Đại Sứ Martin Nói Về Những Ngày Cuối Tại Việt Nam

(Trích từ trang 97, bản dịch tác phẩm Tear Before The Rain (Nước Mắt Trước Cơn Mưa) của Larry Engelmann, Nguyễn Bá Trạc phỏng dịch). 
Nếu có một nhân vật biết được ngọn ngành mọi việc mọi trò của những người ở đấy (Sài Gòn, Việt Nam) thì chính là tôi. Nhưng vào giờ phút cuối, có những người khác nữa làm gì, thì chịu, tôi không biết đích xác cho nỗi. Một ông đã gây rối cho tôi như thế lại chính là một bạn tốt, mà đến nay tôi vẫn thích, đó là Erich Von Marbod. Erich đến từ bộ Quốc phòng (Phụ tá thứ trưởng quốc phòng). Ông ta cho không quân Việt Nam bay đi vài chiếc F-5 của họ sang Thái. Việc này trái lệnh tôi.

Đại Sứ Martin – Đại sứ cuối cùng tại VNCH (30-04-1975)

Một mặt, chả quan hệ gì. Nhưng mặt khác, lại vô cùng hệ trọng. Bởi vì tôi đã yêu cầu Kissinger một thời hạn, tôi nói là 2 tuần. Chúng tôi cố mang đi tất cả các nhà thầu cộng tác quốc phòng mà chúng tôi không thể rõ hết là những người ấy ở những nơi nào. Không thể bỏ họ lại mà đi. Đó là lúc cần đòi hỏi sự chậm rãi, sự thận trọng, cho nên việc Erich Von Marbod thuyết phục tướng Trần văn Minh cho mấy cái phi cơ bay sang Thái là một lỗi lầm rất lớn. Nó làm người Thái e ngại. Rồi những người đưa phi cơ sang bên ấy lại bị dấu diếm, họ không được báo trước rằng sau đó họ sẽ không được phép trở về với gia đình. Để làm họ dịu xuống, người ta phải phục thuốc họ. Và chính những người này đã gây rối khi đến Guam. Lỗi của tôi, đáng lẽ tôi phải tống cổ Von Marbod từ hai ngày trước. Đáng lẽ tôi cũng phải tống cỗ cả Polgar đi; hắn không biết trời đất gì. Hắn không xứng đáng điều khiển cơ quan tình báo ở đấy. Hắn muốn chơi trội cùng với gã Malcolm Browne bên tờ Times và các ông bạn Hung Gia Lợi của hắn bên Ủy hội Quốc Tế kiểm soát đình chiến, rồi cả William Colby lẫn Kissinger đều nói lại với tôi việc ấy và tôi đã nói với Polgar rằng nếu anh cứ tiếp tục làm những việc như thế, tôi sẽ cắt 2 cái hòn dái nhét vào mỗi lổ tai của anh một hòn. Jim Kean đã nghe tôi nói với hắn như thế trong cầu thang máy.

Tôi đã không có gì để ân hận nhiều ngoài việc ân hận đã không tống cổ cả Polgar lẫn Von Marbod từ sớm. Họ đi hay ở cũng chẳng có gì khác biệt. Chỉ có khác biệt trầm trọng mà sau đó tôi khám phá ra khi đọc tấm điện văn của các tướng Bắc Việt; họ nghĩ việc đưa mấy chiếc phi cơ sang Thái là chúng ta đã nuốt lời hứa với họ. Chúng ta đã nói chúng ta sẽ không mang các chiến cụ đi. Chúng ta chỉ muốn họ để chúng ta yên ổn ra đi trong trật tự. Vì họ nghĩ chúng ta nuốt lời, hôm sau họ pháo kích phi trường, giết mất vài Thủy quân Lục chiến của chúng ta. Vì vậy, đến lúc tôi phải hạ lệnh trực thăng vận. Đây là lúc mọi sự bắt đầu bung ra.

Tôi vào Tân sơn Nhất xem xét sau khi xảy ra vụ pháo kích. Hơn ba mươi năm trước, tôi đã là đại tá không quân, bổ nhiệm từ 1936, nên những chuyện phi cơ, cái gì bay được cái gì không, tôi nắm trong bàn tay. Tôi đã là tư lệnh phó sư đoàn Thái Bình Dương thời đệ nhị thế chiến, kiêm chỉ huy quân báo. Việc gì tôi làm, tôi làm cật lực, tôi nắm vững, tôi biết rõ. Buổi sáng 29/4 hôm ấy ở phi trường Tân sơn Nhất, họ bảo tôi máy bay không đáp xuống được. Chuyện này vô lý. Ra tận đấy quan sát, tôi vẫn thấy chuyện họ nói chả nghĩa lý gì, người ta chỉ cần vác một chiếc xe díp quần ra phi đại ba mươi phút là dọn sạch mọi thứ vụn vặt. Nhưng lúc ấy, quả là bên quân đội Việt Nam bắt đầu rối loạn. Chỉ huy cao cấp đã chạy, Tân sơn Nhất không còn chỉ huy nữa. Trong tình trạng này nếu máy bay đáp xuống là bị tràn ngập bởi đám đông vô kiểm soát. Chúng tôi cần dựa vào quân đội Việt Nam để di tản trong vòng trật tự, và chúng tôi cũng đã hứa với họ phút cuối sẽ bốc họ đi. Nhưng đến giây phút ấy, không còn có sự bảo vệ của họ nữa.

Vì Tân sơn Nhất hết đảm bảo được an ninh cho máy bay có cánh đáp xuống, nhưng khu vực văn phòng tùy viên Quân sự hãy còn hệ thống phòng thủ tốt, chúng tôi bèn cho trực thăng đáp xuống khu vực này thay vì Tân sơn Nhất.

Tôi liên lạc với hạm đội, và với sự khẳng định của Hoa Thịnh Đốn, tôi nói với mọi người, tôi nói với rất nhiều người Việt là: “Chúng tôi không thể bảo đảm di tản tất cả quý vị. Nhưng nếu quý vị có thể dùng thuyền ra khơi, chúng tôi vớt.” Chúng tôi đã cho tàu đậu ngoài khơi ba ngày ròng rã để vớt người đến khi tàu chật ních. Khi sĩ quan chỉ huy cho biết nếu cứ tiếp tục, có thể bị bệnh dịch đe dọa, lúc ấy tôi mới cho tàu đi. Tôi cũng ra lệnh cho 2 máy bay tại căn cứ Clark đáp xuống Vũng Tàu để bốc gia đình lính Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Đề đốc Geyler phản đối nhưng tôi gạt đi. Hai chiếc máy bay đáp xuống, hoàn tất việc bốc trong vòng mười lăm phút rồi thẳng cánh bay qua Clark. Từ giờ phút ấy, Thủy Quân Lục Chiến thuộc quyền điều động của tôi. Họ phụ trách bảo vệ trong trường hợp chúng tôi cần di tản ra từ bải biển. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương không có nhiệm vụ di tản người từ bãi biển ra. Từ nhiều tuần trước ngay việc đáp phi cơ trinh sát xuống, họ cũng không chịu, nhưng chúng tôi vẫn cứ làm. Đấy, tôi đã phải đối phó công việc với những cách thức như vậy. Còn về câu chuyện cây me, thật là một câu chuyện vô nghĩa. Hạ cái cây xuống cũng là chuyện hoàn toàn vô nghĩa. Cây me này chả mang môt biểu tượng gì. Về chuyện này, mục đích là tôi cố giữ cho Sài Gòn một bộ mặt yên tĩnh, phải tránh mấy chuyện rối loạn đã từng xảy ra ở Đà Nẵng, Nha Trang. Ngoài ra, quỷ thần ạ, cần gì phải chặt cái cây ấy để lấy chồ cho trực thăng? Nên tôi bảo “Để cái cây ấy yên đi”, đơn giản thế thôi. Khi cần phải chặt, chỉ mười phút là xong. Cuối cùng mọi sự cũng đã xảy ra y như vậy. Chúng tôi không muốn có một hành vi bộc lộ rằng chúng tôi đang thua chạy, để Sài Gòn phải nháo nhào lên.

Cái cây này tuyệt nhiên không biểu trưng gì cho sự có mặt của người Mỹ. Nhưng về một phương diện, Jim Kean cũng có lý khi nói vậy. Bởi vì nó là cái dấu hiệu vật chất cho thấy chúng ta sắp rời đi, nên tôi phải che đậy. Việc tôi giữ cái cây ấy chẳng có ý nghĩa thâm thúy gì như đó là biểu tượng cam kết của chúng ta cả. Vào những giây phút chót, có nhiều việc không thể làm ngơ. Về những việc này bộ trưởng quốc phòng James Schlesinger đáng phải lãnh điểm xấu. Ông tỏ ra ngu xuẩn, nhiều phần trong con người ông luôn luôn như vậy.

Chúng tôi có một gã tên Stuart Herrington làm dưới quyền đại tá Madison. Gã này đang giúp việc xếp người vào trực thăng trong sân tòa Đại sứ. Gã có biết cái gì hơn là xếp người? Nhưng khổ nỗi, gã là thứ mồm loa mép giải, đáng lẽ biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Đằng này ai hỏi gì gã cũng trả lời láo lếu. Vì thế khi các phi công bay vào, họ muốn hỏi tôi còn phải chở bao nhiêu người nữa, gã Herrington mau mồm nói “Hai ngàn hoặc hai ngàn rưởi nữa.” Ông đề đốc Noel Gayler ở ngoài hạm đội dãy nảy như gái ngồi phải cọc. Chở nhiều quá lỡ xảy ra tai nạn, ai gánh đây? Là người phụ trách công tác, ông ấy bèn áp lực khủng khiếp mà thúc chúng tôi “Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ! Di tản người Mỹ xong là đi quách đi, bỏ những người khác lại.” Chuyện này không được. Đây là chuyện mà tôi từ chối. Brent Scowcroft đã hứa với tôi rằng sẽ có năm mươi chuyến trực thăng cho người Việt và Đại Hàn mà chúng tôi cam kết. Chúng tôi đã đếm kỹ lưỡng số người khi kéo họ qua bức tường lọt vào tòa Đại sứ. Nhiều người là những nhân vật trọng yếu, có người là bộ trưởng chính phủ. Tất nhiên chúng tôi không có ý định mang họ vào rồi bỏ họ mà đi! Khốn thay, lời nói của gã Herrington với viên phi công được chuyển tới ông đề đốc, rồi chuyển tới tư lệnh Thái bình Dương, lời nói ấy chuyển vòng đến bộ trưởng quốc phòng Schlesinger ở Ngũ Giác Đài. Các tướng tham mưu thúc hối Schlesinger rằng: “Hễ cứ hỏi là lúc nào Martin cũng bảo còn 2000 nữa, bất kể đã chở được bao nhiêu. Cứ cái đà này đến phút chót vẫn là 2000 !” Trong công tác bê bết máu lửa này dựa trên lời hứa Scowcroft, chúng tôi đã phải thực sự tính toán cẩn thận: Cứ mỗi chuyến 90 người. Ông ấy là cố vấn an ninh của tổng thống, không tin ở ông thì tin vào trời đất quỷ thần nào? Thế rồi đột ngột họ gửi điện văn bảo: Chấm dứt. “Chuyến trực thăng kế tiếp đến, xin ông đi cho!” Tất cà chỉ vì gã Herrington này, và sau đó anh ta lại viết sách và trở nên một đại anh hùng!

Tôi cũng lấy làm phiền về viên chỉ huy an ninh tòa đại sứ, người lãnh trách nhiệm di tản cảnh sát Việt Nam. Tôi đã giữ riêng cho họ hai cái tàu trên sông, nhưng ông ta cứ lằng nhằng muốn đưa họ ra đi sớm. Phía tướng tá Việt Nam báo cho tôi biết: Không có cách gì để duy trì trật tự trong thành phố nếu tôi rút cảnh sát Sài Gòn đi. Vì thế tôi bảo ông ta hoãn lại, đợi đến ba giờ trưa hãy đi. Ông ta bực bội chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Nhưng ông ta cũng đợi được đến ba giờ trưa rồi cho cảnh sát lên tàu di tản cùng với gia đình họ. Tôi không có gì để than phiền nhiều về chiến dịch di tản này vì tổng thống và Kissinger đều đứng bên tôi, hỗ trợ tôi cho đến tận giây phút cuối cùng.

Tôi không bảo chiến dịch ấy hoàn hảo, nhưng khi duyệt xét lại, tôi có quyền hỏi: “ Ai có thể làm khác hơn trong những hoàn cảnh đặc biệt ấy?”

Khi rời tòa đại sứ tôi biết đấy là giây phút lịch sử. Chắc chắn như vậy, nhưng trước đây tôi từng hỏi Hoa Thịnh Đốn: “Chúng ta có sự lựa chọn, trong sự lựa chọn đó cần phải hỏi: Sau tôi, còn những việc gì sẽ xảy ra? Đối phương sẽ lấn chúng ta hơn nữa, ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta cần phải giữ những lời cam kết của chúng ta!”

Hình ảnh di tản ngày 30-04-1975

Trong lúc trực thăng bay, tôi nghĩ chúng tôi đã rũ bỏ xong. Chúng tôi mang hết người Mỹ ra đi, đó là trách nhiệm chủ yếu của chúng tôi. Chúng tôi cũng mang được một số lớn người Việt trong khả năng chúng tôi. Đáng lẽ chúng tôi nên mang đi nhiều hơn nữa, chúng tôi đáng lẽ phải mang 400 con người cuối cùng ấy ra đi, nhưng rất tiếc chỉ vì sự lôi thôi đã xảy ra trong lúc rối loạn như thế thôi. Tôi nghĩ người Mỹ có quyền hãnh diện về chiến dịch di tản. Phần tôi chẳng có gì dính líu đến chuyện phải xin lỗi cả. Tôi đã nhận lãnh nhiều trách cứ về vụ Việt Nam. Chính vì thế mà rất lâu sau, đợi cho mọi thứ lắng xuống, tôi mới ra Quốc Hội để mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm và nhận lỗi của mình, và họ đã làm như thế. Dẫu sao tôi cũng có nhiều điều thích thú. Tôi không bao giờ lo rằng mình có thể bị giải nhiệm. Nên tôi tính nếu bị sa thải, thì sẽ về ngồi với cái máy chữ mà viết.

Áp lực của nhóm chủ hòa đã áp đặt trên hệ thống giáo dục, mà sự mù quáng của chủ trương “đừng-làm-một-cái gì-có-thể-gây-tranh-luận-hoặc-bị-tấn-công”. Đã có khuynh hướng chế ngự hệ thống giáo dục chúng ta, do đó các nhà xuất bản sách giáo khoa hoặc giả lơ chuyện Việt Nam, hoặc chỉ mô tả sơ sài nhạt nhẽo chẳng giúp ai có thể hiểu sự thực thế nào. Điểu này đáng tức cười, bởi vì về phương diện khác, nó lại là điều tốt. Thỉnh thoảng nói chuyện với sinh viên, tôi nhận ra đa số chẳng những không hiểu biết gì, mà còn cực kỳ ngây thơ về chuyện Việt Nam. Nhưng chính vì thế, họ lại có thể tìm hiểu với một quan điểm hoàn toàn khách quan. Chính vì thế, họ trở thành nhóm người duy nhất tại nước Mỹ có thể nhìn mọi sự với quan điểm khách quan ấy. Nhưng vì vậy , khi thấy được những sự kiện phô bày đầy đủ rõ rệt trước mắt, họ bực tức vì họ đã bị bưng bít, do đã bị từ chối trong việc tìm hiểu và đã chỉ được đọc một phần của cả vấn đề.

Hiển nhiên, sau này các sử gia sẽ đào sâu mở rộng hơn. Có lẽ họ sẽ đối xử rất tử tế với tôi, có lẽ còn hơn cả sự xứng đáng của tôi. Dầu vậy, chúng ta hãy còn biết bao nhiêu chuyện trời đất mà những chuyện ấy vẫn chưa từng được kể hết ra! 

 

Tear Before The Rain (Nước Mắt Trước Cơn Mưa) 

Năm 1990 giáo sư Larry Engelmann, tại San Jose đã ra mắt tác phẩm Tears Before the Rain. Ông đã bỏ ra 3 năm đi khắp thế giới và Việt Nam phỏng vấn và soạn thảo một tác phẩm về những ngày cuối cùng của VNCH. Chúng tôi đã nói chuyện với tác giả và được chấp thuận dịch và xuất bản bằng Việt Ngữ. Cơ quan IRCC đã nhờ sự cộng tác của ông Nguyễn Bá Trạc dịch thuật và lần lượt đăng tác)

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt