Chiều Ba Mươi Tết, Bà Mẹ Chôn Sống Con Mình…

Sau hơn ba mươi năm cuộc chiến chấm dứt, một người phụ nữ ngoài bảy mươi được đề nghị trao tặng danh hiệu “anh hùng” và giúp cho hưởng các chế độ xã hội vì đã có công giết chết con đẻ của mình để giữ an toàn cho đoàn quân du kích trong lúc bị quân đội Việt Nam Cộng Hoà và Đồng minh truy đuổi.

Đứa trẻ đã khóc thét suốt nhiều đêm do sợ hãi tiếng động đạn bom. Cán bộ Việt cộng lúc đó đã làm công tác tư tưởng yêu cầu bà mẹ phải chôn sống đứa con mười mấy tháng tuổi của mình, ngõ hầu không vì tiếng khóc của con trẻ mà bị địch phát hiện. Người phụ nữ đã đắn đo dằn vặt trước những lời đề nghị ngọt lịm của các chính uỷ, bà đã nổ lực hết sức với những lời ru nhưng đứa trẻ vẫn trong cơn sốt hoảng sợ tiếp tục khóc. Thế là bà đành đoạn nói lời chia tay “thôi thì số phần của con vậy”, trước khi mang con đi chôn sống.

Người đàn bà theo lời kể trong đêm khuya hôm ấy đã lẳng lặng một mình mang cháu bé ra mé rừng, rồi moi cái hố nhỏ bỏ thằng bé xuống, vùi lấp lại. Đứa bé đã không còn khóc nữa, nó đã hoàn tất “sứ mệnh” của kiếp người: làm nên sự yên lòng cho các chính ủy Việt cộng.

Người mẹ đờ đẫn, bơ phờ ra về đến nơi trú ẩn như xác không hồn, bà đã làm một việc mà không nghĩ mình đã làm. Bà chỉ còn nghe lập lại, “đây là mệnh lệnh của đảng”. Và tiếng khóc đứa trẻ thật sự không còn nữa. Mọi sự an toàn cho những người đang trốn chạy, theo như lời các ông đảng viên cộng sản.

Người mẹ sau đó dần dần trở nên bất bình thường, kể từ đêm hôm ấy. Một hồ sơ bệnh án tâm lý thần kinh hình thành dù vô hình đối với một con người sẽ còn nhiều nước mắt chảy dài cho đến hết cả đời người, trong nỗi nhớ con cùng sự cấu xé về việc làm của mình. Bà đã hy sinh đứa con vì những lời mỵ dân cùng sự dốt nát kiến thức khoa học sơ đẳng trong việc chữa trị trẻ con khóc đêm. Chỉ cần cho bé một liều thuốc an thần nhẹ là trẻ sẽ ngủ say, thay vì hy sinh mạng sống của một con người. Người phụ nữ ấy chôn sống con, theo lời khuyến dụ của những kẻ làm chiến tranh. Thế nhưng khi cộng sản Hà Nội chiếm được miền Nam, họ đã quên hẳn người đàn bà bất hạnh đó.

Người mẹ giết con thật sự đã bị quên bẵng sau hơn ba mươi năm. Mới đây có một người cao niên nào đó trong số những du kích năm xưa nhớ lại, khi nhìn thấy thân phận quá đau thương mất mát cùng khổ của người đàn bà năm xưa. Hằng ngày trong bộ quần áo rách nát, bữa no bữa đói, bà phất phơ, lẩn thẩn đi tìm con. Bà luôn quanh quẩn nơi vùng đất ngày xưa chính mình đã chôn sống người con thân yêu, nay đã gần bốn chục năm, nghĩa là Nó đã gần bốn chục tuổi đời. Hình ảnh đứa con và việc làm rồ dại năm xưa luôn luôn trong tưởng tượng và ám ảnh của người mẹ.

Người mẹ này, vào thời điểm đó đã ngoài bảy mươi, sinh sống tại Tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam.

Nạn nhân chiến tranh luôn trong ám ảnh sẽ bị giết …

Ở những khu tập trung vào thời chiến tranh, các Thị Xã, Thành phố của miền Nam trở thành khu an toàn, nhất là vào ban đêm không sợ Việt cộng vào khủng bố, bắt cóc, ám sát. Nơi đây cũng đầy dẫy các em bị cụt chân, chột mắt hay bao thương tích trên người. Sau chiến tranh còn thêm đội thiếu nhi ở nông thôn bị đạp phải mìn từ tàn tật đến mất mạng. Thậm chí do cuộc sống quá khó khăn phải đi đào và cưa bom mìn bán ve chai, sắt vụn phải tử thương.

Hằng ngày thêm nhiều hơn có tiếng khóc than và kêu thành tiếng “nghiệp báo, nghiệp báo”.

Nhiều người nhảy ra giữa đường và quát lớn một cách giận dữ nhắm vào những ai đi ngang qua… Mặc ai nấy nói, hành khách lại đi tiếp, chiến tranh leo thang cùng sự điên loạn của con người trong chiến tranh qua bao đau thương, mất mát trở thành phổ biến và dường như làm chai lòng người và những trường hợp kia đó chính là hiện tượng ảo giác về lời nói của mình.

Ảo giác là tri giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không hề có trong thực tế khách quan gần như một thái độ ngụy tín. Ảo giác nầy xuất hiện và mất đi không phụ thuộc theo ý muốn của nạn nhân. Ảo giác có thể kèm theo rối loạn ý thức như mê sảng hoặc kèm theo rối loạn tư duy như hoang tưởng.

Người bệnh tiếp nhận ảo giác như một sự vật có thật trong thực tại, không phân biệt được ảo giác với sự vật thật.

Các công dân nghĩ rằng mình vẫn luôn sẽ hạnh phúc, giữ những chức vụ quan trọng trong tổ chức xã hội… nhưng thực tế đang là một nạn nhân của chiến tranh với một tương lai đầy bất trắc, không thể lường trước được việc gì sẽ xảy ra.

Có thể liệt kê cả trăm ngàn công dân thuộc loại này, chỉ riêng tại duyên hải miền Trung Việt Nam. Họ bị ám ảnh, sợ hãi… Song trên miệng lúc nào cũng lầm bầm, có khi la lớn với những từ: giết giết, hận thù, ta sẽ trả thù…

Ảo giác giả cũng như ảo giác thật mang tính chất cụ thể, nhưng khác với ảo giác thật là hình ảnh ảo giác không phải từ ngoài đến mà lại khu trú trong đầu, từ trong cơ thể phát ra, bệnh nhân nhận thức được chúng không phải bằng giác quan mà bằng trong ý nghĩ. Các nạn nhân chiến tranh thuộc loại này, lúc nào cũng như nghe có tiếng nói từ trong đầu. Họ bị phe bên này hay bên kia bắt và tra tấn quá sức chịu đựng của con người nên hậu quả mắc chứng trầm uất, lúc nào miệng cũng lầm bầm như đang nói chuyện với người yêu, hoặc với Thần thánh, thích ngồi một mình, mắt nhìn lên trời hay nhìn chăm chăm xuống mặt đất như đang nghe lời đối thoại. Họ lầm bầm như đang nghe và đáp lại lời của những người ngoài vũ trụ. Có người luôn kể cho mọi người nghe rằng đã vừa nghe tiếng nói của các vị tiên và mách bảo. Khi có tiếng thoảng qua lùm cây, bụi cỏ… họ cho đó là hiện tượng có tiên thánh đi ngang qua.

Khi họ ngủ bên đường, khách bộ hành có thể nghe từ trong giấc ngủ của nạn nhân chiến tranh đầy những câu thốt lên trong ngái ngủ như: chúng giết tôi, chúng giết tôi… và tôi đã nghe rõ tiếng lên cò bóp đạn của bọn chúng. Thật sự những âm thanh ấy chỉ có từ trong tiềm thức của các nạn nhân này hay từ chuyện bị nạn của thân nhân họ.

Có trường hợp nhảy xuống giếng tự tử và được cứu sống. Trả lời câu hỏi tại sao, họ bảo: có tiếng gọi hãy làm như thế vì trước sau gì cũng lạc đạn mà chết. Có trường hợp thắt cổ tự tử, và được phát hiện kịp thời. Họ đều trả lời: có tiếng gọi hãy làm điều đó để phản đối chiến tranh gây nên bao tai họa cho con người.

Đất nước Việt Nam đầy chiến tranh, chết chóc, thời chiến cũng như thời bình, cuộc sống và cái chết như quyện vào nhau, những biến cố trên dòng đời mà nạn nhân của chiến tranh đau thương là những người chung quanh đã lãnh nhận những quả bom, trái mìn… bao gia đình tan nát, những cuộc tình chia ly do những viên đạn thật bất ngờ đến vô tình.

Chiến tranh đã mang đến cho con người tất cả những thứ gọi là tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và đã lấy hết tất cả những gì gọi là văn minh, văn hóa.

Nguyễn Quang

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt