Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (58)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1970 Chiến Đoàn A/TQLC hành quân Campuchia (58)

Chỉ huy Chiến Đoàn A/TQLC Hành quân Campuchia tháng 6/1970 (58)

Bản đồ Campuchia nằm cạnh Việt Nam và liên tục bởi sông Cửu Long

Tình hình chung An ninh chính trị: Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968) mà một số thành phố, tỉnh lỵ thuộc VNCH đã bị quân CS  Bắc Việt và cái gọi là MTGPMN vi phạm thỏa hiệp đình chiến trong ba ngày Tết, tấn công và chiếm giữ một thời gian ngắn, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản và nhân mạng, đặc biệt là ở cố đô Huế. Tình hình sau đó đã trở nên lắng dịu trên toàn lãnh thổ miền Nam VN cho tới mấy năm về sau. Cũng vì sự thiệt hại nặng nề của địch trong cuộc tấn công đó mà tình hình quân sự đã bớt căng thẳng và hai bên đã đồng ý đi tới hòa hội Paris.

Trung Tướng Đỗ Cao Trí chỉ huy hành quân Campuchia 1970

Một điều đáng lưu ý, là sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, thì Hồ chí Minh đã lâm bệnh nặng, có lẽ vì uất ức qua sự thất bại trên, nên đã từ trần vào đầu năm 1969, khiến các tên lãnh tụ cọng sản miền Bắc phải chịu ngồi vào bàn Hội Nghị theo đề nghị của Chính Phủ Hoa Kỳ. Sự thất bại nặng nề trong cuộc tổng tấn công vào các đô thị miền Nam trong cả hai đợt Tết Mậu Thân (2/1968) và tháng 5/1968, khiến các lực lượng của VC không còn khả năng mở ra những cuộc tấn công quy mô trên khắp chiến trường miền Nam trong suốt mấy năm sau đó, mà chỉ còn những hoạt động cấp thấp không đáng kể. Những đơn vị lớn đều rút qua biên giới Campuchia để tái bổ sung, tổ chức và huấn luyện. Còn các đơn vị địa phương bị thiệt hại nhiều nhất, kể cả cán bộ xã ấp của chúng tưởng thời cơ đã đến nên đã lộ diện, do đó đã bị ta bắt và tiêu diệt.

Sau này, qua những tin tức tình báo ghi nhận, thì các lực lượng địa phương, phần lớn các cấp chỉ huy từ Ðại Ðội trở lên đã được các cán bộ từ miền Bắc vào thay thế. Sau biến cố Tết Mậu Thân, cũng như cuộc tấn công đợt 2 vào tháng 5/1968 tuy rằng VNCH đã phản công thắng lợi nhưng cũng không tránh khỏi những thiệt hại về tài sản cũng như về nhân mạng, nhất là tại thành phố Huế, VC trong thời gian chiếm cứ đã bắt và thủ tiêu hàng mấy ngàn người dân, quân, cán chính mà đến tận bây giờ mọi người không bao giờ quên được. Sở dĩ sự việc xẩy ra vì ta quá chủ quan, khinh địch, tin vào thiện chí của CS  thi hành thỏa hiệp ngừng bắn ba ngày đầu Xuân. Dầu sao qua cơn sóng gió thì tình hình an ninh khắp bốn vùng chiến thuật trở nên yên tĩnh, các tổ chức chính quyền xã, ấp được cũng cố, tinh thần chiến đấu của các lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân trở nên vững vàng hơn. Tuy nhiên sự lắng dịu trên chiến trường không đi tới tàn lụi, mà có tính cách thời gian, vì khả năng chiến đấu của địch chưa hoàn toàn tê liệt, và chúng vẫn  tiếp tục chi viện từ miền Bắc vào về nhân lực và vũ khí  theo đường mòn Hồ chí Minh và đặc biệt là chúng đã xử dụng hải cảng Sihanoukville của Campuchia để đổ súng ống, đạn dược tiếp tế cho các lực lượng hoạt động tại hai Vùng III và Vùng IV chiến thuật. Chúng làm được vậy là do Chính quyền Campuchia cho phép, vì có ác cảm với Chính quyền VNCH. Vì vậy khi địch hồi sức lại, chúng lại vượt qua biên giới để quấy phá miền Nam VN. Ðể chấm dứt hậu hoạn đó, VNCH chỉ còn có cách là mở cuộc hành quân vượt biên truy diệt tận sào huyệt thì mới có thể đạt kết quả lâu dài được.

Ðến năm 1970 thì tình hình chính trị tại Campuchia bỗng thay đổi. Tướng Lon Nol, Thủ Tướng Chính phủ Campuchia đã đảo chính lật đổ Quốc Vương Sihanouk, lúc đó đang thăm viếng Trung Cộng và Bắc Việt. Sự việc này đã tạo thuận lợi cho VNCH vì Chính quyền mới tại Campuchia đã có lập trường rõ rệt là thân tây phương và chống Cộng. Trong lúc giao thời, còn đang củng cố Chính quyền, vả lại khả năng quân sự quá yếu kém không đối phó được với hai kẻ thù là Khmer Ðỏ và Bộ đội CSVN hoạt động gần như công khai dọc vùng biên giới Miên-Việt từ Hải cảng Sihanoukville tới phía bắc giáp ranh với Lào. Do đó, Tướng Lon Nol đã thuận để quân đội VNCH mở cuộc hành quân qua biên giới, một là tiêu diệt lực lượng CSVN đang chiếm cứ trong lãnh thổ, hai là trợ giúp Quân Ðội Campuchia về tổ chức, huấn luyện có sự viện trợ của Hoa Kỳ trong một thời gian ngõ hầu có thể tự lực bảo vệ.

Ðể thực hiện kế hoạch trên, Quân lực VNCH mở cuộc hành quân  sang Campuchia mà không có sự tham dự của Quân Ðội Hoa Kỳ, cũng như không có sự tham dự của cố vấn Hoa Kỳ trong các lực lượng tham gia hành quân. Cuộc hành quân  được thực hiện bằng hai cánh quân, một thuộc Vùng III và một thuộc Vùng IV Chiến Thuật.

Tại Vùng III do Trung Tướng Ðỗ Cao Trí chỉ huy, và Vùng IV do Tướng Ngô Dzu đảm trách. Các lực lượng hành quân  đều có đủ các binh chủng tham dự. Riêng hai lực lượng Tổng Trừ Bị thì Nhẩy Dù theo cánh quân thuộc Vùng III, còn TQLC theo cánh quân tại Vùng IV. Diễn tiến hành quân  thuộc phạm vi LĐ B/TQLC gồm có ba tiểu đoàn TQLC do Ðại Tá Tôn Thất Soạn chỉ huy cùng với lực lượng Thủy Bộ do Ðại Tá Nguyễn Văn Thông (Hải Quân) làm Tư Lệnh, vượt tuyến xuất phát từ Tỉnh lỵ Châu Ðốc, ngược dòng sông Mekong tới ranh giới Việt-Miên thì đổ bộ lên vùng đất thuộc hữu ngạn con sông và mở cuộc tấn công lên tới Thị Trấn Neak Leung. Trong khi đó thì lực lượng Thủy Bộ, hoạt động tuần tiễu trên sông, yểm trợ cho cuộc hành quân.

Hành quân Campuchia 1970 bằng đổ bộ trực thăng

Cuộc đổ bộ lập đầu cầu được an toàn, không có phản ứng của địch. Sau đó thì pháo binh được trực thăng bốc từ Châu Ðốc tới vị trí hành quân. Tình hình địa thế tương đối trống trải, làng mạc thưa thớt ít dân cư, do đó cuộc tiến quân không gặp khó khăn lắm. Về địch tình, có lẽ biết trước, chủ lực địch đã rút sâu vào nội địa, hướng lên phía bắc, nên các lực lượng tiền phong chỉ gặp các kháng cự yếu ớt để làm trì hoãn bước tiến của ta. Tuy nhiên trong ba ngày hành quân liên tục, LĐB/TQLC cũng đạt được kết quả là loại ra ngoài vòng chiến một số địch quân đồng thời phá hủy một số kho gạo, thuốc men và vũ khí  đáng kể. Sau đó thì LĐB/TQLC bố trí quân tại khu vực chung quanh Thị Trấn Neak Leung.

Tại đây, đơn vị đã bắt tay được với các đơn vị Campuchia bảo vệ Thị Trấn. Với sự yêu cầu của chính quyền địa phương Campuchia, đã tổ chức một cuộc hành quân trực thăng vận sang khu vực tả ngạn sông Mekong, nằm ở phía tây nam Thủ Ðô Nam Vang chừng 50 cây số. Cuộc hành quân  do TĐ3/TQLC của Thiếu Tá Nguyễn năng Bảo thực hiện. Cuộc hành quân diễn ra trong ngày, kết quả thu lượm không đáng kể vì địch đã di chuyển vào ngày hôm trước. Về tình hình địch, thì trong khu vực hành quân, phần lớn chỉ là các đơn vị của CSVN còn Khmer Ðỏ thì hoạt động ở phía tây lãnh thổ Campuchia. Sau đó thì LĐB/TQLC tiếp tục hoạt động mở rộng vòng đai Thị Trấn, giúp các đơn vị Campuchia trải quân đóng giữ cho tới ngày được LĐA/TQLC tới thay thế. Trong thời gian LĐB tham gia hành quân  sang Campuchia thì LĐA đang hành quân tại tỉnh Chương Thiện.

Ðược lệnh của Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 4, LĐA/TQLC do tôi chỉ huy di chuyển bằng quân xa tới Thị Xã Châu Ðốc và được tàu hải quân chở tới bến phà Neak Leung. Tại đây LĐA tiếp tục làm nhiệm vụ của LĐB là chuẩn bị mở cuộc hành quân giải tỏa tỉnh lỵ Preveng nằm ở phía đông bắc của Thị Trấn Neak Leung mấy chục cây số đang bị lực lượng CSVN chiếm đóng.

Lực lượng của Chính quyền Campuchia chỉ còn cố thủ trong căn cứ nằm ở phía nam tỉnh lỵ. Công tác thay thế hoàn tất, tôi xử dụng trực thăng bay quan sát chiến trường trước khi thảo kế hoạch hành quân. Tỉnh lỵ Preyveng từ trên cao nhìn xuống trông rất đẹp. Nhà cửa xây dựng khang trang, phố xá rộng rãi có cây xanh trồng hai bên đường. Tỉnh lỵ nhỏ bé nhưng rất gọn gàng. Sau này tỉnh lỵ được giải tỏa, tôi mới thấy rõ cảnh trí của Thành phố. Kiến trúc nhà cửa, đường xá dựa theo kỹ thuật của Pháp hoàn toàn.

Dân chúng thưa thớt,có lẽ phần đông đã bỏ chạy khi CS chiếm thành phố. Có một vài căn nhà lầu đã bị hư hại bởi hỏa tiến 122 ly. Ðịa thế chung quanh tỉnh lỵ khá trống trải nên thuận lợi cho việc đổ quân bằng trực thăng. Tuy nhiên cũng dễ  bị hỏa lực của địch bố trí trong các căn nhà nằm ven tỉnh lỵ bắn ra. LĐA/TQLC xử dụng hai Tiểu Đoàn hành quân trực thăng vận xuống bãi đáp ở phía tây tỉnh lỵ. Một TĐ còn lại bố trí tại Thị Trấn Neak Leung làm thành phần trừ bị. Ðơn vị trực thăng của VNCH đảm trách chuyển quân từ bãi bốc ở ngoài Thị Trấn tới bãi đáp, dưới sự yểm trợ hỏa lực của trực thăng võ trang và pháo binh trong trường hợp có sự phản ứng của địch, để tránh sự thiệt hại về nhà cửa trong thành phố.

Vào giờ N, một Ðại Ðội được thả xuống bãi đáp và tiến nhanh vào hàng cây bao quanh thành phố an toàn. Trên trực thăng, tôi liên lạc qua một sĩ quan Miên tháp tùng, thì đơn vị Campuchia còn lại đồn trú ở phía nam thành phố cho biết là địch chiếm cứ ở phía bắc thành phố. Tôi cho tiếp tục thả quân và tới xế trưa thì hoàn tất. Hai TĐ được lệnh tiến song song sang phía đông và lên hướng bắc dựa theo các căn nhà dọc theo đường phố. Tình hình hoàn toàn yên tĩnh cho tới chừng 5, 6 giờ chiều khi hai đơn vị tiến gần tới khu vực cực bắc thành phố thì chạm địch.

VC ẩn núp trong những căn nhà hai tầng lầu ở đầu các dãy phố bắn xối xả vào các trục tiến quân của ta. Nhờ tiến quân dựa vào các nhà, nên đã tránh được nhiều thiệt hại. Tuy nhiên đã có vài binh sĩ bị thương. Hai bên bắn qua lại một hồi lâu thì trời vừa tối, cuộc tiến quân đành phải ngừng lại trong đêm. Mờ sáng hôm sau thì trận chiến lại bắt đầu, VC vẫn cố thủ chưa chịu rút lui.

Tôi ra lệnh hai đơn vị phải tấn công dứt điểm dưới sự yểm trợ của pháo binh và trực thăng võ trang. Ðến gần trưa thì địch tại các căn nhà đầu phố đã bị đánh bật về phía bắc, một số địch quân bị bắt và tử thương, kể cả vũ khí  đạn dược bỏ lại trận địa. Khai thác thắng lợi, các đơn vị tiếp tục áp đảo địch từ nhà này đến nhà khác cho đến chiều tối thì địch hoàn toàn rút chạy về hướng bắc ra ngoài thành phố, để lại nhiều vũ khí và xác chết. Về phía LĐA/TQLC thiệt hại tương đối nhẹ. Như vậy là qua hai ngày hành quân, LĐ đã làm chủ Thành phố và giải tỏa cho đơn vị Campuchia cố thủ trong căn cứ ở phía nam thành phố. Ðể hỗ trợ cho chính quyền địa phương củng cố lại quyền cai trị và tăng cường quân số để bảo vệ thành phố, LĐA/TQLC duy trì hai Tiểu Đoàn một thời gian và đồng thời chuẩn bị tiếp theo cuộc hành quân về hướng bắc để lùng diệt địch.

Bến sông ở Neak Leung, Campuchia

Theo lệnh của QÐ IV, tôi phải bay tới căn cứ đóng quân của Lữ Đoàn 3 Thiết Giáp của Ðại Tá Khôi thuộc QÐ III đang hành quân tại khu vực đồn điền Michelin để tiếp nhận một Chi Ðoàn Thiết vận xa tăng cường cho cuộc hành quân của LÐA/TQLC, nhưng cuối cùng thì lại hủy bỏ, và LĐ đơn thương hành quân bằng phương tiện cơ hữu.

Nghỉ quân được vài ngày, LĐ tiến quân lên hướng bắc thành phố khoảng mười mấy cây số thì dừng lại. Không có cuộc chạm súng nào đáng kể, địch hầu như rút chạy về hướng tây bắc. Một vài kho lúa gạo được khám phá. Cuộc hành quân  giải tỏa thành phố Preyveng chấm dứt, LĐA/TQLC rút bằng đường bộ về lại Thị Trấn Neak Leung, đồng thời yểm trợ cho lực lượng địa phương Campuchia củng cố lại các đồn trại dọc theo tỉnh lộ Preyveng-Neak Leung.

Một điểm ghi nhận là các tù binh bắt được trong trận đánh đều ở tuổi 19, 20, ốm yếu và bệnh tật, sắc mặt vàng vọt vì sốt rét mà không có thuốc men. Hỏi chúng thì được biết là chúng mới từ miền Bắc vào Nam mới được vài tháng theo đường mòn Hồ chí Minh. Ðược cho ăn uống và hút thuốc, chúng tỏ ra rất vui mừng, không ngờ lại được đối xử rất tử tế, chứ không như lời tuyên truyền xuyên tạc của các cấp chỉ huy VC. Phần lớn chúng thuộc thành phần nghĩa vụ quân sự còn đang đi học.

Trở về hậu cứ tại Neak Leung, LĐA/TQLC một mặt tổ chức những cuộc hành quân diều hâu cấp Ðại Ðội vào những khu vực có tin tức địch hoạt động, mặt khác liên hệ chặt chẽ với Lữ Ðoàn Campuchia mới thành lập do Ðại Tá Pre Meas chỉ huy. Ông này nói rành tiếng Pháp và tiếng Việt, trước kia có đi tu nghiệp tại Pháp về ngành Quân Nhu. Sở dĩ ông ta được giao phó trách nhiệm chỉ huy Lữ Ðoàn vì là bạn thân của Ðại Tá Lon Nol, em của Tướng Lon Nol.

Sau ngày LĐA/TQLC trở về VN thì hay tin ông ta đã lên cấp Tướng và không hiểu số mạng ông ta ra sao sau khi Khmer Ðỏ dành chính quyền. Riêng Ðại Tá Lon Nol (em) đã bị CS xử tử hình cùng với Hoàng Thân Thủ Tướng Chính Phủ. Do có lệnh yểm trợ LĐ Campuchia, nên tất cả súng ống đạn dược lấy được của CSVN, LĐA/TQLC đều bàn giao lại cho quân đội Campuchia. Thời kỳ đó Quân Ðội Campuchia cũng xử dụng vũ khí và quân dụng của khối CS, đặc biệt của Trung Cộng. Nói chung thì tinh thần hợp tác giữa đôi bên rất tốt đẹp không xẩy ra những sự việc đáng tiếc. Dĩ nhiên là cũng có những xích mích nho nhỏ giữa binh lính hai bên, nhưng rồi cũng được Quân Cảnh giải quyết ổn thỏa, nên Binh chủng TQLC đã dành được cảm tình sâu đậm của quân dân Campuchia trong vùng hành quân  trách nhiệm.

Một tuần lễ sau, thì LĐA/TQLC lại đươc lệnh hành quân tại khu vực phía tây bắc của Thủ Ðô Nam Vang. Cũng như lần trước, LĐ chỉ xử dụng có hai TĐ còn một TĐ ở lại Neak Leung. LĐA dùng phà qua sông và sau đó lên quân xa di chuyển theo QL1 về Thủ Ðô Nam Vang. Khi đoàn xe băng qua thành phố để tiến về hướng tây, thì đã được dân chúng dơ tay vẫy chào nồng nhiệt. Qua khỏi Nam Vang chừng 30 cây số trên tỉnh lộ đi tỉnh Kompon Cham thì ngừng lại. LĐA/TQLC đóng quân đêm tại phía Nam đường lộ để chuẩn bị cho ngày hôm sau tiến vào vùng hành quân đã định. Hôm sau, theo kế hoạch, BCH/LĐA và Pháo binh đóng tại chỗ để yểm trợ cho cuộc hành quân,  hai TĐ được tàu Hải Quân vận chuyển qua hữu ngạn sông Bassac. Tình hình tại đây, sau ngày đảo chính Sihanouk, trở nên mất an ninh vì quân CSVN rút về ẩn trú sau khi bị LĐA/TQLC truy quét.

Ðịa thế trong khu vực hành quân  khá rậm rạp, xen kẽ những bản, làng và chùa chiền, trong đó có một ngôi chùa nguy nga, xây dựng rất đẹp là nơi mà hàng năm Quốc Vương Sihanouk thường sang thăm viếng lễ Phật. Trong ngày đầu, các đơn vị không gặp phản ứng nào của địch, nhưng ngày hôm sau thì một TĐ đã đụng độ với địch nhưng không nặng lắm. Sau vài tiếng đồng hồ thì TQLC đã đẩy lui địch và gây cho chúng một số thiệt hại về nhân mạng và vũ khí. Sau đó chúng rút chạy và ẩn núp vào một ngôi chùa. Theo lệnh của cấp trên không dược nổ súng vào ngôi chùa, nên các đơn vị chỉ bố trí bao vây ở bên ngoài. Vì thế mà đến đêm tối, VC đã lén tìm được lối thoát ra bên ngoài một cách êm thấm.

Những ngày kế tiếp, LĐA/TQLC tiếp tục hành quân lùng địch, nhưng chúng đã biến dạng và cuôc hành quân coi như chấm dứt. Kết quả thâu lượm không đáng kể. LĐ di chuyển trở về căn cứ Neak Leung, tại đây, một vài ngày sau, thì BTL/Quân Ðoàn IV cho hay là Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu sẽ sang thăm đơn vị tại Neak Leung, đồng thời gặp gỡ Chủ Tịch nhà nước Campuchia Cheng Heng và Thủ Tướng Lon Nol cùng ngày tại căn cứ TQLC. Công việc tổ chức và tiếp đón hai phái đoàn VN và Campuchia do BTL/QÐ IV đảm trách. TQLC chỉ chuẩn bị một đơn vị dàn chào và giữ an ninh vòng ngoài, cùng sắp đặt phương tiện xe cộ để phái đoàn Tổng Thống đi thăm các đơn vị TQLC đóng rải rác trên trục lộ QL1 từ Neak Leung đến gần khu vực tỉnh Xoài Riêng do lực lượng Quân Ðoàn III hoạt động.

Những ngày sau đó, LĐA/TQLC còn tham gia hành quân với các đơn vị của Biệt Khu 44 do Ðại Tá Hạnh chỉ huy, để giải tỏa Tỉnh lộ 5 từ Thủ Ðô Nam Vang đi Sihanoukville. Theo tin tức tình báo thì địch vẫn  còn ẩn náu chung quanh khu vực đèo Pik Nil để ngăn chặn mọi sự giao thông mà lực lượng địa phương của Quân đội Campuchia không đủ khả năng để bảo vệ. Do đó mới có cuộc hành quân giải tỏa trên. Trước lực lượng hùng hậu của ta, cuộc hành quân đã diễn tiến tốt đẹp chỉ trong thời gian ngắn, đèo Pik Nil được giải tỏa mà không gặp sức kháng cự đáng kể nào của địch. Chúng đã rút chạy về hướng bắc vì sợ bị cô lập bao vây tiêu diệt, và con đường đã rộng mở cho việc lưu thông tới tận hải cảng ngày cũng như đêm. Sau đó thì bàn giao lại những địa điểm trọng yếu cho các đơn vị Campuchia trấn giữ.

Nhiệm vụ của TQLC coi như hoàn thành sau mấy tháng hành quân trên lãnh thổ phía đông của Campuchia, mà trọng tâm là Thị Trấn Neak Leung. Kết quả mang lại tương đối thành công, lực lượng CSVN trước kia đã dùng lãnh thổ Campuchia để xâm nhập VNCH đã phải rút chạy lên phía bắc giáp ranh với biên giới Lào. Nền an ninh của lãnh thổ phía đông Campuchia đã phần nào được duy trì. Lữ Ðoàn Campuchia mới thành lập, tuy chưa được hoàn hảo nhưng đã có thể thay thế TQLC hành quân chiếm giữ  các địa điểm trọng yếu. Các đơn vị tác chiến VNCH tuy rút khỏi Campuchia, nhưng về mặt yểm trợ tổng quát khác thì Chính quyền Lon Nol vẫn  được sự giúp đỡ của VNCH và Hoa Kỳ để ngõ hầu đứng vững trước sự đe dọa tấn công của Khmer Ðỏ ngày càng lớn mạnh do sự yểm trợ của Trung Cộng. Kết quả của cuộc hành quân  sang Campuchia đã tạo cho nền an ninh lãnh thổ của hai Quân Khu III và IV được khả quan. Các cuôc tấn công quy mô của địch vào các lực lượng VNCH không còn nữa, mà chỉ còn lại những cuộc chạm súng với các đơn vị địa phương cấp nhỏ không đáng kể. Sự lắng dịu của chiến trường kéo dài tới năm 1972 mới sôi động trở lại, bằng các cuộc tấn công lớn của địch vào tỉnh Quảng Trị thuộc Vùng I Chiến Thuật và tại tỉnh Bình Long thuộc Vùng III, thường được gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa.

Cuộc hành quân  sang Campuchia coi như chấm dứt vào tháng 6/1970, tuy nhiên Chính  Phủ cũng như Quân Ðội VNCH và Hoa Kỳ vẫn  tiếp tục giúp đỡ Chính quyền Lon Nol về mọi phương diện để ngõ hầu đứng vững trước những hoạt động mạnh mẽ của Khmer Ðỏ, phần lớn nằm ở phía Tây Campuchia được sự hỗ trợ của CSVN. Qua những cuộc hành quân  tham dự của Binh chủng TQLC trong mấy tháng tại đất Chùa Tháp tuy không đạt được những thắng lớn về quân sự nhưng tựu trung cũng giúp được một phần nào cho các lực lượng quân sự của Campuchia trong khu vực trách nhiệm thêm vững mạnh, đồng thời cũng giải tỏa được áp lực địch đang đè nặng lên chính quyền địa phương đem lại tình hình an ninh tương đối khả quan. Ngoài ra Binh chủng cũng tạo được mối tình cảm tốt đẹp đối với dân chúng Campuchia trong khu vực trách nhiệm hành quân. Nói tóm lại, cuộc hành quân  sang Campuchia của TQLC nói chung đã để lại trong tôi một kỷ niệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời phục vụ trong Quân Ðội VNCH.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt