Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (59)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1970 TQLC hành quân Vùng I địa đầu giới tuyến(59)

Hành Quân Vùng I biên giới Lào Việt địa đầu giới tuyến 1970 (59)

Sau một thời gian nghỉ ngơi tại hậu cứ ở Sài Gòn, lại được Bộ TTM tăng phái cho Sư Ðoàn 1 BB thuộc Quân Đoàn 1, lúc này do Chuẩn tướng Phạm Văn Phú làm Tư Lệnh SĐ 1 BB. Ông ta từ Biệt Khu 44 thuộc Vùng 4 mới thuyên chuyển ra. Ðối với SÐ 1, ông Phú không phải là người xa lạ, vì ông đã từng giữ Tư Lệnh Phó Sư đoàn 1 BB. Thành thử khi gặp lại Tướng Phú, mọi sự đều tốt đẹp. Trước hết LĐA/TQLC  được giao nhiệm vụ tới đóng quân tại căn cứ Cồn Tiên. Nơi đây trước kia do TQLC Hoa Kỳ trấn đóng. Khi chúng tôi tới, thì căn cứ hầu như bình địa, không còn nhà cửa và đồn trại gì nữa. BCH LĐA/TQLC đóng trên một ngọn đồi gần phía Nam căn cứ, ngay đêm đầu thì đã bị địch pháo kích vào BCH làm cho một vài binh sĩ bị thương.

Ngày hôm sau, LĐA  mở ngay cuộc hành quân lục soát chung quanh căn cứ, nhưng không gặp một kháng cự nào của địch. Những ngày kế tiếp, LĐA  tiếp tục hoạt động ra xa căn cứ. Bố trí LĐA tại đây cũng không ngoài mục đích ngăn chặn mọi sự xâm nhập của CSBV từ phía bắc Vĩ tuyến 17 vào Nam. Thực ra thì cũng chỉ hữu hiệu một phần nào. Ðịch quân thiếu gì các đường khác theo phía Tây gần biên giới Lào Việt, một vùng rừng núi rộng lớn mà lực lượng của ta đâu đủ sức kiểm soát nỗi. Nếu có thì cũng chỉ làm chúng chậm bước tiến, cũng như xử dụng những phương tiện, vũ khí  nặng vào trận địa.

Vùng hành quân ở Vùng I của Chiến Đoàn A/TQLC năm 1970

Tình hình an ninh trong năm 1970 tại Vùng I, đặc biệt tại khu vực giới tuyến tương đối yên tĩnh, chưa có một cuộc đụng độ lớn nào xẩy ra sau biến cố Tết Mậu Thân 1968. Ðịch đã thiệt hại rất nặng nề, nên cần có thời gian để củng cố lại tổ chức lực lượng, nhất là các đơn vị hạ tầng cơ sở địa phương đã bị tê liệt.

Hoạt động được một thời gian thì LĐA/TQLC được một đơn vị bộ binh thay thế, trở về Thị Trấn Ðông Hà và tiếp theo vào hoạt động trấn đóng tại khu vực phía Nam quận Cam Lộ. Một địa điểm có các căn cứ của Hoa Kỳ để lại, sau khi Mỹ rút quân theo kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Chính Phủ VNCH và Quân Ðội Hoa Kỳ. Căn cứ này nhằm ngăn chặn các sư xâm nhập của CSBV từ vùng Khe Sanh giáp ranh với Lào xuống thung lung Ba Lòng để vào vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị.

Theo nhiệm vụ đã giao phó, LĐA/TQLC bố trí một đơn vị tại căn cứ Sạc (Sartre) nằm trên một cao địa thuộc một dãy núi chạy dài từ bắc xuống nam. Từ địa điểm này có thể quan sát được hết thung lung Ba Lòng khởi đầu từ vùng Khe Sanh xuống. Một đơn vị tại ngọn đèo kế tiếp cùng nằm trên dãy núi ở phía Nam căn cứ Sạc khoảng 2, 3 cây số.

Vị trí này có thể kiểm soát một tuyến đường từ thung lung Ba Lòng để tiến về quận Cam Lộ, hoặc theo hướng đông về phía La Vang tỉnh Quảng Trị. Do vị trí có tính cách chiến thuật trọng yếu, nên mọi hoạt động của địch từ hướng Khe Sanh tới đã bị chặn đứng. Bởi vậy, Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, địch đã xử dụng một lực lượng khá mạnh để tấn công các vị trí trên, cũng do LĐ147/TQLC (LĐA sau đổi tên thành Lữ Đoàn 147) cố thủ. Ngoài LĐ147/TQLC bố trí trong khu vực, còn có căn cứ Carol nằm ỏ phía tây của LĐ147 án ngữ nhằm kiểm soát Đường số 9 từ Khe Sanh xuống. Sau này dưới sự tấn công biển người của CSBV, LĐ147/TQLC cũng như một đơn vị của Sư Ðoàn 1 trấn đóng tại căn cứ Carol đã rút bỏ, lui về tuyến phòng ngự gần Thị Trấn Ðông Hà và tỉnh lỵ Quảng Trị. Trong thời gian hoạt động tại khu vực Cam Lộ, LĐ147 đã không gặp một hoạt động nào đáng kể của địch, sau mấy tháng trấn đóng hoạt động vô sự, LĐ đã di chuyển về hậu cứ tại Sài Gòn.

Sang năm 1971, LĐ đã tham gia cuộc hành quân  Lam Sơn 719 do Quân Ðoàn I chỉ huy.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt