Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (54)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1967: TQLC/VNCH hành quân hỗn hợp với quân đội đồng minh trên 4 vùng chiến thuật (54)

Năm 1967: TQLC hành Quân hỗn hợp với quân đội đồng minh từ Tây Ninh đến Quy Nhơn, Cồn Tiên, Giô Linh và Mậu Thân (54)

Tình hình chiến trận trong năm 1967:  Năm 1967 là những ngày tháng, chiến trường Nam VN tiếp tục sôi động, với những cuộc hành quân quy mô được diễn ra bởi Quân lực VNCH và Quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh, đặc biệt tại ba vùng chiến thuật 2, 3 và 4 trong kế hoạch lùng và diệt địch của Tướng Westmoreland, Tư Lệnh Quân Ðội Hoa Kỳ tại miền nam VN. Trước sự tham chiến của Hoa Kỳ và Ðồng Minh (Úc, Ðại Hàn, Thái Lan và Phi luật Tân). Việt Cộng, cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, lúc đầu tỏ ra sợ sệt và tránh đụng độ, nhưng sau với sự xâm nhập của quân CS  Bắc Việt vào miền Nam qua đường mòn Hồ chí Minh, để trợ lực cho lực lượng địa phương ở miền Nam tránh khỏi bị tiêu diệt.

Thủy Quân Lục Chiến hành quân Vùng IV

Trước kia, CS  Bắc Việt có né tránh, e dè trước dư luận Quốc tế về sự can thiệp của chúng tiếp tay cho cái gọi là MTGPMN (mặc dù chỉ để tuyên truyền), nhưng sau khi quân đội Mỹ đổ quân vào vào miền Nam thì CSBV gần như công khai tham dự vào chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “đánh Mỹ cứu nước” làm bình phong che đậy sự xâm lăng miền Nam VN, vi phạm trầm trọng Hiệp Ðịnh Genève 1954 đã được ký kết, chiến trận càng ngày càng tăng cường độ. Ðã có những trận đánh lớn giữa Quân đội Hoa Kỳ và CSBV nhưng kết quả thắng lợi vẫn nghiêng về phía Hoa Kỳ, vì chúng không chịu nổi hỏa lực hùng hậu của bộ binh và không quân Mỹ.

Mục tiêu của CS là chủ trương đánh tiêu hao, làm sao gây thiệt hại cho quân đội Mỹ càng nhiều càng tốt, qua chiến thuật đặc công, đột kích, phục kích và pháo kích. Ðo đó quân đội Hoa Kỳ ngày càng bị tổn thất về vật chất cũng như nhân mạng, mà không làm sao tiêu diệt được chủ lực và du kích địch. Không quân chiến thuật, không quân chiến lược B-52 ngày đêm dội bom xuống đường mòn Hồ chí Minh nhưng địch cứ liều mạng liên tục đưa quân vào miền Nam. Tin tức tình báo cũng như của tù binh và hồi chánh viên cho biết thì gần như 50% lực lượng xâm nhập đã chết trước khi vượt qua biên giới Lào-Việt vào miền Nam.

Về phía Hoa Kỳ, sự thiệt hại về người và của ngày càng tăng, quân số tham chiến cũng tăng theo, có lúc con số đã lên tới 450 ngàn, mà chiến trận vẫn không kết thúc được. Dư luận Hoa Kỳ đã tỏ ra chán nản và không còn ủng hộ cuộc chiến VN nữa. Các phong trào phản vhiến tại Mỹ dâng cao. Ðể đạt tới thỏa hiệp với CSBV, Hoa Kỳ ngày đêm đã liên tiếp đánh phá bằng không quân lên miền Bắc lúc nặng, lúc nhẹ tùy theo phản ứng của CSBV. Các cuộc không tập này cũng đã gây tổn thất nặng nề cho Bắc Việt. Đổi lại không quân Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại không ít. Nhiều máy bay, kể cả máy bay B-52 bị bắn rơi, phi công bị cầm tù, nhưng cuối cùng CSBV vẫn không chịu vào bàn Hội Nghị.

Trong thời gian chiến trận sôi động và mở rộng, Quân lực VNCH nói chung và Binh chủng TQLC nói riêng đã sát cánh với quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh tham dự nhiều cuộc hành quân do ta mở ra cũng như Hoa Kỳ tổ chức. Riêng CĐA/TQLC mà tôi chỉ huy đã tham dự cuộc hành quân mang danh Junction City, do Sư Ðoàn 25 Hoa Kỳ chỉ huy bởi Thiếu Tướng Weyand tổ chức. Cuộc hành quân này được coi như lớn nhất trong năm 1967, quân số tham chiến lên tới hơn mười ngàn người, khai diễn gần biên giới Việt-Miên trong tỉnh Tây Ninh.

Kết quả thâu lượm không được bao nhiêu so với quy mô trận đánh, vì quân CS  rút chạy qua biên giới Miên. Sau cuộc hành quân, Tướng Weyand có tặng Chiến Ðoàn A/TQLC một khẩu súng trường mới xử dụng AR15, sau biến cải thành M16, được Hoa Kỳ trang bị cho Quân đội VNCH thay thế cho loại súng Garant M1, vừa nặng vừa bắn chậm và nạp ít đạn, trong khi đó quân CS  được trang bị súng AK trội hơn hẳn súng Garant M1. Ðến cuối năm 1967, CĐA/TQLC được tăng phái cho Sư Ðoàn 22 BB của Tướng Hiếu đóng tại núi Bà Di (Quy Nhơn). Sau đó thì toàn bộ CĐA được điều động tới hoạt động ở phía nam quận lỵ Bồng Sơn, được sự yểm trợ về phương tiện trực thăng của Lữ Ðoàn Không Kỵ Hoa Kỳ đóng ở phía nam CĐA (đèo Nhông) khoảng ba cây số. Khu vực hoạt động của CĐA/TQLC chủ đích là về hướng đông (hướng ra biển) và hướng tây giáp ranh với quận lỵ Hoài Ân.

Tình hình địch lúc đó tương đối nhẹ, chỉ có những hoạt động của các đơn vị địa phương và du kích, nên CĐA/TQLC cũng được thảnh thơi đôi chút và chuẩn bị ăn Tết âm lịch. Ðối với các đơn vị tác chiến của TQLC thì có thể nói ít khi được hưởng Tết với gia đình, và mỗi năm địa điểm ăn Tết đều khác nhau, từ Vùng I cho đến Vùng IV chiến thuật. Theo như thông lệ hàng năm, dù chiến trận có sôi động đến đâu, hai bên VNCH và CSBV cũng thỏa thuận ngừng chiến dành ra ba ngày Xuân để toàn dân ăn Tết. Tuy nhiên với các đơn vị ở ngoài chiến trường thì chỉ ngừng hoạt động, đóng quân tại chỗ và sẵn sàng ứng chiến nếu CS vi phạm. Nhưng rồi CS vi phạm thật, nghĩa là đúng sáng Mồng một, Tết Mậu Thân vào tháng 2/1968, khi trời vừa sáng, thì tôi thấy quang cảnh thật im lặng khác hẳn những ngày thường, các trực thăng của Lữ Ðoàn Không Kỵ ở gần đó không thấy hoạt động, nằm nguyên tại vị trí.

Cố vấn Hoa Kỳ bên cạnh CĐA/TQLC cũng không biết gì hơn. Vừa lúc đó, CĐ nhận được lệnh của BTL Sư Ðoàn 22 cấp tốc di chuyển về Quy Nhơn khi có xe tới chở, vì Cộng Quân đột nhập vào thành phố, đánh chiếm đài phát thanh và các khu lân cận, nhưng CĐA/TQLC về gần tới BTL Sư Ðoàn 22 BB thì được lệnh ngừng lại, vì Sư Ðoàn đã được một đơn vị Ðại Hàn (Sư Ðoàn Mãnh Hổ hoạt động trong vùng Phù Cát) tấn công giải tỏa một cách nhanh chóng. Tiêu diệt và bắt làm tù binh gần như trọn ổ số cộng quân chiếm giữ tại đó. CĐA/TQLC đóng quân tại chỗ và đợi lệnh. Vào khoảng trưa cùng ngày, thì CĐ được lệnh di chuyển về sân bay Quy Nhơn để sẵn  sàng không vận theo lệnh của Sư Ðoàn TQLC và Bộ Tổng Tham Mưu.

Trước hết CĐA gửi TĐ6/TQLC do Ðại Úy Phạm văn Chung chỉ huy, đáp xuống sân bay Ðà Lạt (Cam ly). BCH và TĐ6/TQLC còn lại nằm tại sân bay đợi lệnh tiếp. TĐ6/TQLC đã được máy bay C130 chở lên Ðalạt. Nghe tin Cộng quân cũng đã đánh chiếm một vài khu vực trong Thị Xã, nhưng khi máy bay đến nơi định đáp xuống thì bị phòng không bắn lên không đáp được, và sau đó máy bay đáp xuống sân bay Tuy Hòa.

Tại đây, TĐ6/TQLC lại được lệnh quay về Sài Gòn và đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Tình hình lúc đó, trong thành phố đã được an ninh, sau khi được Chiến Ðoàn B/TQLC của Trung Tá Soạn hoạt động ở Mỹ Tho, điều động về giải tỏa khu vực kế cận bộ Tổng Tham Mưu và khu vực Hàng Xanh, Bà Quẹo thuộc tỉnh Gia Ðịnh. TĐ6/TQLC điều động lên giải tỏa Quận Thủ Ðức và khu vực Trung tâm huấn luyện TQLC ở gần quận Dĩ An. Một ngày sau, BCH CĐA/TQLC và TĐ còn lại được không vận về Sài Gòn. Tình hình an ninh thành phố Sài Gòn và các quận lỵ chung quanh được bảo đảm, Cộng quân hầu như bị quét sạch, một số chạy thoát ra bưng.

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt