Nguyễn Thái Học Một vụ ám sát chấn động Hà Nội…

Nguyễn Thái Học (1902-1930)

Hà Nội, 1929. Chiều ba mươi Tết năm Mậu Thìn. Những vòm cây đang run rẩy trong gió lạnh. Phất phơ những cơn mưa phùn. Rét lạnh. Không gian xám xịt. Những người phu như con ngựa đang cố sức kéo chiếc xe cao su kín mít như bưng, họ thở hồng hộc nhưng vẫn thấy lạnh. Mọi người đều vội vã trở về nhà. Đâu đó vọng lại tiếng pháo đì đùng tống biệt năm cũ. Chiều cuối năm buồn não ruột. Từ hãng buôn Godart trên phố Tràng Tiền sau khi tan sở, cô đầm lai Germaire Carcelle đã ra phía hồ Gươm để đến một hàng phở. Tại đây có gánh phở đặt ngay bên lề đường, khách đứng ăn xì xụp. Ả cũng gọi một tô nhiều thịt.  Mọi người xầm xì, người nọ nói với người kia:

– Chà! Phở ngon thật. Ngay cả ả đầm cũng đến đây ăn!

Nhưng rồi mọi người đều bất ngờ và tức giận khi ả đặt tô phở xuống đất, miệng gọi “Tôtô”, ra hiệu cho con chó lông xù đến ăn. Chừng như không thấy ngon miệng, nên con chó chỉ ngửi qua, ngoe nguẩy vẫy đuôi bỏ đi. Mọi người đều phẫn nộ nhưng họ chỉ trơ mắt ngó. Ả đầm điềm tĩnh mở ví trả tiền. Ả tuột tay để con chó xổng xích. Chừng như sợ chủ sẽ bắt ăn món không ngon nên con Tôtô chạy quýnh lên. Nó vượt qua đường. Ngay lúc đó có một chiếc ôtô trườn đến. Bánh xe lăn qua mình con chó đú đởn này. Nó chỉ kịp kêu ăng ẳng mấy tiếng rồi chết như… chó chết.

Ả đầm tức giận. Bước đến chỗ chiếc ô tô đang dừng lại, ả xỉa xói vào mặt chủ xe. Anh tài xế là người Việt khúm núm vừa mở miệng xin lỗi và xin bồi thường thì ả đã vung tay. Năm ngón tay mềm mại nhưng chứa đầy sự giận dữ đã tát thẳng vào mặt anh ta:

– Mày liệu hồn! Đồ con lợn!

Lúc đó, trong đám thực khách có một người thanh niên giận dữ, anh cầm tô phở đang ăn, bước đến và ném thẳng xuống chân ả đầm, anh buột miệng nói:

– Sale race! (giống kinh tởm!)

Ả kinh ngạc khi có một người An-nam-mít mà ả đã từng miệt thị lại dám nói với ả như thế. Ả quay lại thì nhận ra người thanh niên Việt Nam này cùng làm chung ở hãng Godart với ả, anh ta tên là Đoàn Trần Nghiệp.

Những người hiếu kỳ bu lại xem rất đông. Cảnh sát đến lập biên bản. Đoàn Trần Nghiệp vẫn đứng đó, anh ném về ả một cái nhìn khinh bỉ. Trong khi cảnh sát làm việc thì anh nghiêm nét mặt nói với đám đông:

– Avec cette poupée prétensieuse, Le France risque de perdre l’Indochine! (Với con búp bê kiêu hãnh này, có thể nói rồi nước Pháp sẽ mất cả Đông Dương).

Mọi người cười ồ lên và vỗ tay tán thưởng câu nói đó. Ả đầm cúi mặt.

Bây giờ, trên đường trở về nhà, nghĩ lại câu nói đó ả còn thấy ấm ức. Ngày mai phải báo cáo với sếp tống cổ tên này ra khỏi hãng thôi. Ả lầm bầm: “Câu nói đó là tư tưởng của bọn phản loạn”. Đường về nhà sao dài thế? Ả đang nôn nóng vì gã tình nhân sẽ đến với ả tối nay. Nghĩ đến vòng tay rắn chắc, khỏe mạnh của tình nhân ả khẽ hát “J’ai deux amours. Mon pays et Paris là lá la…”, một ca khúc thịnh hành thời bấy giờ.

Đúng vào lúc hai mươi giờ, từ ngôi nhà của ả đầm lai ở số 110 Chợ Hôm, (*)***** Nay là phố Huế.***** một người đàn ông Pháp bước ra. Đến trước cửa, hắn dừng lại cúi xuống hôn cô tình nhân bé bỏng một nụ hôn đắm đuối và nói nhỏ: “Đêm nay, anh sẽ mơ thấy em”. Ả cười khúc khích. Người đàn ông buông tay ả ra và băng qua đường.

Trước lúc bước lên chiếc xe hơi bóng lộn hiệu Hotchkiss sơn màu bleu royal đang đợi bên kia đường, hắn không quên đưa tay lên môi để từ biệt người yêu một cách kiêu hãnh. Tài xế bắt đầu nổ máy. Đột ngột lúc đó có hai người thanh niên xuất hiện. Gương mặt họ rắn rỏi. Môi mím chặt. Trông họ có dáng dấp của người trí thức. Họ mặc Âu phục. Đầu đội mũ nỉ sang trọng. Một người lịch sự cúi vào trong xe và nói bằng tiếng Pháp:

– Thưa ông, có lá thư của một người quen gửi cho ông.

Hắn nhíu mày ngạc nhiên nhưng vẫn cầm lấy lá thư. Hắn vừa liếc nhìn chỗ ghi tên người gửi là Hãng tàu buôn Bạch Thái Bưởi và mở thư ra đọc – thực chất đây là bản cáo trạng dành cho hắn – lập tức một thanh niên đã rút súng ra bắn vào ngay đầu hắn. Ba tiếng súng nổ đanh. Tia lửa sáng rực. Đạn xuyên qua hàm. hắn gục xuống. Nghe tiếng súng nổ, người tài xế tên là Nguyễn Văn Ty sợ quá nằm ép trong xe. Đợi lúc hai thanh niên đi khỏi, Ty mới dám ngồi dậy tri hô lên. Ả đầm Germaire Carcelle sợ hãi chạy thụt vào trong nhà, chỉ dám nhìn qua khe cửa. Liền lúc đó có ông Weill – bạn thân của nạn nhân chạy đến. Hắn được đưa vào bệnh viện Lanessan, nhưng dọc đường đã tắt thở…

Người đàn ông Pháp bị bắt chết ngay giữa Hà thành này là ai?

Hắn là Bazin – Giám đốc Sở mộ phu, chuyên nghề mua bán nô lệ, có thế lực nhất ở Bắc Kỳ, có một vợ ba con, đang cư ngụ tại ngôi nhà số 35 phố Félix Faure. (*)**** Nay là đường Trần Phú.*****

Khi  thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam, họ đã bắt đầu để ý một cách thèm thuồng đến những vùng đất cao nguyên màu mỡ. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ thấy rằng, nếu được trồng cao su thì nơi đây sẽ đem lại nguồn lợi vô tận. Vùng Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh sang tới Kompong Chàm, Kompong Thom được họ đặt tên là Vùng Đất Đỏ. Họ liền mộ dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ vào làm trong những đồn điền của họ. Mỗi người dân phu phải ký hợp đồng làm trong thời hạn ba năm với những lời hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng khi xuống tàu vào đến Nam Kỳ thì những người cu li này bị đối xử tàn tệ như những người nô lệ. Từ đây, những người nô lệ này phải miệt mài cuộc đời trâu ngựa để rồi vùi xác dưới những gốc cao su. Máu của người dân quê này đã tưới cho các lô cao su thêm tươi tốt. Nỗi kinh hoàng này đã được khắc họa thành những lời thở than:

Kiếp phu đổ lắm máu đào
Máu loang mặt đất máu trào mủ cây
Trần gian địa ngục là đây
Đồn điền Đất Đỏ nơi Tây giết người!

Vì lẽ đó, khi nghe nói đến việc đi phu cao su là ấn tượng khủng khiếp trong dân chúng. Ngay cả tờ báo có tinh thần xã hội như tờ Journal D’opposition viết bằng Pháp ngữ xuất bản ở Sài Gòn cũng lên tiếng phê phán chính sách bóc lột này của thực dân.

Trong khi đó, tại Bắc Kỳ, tên Bazin ra sức lừa mị dân nghèo. Hắn tổ chức bắt cóc hoặc vu oan để đẩy nông dân vào thế đường cùng, không còn cách nào khác là phải đi mộ phu. Trung bình cứ một cu li đăng ký giao kèo thì hắn được hưởng mười lăm đồng. Lương của một cu li làm một ngày là 0 đồng 41 xu, còn đàn bà và trẻ con thì chỉ đến 0 đồng 23 xu. Như vậy số tiền hưởng trên mỗi đầu cu li – một năm dụ dỗ được 8.000 người như những năm trước đây – thì hắn hốt được bạc triệu. Vì thế Bazin ra sức mộ phu bằng mọi thủ đoạn. Chính hắn đã thuê bọn bồi bút tung ra trong dân gian bài “Đi Phu Mộ” mà đâu đâu cũng nghe trẻ con hát:

Bà con ơi! Bà con ơi!
Cao su sống thật là nhàn
Vào đây có xóm có làng hẳn hoi
Không tin vào đó mà coi
Gạo thịt chủ phát ôi thôi thiếu gì
Tiền lương một tháng hai kỳ
Thức ăn giá rẻ mặc tình mà mua
Nhà cửa cứ vào mà xem
Nhà tô nhà ngói lại chen nhà lầu
Tất cả mọi thứ nhu cầu
Chủ nhân bán rẻ ai mà chẳng ham
Tội chi ôm mãi xóm làng
Mau mau một chuyến vào Nam xem nào!

Đứng trước một thực trạng nguy hiểm như thế, các Đảng Cách mạng Việt Nam không thể làm ngơ được. Tiếng súng bắn nát sọ tên mộ phu Bazin là lời thách thức công khai và quyết liệt. Hành động táo bạo này đã gây chấn động trong giới cầm quyền thực dân. Mười lăm ngày sau khi xảy ra vụ ám sát này, Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định thiết lập Hội đồng đề hình tại Hà Nội để xử “những kẻ phiến loạn” theo sắc lệnh đã ký ngày 26-11-1896 của Tổng thống Pháp.

Những con chó săn điên tiết trước cái chết đột ngột đã diễn ra ngay tại Hà Nội, điều này chúng không lường trước được. Sang ngày mồng bốn tết năm đó, Sở mật thám Bắc Kỳ bủa vây, khám xét nhiều người, nhiều nhà trong thành phố mà chúng nghi ngờ.

Trong số này có một học sinh trung học Albert Sarraut tên là Léon Sanh. Anh ta tên thật là Hoàng Văn Tiếp, khi viết báo ký tên Tế Xuyên – đã dùng tờ giấy khai sinh của một thanh niên Việt có quốc tịch Pháp đã chết mà không khai tử. Léon Sanh bị bắt ngay tại nhà số 25 phố Hàng Đào, Nay vẫn gọi tên phố Hàng Đào. Anh ta bị nghi ngờ vì trước đó hai tháng đã bị bắt quả tang rải truyền đơn tố cáo vụ đi mộ phu Tân Thế Giới của Bazin. Anh bị tòa án tiểu hình Hà Nội kết án sáu tháng tù. Trong khi khám xét thì bọn chó săn có tìm được một mảnh giấy ghi số 110 và bức thư anh viết gửi vào Sài Gòn mà chưa kịp bỏ vào thùng thơ bưu điện. Bức thư ấy có tuồng chữ hao hao như nét chữ của bản cáo trạng mà người thanh niên đã trao cho Bazin trước lúc hạ thủ.

Léon Sanh bị đánh đập tàn nhẫn và buộc phải tự nhận mình là thủ phạm. Anh bị đưa đến nhà 110 Chợ Hôm để diễn lại sự việc. Nhưng căn cứ vào lời khai của cô đầm Germaire Carcelle – chủ nhân ngôi nhà và tài xế thì vẫn còn thiếu một tòng phạm nữa. Vậy người đó là ai? Léon Sanh đã bịa ra một người khác có tên là Trần Bình Nam. Sở mật thám không tìm ra ai tên này. Chúng bèn bắt chú của Léon Sanh – vì trước đây ông này có đứng ra thầu việc phá rừng cho Công ty Đất Đỏ nên bị nghi ngờ là hạ thủ Bazin vì cạnh tranh trong làm ăn.

Ra trước phòng dự thẩm của Tòa án Hà Nội, luật sư của Léon Sanh đã xúi anh phản cung vì không tìm ra một chứng cớ gì khác để buộc tội bị can. Hơn nữa khi giảo nghiệm tự dạng trong hai bức thư thì rõ ràng bức thư đưa cho Bazin không phải anh viết dù hai tuồng chữ giống nhau. Đến nước này, dù thừa biết thủ phạm không phải là Léon Sanh, nhưng để trấn áp dư luận đang bàn tán xôn xao, Sở mật thám loan tin đã tìm được thủ phạm và đánh hướng rằng vụ ám sát táo bạo này là do sự cạnh tranh trong làm ăn.

Léon Sanh bị tống vào Hỏa Lò.

Vậy ai đã giết Bazin? Tổ chức nào? Đảng phái nào? Câu hỏi này đang treo lơ lửng trong sự căm hờn của Sở mật thám.

Tưởng rằng sự việc này sẽ chìm dần theo năm tháng. Nhưng rồi sự việc lại bị tiết lộ. trước đó hai năm – năm 1927 – những nhân sĩ bạn hữu của cụ Phan Bội Châu ở Bắc Kỳ như các cụ Ngô Đức Kế, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lê Dư, v.v… đánh điện vô Huế mời cụ Phan ra chơi đất Bắc. Các cụ đã ủy nhiệm cho những thanh niên yêu nước như Trần Đình Nam, Nguyễn Quốc Túy, Trần Vỹ thuê xe hơi và hộ tống cụ ra Bắc. Khi xe đưa cụ Phan đến đồn Bửu Sơn thì viên chánh giám binh Pháp ở đó đã giăng sẵn dây tam tài ngang qua đường, chặn xe cụ lại. Hắn bước đến bên xe, lịch sự hỏi:

– Có phải ngài là Phan Bội Châu?

Cụ Phan đáp:

– Phải!

– Tôi mới nhận được dây thép ở Vinh cho hay cụ sẽ qua đây và thượng cấp ra lệnh cho tôi phải ngăn xe cụ lại. Tìm kiếm mãi mới biết cụ ra Bắc.

– Ủa! Tôi là người Việt Nam, không có quyền đi chơi thăm đồng bào Việt Nam trong nước tôi hay sao? Tôi có đi ngoại quốc đâu mà phải xin giấy tờ?

Lúc bấy giờ cụ Phan đang trong tình trạng bị an trí – thực chất là bị giam lỏng ở Huế – nên cụ mới bực bội nói thế. Mỗi bước đi của cụ đều bị theo dõi nghiêm ngặt, ngay cả những đoàn thể nhân dân đến thăm cụ cũng bị thực dân ghi tên vào sổ đen. Nghe cụ nói vậy, hắn đáp:

– Không nói lôi thôi, mời ông về ngay Huế.

– Ngộ tôi cứ đi thì sao?

– Nếu ông đi tôi sẽ ra lệnh bắn vô bánh xe cho nổ. Ông sẽ hết đi!

Cụ Phan cứng cỏi hỏi:

– Ông bắn nổ xe hơi, tôi sẽ đi xe lửa!

– Nếu ông đi xe lửa, tôi ra lệnh cho chef ga không bán vé!

Cụ Phan lại hỏi cắc cớ:

– Thế ngộ tôi bay thì ông làm gì?

– Nếu ông bay được thì tôi xin chịu.

Thế là cụ Phan cười xòa, cho xe quay về Huế. Và để làm rõ sự việc này nên chúng đã bắt giữ lại Nguyễn Quốc Túy. Bấy giờ khi xảy ra vụ ám sát Bazin thì Thống sứ Bắc Kỳ ký lệnh trục xuất Nguyễn Quốc Túy về nguyên quán Trung Kỳ. Nhận được lệnh, Túy đã đến Sở mật thám nói với tên Rinert là xin ở lại Bắc Kỳ, nếu được đồng ý thì y sẽ cung cấp cho Rinert một tin rất quan trọng. Tên mật thám cáo già này cười khẩy và mỉa mai:

– Quan trọng à? Mày về Vinh mà khai với quan chánh mật thám Vinh. Ngài chưa quên tội trạng của mày đâu.

Lính giải Túy về Vinh. Tại đây, dù chưa bị ăn đòn nhưng y đã thành thật khai:

– Trước đây có người đồng học với tôi tên là Nguyễn Thái Học có rủ tôi vào hội kín. Mục đích của hội kín này là dùng bạo lực để lật đổ chế độ. Ngoài Nguyễn Thái Học ra còn có Hồ Văn Mịch, Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống và…

Không đợi Túy nói hết, tên chánh mật thám Vinh đã rú lên như bắt được vàng. Hắn cho Túy một số tiền và buộc viết tường trình lại toàn bộ sự việc quan trọng này. Túy ngoan ngoãn làm đúng yêu cầu đó và dưới bức thư này thay vì ký tên thì y chỉ đánh dấu thập.

Lập tức Sở mật thám Bắc Kỳ giăng lưới đồng loạt để bắt bớ những người có tên trong hội kín này theo lời khai của Túy.

Túy đã cho bọn mật thám biết rõ thủ phạm của vụ ám sát kinh thiên động địa này là Nguyễn Văn Viên. Anh là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân (VNQD) đảng. Năm mười sáu tuổi, từ Bắc Ninh, anh lên Hà Nội với bố mẹ để đi mộ phu vào Nam Kỳ. Khi vào đó, tên anh được thay bằng con số thứ tự là 3087. Một buổi sáng sương đêm còn ẩm ướt trên những vòm cây cao su. Trời rét lạnh. Những cu li đang ngủ thì có kẻng báo thức. Họ chạy ra sân theo lệnh của bọn cai trong cơn ngái ngủ. Những bó đuốc lập lòe ánh sáng. Cuộc điểm danh bắt đầu. Bọn cai gọi tên từng người một và cho số. Cuối cùng đến phiên anh.

– Nguyễn Văn Viên!

– Có!

– Mày số 3087 nghe chưa?

– Rõ!

Sau đó, chúng gọi lại lần thứ hai, khi gọi tên thì người đó phải nói số của mình. Xong đâu vào đấy, thấy anh nhỏ con đang đứng co rúm trong chiếc manh khố rách, tên cai gọi anh:

– Mày ra đây thử coi nhóc!

Anh bước ra khỏi hàng. Hắn lại hỏi:

– Mày tên gì?

– Tôi tên là Nguyễn Văn Viên số 3087!

Anh vừa dứt lời thì chiếc roi đuôi bò quất tới tấp vào mặt:

– Tôi! Tôi! Tôi cái thằng cha mày chớ!

Chưa hết giận, hắn nhảy song phi lên đạp thẳng vào bụng anh, anh té quỵ xuống đất. Máu trào ra khỏi miệng. Hắn chống nạnh, bước chân dẫm lên bụng anh và nói với đám cu li:

– Ai cho phép bọn mày xưng “tôi”? Thật là một lũ mất dạy! Vào đây, bọn mày phải xưng “con” khi trả lời với các ông nghe không?

Vừa nói xong, hắn đưa tay chỉ vào mặt một người cu li già:

– Con đĩ kia rõ chưa?

– Dạ, con rõ.

Đám cu li mặt mày tái mét đứng co ro im lặng. Hắn nói tiếp:

– Vào đây bọn mày không còn tên tuổi gì nữa. Bọn mày chỉ là những con số thôi. Bọn mày cứng đầu, làm loạn là tao giết hết. Bọn mày chết thì cũng còn thua con chó chết. Nghe lệnh của tao là phải răm rắp nghe theo nghe chưa? Còn thằng nhóc này…

Hắn cúi xuống nhìn anh Viên đang ngẹo cổ thở khò khè dưới chân hắn:

– Mày muốn làm loạn à? Ai dạy mày xưng “Tôi” với ông? Mả mẹ mày vào đây mà còn làm cao. Đứng lên tao biểu mày.

Anh lồm cồm bò dậy. Hắn nắm tóc anh, nhìn vào mặt anh và hét lớn:

– Giỏi lắm! Mới vào đây mà đã làm loạn rồi. Mày có anh chị không?

Anh thành thật trả lời:

– Dạ, con có anh chị!

Nhanh như chớp, hắn lôi đầu anh xuống và nâng đầu gối lên mặt anh:

– Gớm! Mày có anh chị à?

Anh kêu lên:

–  Ối! Chết con rồi bố mẹ ơi!

– Cho mày kêu bố mẹ mày. Tao là bố mẹ mày đây. Kêu ai nữa hử?

Vừa nói hắn vừa đấm tới tấp vào mặt anh. Tên sếp Tây đang đứng đó cũng nổi máu lên lấy chiếc đòn gánh nện vào lưng anh. Anh lại ngã quỵ xuống. Tên cai lại hỏi:

– Mày đứng dậy ngay thằng nhóc con. Mày có anh chị không?

Anh lại thành thật đáp:

– Dạ, con có anh chị!

Chỉ chờ nghe vậy, hắn co chân đạp thẳng vào mặt anh. Anh chỉ kịp kêu lên:

– Ối trời ơi! Ối trời ơi! Con có anh chị thật mà ông Cai!

Anh ngất xỉu. Bố mẹ anh và đám phu đứng nhìn căm thù mà không dám nói một lời nào cả. Mẹ anh rơm rớm nước mắt. Hắn chỉ tay vào mặt bà:

– Con đĩ già kia mày đẻ con mà không biết dạy con. Con cái của mày anh chị à? Anh chị ở trong Nam có nghĩa là “đồ du côn”. Con mày anh chị du côn là tao phải trị rõ chưa?

Mặc kệ nạn nhân đang nằm ngất xỉu dưới đất, hắn ra lệnh:

– Cuộc điểm danh sáng nay là xong. Bây giờ tất cả ra lô mau!

Từng tốp cu li phân tán, thực hiện mệnh lệnh của hắn. Tên sếp Tây vỗ vai hắn:

– Mày giỏi lắm. Phải đánh phủ đầu như thế để làm gương cho tất cả bọn nó. Bọn trâu ngựa này mà không dùng roi vọt để dạy dỗ thì chúng chỉ làm loạn!

Nghe chủ khen như thế, hắn cúi đầu đáp:

– Dạ, ông dạy rất đúng. Ngày nào mà con không đánh đập chúng nó thì tay chân con mỏi lắm. Con ăn không ngon, ngủ không yên. Bọn trâu ngựa này chỉ có thể dùng roi vọt mà thôi. Con xin ghi nhớ lời của ông chủ.

Cả hai cùng cất tiếng cười vang. Trời bắt đầu sáng. Sương đêm phai dần và lóe lên những ánh sáng của một ngày mới. Những người cu li bắt đầu một ngày tủi nhục như thế.

Sau trận đòn thừa sống thiếu chết này, anh Viên bắt đầu ý thức được thân phận nô lệ của mình. Căm thù chứa đầy trong lồng ngực. Làm trong lô cao su được hai năm thì anh không còn chịu đựng nổi được nữa. Kiếp người cu li như kiếp người tù. Bố mẹ anh tìm cách vượt ngục. Chỉ có mỗi mình anh trốn thoát được về đến Hà Nội, còn bố mẹ anh thì bị người dân tộc bắt được. Họ bị bon này chặt đầu để nộp cho chủ Tây mà lãnh thưởng.

Khi trở về Hà Nội, được sự giác ngộ của những đảng viên VNQD đảng, anh đã tự nguyện xin vào Đảng. Muốn tuyên truyền và tranh thủ tình cảm trong giới công nhân cao su, nên anh đã đưa ra kế hoạch phải ám sát tên Bazin. Trong những cuộc họp của tổng bộ Đảng, Nguyễn Thái Học không đồng ý vì nhận định thời cơ chưa cho phép. Thế là anh Viên tự mình theo dõi mọi hành động của Bazin. Sau khi nắm rõ mọi hành tung của tên cáo già thực dân này, anh đã bí mật lấy cắp khẩu súng lục và một số đạn của Hãng Poinsart et Veyret – nơi anh đang làm công việc bán hàng cho khách. Có vũ khí trong tay, anh rủ thêm một người đồng chí nữa là Nguyễn Văn Lân để thực hiện mưu đồ của mình. Phát súng táo bạo của anh đã làm cho phong trào mua bán nô lệ ở Bắc Kỳ giảm xuống một cách rõ rệt.

Do tên Nguyễn Quốc Túy chỉ điểm nên anh bị bắt. Ngay đêm đó, anh tự xé áo mình làm dây thừng, buộc vào song sắt nhà tù để siết cổ mình mà tự tử.

Thực dân Pháp đã thực hiện một cuộc bố ráp lớn. Dịp này nhiều cơ sở bí mật của VNQD Đảng bị khám phá, nhiều tài liệu quan trọng bị mật thám tịch thu. Hàng ngàn đảng viên bị giam cầm, tra tấn. Những nhân vật quan trọng của Đảng tức tốc bị bắt hoặc bị truy nã trừ Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thái Học và một số yếu nhân khác đã thoát khỏi. Thực ra, trước đó thực dân đã biết đến hoạt động của Đảng, nhưng Pháp chưa ra tay vội vì muốn để tổ chức này lan rộng rồi sau đó mới tận diệt. Vụ ám sát Bazin là cơ hội để chính quyền Đông Dương thực hiện cuộc đàn áp. Từ đây, tổ chức chính trị VNQD Đảng bị lôi ra ánh sáng. Tình trạng bố ráp này, không những chỉ xảy ra ở Bắc mà còn có ở Nam Kỳ nữa. Con số đảng viên đã bị bắt lên đến 227 người.

Ngày 3-7-1929, hội đồng đề hình bắt đầu thực hiện quyền lực của mình. Đây là một tòa án đặc biệt thay thế các tòa án thường để xử dân bản xứ, những đồng hóa phạm, những khinh trọng tội liên quan đến nền an ninh của chính sách bảo hộ hoặc tới sự mở mang của chính sách thuộc địa Pháp. Tên thực dân Brides được cử làm chánh hội đồng. Hắn là một trong bốn tên cáo già mà nhân dân Bắc Kỳ đã liệt vào hàng “tứ hung”. Nhất Đạc (Darles) nhì Ke (Eckert) tam Be (Dela Gambert) tứ Bích (Brides). Hội đồng này tuyên xử 80 án tù từ 20 năm trở xuống đến 2 năm. Trong số này có những nhân vật như Nhượng Tống, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê, Nguyễn Thế Nghiệp, Trần Huy Liệu, v.v…

Đứng trước sự khủng bố này, Nguyễn Thái Học đã nhận thấy sự tiên đoán của mình về việc manh động giết Bazin là đúng. Khi đưa vấn đề này ra trước tổng bộ Đảng để bàn bạc thì anh phát biểu:

– Nếu chúng ta vội giết tên buôn người Bazin thì bọn thực dân sẽ khủng bố dữ dội, vì đa số các đồng chí trong cấp lãnh đạo Đảng đều có tên trong “sổ đen” của Sở mật thám. Thực dân sẽ có cớ mà bắt hết chúng ta. Đảng sẽ tan rã dần. Lợi ít mà hại nhiều. Bazin chẳng qua là một cành cây, gốc đổ thì cành cây tất phải héo. Vì lẽ đó, các đồng chí hãy bình tĩnh, nén căm hờn lại mà mưu những việc đại sự.

Thế rồi sự việc vẫn cứ xảy ra. Sau vụ án này, nhân dân như được bừng tỉnh. Tên tuổi Nguyễn Thái Học được lén lút nhắc đến với tất cả sự kính trọng. Chàng thanh niên này là ai mà dám chủ trương một Đảng cách mạng ngay giữa Hà Nội?

Lê minh Quốc

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt