Thông điệp McCain: 5 Sẵn sàng, 3 Nên và 1 Hy vọng

Nhân vụ Trung Cộng ngang nhiên đặt giàn khoang HD-981 trong vùng lãnh hải kinh tế Việt Nam, cơ hội cho Hoa Kỳ bắt tay với CSVN. Trong tháng qua nhiều chính khách hàng đầu của Hoa Kỳ từ cựu TT Bill Clinton, đến Thượng Nghị Sĩ John McCain và hôm nay Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ đang viếng thăm Việt Nam. Hàng loạt viếng thăm của những nhân vật quan trọng hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ, cùng với sự đổi giọng, đổi thái độ của CSVN là một chuyển biến. Dưới đây giáo sư Vũ Đức Khanh tại đại học Ottawa có bài viết tìm hiểu về chuyến viếng thăm của Thượng Nghị Sĩ John McCain.

TNS Cộng Hoà John McCain sau cuộc họp báo tạiHà Nội

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho hay, chiều 8/8/2014, tại Trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã tiếp đoàn Thượng viện Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam gồm Thượng Nghị sỹ John McCain (Đảng Cộng hòa, tiểu bang Arizona) và Thượng nghị Sỹ Sheldon Whitehouse (Đảng Dân chủ, tiểu bang Rhode Island).

Theo VOV thì “các Thượng Nghị sỹ (Hoa Kỳ đã) chia sẻ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một số nhận định về tình hình thế giới và khu vực hiện nay, bày tỏ quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự do hàng hải và tình hình căng thẳng vừa qua ở biển Đông, cho rằng việc tuân thủ các chuẩn mực và luật pháp quốc tế là hết sức cần thiết đối với tất cả các nước… (Ngoài ra) các Thượng Nghị sỹ (cũng) đề xuất một số biện pháp về hợp tác song phương trong thời gian tới, khẳng định Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ đều mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với Việt Nam trên các lĩnh vực và các kênh, trong đó có quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam.” Tuy nhiên VOV cũng như truyền thông trong nước không đưa thêm thông tin chi tiết về các đề xuất cụ thể của các Thượng Nghị sỹ Hoa Kỳ.

Theo VOV thì trong đáp từ, Tổng Bí thư (CSVN) Nguyễn Phú Trọng đã “khẳng định Đảng và Nhà nước Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ ở các cấp độ và trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới… (Và) Tổng Bí thư cũng mong muốn hai bên sẽ có nhiều biện pháp tích cực để triển khai có hiệu quả quan hệ Đối tác toàn diện và thiết thực chuẩn bị kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước trong năm 2015.”

Nhận xét chung của các nhà quan sát thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn cứ luận điệu cũ chỉ lập đi lập lại những gì thực sự cần thiết và có lợi cho họ mà không hề có một cử chỉ thiện chí tối thiểu đáp lại những khuyến nghị của Hoa Kỳ. Báo chí trong nước không hề nhắc đến chủ đề “nhân quyền”, một trong những nội dung trọng tâm bậc nhất của chuyến thăm này.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội cùng ngày, Thượng Nghị sỹ John McCain đã trả lời báo giới nguyên văn như sau: “… Về phần chúng tôi, Hoa Kỳ đã sẵn sàng (1) để đáp ứng thách đố này với suy nghĩ và hành động mới. Chúng tôi đã sẵn sàng (2) để hoàn tất một Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương ở tiêu chuẩn cao, với Việt Nam là một đối tác trọn vẹn. Chúng tôi đã sẵn sàng (3), trong bối cảnh của TPP, làm việc với Việt Nam để đáp ứng các tiêu chí để được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường. Chúng tôi sẵn sàng (4) tăng cường hợp tác quân sự giữa chúng ta và số lần chiến thuyền Hoa Kỳ cặp bến Việt Nam theo như Việt Nam cho phép – không phải bằng cách thiết lập các căn cứ, đó không là điều chúng tôi mưu cầu, mà là thông qua các thỏa thuận để tăng sự tiếp cận, như chúng tôi đang hoàn tất thương thảo với các nước khác trong khu vực. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng (5) để tăng cường hỗ trợ an ninh nhằm giúp Việt Nam nâng cao khả năng theo dõi trong lĩnh vực hàng hải và xây dựng năng lực bảo vệ quyền chủ quyền của mình …”

“ … Trong mục đích ấy, tôi tin rằng đã đến lúc Hoa Kỳ (nên – 1) bắt đầu nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Điều này sẽ không, và không nên, xảy ra toàn bộ cùng một lúc. Thay vào đó, nó nên (2) được giới hạn trước hết trong phạm vi khả năng phòng thủ, chẳng hạn như bảo vệ bờ biển và các hệ thống hàng hải, hoàn toàn thuộc về an ninh đối ngoại. Chúng ta có thể làm đến bao nhiêu trong lĩnh vực này, cũng giống như trong các mục tiêu thương mại và an ninh tham vọng nhất khác của chúng ta, tuỳ thuộc nhiều vào hành động thêm nữa của Việt Nam về nhân quyền …”

“ … Đồng thời, các nhà lãnh đạo của Việt Nam thừa nhận còn nhiều việc phải làm, vì một lý do trên hết: Nó là điều tốt cho Việt Nam – cho sự ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam. Như Thủ Tướng Chính Phủ cho biết trong lời phát biểu đầu năm của mình, “Dân chủ là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của nhân loại. ‘Chế độ ở Việt Nam, ông nói, “phải làm tốt hơn về dân chủ, và đảng (CSVN) phải (nên – 3) giương cao ngọn cờ dân chủ …’”

Thay lời kết, Thượng Nghị sỹ John McCain “ … hy vọng rằng Việt Nam sẽ chuyển những lời đáng ghi nhận này thành những hành động mạnh dạn, chẳng hạn như trả tự do cho các tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự, và cuối cùng làm rõ trong pháp luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là hạn chế và các nhân quyền phổ quát — các tự do phát biểu, lập hội, thờ phượng, xuất bản, và truy cập thông tin — được bảo vệ cho tất cả công dân … vì tương lai  một Việt Nam .… dân chủ, quản trị tốt và pháp quyền, thịnh vượng và phát triển xã hội, môi trường trong lành, và sức mạnh dân tộc để bảo vệ lập … làm nền tảng cho Hoa Kỳ – Việt Nam xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược (bền vững) dựa trên những giá trị chung … mà hai quốc gia có thể có …”

Thượng Nghị sỹ John McCain có hứa là ông sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi trở lại Hoa Kỳ để thực hiện những gì ông đã hứa với lãnh đạo Hà Nội trong chuyến công du lần nay. Thậm chí  Thượng Nghị sỹ Whitehouse còn cụ thể hơn khi phát biểu rằng Hoa Kỳ có thể hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 9 năm nay trong khi dường như Hà Nội vẫn tiếp tục phớt lờ những quan tâm của Mỹ. Một lần nữa, thông điệp của Thượng Nghị sỹ McCain thực sự không thể rõ hơn thế nữa. Ông thẳng thắn nêu ra “5 điểm sẵn sàng” của phía Mỹ để nhấn mạnh những gì hai nước “nên làm” trong giờ phút lịch sử trọng đại này với hy vọng duy nhất rằng chính phủ Hà Nội sẽ biến những phát ngôn hùng hồn của họ thành những hành động mạnh mẽ, thực tiễn đáp ứng được nguyện vọng khát khao dân chủ của toàn dân Việt Nam như nguyên văn của Thủ tướng (CSVN) Nguyễn Tấn Dũng trong Thông điệp đầu năm 2014 đã nêu: “ … Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người …và Đảng (CSVN) phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ …”

Người dân Việt Nam trong và ngoài nước cũng như bè bạn của Việt Nam trên toàn thế giới, các quốc gia yêu chuộng và theo đuổi mục đích tự do, dân chủ, bác ái, thịnh vượng và tiến bộ xã hội đang chờ xem những hành động cụ thể của chính phủ Hà Nội trước khi có những bước đi kế tiếp. Đã đến lúc Hà Nội nên làm hơn nói vì những lời nói đó dù hoa mỹ và có hứa hẹn đến mấy nhưng không có hành động cụ thể kèm theo đều hoàn toàn vô nghĩa.

Và nói cho cùng thì những khuyến nghị của Hoa Kỳ đối với Hà Nội qua lời của ông McCain thì “nó (cũng) là điều tốt cho Việt Nam – cho sự ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam.” Vậy tại sao ĐCSVN vẫn cứ thờ ơ, lạnh nhạt? Cái gì đã khiến cho họ không màng quan tâm đến “sự ổn định, thịnh vượng và thành công của Việt Nam”?

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã tái khẳng định cam kết của Mỹ mong muốn nâng cấp quan hệ song phương. Vấn đề còn lại là liệu Việt Nam muốn có một đối tác Hoa Kỳ như thế nào, phụ thuộc hoàn toàn vào việc Hà Nội sẽ sẵn sàng thỏa hiệp đến đâu? Nhu cầu chiến lược và lợi ích chung luôn là mảnh đất màu mỡ để các bên đến lại gần nhau, nhưng những giá trị chung được chia sẻ mới thực sự là nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài và bền vững.

Vũ Đức Khanh

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt