Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (43)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1959 – San bằng “Thủ Đo Sài Gòn Mới” của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam của Việt Cộng tại Cà Mâu (43)

TĐ1/TQLC Hành quân Rừng U Minh tỉnh Cà Mâu – San bằng “Thủ Đô Sài Gòn Mới” của Việt Cộng năm 1959 (43)

Địa hình tỉnh Cà Mâu

Tại tỉnh Cà Mâu, nơi tận cùng của dải đất Việt Nam phía đông và nam đều giáp biển. Tình hình tại tỉnh Cà Mâu cũng không khác gì tại tỉnh Kiến Hòa. Hai quận Thới Bình và Sông Ông Ðốc cũng đang bị cô lập, các xã ấp đều rơi vào sự kiểm soát của VC. Sống ở Sài Gòn và các Ðô Thị thì cứ tưởng rằng đất nước đang ở trong thời thái bình thịnh trị, chứ đi ra ngoài, đi vào hang cùng ngõ hẻm của thôn quê thì mới thấy rõ tình hình an ninh của miền Nam đang dần đi vào bóng tối của đe dọa, của chết chóc. Chiến lược của Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) là lấy nông thôn bao vây thành thị  (nơi chỉ có ăn chơi mà không sản xuất). Trong quá khứ chiến tranh ở Trung Hoa giữa hai phe Quốc Cộng, cũng như ở VN trong thời kỳ chiến tranh chống Thực dân Pháp sau Ðệ nhị Thế chiến, và giữa Quốc Gia-Cộng Sản năm 1946 tại miền Bắc, cộng sản áp dụng chiến lược này.

Vấn đề là chỗ đó, mà chính quyền biết hay cố tình không biết để tìm cách ngăn chận, tiêu diệt ngay từ ngày đầu, chờ đến CS mỗi ngày một lớn mạnh thêm thì đã quá muộn. Tại phía nam quận lỵ Sông Ông Ðốc, nằm ngay kế cận con sông mang tên nó, ở ấp Sao Lưới, VC  đã dám công khai tuyên bố là “Sài Gòn mới”. Như thể chúng thách thức chính quyền địa phương. Tôi không hiểu với lực lượng của Tiểu Khu An Xuyên (tỉnh Cà Mâu được cải danh mới dưới thời TT Ngô đình Diệm) không làm gì nỗi thì đã đành, thế còn lực lượng của Sư Ðoàn 21 BB thuộc Quân Ðoàn 4 để làm gì mà phải xử dụng đến lực lượng Tổng Trừ Bị. Phải chăng cả vùng lãnh thổ của Quân Ðoàn 4 đã ở trong tình trạng tương tự, nên không đủ quân để ngăn chặn hoạt động của địch sau khi cái gọi là MTGPMN công khai ra mặt, có nghĩa là tổ chức của VC đã phát triển trong bóng tối từ khi chính quyền miền Nam bác bỏ tổng tuyển cử giữa hai miền năm 1956. Tôi nghĩ rằng lúc đó nếu hai giáo phái Cao Ðài và Hòa Hảo ở miền nam, cũng như các đảng chính trị ở miền Trung được chính quyền kết hợp và giúp đỡ, trang bị thì các hoạt động của VC khó mà phát triển nhanh chóng được.

Chính những lực lượng này sẽ tiếp sức với Quân đội VNCH mới thanh toán hữu hiệu được. Nhưng Chính quyền của TT Ngô đình Diệm đã không làm như thế, mà trái lại còn tìm cách bắt bớ để củng cố chính quyền độc tài của mình, vô hình dung đã tự hủy diệt nguồn sinh lực chính của Quốc Gia. Ngẫm lại thấy mà buồn cho những người Quốc gia, có lý tưởng, có chính nghĩa, có tinh thần chống cộng cao mà chỉ thiếu những người lãnh đạo tài ba nên mới đi từ thất bại này đến thất bại khác.

Nghỉ dừng quân một ngày,  TÐ1/TQLC dùng các thuyền ghe máy trưng dụng của dân, chở quân tới xã Biện Nhị thuộc quận Thới Bình, lúc đó vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của ta. Ðiều may mắn là khi di chuyển trên sông, hai bên là các rặng dừa lá mọc kín mít khó quan sát trên bờ, rất dễ bị phục kích, nhưng vì đoàn thuyền khá dài nên cũng khó cho địch tấn công nếu lực lượng ít, kết quả tới điểm xuất phát vô sự. Tại đây, TÐ1/TQLC chia làm hai cánh quân tiến vào rừng U Minh Hạ trước khi tới ấp Sào Lưới. Khu vực tiến quân trải dài rừng cây chàm, nước lội đến gần đầu gối. Chúng tôi phải xử dụng những bờ kinh rạch để di chuyển, nhưng dễ sa vào các hầm chông, bẩy hoặc mìn tự chế…

Với địa thế trống trải, rừng tràm đầy nước, VC  không dại gì ra mặt chống đỡ nên ngày đầu chúng tôi đã tiến được nửa đường vào mục tiêu. Các ĐÐ bố trí đêm ngay trên các bờ mương. Việc nấu nướng rất khó khăn nên tất cả đều dùng cơm nắm cho qua bữa. Tình hình địch vẫn chưa có dấu hiệu gì khả nghi. Chúng tôi đã gần ra khỏi rừng U Minh Hạ. Ngày hôm sau TÐ1/TQLC chia ra làm nhiều mũi tiến thẳng vào mục tiêu. Ðịa thế quang đãng, các ruộng đều ngập nước không trồng lúa gì cả. Ðến khoảng trưa thì mục tiêu hiện rõ Ấp Sào Lưới nằm dài theo hai bên bờ kinh. Nhà cửa san sát kéo dài chừng một cây số.

Vì không có cây trồng chung quanh Ấp nên từ xa quan sát trông khá rõ, quang cảnh thật vắng lặng, không có một bóng người, một làn khói bay trên nóc nhà. Tuy nhiên khi gần tới con kinh thì có vài loạt súng ở trong bắn ra. Các ĐĐ dàn hàng ngang tiến vào Ấp mà cái gọi là MTGPMN đặt thủ đô, chúng gọi “Sài Gòn mới”. Vào tới ấp thì quả nhiên không còn một bóng người, dân chúng đã bỏ chạy từ ngày hôm trước, những tài sản hầu như còn để lại nguyên không mang đi kịp, nào lợn, gà, vịt đầy sân… Các ĐĐ chia làm nhiệm vụ hai bên kinh, tảo thanh dọc về phía nam cuối ấp. Kết quả là không một bóng địch, “Thủ Đô Sài Gòn mới” của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã bị chiếm. Báo cáo về Tiểu Khu, thì được lệnh cho tiêu hủy sào huyệt. Hai ngày đóng quân, binh sĩ được tự do sử dụng những chiến lợi phẩm đã để lại, nhưng chuyện đốt phá thì chúng tôi nhẹ tay, vì sao họ cũng là người dân lương thiện, chỉ có cái tội là liên hệ với VC vì sống trong vùng chúng kiểm soát. Họ không thể bỏ ruộng vườn, nhà cửa vì là nguồn sống hàng ngày của họ.

Địa thế hành quân Rừng U Minh ở Cà Mâu

Chiến tranh là vậy biết làm sao hơn! Những ngày kế tiếp là bung quân lục soát vào các bờ rừng tràm gần tới mõm Cà Mâu mới ngừng. Những ngày tại U Minh Hạ, chúng tôi tha hồ ăn cá, hết cá lớn đến cá bé, câu hoặc bắt trong các mương đào sát bờ kinh. Nói tóm lại cuộc hành quân có mệt nhọc, nhưng thoải mái về ăn uống để bù lại. Trong những năm kế tiếp, TQLC đã có thêm vài lần hành quân vào rừng U Minh Thượng cũng như U Minh Hạ nhưng quang cảnh thật tiêu điều, những xã, ấp không còn hiện diện nữa. Chiến trận ngày càng ác liệt, bom đạn đổ xuống như mưa, nên dân chúng gần như bỏ làng về quận lỵ hoặc thành phố để trú ngụ, lánh thân. Sau cuộc hành quân xuyên qua U Minh Hạ vào cái gọi là “Thủ Ðô Sài Gòn mới” của VC  thì ít ngày sau, trên đài CS  (Bắc Việt) đã lên án TÐ1/TQLC và Trung Úy Trần văn Nhựt Tiểu Đoàn Trưởng. Qua những tháng hành quân tại Cà Mâu, Vĩnh Bình (quận Cầu Ngang) lại được lệnh quay lại quận Mỏ Cày tỉnh Kiến Hòa.

Tất cả những gì đã làm được trong cuộc hành quân trước, nay không còn gì nữa, các ấp, xã chung quanh quận đều tiêu điều, các đoàn thanh niên gây dựng được nay cũng theo VC hoặc chạy về quận. Quận chỉ còn kiểm soát được các đường giao thông chính. Lực lượng bảo an Địa Phương Quân, Nghĩa Quân không đủ sức bảo vệ các xã, ấp, nên thỉnh thoảng tung ra những cuộc hành quân truy lùng ban ngày vào các nơi xa quận rồi đến chiều tối lại rút về bảo vệ quận lỵ. TÐ1/TQLC cũng không làm hơn được, nên cũng chỉ thực hiện những cuộc hành quân truy lùng một thời gian rồi rút đi nơi khác đối phó tình hình nặng hơn. Ðịch luôn tránh né trước lực lượng hùng hậu của TQLC, nên hành quân thì nhiều nhưng kết quả thu lượm rất hạn chế.

Chính vì nguyên do đó, đôi khi các cấp chỉ huy và binh sĩ đã trở nên chủ quan, khinh địch và đã có đôi lần bị thiệt hại khá nặng nề.

TÐ1/TQLC lại thay đổi cấp chỉ huy, Ðại Úy Nguyễn Bá Liên vừa du học ở Hoa Kỳ về thay thế Ðại Úy Nhựt đi tu nghiệp khóa Trung cấp tại Hoa Kỳ. Ðại Úy Liên tốt nghiệp khóa 3 phụ Thủ Ðức. Với Tiểu Đoàn Trưởng Liên, chúng tôi có những cuộc hành quân tại Cà Mâu lần thứ hai cũng đi vào rừng U Minh Thượng và Hạ, sau cùng Ðại Ðội tôi bố trí hoạt động tại kinh Khai Quang, BCH/TÐ1/TQLC đóng tại quận lỵ Sông Ông Ðốc.

Ðược hơn một tháng thì Tiểu Ðoàn di chuyển sang hoạt động tại tỉnh Long Xuyên vùng núi Thất Sơn. Ở đó trước khi chúng tôi tới, đã có đơn vị bị thiệt hại nặng. VC chiếm giữ núi Thất Sơn để phòng ngự chống trả lại các cuộc tấn công của ta. Do đó, trước nhiệm vụ đánh chiếm núi Thất Sơn, với tình hình được biết và có người địa phương hướng dẫn, chúng tôi tiến hành cuộc tiến quân vào lúc gần sáng. Theo hướng dẫn viên thì đơn vị trước đã bị chặn đánh trước khi tới gần chân núi. Do đó chúng tôi đã lợi dụng đêm tối để tránh bớt sự thiệt hại nếu có, kết quả toán tiền phong đã bám được chân núi vô sự. Nhờ đó, đến khi trời sáng thì TÐ1/TQLC đã tiến vào chân núi gần hết. Bước đầu nguy hiểm đã vượt qua và sang giai đoạn hai là tiến lên ngọn núi để lục soát các hang hốc ở lưng chừng núi.

Cuộc hành quân diễn tiến tốt đẹp không một phản ứng nào của địch. Các kho tàng ẩn dấu đều bị phá hủy. Ðược gần một tuần lễ thì TÐ1/TQLC xuống núi và tảo thanh ở thung lung phía sau. Sau khi chấm dứt, TÐ1 trở về tỉnh lỵ. Tôi thấy địa thế trong vùng Thất Sơn quả thật là hiểm nghèo, nếu không nghiên cứu chu đáo tình hình địa thế và kế hoạch tấn công thì rất dễ thất bại.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt