Người dân Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh

Thời sự trong nước chiếm trọng tâm trên các mặt báo Pháp sáng nay 23/10/2014, với việc đảng cầm quyền Xã hội đang xâu xé lẫn nhau. Thời sự quốc tế khá tản mạn rải đều từ Đông sang Tây. Riêng về tình hình Châu Á, nhật báo Công giáo La Croix tiếp tục cập nhật thông tin về Hồng Kông. Tờ báo giật tít lớn trên trang nhất “Lời nói tự do của người dân Hồng Kông”. 

Đặc phái viên của La Croix có mặt tại cựu thuộc địa Anh quốc đã gặp gỡ những người đấu tranh ủng hộ phong trào dân chủ, diễn ra từ bốn tuần nay, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh áp đặt quyền lực của họ lên Hồng Kông. Qua tiếp xúc, La Croix nhận thấy “Người dân Hồng Kông tiếp tục thách thức Bắc Kinh“. Đây cũng là tựa đề bài viết trên trang hai.

“Tôi hiểu rất rõ cộng sản Trung Quốc”

Bốn nhân chứng mà đặc phái viên La Croix có dịp gặp gỡ trao đổi có cả già lẫn trẻ, đại diện cho ba thành phần người hưu trí, người đi làm, và sinh viên học sinh. Cụ già Wong 86 tuổi lấy làm ngưỡng mộ một giới trẻ rất có đầu óc tổ chức, ôn hòa, thông minh và dám thách thức quyền lực cộng sản. Ông tự cho là rất hiểu rõ cộng sản Trung Quốc, những người đã sát hại vợ con và em trai của ông trong suốt thời kỳ diễn ra Cách mạng văn hóa.

Ông Wong nói : “Cuộc đấu tranh của sinh viên là bất cân xứng, nhưng cũng không bõ công. Họ chỉ muốn có thể tự bầu chọn ra người lãnh đạo cho họ, chỉ đơn giản thế thôi. Nhưng trong con mắt của Bắc Kinh, đây là một cuộc đối đầu, tôi biết họ (Bắc Kinh) rõ lắm. Họ muốn kiểm soát tất. Chính vì vậy mà các cô cậu sinh viên của tôi mới ở đây […] do đó tôi phải ủng hộ chúng nó. Những cô cậu này rất cần được sự trợ giúp và bảo vệ“.

Theo ghi nhận của La Croix, sinh viên tham gia biểu tình không chỉ để bày tỏ tình yêu của họ đối với đặc khu kinh tế, nơi họ được sinh ra và lớn lên. Mà còn là một cơ hội để làm giàu vốn sống, là dịp để bày tỏ sự can đảm, khẳng định sự trưởng thành và chính kiến của mình với các bậc sinh thành. Tuy nhiên, động cơ chính của việc tham gia xuống đường xuất phát từ hành động vũ lực của cảnh sát đối với các sinh viên biểu tình ôn hòa. Một hành động mà họ đánh giá là “không thể chấp nhận” được.

Tự do ngôn luận đã bị bán cho Bắc Kinh

Bên cạnh sinh viên, thành phần chủ lực của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, còn có sự góp mặt của một số trí thức trẻ. Họ tham gia biểu tình cũng vì mối lo cho chính tương lai của mình. Kể từ khi ông Lương Chấn Anh được chỉ định làm đặc khu trưởng năm 2012, họ cảm thấy có sự trượt đà nguy hiểm

Chưa bao giờ tình trạng tự do ngôn luận bị đe dọa nghiêm trọng đến như vậy. Báo chí địa phương tự kiểm duyệt ngày càng nhiều. Họ không còn đọc báo nào khác ngoài các tờ báo quốc tế. Họ cảm thấy mọi thứ đang thay đổi theo chiều hướng ngày càng tệ.

Hơn nữa những người này phân biệt rất rõ về ý nghĩa quyền lực giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Anh Harry Leung, một kỹ sư trẻ cho rằng : “Tại Trung Quốc, quyền lực nằm trong của Hoàng đế và không phải của dân. Trong khi ở đây, tại Hồng Kông, chúng tôi đã trải qua một giai đoạn lịch sử khác, mới hơn. Nó cho phép chúng tôi được bày tỏ chính kiến. Do đó, cảm thấy là tự do ngôn luận hiện có của tôi đang bị bán cho Bắc Kinh, tôi không thể chấp nhận điều đó“.

“Sinh viên luôn là những kẻ thiệt thòi”

Nhưng không phải ai tham gia phong trào đòi dân chủ cũng đầy nhiệt huyết. Nó cũng để lại nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Một số người tuy ủng hộ phong trào bất tuân dân sự, nhưng cũng tỏ ra rất bi quan. Một nữ giáo viên cho rằng sinh viên vẫn là kẻ thua cuộc. Họ (sinh viên) luôn là những kẻ bị hy sinh cho những cuộc nổi dậy.

Mặc dù rất bảo vệ sinh viên, nhưng những người này lại cảm thấy niềm đam mê và cảm xúc mạnh đang làm “xáo trộn” cuộc sống thường nhật của họ. Họ cũng cảm thấy cuộc sống tại Hồng Kông giờ không còn thoải mái như trước. Cảnh sát cũng đã thay đổi bộ mặt…

Nhưng có điều chắc chắn họ “không bao giờ chấp nhận ‘người ông Bắc Kinh’ tước đi những viên kẹo mà ‘người cha Hồng Kông’ đã ban tặng cho họ từ nhiều năm qua”.

Hồng Kông : điểm giao thoa giữa phương Đông và phương Tây

La Croix nhân dịp này phỏng vấn ông Martin Lee, 76 tuổi, luật sự, nhà sáng lập đảng Dân chủ Hồng Kông, thành viên phong trào Occupy Central. Theo ông Lee, “Hồng Kông hiện đang trải qua thời điểm lịch sử về vận mệnh Trung Quốc của mình“.

Trả lời các câu hỏi của đặc phái viên tờ La Croix, ông Martin Lee cho rằng “Đây là thời điểm để bảo vệ nền dân chủ, một sự dấn thân cho sự bất tuân dân sự, mà vì nó người ta chấp nhận bị bỏ tù, do phong trào biểu tình của họ là bất hợp pháp”.

Nhưng ông cũng cho rằng sinh viên chỉ đòi hỏi những gì mà Bắc Kinh đã cam kết cách đây nhiều năm và đã hai lần bị hoãn, kể từ khi được trao trả về với Trung Quốc năm 1997. Hồng Kông đang viết nên trang sử cho chính mình và đang trải qua một thời khắc lịch sử về vận mệnh Trung Quốc của mình.

Ông Martin Lee còn nhìn nhận rằng đàng sau những đòi hỏi về chính trị, là còn cả những bức xúc về xã hội. Chưa bao giờ xã hội Hồng Kông lại trở nên bất bình đẳng đến như thế. Họ đấu tranh là vì bảo vệ các giá trị cơ bản, những giá trị đã biến thành phố đảo này thành nơi duy nhất cho sự giao thoa Đông – Tây.

Tập Cận Bình cần một chủ thuyết cho các mục tiêu kinh tế-chính trị

Nhìn sang Trung Quốc, báo Le Monde có bãi xã luận khá hay về những mục tiêu chính trị đầy mâu thuẫn của ông Tập Cận Bình : Vừa củng cố quyền lực cá nhân, vừa khẳng định thúc đẩy hơn nữa đất nước theo hướng Nhà nước pháp quyền. Theo tờ báo duy, họ Tập phải đề ra một chủ thuyết nào đó để có thể giải thích được mâu thuẫn đó.

Tập Cận Bình và những mâu thuẫn nội tại” là hàng tựa nhận định của bài xã luận. Trong lần Hội nghị toàn thể Ban chấp hành đảng cộng sản lần 4 này, 250 thành viên ban chấp hành tập trung chủ yếu vào chủ đề “quyền lực pháp luật“. Tại một đất nước “xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc“, vấn đề là phải “thúc đẩy hơn nữa việc xây dựng một hệ thống điều hành bằng luật“, nhưng đương nhiên là không được phủ nhận sự chuyên chế của giai cấp vô sản, bài xã luận viết.

Tuy nghe có vẻ nực cười, nhưng ở điểm nào đó, nó phản ảnh phần nào thiện chí chính trị. Trong bối cảnh công cuộc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng Trung Quốc rất cần một khung pháp lý vững chắc để có thể ưu đãi cho đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có nguy cơ lấn át quyền hành của nhiều vị “lãnh chúa”, những vị lãnh đạo đảng ở các cấp địa phương.

Song song đó, ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình hiện nay là phải khôi phục thanh danh cho đảng. Hình ảnh của đảng cộng sản đang bị nạn tham nhũng gậm nhấm và hao mòn trong con mắt của công luận. Chủ tịch nước và lãnh đạo đảng họ Tập tin rằng chỉ có việc hồi phục lại uy tín và tính chính đáng mới có thể bảo toàn được sự tồn vong của đảng cộng sản. Do đó cần phải đánh thẳng vào căn bệnh trầm kha này.

Và ông đã đánh mạnh và đánh rất cao nữa. Hơn 5.000 đảng viên quan trọng, trong tổng số 80 triệu thành viên đã bị trừng phạt và cách chức. Trong số đó khoảng 50 người là quan chức cao cấp, nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các bộ hay có thứ bậc cao trong quân đội và ngành an ninh. Và trên chóp bu của tháp cao này, có cả ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên ban thường vụ Bộ chính trị, đứng đầu ngành công an. Ông Chu rất có thể sẽ bị khai trừ khỏi đảng nhân kỳ Hội nghị lần này.

Đương nhiên, chiến dịch “đập hổ, đập ruồi” của ông Tập Cận Bình cũng gây ra những căng thẳng ngay trong lòng nội bộ đảng. Điều này cũng buộc ông Tập cùng lúc phải ra sức củng cố quyền lực, mỗi ngày thấy rõ rệt hơn. Đến mức đang dần xa rời cách thức điều hành tập thể so với những người tiền nhiệm.

Việc thâu tóm lại hệ tư tưởng và chính trị đó có thể giải thích phần nào hành động trấn áp có hệ thống và tàn khốc mọi tiếng nói đối lập. Chính trong sự nghịch lý đó mà ban lãnh đạo đảng đang có dự định thúc tiến cái gọi là “quyền lực pháp luật“.

Cuối cùng bài viết cho rằng chính sự pha lẫn một chút tư tưởng Lê-nin và một chút tư tưởng Khổng giáo đã tạo nên đặc trưng riêng của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Giờ chỉ có một chủ thuyết nào đó mới có thể giải thích được những mâu thuẫn này mà thôi.

Theo RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt