rơi đầu.

Người tù không im lặng, họ đáp:

– Các ông cướp nước chúng tôi với đủ quyền hành trong tay, các ông không bảo được ông Học thì chúng tôi như cá chậu chim lồng làm được gì nào?

Khi nhận được tin tức từ trong tù báo ra ngoài, Nguyễn Thái Học biết rằng kế hoạch này đã bị bại lộ, nên anh quyết định hoãn lại cuộc mưu phá Hỏa Lò.

Để đánh lừa chúng, anh phao tin là mình đã trốn sang Tàu. Anh đã chỉ thị cho một đảng viên là Nguyễn Văn Kinh, người tài xế ở Móng Cái đã từng làm việc ở khác anh Kinh làm ở khách sạn Việt Nam giấu trong người lá thư do chính anh viết. Và Kinh phải làm gì đó cho mật thám bắt, khi khám xét thì sẽ lòi ra bức thư này, như vậy bọn chó săn sẽ tin là anh đã trốn ra nước ngoài thật. Bức thư này lấy địa chỉ ở Quảng Châu ghi ngày 25/4/1929 với nội dung như sau:

Kinh,

Thái Học đồng chí nghe tin khác nào sét đánh bên tai. Mấy phen toan trèo non, vượt bể về thành sầu khổ, trước là tìm cách giúp ích cho đồng chí. Sau là xem mặt những lũ vô nhân loại bán nước buôn dân. Nhưng chưa thể về được. Lại phải đến ngày Fête de Jeanne d’Arc vậy! Đồng chí Thái Học nay nói cho đồng chí biết, cách hậu trình đi xuyên sơn hoặc đi thuyền không chừng. Sau này xin đồng chí chớ nên nản lòng. Xem như đồng chí bao năm góc bể, chân trời, lao  tâm, khổ tứ, ấy cũng chỉ vì trông thấy cái chế độ cường quyền áp chế đồng bào Việt Nam mình. Nếu đồng chí nay phải ly biệt gia đình ra, ấy cũng bởi vấn đề khôi phục giang san, mong có ngày hai mươi nhăm triệu đồng bào thoát khỏi vòng nô lệ. Đồng chí nghĩ sao?

Thư riêng cho Kinh và em của Trác, nhưng phải cẩn thận (Xem xong đốt đi).

Đúng như dự kiến của Nguyễn Thái Học, Kinh bị mật thám bắt thật. Kinh bị bắt giải về Hà Nội, tại đây Kinh đã chạm mặt Brides. Tương kế tựu kế, hắn đã tìm cách mua chuộc Kinh sau khi cho nếm mùi tra tấn tàn nhẫn. Hắn ra lệnh thả Kinh. Được thả tự do, Kinh về nằm nhà ở Phủ Lạng Thương nghỉ ngơi, thời gian sau không thấy Kinh hoạt động, hắn ra lệnh bắt lại. Vừa khủng bố tinh thần kiểu đó, hắn lại vừa huấn luyện cho Kinh thêm nghề gián điệp. Kinh hoàn toàn sa vào bẫy. Những cơ sở bí mật của Đảng đã bị Kinh khai tuốt luốt và dẫn mật thám đi tìm bắt Nguyễn Thái Học ở những nơi mà anh thường lui tới. Đứng trước một tình thế nguy hiểm như thế này, tòa án Cách mạng tối cao của Đảng được thành lập: Tuyên án tử hình Nguyễn Văn Kinh. Người chịu trách nhiệm thi hành bản án này là Ký Con, bí danh của Đoàn Trần Nghiệp. Anh là một nhân vật quan trọng trong Đảng, đã từng giữ chức trưởng ban ám sát để trừng trị bọn mật thám và bọn phản bội. Căn nhà số 56 Hàng Bạc của anh liên tục có người theo dõi. trước khi vào Đảng, anh làm thuê ở hiệu buôn Godard và tại đây anh có quen với một người bạn tên Vũ Trọng Phụng – mà sau này trở thành nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm như Giông tố, Vỡ đê, Số đỏ v.v… Thái độ phê phán không khoan nhượng vào xã hội thối nát của nhà văn họ Vũ, ít nhiều có sự tác động sau những lần trò chuyện tâm tình với Ký Con. Theo ảnh truy nã của mật thám thì anh người dong dỏng cao, da trắng xanh, miệng cười tươi và hai môi đỏ như son. Lúc vào Đảng, anh nhỏ con và làm thư ký coi kho cho khách sạn Việt Nam – cơ quan kinh tài của Đảng – nên được mọi người gọi đùa là Ký Con.

Vào buổi tối đẹp trời, ăn mặc thật đẹp như một công tử, Ký Con lận súng vào người đến tìm gặp Trần Đức Chính – một thanh niên yêu nước vừa tròn mười chín tuổi – anh bảo:

– Thằng Kinh phản Đảng rồi. Tối nay anh đến bảo thằng Kinh là tôi mời hắn đi hát cô đầu. Sau đó, anh dắt hắn ra vườn Bách Thảo.

Ký Con dừng lại, anh hạ giọng nói khẽ:

– Con dao này là của Đảng giao cho anh. Anh giữ lấy. Khi đến vườn Bách Thảo, hễ tôi bắn hắn xong thì anh cầm dao này đâm vào cổ hắn. Nhớ lấy giấy lót vào chui dao. Đâm xong, cầm giấy mà đi, để dao lại. Làm như thế thì bọn mật thám không tìm được vết tay mình in ở chui dao. Anh rõ chưa?

Trần Đức Chính gật đầu:

– Mệnh lệnh của Đảng đã ban hành, tôi xin chấp hành.

Tối đó, bóng trăng đang lả lơi trên vòm cây xanh, những đôi tình nhân dìu nhau đi trên phố. Hà Nội vẫn yên tĩnh. Đúng hẹn, Chính và Kinh đã đến vườn Bách Thảo. Họ ngồi chờ Ký Con. Kinh đang nghĩ đến chầu hát tối nay và nghĩ đến những công việc mà Brides đã giao phó. May quá, chưa ai trong Đảng biết mình đã nhận tiền làm việc cho Brides. Kinh ngửa mặt nhìn lên vòm trời lồng lộng và khe khẽ hát một làn điệu ca trù:

Hồng hồng tuyết tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi!

Kinh hát hết bài đó nhưng Ký Con vẫn chưa đến. Chính trong lòng đang lo lắm, anh vẫn giữ im lặng. Kinh lại gõ tay xuống ghế và hát:

Trống chầu lên ngón tự nhiên
Chát tom, tom chát bốn bên ba bề
Tiếng vào giữa, tiếng ra khe
Tiếng nâng dưới phách, tiếng đè lên trên
Nghề hát xướng roi chầu làm chuẩn đích
Trống làm sao mà khúc khích chị em cười…

Kinh mới hát đến đó thì ngay từ phía sau đã xuất hiện một bóng đen. Đó là Ký Con. Anh chĩa súng bắn chính xác vào đầu Kinh. Một dòng máu phụt ra. Kinh ngã người xuống ghế dài. Ngay lập tức, Chính rút dao ra đâm vào cổ tên phản Đảng. Do lúng túng nên anh cắm vào ngay sườn. Máu phun thành dòng như mạch nước ngầm. Lưỡi dao ấy vẫn cắm phập. Ký Con ung dung móc ví của Kinh nhét vào đó bản án gồm bốn chữ “không giữ lời thề” và đút lại vào túi như trước. Sau đó, hai anh em leo lên xe đạp mà phóng đi. Sự việc xảy ra quá mau chóng như trong chớp mắt. Không ai phát hiện gì cả. Hà Nội vẫn yên tĩnh. Đó là ngày mồng 6/10/1929, năm đó Kinh vừa tròn hăm hai tuổi.

Tin Kinh bị ám sát chết đã làm cho Brides sửng sốt. Hắn không ngờ mới mua chuộc được một tên phản Đảng thì đã bị thanh trừng rồi! Điên lên như con lợn bị chọc tiết, Brides thẳng tay đàn áp những tù nhân trong Hỏa Lò. Cũng không xong. Hắn chuyển sang thủ đoạn dụ dỗ và mua chuộc những đảng viên VNQD Đảng đang ngồi tù. Trong số này có một nhân vật đáng chú ý là nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện – ủy viên tuyên truyền của Đảng – đã từng có mặt trong nhóm Nam Đồng Thư Xã và được kết nạp vào Đảng rất sớm. Hắn gọi anh lên văn phòng tiếp đón ân cần và vuốt ve: Nếu anh chịu viết lá thư gọi được Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu ra đầu thú thì anh sẽ được trả tự do ngay. Triện kiên quyết từ chối:

– Thưa ông, ông đã biết được kỷ luật sắt và máu của Đảng tôi. Nếu tôi làm việc đó mà có được tự do thì cũng chung số phận như Kinh mà thôi. Tôi hiểu được thiện chí của ông, nhưng xin ông cho tôi được từ chối nhiệm vụ mà ông đang giao phó. Nó vượt ra ngoài khả năng của tôi.

Trả lời cho lời nói cương quyết ấy là một cú ba-toong quất thẳng vào mặt Triện. Brides rú lên:

– Tao hiểu tâm trạng của mày. Nhưng mày nên suy nghĩ cho thấu đáo. Nếu Học và Nhu ra đầu thú thì được hưởng ân huệ của mẫu quốc. Còn mầy, được tự do, bảo toàn được mạng sống mà hoạt động cho Đảng, hơn là chết rục xác trong tù. Mày nghe tao nói đúng không?

Triện lắc đầu, Brides nhỏ nhẹ:

– Mạng sống con người quý nhất là sự tự do. không có sự tự do thì sống cũng như loài cầm thú. Mày đã quên bài thơ mày đã viết năm mười bảy tuổi đã từng in trên tờ Tân Bắc Tân Văn à?

Triện lạnh xương sống. Tên cáo già này biết rõ về mình thế à? Lời thơ bay bướm vừa thoáng qua trí nhớ của anh thì Brides đã đọc:

– Mày có nhớ không? Tao đọc lại cho mày nhớ nhé.

Làm kiếp chim bằng ta tự do
Trời Nam bể Bắc rộng khôn do
Dặm khơi chín vạn bay tung cánh
Trút sạch trần gian trăm mối lo

Có đúng là thơ của mày không?

Triện không trả lời. những ngày đầu tiên gặp Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Mịch… lại hiện về trong trí nhớ của anh. Đó là những ngày họ thảo luận sôi nổi nên thực hiện cách mạng theo lối “hòa bình cách mạng” hay chủ trương “bạo động cách mạng”. Đó là những ngày đi lang thang trên đường phố Hà Nội, ấn tượng dữ dội đập vào mắt anh là những chàng thanh niên gầy còm,  ốm yếu bước vào hút thuốc phiện. Hỡi ôi còn đâu là nhuệ khí của dân Việt? Chính Nguyễn Thái Học đã phân tích cho Triện nghe về thủ đoạn của chính sách mà bọn thực dân cho dung dưỡng mua bán thuốc phiện. Chúng cho trồng cây thuốc phiện tại vài tỉnh trên thượng du, nhiều nhất là Hà Giang và độc quyền nấu nhựa thành thuốc để độc quyền bán. Nhà bán thuốc phiện lẻ gọi là ty, có cắm cờ Tam Tài (cờ nước Pháp) có ghi rõ hai chữ R.O (Régie d’Opium: Độc quyền thuốc phiện). Giữa lúc thanh niên sa ngã vào bàn đèn, cô đầu thì ngay khi gặp gỡ đầu tiên Nguyễn Thái Học lại nói với anh về đồng bào, về hồn nước. Vậy lẽ nào bây giờ mình lại phản bội lý tưởng khi đã gia nhập vào Đảng của Học? Anh đang suy nghĩ lan man như thế thì Brides vỗ vai anh:

– Thế nào? Đã suy nghĩ chưa về sự tự do hả mày?

Triện lắc đầu. Brides đập tay xuống bàn. Chỉ chờ vậy, hai thằng hộ pháp đang đứng hai bên bỗng lồng lên như con chó sói bị bỏ đói lâu ngày thấy miếng mồi ngon. Hai thằng nhảy sổng vào người Triện. Chúng đánh đập anh tơi bời. Triện mửa ra máu và ngã gục. Một xô nước lạnh xối vào người anh. Triện tỉnh dậy. Anh thấy trời đất quay cuồng. Brides rút súng chĩa vào thái dương của Triện:

– Mày không viết lá thư đó thì tao bắn ngay!

Nòng súng đen. Lạnh ngắt. Không gian như đông đặc lại. Brides lại rú lên:

– Mày viết không?

Triện chưa kịp trả lời. Một cú đá hiểm hóc tống ngay vào bụng Triện. Anh quặn người. Nôn thốc ra một búng máu đỏ tươi.

Hành động xuất quỷ nhập thần của đảng viên VNQD Đảng nhiều phen đã làm Brides điên tiết, hắn tuyên bố nếu Nguyễn Thái Học bạo động thì tất cả những đảng viên bị giam cầm ở Hỏa Lò sẽ bị xử bắn hết. Sở mật thám lúc này càng khủng bố và truy lùng gắt gao lãnh tụ VNQD Đảng. Hoạt động của Đảng đang sa sút và phạm vi hoạt động cũng đang bị thu hẹp lại. Giữa lúc này, Nguyễn Thái Học tỏ ra tích cực trong việc củng cố lại Đảng. Chính anh đã thảo ra bản “Tu Chính” điều lệ Đảng – trong đó có những điều mà anh nhận thức được từ thực tiễn của Đảng Cộng sản đang hoạt động – đó là tuyệt đối giữ gìn bí mật Đảng, tổ chức nhóm chiến đấu, phụ nữ đoàn… sinh hoạt bên cạnh Đảng. Giữa lúc gian nan này, các lãnh tụ VNQD Đảng đã có một hội nghị quan trọng họp tại Lạc Đạo (nơi giáp ranh hai tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên) vào ngày 17-9-1929. Cuộc họp toàn quốc kể từ sau ngày xảy ra vụ ám sát Bazin. Trong hội nghị này đã nảy ra hai chủ trương nhằm đối phó lại tình huống đang nguy ngập của Đảng. Chủ trương thứ nhất cho rằng, lúc này phải tổ chức lại Đảng để bảo vệ, bảo toàn lực lượng của Đảng. Chủ trương thứ hai là cần phải tiến hành ngay cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, vì lúc này thực dân Pháp chưa phá vỡ được hẳn tổ chức Đảng, nếu kéo dài thời gian chuẩn bị thì sớm muộn gì các đảng viên đều rơi vào nanh vuốt của kẻ thù. Và sẽ không còn cơ hội khởi nghĩa được nữa. Cuộc họp này đã chia rẽ nội bộ VNQD Đảng. Nhóm chủ trương thứ nhất cho rằng, nếu manh động khởi nghĩa thì dễ thất bại, Pháp sẽ khủng bố và Đảng có thể đi vào con đường tiêu diệt.

Tranh chấp dữ dội, cuối cùng chủ trương thứ hai của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đã thắng.

Khi thảo ra kế hoạch khởi nghĩa thì các lãnh tụ VNQD Đảng đã tính đến lực lượng trong và ngoài nước. Và xúc tiến việc chế tạo vũ khí, tổ chức các vụ tống tiền nhằm bổ sung quỹ của Đảng v.v…

Cơ sở chế tạo vũ khí đầu tiên của Đảng đặt ở làng Mỹ Điền (Bắc Giang). Vào ngày 31/9/1929 do bất cẩn trong khi chế tạo vũ khí, một vụ nổ bom đã xảy ra. Tiếng nổ dậy trời. Tường nhà sập. Mái nhà bị hất tung. Người chế tạo bom bị dập nát xương thịt. Mặt mày cháy sém. Máu me đầy người. Sự việc vỡ lở, chủ nhà là Lương Văn Trạm cùng đồng chí của mình bị mật thám bắt tra tấn tàn nhẫn, nhưng kẻ thù vẫn không lấy được lời khai nào! Trong các loại vũ khí được chế tạo, ngoài kiềm, dao ra, Nguyễn Thái Học rất chú ý đến bom và lựu đạn. Hai loại này, khi chế tạo xong chưa dùng đến thì buộc lòng phải chôn để bọn mật thám không phát hiện được. Ngày 20/11/1929, tình cờ bọn chúng khám phá ra ở Phao Tân có 67 quả bom giấu trong một cái chum chôn dưới đất. Ngày 23/12/1929 tại Nội Viên (huyện Tiên Du – Bắc Ninh) hai chum bom chôn ở một gò cao giữa đồng cũng bị phát hiện. Nguyên nhân là do thấy vết đất mới đào, bọn trẻ chăn trâu đã tò mò đào lên lại… Biết chuyện viên quản ấp Nội Viên phải báo cho quan huyện. Huyện về khám thì phát hiện ra 84 quả bom. Dân làng sợ bị liên lụy nên bỏ trốn sạch. Khám trong ấp thì chúng tìm được những mảnh gang, dây thép gai, tài liệu chế tạo bom do chính Nguyễn Thái Học ghi ra! Thế là tất cả các loại bom, lựu đạn vào cuối năm 1929 do VNQD Đảng sản xuất ở các vùng Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Kiến An, ngoại thành Hà Nội (vùng quanh sân bay Bạch Mai, ấp Thái Hà…) v.v… đều bại lộ. những điều nầy đã gây lúng túng cho Đảng vì thực dân đã đánh hơi được mọi sự công việc khởi nghĩa của VNQD Đảng nên bủa vây, khủng bố gay gắt hơn bao giờ hết.

Đã thế, ngày 8/10/1929 sau hai ngày mà Ký Con ám sát tên Nguyễn Văn Kinh phản Đảng, một đảng viên tâm huyết của Đảng là Ngô Đức Thụ đem bạc giả từ Tàu về bổ sung cho nguồn kinh phí của Đảng cũng đã bị thực dân bắt. Đến nước này, Nguyễn Thái Học lại phái người sang Quảng Tây để cầu viện. Tất cả mọi người đều nôn nóng chờ đợi tin tức. Nguyễn Khắc Nhu đã tâm sự với Nguyễn Thái Học bằng hai câu đối:

Tinh thần chớp nhoáng muôn non ngắn
Tin tức chậm ghê khoảng khắc dài

Thế rồi sự việc cầu viện nầy cũng không đem lại kết quả khả quan nào. không nản chí, Nguyễn Thái Học lại đưa người đi cầu viện ở nước ngoài. Muốn thành công thì phải có người đầy đủ uy tín với giới chính trị quốc tế. Họ nghĩ ngay đến cụ Phan Bội Châu. Từ năm 1928 cụ Phan đã nhận làm Chủ tịch danh dự của Đảng, và rõ ràng chỉ có cụ mới đủ danh nghĩa để thực hiện ý đồ nầy. Thế là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu đề ra kế hoạch tổ chức đưa cụ Phan xuất dương lần nữa. Sẽ có năm chiếc xe ôtô thay phiên nhau đưa cụ Phan từ Huế sang Trung Quốc. Tiếc thay, thực dân Pháp đã đánh hơi được ý đồ này nên giám sát cụ rất ngặt. Cụ không thể rời Huế mà thực dân không biết. Vậy là kế hoạch này thất bại.

Tất cả những điều trên cho thấy, VNQD Đảng đang bị dồn vào thế chân tường và buộc lòng mau chóng bước sang giai đoạn chống đối công khai bằng võ lực. Họ liên hệ với việc Kinh Kha san Tần giết Tần Thủy Hoàng không thành công, nhưng hy sinh vì đại nghĩa vẫn được muôn đời sau khâm phục. Nguyễn Thái Học đã nêu lên khẩu hiệu “không thành công cũng thành nhân” đã được các đảng viên VNQD Đảng chấp nhận. Trên tinh thần đó, ngày 25/12/1929 một cuộc họp lớn tổ chức ở Võng La – một làng ven sông Đà (Phú Thọ). Sở dĩ họ chọn nơi này vì làng có nhiều đảng viên, nhiều người cảm tình với Đảng. Hơn nữa làng này xa trung tâm Hà Nội – tránh được cái mũi đánh hơi sục sạo của bọn chó săn, đồng thời có đường thủy, đường bộ thuận lợi cho việc bố trí canh gác phát hiện địch từ xa.

Điều mà các yếu nhân VNQD Đảng không ngờ tới là cuộc họp này đã có người mật báo với Riner – thanh tra Sở mật thám. Kẻ đó là Đội Dương. Hắn nguyên là sinh viên trường Y, sau khi tốt nghiệp lại đâm đầu vào lính. Khi Đảng mới thành lập thì hắn đóng quân ở Chùa Thông, Nguyễn Thái Học đã lên đó tuyên truyền và giác ngộ được hắn vào Đảng. Sau một thời gian dài thử thách về lòng trung thành, hắn được cử làm trưởng ban Binh vụ, mà lúc Đảng đang thiếu người phụ trách. Dương đã được Đảng giao nhiệm vụ chôn giấu 700 quả bom quanh khu vực Bạch Mai để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới. Bố của Dương là Giáo Du biết được chuyện này, sợ quá y bèn bắt Dương ra đầu thú với quan Tây.

Vừa bước chân vào nhà ông Lý Cả để bắt đầu cuộc họp, Phó Đức Chính đã tinh mắt thấy thái độ lúng túng, không bình thường của Dương. Anh vội kéo Nguyễn Thái Học vào nhà sau và khuyên nên đề phòng.

Khi bước ra lại thì trên mặt bàn đã đặt một khay trà. Ba lãnh tụ của VNQD Đảng là Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính cùng ngồi trò chuyện với Dương. Mặt Dương không rõ sao hôm nay lại men mét, rịn ra những giọt mồ hôi. Thái độ không được tự nhiên lắm. Thỉnh thoảng hắn lại kín đáo liếc xem đồng hồ, như có hẹn với ai vậy. Lúc đó, từ phía trạm gác báo tin là có xe ô tô của địch đang qua phà Trung Hà và hướng về phía Võng La.

Lập tức, Dương đứng phắt dậy. Hắn thò tay vào túi quần, rút ra khẩu súng bắn vào các lãnh tụ VNQD Đảng. Tiếng đạn nổ đanh. Mọi người nhốn nháo cả lên. Nhanh như chớp, Nguyễn Khắc Nhu co chân đạp chiếc bàn vào người Dương. Hắn ngã lăn ra. Thừa cơ ấy, mọi người bỏ chạy tán loạn. Dương bật người ngồi dậy. Hắn nâng súng lên bắn vào Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính. Anh Chính bị đạn ghim vào dưới vú. Viên đạn này lặn vào thịt. Mãi mãi không bao giờ anh lấy ra được. Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính ngã lăn ra giả chết. Tưởng thật, Dương và đồng bọn bỏ đó, một tay cầm súng, một tay dắt xe đạp vội rượt theo Nguyễn Khắc Nhu.

Nguyễn Khắc Nhu chạy ra ngoài đồng đã được một nông dân có cảm tình với Đảng cho mượn ngay chiếc cuốc, chiếc nón lá giả làm một lão nông dân. Trong khi đó, Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính cũng đứng dậy tẩu thoát. Vì đang bị thương nặng, không thể chạy được, Phó Đức Chính được Cô Giang và đồng đội của mình đem giấu trong một đống rơm. Nguyễn Thái Học cũng chạy theo lối tắt ra đồng, một nông dân đang đập đất thấy anh vội vàng cởi áo tơi mặc lên người anh, chụp trên đầu anh cái nón lá và trao luôn cả cái vồ đập đất. Còn lão nông dân thì vơ điếu cày ra ngồi đầu bờ ruộng canh chừng cho anh. Anh giả vờ đập đất rồi vác cuốc lùi ra khỏi làng Võng La, tìm đến nhà một đồng chí ở làng kế cận để dễ cải trang rồi rút về Hải Dương.

Các lãnh tụ VNQD Đảng đã chạy thoát hết. Đội Dương vì không rành địa thế của Võng La nên không dám đuổi theo, hơn nữa hắn cũng bị các vệ sĩ của Đảng bắn trả dữ dội trong cuộc hỗn chiến này. Khi nghe tiếng súng báo hiệu của Dương ngay lúc ban đầu, bọn mật thám cũng ập vào làng để bắt các nhà cách mạng. Chúng bắt tất cả dân làng phải tập họp lại để chúng nhận mặt, mặt khác chúng sục vào từng nhà một để khám xét. Thế nhưng, chúng không bắt được một đảng viên nào cả. Điên tiết, bọn chúng nổi lửa lên đốt cả làng Võng La, bắt dân chặt hết tre ngoài lũy rồi đuổi dân đi. Mãi về sau, do kiên trì đấu tranh những người dân này mới được về làng cũ.

Việc Đội Dương phản Đảng, dám cả gan cầm súng bắn vào các lãnh tụ là một tội lớn. Một tòa án tối cao đã được thành lập Vĩnh Yên do Nguyễn Khắc Nhu chủ trì đã quyết định: phải xử tử Đội Dương. kế hoạch này, Ký Con – trưởng ban ám sát của Đảng – đã giao cho em ruột Nguyễn Thái Học là Nguyễn Văn Nho thi hành.

Nguyễn Văn Nho nguyên là học sinh lớp nhất trường tiểu học Pháp Việt Việt Trì. Anh bị thực dân đuổi học vì là em ruột của Nguyễn Thái Học đã chống đối lại nhà nước Bảo hộ. Năm đó, Nho mới mười bảy tuổi nhưng rất gan dạ, xung phong nhận nhiệm vụ vẻ vang này. Ký Con xét thấy Nho còn ít tuổi, thiếu kinh nghiệm nên đã cử thêm Nguyễn Xuân Huân – một tay thiện xạ đi theo trợ giúp.

Vào buổi chiều ngày 22/1/1930 trời Hà Nội dường như mây thấp hơn. U ám. Gió rét. Đường phố nhộn nhịp người đi lại, xe cộ tấp nập. Một anh phu xe đang còng lưng, rướn hết sức để kéo một người đàn ông sang trọng. Miệng thở phì phò, mồ hôi toát ra đầm đìa, làm kiếp người ngựa sao mà khổ thế này. Anh ta thở hồng hộc. Mặt cúi gầm xuống đất, chân rảo nhanh. Đã sắp đến nhà của khách rồi. Anh ta đi chậm lại. Bỗng lúc đó có hai người thanh niên xuất hiện. Họ chặn đầu xe lại. Hai người này da trắng trẻo, đầu đội mũ, chân mang giày trông hết sức lịch sự. Họ nói với người đàn ông đang ngồi trên xe:

– Thưa thầy, cho phép con được thưa một việc.

Gã đàn ông dậm chân mạnh xuống xe:

– Dừng lại!

Người kéo xe dừng hẳn lại. Gã nói tiếp:

– Cút xéo!

Tội nghiệp người phu xe khúm núm:

– Thưa ông cho thêm tiền ạ!

Lập tức gã quát tháo:

– Đồ con lợn! Thêm tiền gì nữa?

Tiện tay, gã đàn ông cởi chiếc thắt lưng da đang đeo ngoài bụng, nhấp nhoáng một chiếc khóa đồng. Gã cầm chiếc thắt lưng ấy quật vào mặt người phu xe:

– Con lợn cứng đầu! Cút ngay!

Người phu xe ôm mặt máu đứng chịu trận. không thể nhìn cảnh thảm thương ấy được, một người thanh niên đã móc trong túi ra hai xu dúi vào tay anh phu xe.

– Thêm tiền cho anh đây! Anh đi ngay đi!

Nói xong liền quay lại phía người đàn ông:

– Thưa thầy có thư của quan lớn gửi cho thầy. Con xin trình thầy.

Gã đàn ông nheo mắt, hắn ngạc nhiên. Thư từ gì không đưa nơi công sở mà đưa giữa phố xá như thế này. Suy nghĩ như thế nhưng hắn cũng đưa tay cầm. Và cúi xuống đọc. Lập tức, nhanh như chớp người thanh niên trẻ tuổi, da trắng đã móc súng lục trong người ra. Anh bắn ngay hai phát vào ngực của gã. Gã lảo đảo ngã xuống, trên tay còn cầm bức thư mà gã chưa kịp đọc hết: “Nước mất nỡ ngồi yên! Đạo trời đâu có thế! Cha con Giáo Du đã phụ lời thề, cam tâm làm tay sai cho giặc. Tiết lộ bí mật của Đảng! Phản bội đồng chí. Phải chịu tội tử hình trước Đảng, trước quốc dân! Tòa án cách mạng VNQD Đảng”. Người bị bắn chết là Giáo Du – cha của Đội Dương. Hai thanh niên sau khi làm xong nhiệm vụ đã trốn thoát. Họ đi đâu? Ít ai ngờ tới là họ đã liều lĩnh đến nhà số 34 ngõ Hồng Phúc – nhà của Đội Dương. Họ gõ cửa dồn dập. Một cô gái bước ra hỏi:

– Các ông hỏi ai ạ?

– Ông cụ đã bị cảm ngất xỉu cạnh chợ Đồng Xuân, thầy Đội Dương và cô sao không đi dìu ông cụ về?

Cô gái hoảng hốt:

– Thầy tôi bị ngất à? Còn anh Đội Dương của tôi đã đi Bạch Mai không có ở nhà! Khổ quá!

Một người thanh niên đáp:

– Vậy à? Thôi, cô ra khiêng ông cụ về nhà mà chăm sóc cho ông cụ nhé.

Nói xong, hai thanh niên nhanh chân bước ra ngoài lẫn vào trong đám đông. Đường phố vẫn tấp nập. Chiều xuống dần. Rét hơn. Thế là vẫn chưa giết được tên Đội Dương. Sau khi thực hiện hành động đê hèn ở Võng La, Đội Dương được Phủ toàn quyền phong cho “Mề đay tím” và hàm “Hồng lô tự thiếu khanh”. Mỗi tháng được lãnh một ngàn đồng và được đặc phái sang làm ở thanh tra mật thám Bắc Việt. Cái chết của Giáo Du đã khiến cho Dương đề phòng cẩn mật hơn. Nguyễn Văn Nho và Nguyễn Xuân Huân phải rình rập theo dõi mãi, đến ngày 24/4/1930, nghĩa là phải mất ba tháng sau họ mới có cơ hội để xử tử tên phản Đảng này.

Đó là lúc trên phố Cửa Đông, hai thanh niên này đã bắn Dương thòi ruột. Hắn đã vùng dậy rút súng bắn trả lại, nhưng viên đạn lại ghim vào đùi người phu xe. Sự kiện ám sát cha con Giáo Du được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật đã gây tiếng vang lớn. Danh tiếng của VNQD Đảng ngày càng lan rộng trong thanh niên. Đội Dương đã được Pháp đưa sang Paris chữa chạy. Giữa kinh đô ánh sáng hoa lệ, lệnh truy nã vẫn bám theo hắn. Một Việt kiều là đảng viên VNQD Đảng đã bắn hắn ngay tại bệnh viện ở Paris.

Lê Minh Quốc

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt