Nhật Bản : Chủ trương đưa quân hỗ trợ đồng minh gặp cản lực bất ngờ

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (L) tại một phiên họp của Thượng viện Nhật vào tháng 02/ 2015

Hạ viện Nhật Bản bắt đầu xem xét kể từ hôm 26/05/2015 các dự luật an ninh mới do chính quyền Shinzo Abe đề xuất, nhằm cho phép Tokyo sử dụng quyền “phòng vệ tập thể”, trong đó có chủ trương cử quân đội ra nước ngoài trợ giúp đồng minh khi cần thiết. Với đa số tại Quốc hội, chính phủ Abe từng hy vọng là các dự luật sẽ được chấp thuận dễ dàng, nhưng thực tế đã không như vậy.

Trong tuần qua, một chuyên gia do chính chính quyền mời ra Hạ viện để cho ý kiến về các dự luật đang bàn thảo đã thẩm định rằng việc thay đổi luật lệ nhằm cho phép quân đội Nhật Bản bảo vệ một đồng minh bị tấn công sẽ vi phạm Hiến pháp. Đây là một cản lực bất ngờ làm cho giới phân tích hoài nghi về khả năng các văn kiện về an ninh quốc phòng mới của Nhật Bản sớm được thông qua.

Ngay từ năm ngoái, chính phủ Nhật Bản đã nhất trí là cần phải diễn giải lại bản Hiến pháp chủ hòa của Nhật Bản, theo chiều hướng cho phép Tokyo thực hiện quyền “phòng vệ tập thể”, hay nói cách khác là trợ giúp về mặt quân sự một đồng minh trong trường hợp nước này bị tấn công. Thay đổi này nằm trong một chính sách quốc phòng cứng rắn hơn của Thủ tướng Abe, giúp Nhật Bản đóng được một vai trò lớn hơn trong liên minh Mỹ-Nhật.

Trên cơ sở đó, chính phủ Abe đã chuyển qua Hạ viện một loạt dự luật nhằm bãi bỏ các giới hạn về địa lý đối với các chiến dịch của quân đội, cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng thủ tập thể, yểm trợ Mỹ và đồng minh bị tấn công dù Nhật Bản không bị tấn công. Nếu các thay đổi trên được thông qua, thì rõ ràng là lệnh cấm quân đội Nhật Bản chiến đấu ở nước ngoài sẽ bị bãi bỏ.

Nào ngờ, ngày 04/06 vừa qua, khi được chính Đảng Tự do Dân chủ của Thủ tướng Abe mời đến Hạ viện để cho ý kiến, ông Yasuo Hasebe, chuyên gia về Hiến pháp tại Đại học Waseda, đã khiến cho mọi người chấn động khi nhận định rằng các thay đổi mà dự luật an ninh mới chủ trương sẽ vi phạm Hiến pháp Nhật. Quan điểm này cũng được hai chuyên gia khác, do phe đối lập mời đến, xác nhận.

Trả lời câu hỏi của một dân biểu đối lập, ông Hasebe cho biết : “Tôi nghĩ rằng việc cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể là vi phạm Hiến pháp”.

Quan chức chính phủ Abe đã mau mắn bác bỏ quan điểm của các chuyên gia, nhưng các dân biểu đối lập đã lập tức khai thác lập luận của chuyên gia để chỉ trích các dự luật về an ninh.

Trong phiên họp Hạ viện ngày 05/06, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã cố gắng bảo vệ các chủ trương mới, nhưng đã bị ông Kiyomi Tsujimoto, thuộc Đảng Dân chủ đối lập, phản bác gay gắt khi cho rằng: “Có vẻ như là những gì Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani đã nói đều là lừa dối nhân dân”.

Các dự luật mới có khả năng được thông qua nhân khóa họp của Hạ viện, trên nguyên tắc sẽ kết thúc ngày 24/06 tới đây, nhưng có thể kéo dài đến tháng Tám. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc thông qua có thể bị chậm trễ, thậm chí bị tạm gác.

Trả lời hãng tin Anh Reuters, Giáo sư Koichi Nakano, Đại học Sophia, đã châm biếm rằng : « Đảng Dân chủ Tự do đã ” tung lưới nhà “… ” Sự cố ” không chỉ bùng lên trong không gian mạng, mà còn được các phương tiện truyền thông chính thống thông báo rộng rãi”. Trong bối cảnh đó, Giáo sư Nakano nghĩ rằng kế hoạch thông qua các dự luật về an ninh sẽ bị « trì hoãn đáng kể”.

Tin RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt