Chạy chức, chạy quyền có là chuyện thường tình tại Việt Nam…

Tại Việt Nam,  dưới chế độ cai trị độc tài cộng sản, dân gian có câu: Nhất hậu duệ/Nhì quan hệ/ Ba tiền tệ/Bốn trí tuệ/Còn lại là mặc kệ. Nghĩa là trong giới chức ăn trên ngồi tróc của bộ máy quyền lực khắp mọi nơi, mọi ngành muốn được “ghế” thì ưu tiên số 1 phải là con cháu cán bộ cộng  sản (4C), thứ nhì là có liên hệ họ hàng với quan chức cộng sản hoặc nhóm lợi ích, thứ ba phải có tiền đút lót, thứ tư mới tới người có bằng cấp học giỏi, còn lại thì mặc kệ sống chết mặc bay (và trong thành phần mặc kệ này đại đa số là người dân không thân, không thế không tiền, hiện chiếm 98% dân số Việt Nam. Chuyện này Nguyễn Phú Trọng không biết sao còn hỏi ngớ ngẫn giả dạng nai tơ “… cứ thấy chạy bao nhiêu tỷ vào chức này, chức kia. Nghe chuyện chạy chức, chạy quyền xót cả ruột. Các đồng chí cần làm rõ xem có chuyện đó không?”

 

Minh hoạ “chạy chức, chạy quyền” dưới chề độ csVN

Ngày 29.1.2015, tại Hội nghị công tác tổ chức xây dựng đảng csVN, Tổng bí thư đảng csVN Nguyễn Phú Trọng có nói rằng “… cứ thấy chạy bao nhiêu tỷ vào chức này, chức kia. Nghe chuyện chạy chức, chạy quyền xót cả ruột. Các đồng chí cần làm rõ xem có chuyện đó không?”

Trên thực tế chuyện chạy chức chạy quyền ở VN hiện nay ra sao?

Một tệ nạn phổ biến

Ở VN hiện nay, chuyện chạy chức, chạy quyền … đang là một tệ nạn khá phổ biến và có xu hướng gia tăng. Tới mức, từng có lãnh đạo một Viện nghiên cứu đã đề xuất ý tưởng cho rằng, cần “luật hóa” cho phép chạy chức chạy quyền công khai.

Đánh giá tình trạng chạy chức chạy quyền ở VN hiện nay, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:

“Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đang phải sống chung với việc chạy chức chạy quyền và đó là một điều hết sức đáng buồn. Nó không chỉ là báo động sự xuống cấp của đạo đức xã hội, mà nó còn báo hiệu về kỷ cương xã hội là yếu. Chính là khi phổ biến việc triển khai nghị quyết 4 của TƯ thì TBT csVN Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn ra điều này để chúng ta thấy cái thực trạng cái việc chạy việc, chạy chức, chạy quyền hiện nay. Và có thể nói mỗi chúng ta đều đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế này. Song chỉ có điều nói ra hay không nói ra, vì nói ra nó có tiện hay không?”

Chuyện chạy chức, chạy quyền không phải chỉ là chuyện nghe dư luận đồn thổi, mà bản thân ông đã nghe trực tiếp từ người thân của mình. GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ:

“Những việc chạy chức, chạy quyền, chạy việc thì tôi cũng phải nói thật là cũng thường xuyên tôi được nghe, thậm chí có cả họ hàng hay người quen nói. Ví dụ tôi có về một tỉnh ở rất xa Hà nội, ở đấy có gặp một ông anh họ, ông ấy có bảo:”Cháu của chú cũng vừa tốt nghiệp trường Sư phạm ra, để về cái trường này cháu cũng phải chạy cũng mất 8 chục (triệu)”. Khi tôi mang chuyện này để kể cho một nhà báo, thì nhà báo này bảo tôi “Ô, chưa có vấn đề gì đâu thầy ạ, em biết có trường hợp cũng ở đó mà chỉ chạy về đó với cái chân y tế học đường, tiểu học thôi còn mất 3 chục (triệu)”. Nên có thể nói những chuyện này đã xảy ra quá nhiều, chỉ có điều chúng ta muốn phanh phui nó ra, chúng ta muốn xử lý nó hay là chúng ta thôi để kệ nó cùng chung sống.”

Theo báo VNN online, phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc công tác tổ chức xây dựng Đảng, ông Tô Huy Rứa – Trưởng Ban Tổ chức TƯ đã khẳng định: “Việc này dư luận đang quan tâm lắm, nói rất nhiều. Điều tra dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo TƯ mới đây chỉ ra nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội là điều bức xúc thứ hai của người dân, chỉ sau tham nhũng”.

Dưới tiêu đề “Chắc chắn là có chuyện chạy chức chạy quyền” báo Tuổi Trẻ  cho biết: “Ông Lê Hồng Anh – thường trực Ban Bí thư đã thừa nhận với báo chí rằng “chuyện chạy chức, chạy quyền có cả ở cấp địa phương lẫn trung ương. Hiện nay có một thế lực ngầm, đường dây ngầm để chạy dự án, chạy chức, chạy tội. Đường dây này tồn tại lâu rồi, có điều là làm chưa ra được thôi, nhưng có khi nó nằm ngay trong bộ máy nhà nước.”

Nhận xét về nhận định này, Phó Giáo Sư. TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội thuộc Viện KH & XH khẳng định:

“Một người ở cương vị như thế mà nói thì nó giống như sự xác nhận rằng hiện tượng đó đã trở nên không phải là điều lạ lẫm, không phải hiếm hoi và dường như là chuyện phổ biến. Những ý kiến phản bác thì dường như không có và những người có trách nhiệm cao hơn nữa cần thấy đấy là một kênh thông tin để kiểm tra, để tìm cách xác tín trở lại và bản thân cái đó cũng như lời thừa nhận. Người ta có thể bình luận rất nhiều xung quanh cái sự việc đó, rằng là trong xã hội chúng ta đã có sự chấp nhận việc bôi trơn bộ máy. Đặc biệt đối với các công tác liên quan đến việc đề bạt nhân sự, thăng thưởng hay thuyên chuyển v.v… thì đều có bóng dáng của hành vi phong bì, hối lộ.”

Ở trên có gương mẫu thì dưới mới nghiêm minh

Trả lời câu hỏi nguyên nhân do đâu khiến tình trạng chạy chức, chạy quyền trở nên hết sức phổ biến như hiện nay?

Quy trình bổ nhiệm hiện nay tuy qua nhiều cấp, song mang nặng tính hình thức, đồng thời còn do không đánh giá con người, đánh giá công việc theo hiệu quả và nếu sai thì tất cả rơi vào trách nhiệm tập thể, không có anh nào chịu trách nhiệm cá nhân cả. GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay:

“Chúng ta đưa qua, đưa lại rất nhiều cấp, nhiều ban, nhiều bệ để mà xét duyệt, nâng lên đặt xuống rất nhiều. Và trong nhiều trường hợp, việc nâng lên đặt xuống cũng để chờ xem người sắp được bổ nhiệm có chạy đến mình hay không? Tôi muốn nói nguyên nhân ở đây là do kỷ cương rất là yếu, vì trước hết chúng ta không có một cơ chế giám sát để các cơ quan có thể giám sát lẫn nhau, để mọi người có thể giám sát lẫn nhau. Mà cái giám sát của chúng ta hiện nay cũng chỉ là hình thức thôi. Cái thứ 2 là khi giám sát xong rồi, phát hiện ra cái sai rồi cũng vẫn chưa xử lý được, đá qua đá lại đến khi sự việc nó nát ra rồi thì cuối cùng cũng chẳng xử lý gì. Và thứ 3 có thể nói là những tấm gương về đạo đức xã hội quá yếu, nhất là những tấm gương của người lớn, người trên. Vì nếu ở trên có gương mẫu thì ở dưới mới nghiêm chỉnh được. ”

Nếu không khắc phục kịp thời tình trạng này, sẽ dẫn đến hậu quả dây chuyền, bởi chọn cán bộ mà sai, không bảo đảm về cả năng lực và phẩm chất thì đến lượt, họ lại chọn những cán bộ như vậy mà thôi. PGS. TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình chia sẻ:

“Điều đó dẫn tới sự méo mó của bức tranh nhân lực của xã hội, bới vì đến lượt mình những người phải bỏ tiền ra để bôi trơn đã phải tham gia quá trình đó với tính cách như hối lộ, tham nhũng thì anh ta cũng sẽ hành xử như vậy khi đã có được một vị trí. Mà cũng sẽ đặt vấn đề như thế để nhũng nhiễu và hạch sách, đòi hỏi khi trở thành một người có điều kiện ban phát. Khi mọi giá trị bị đảo lộn thì nó rất nguy hại cho quá trình phát triển, điều đó chắc chắn nó sẽ gây ra sự mất lòng tin. Bản thân nó sẽ làm cho chính guồng máy của chúng ta bị xuống cấp, bị tha hóa.”

Trong một bài viết trên VNN gần đây, tác giả Đinh Duy Hòa  đã cảnh báo trước rằng: “Bộ máy nhà nước chắc sẽ bao gồm những người nhiều tiền kinh khủng, ở các Bộ sẽ toàn những người tiền trên thiên hạ mới trúng được, rồi chủ tịch các tỉnh, huyện… rồi cũng thế. Hệ thống hành chính chắc phải đổi lại là hệ thống hành chính tiền tệ cho chính xác.”

RFA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt