Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (34)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 4: Từ tháng 02-1950 đến tháng 6-1950  TRÊN ĐƯỜNG RỜI KHỎI MIỀN NAM TRUNG HOA THOÁT KHỎI CỘNG SẢN MAO TRẠCH ĐÔNG (34)A) Trên Đường Thoát Khỏi miền Nam Trung Hoa thoát khỏi Cộng Sản Mao Trạch Đông (34)

Một tiếng đồng hồ sau, ông chủ nhà gàu mới tới. Ông chủ xe cho hay là xe trong tình trạng tốt và chờ lệnh là lên đường. Chiếc xe thuộc loại chở hàng nên rất rộng rãi cho hai gia đình, gồm khoảng mười người. Thật là hồi hộp trong giờ phút chờ đợi đó. Về phần toán anh Việt, Chân, Văn đã không thấy tới thăm nhiều ngày, nên không hiểu chuyện đi đứng của các anh đó ra sao. Khi đó chúng tôi quan niệm, ai đi được lúc nào cứ đi, chứ không nên chờ đợi nhau, và càng ít liên hệ càng tốt trong lúc đi dọc đường.

Vào lúc mười giờ sáng thì đoàn xe được sắp xếp xong và chạy vào khoảng giữa đoàn xe quân đội. Lúc đó, chúng tôi mới tin là thực sự không thay đổi. Đường sá tương đối tốt nên tốc độ di chuyển khá nhanh, bụi đường bay mịt mù, dù phải băng qua những đoạn đường rừng núi hiểm trở. Di chuyển muộn nên đoàn xe chạy một hồi tới địa điểm nghỉ ngơi vào lúc gần tối. Gia đình ông nhà giàu vào ngủ trọ một nhà hàng ăn khang trang, trong khi đó chúng tôi ăn ở trên xe để tiết kiệm tiền khi tới Liễu Châu.

Số chỉ vàng dự trù để trong người, chúng tôi vẫn chưa xử dụng tới, tuy nhiên nếu đổi ra tiền mặt cũng chẳng được bao nhiêu, cùng lắm là ăn được nửa tháng cho năm người. Ngày kế tiếp vì di chuyển sớm, không có trục trặc giữa đường, nên chừng ba giờ chiều đoàn xe đã tới Liễu Châu. Ông chủ xe cho chúng tôi xuống và hẹn sáng ngày hôm sau trở lại chỗ xuống xe, có gì ông ta sẽ cho hay tiếp.

Thành phố Liễu Châu thuộc Tỉnh Quảng Tây, thời tiết, khí hậu lúc đó nóng như ở Bắc Việt. Quang cảnh phố xá nhộn nhịp khác thường, hơn hẳn Côn Minh và Quế Dương, vì nó ở ngã ba đường, từ Côn Minh tới cũng như ở Hồ Nam, Trường Sa xuống,từ Quảng Đông sang. Cũng từ Liễu Châu, đường hỏa xa được thiết lập từ miền Bắc xuống và đổ về miền Biển thuộc Tỉnh Quảng Đông. Chúng tôi vai đeo nải, tay mang túi đồ dùng như nồi niêu, song chảo, đi trộn vào làn sóng người trên các đường phố đông đúc. Như ở mọi nơi khác, khi mới tới,chúng tôi đi tìm nơi trú ngụ ở ngoại vi thành phố vừa rẻ tiền lại dễ tìm. để tranh thủ thời gian, chúng tôi chia làm hai toán, các anh Tùng,Tường và Tạo một toán, anh Phiên và tôi một toán. Khi xong, hẹn tập trung ở một nơi ấn định. Anh Phiên và tôi đi tìm tòi một hồi lâu thì tới một phố vắng, hai bên đường có trồng cây, nhà cửa xây dựng theo kiểu villa, mà trước kia có thể thuộc các chủ nhà giàu có, nhưng nay thấy vắng vẻ, vườn tược cỏ mọc um tùm.

Trong số những căn nhà đó, tôi thấy có một nhà, cửa ra vào mở toang, thỉnh thoảng có người ra vào, ăn mặc bình thường gần như nghèo khó. Chúng tôi thấy làm lạ, bèn rủ nhau vào xem sao, thì đó là một ngôi nhà hai tầng, màu vôi tường loang lổ, các cửa ra vào trống không , chứng tỏ là nhà vô chủ đã bỏ trốn từ lâu. Tuy nhiên các phòng đều có đầy người, đủ mọi thành phần, kẻ nằm, người ngồi, cười nói ồn ào. Đó là những kẻ thất nghiệp, không nhà, không cửa tụ tập, sau khi kiếm ăn trở về. Sự hiện diện của hai chung tôi, cũng chẳng làm họ ngạc nhiên, chú ý vì cách ăn mặc của chúng tôi cũng không hơn gì họ mấy. Một tên thấy chúng tôi sách cái túi nồi niêu, chăn chiếu, liền chỉ cho chúng tôi lên lầu, vì ở dưới quá đông. Lên tới nơi thì quả nhiên còn có một phòng vắng người. Tôi và anh Phiên hội ý, là nếu không thuê được nơi ở trọ thì sẽ tạm trú ở đó ít ngày rồi sẽ tính sau. Khoảng hai tiếng sau, thì toán anh Tùng trở về và không tìm được chỗ nào rẻ tiền. Hai chúng tôi bèn đùa với các anh ấy là đã thuê được một villa khang trang. Lúc đầu các anh tưởng là chúng tôi nói dóc, khi tới cổng căn nhà, các anh vẫn còn không tin. Nhưng khi bước vào trong nhà, thì các anh mới hiểu là chúng tôi nói thật.

Trước tình hình lúc đó, trời lại sập tối, chúng tôi đồng ý ở tạm và cùng nhau dọn dẹp chỗ nằm và nấu bữa cơm chiều. Rồi một đêm cũng qua đi trong bình an, sau một ngày ngồi mỏi gối trên xe. Sáng hôm sau, các anh Tung, Tường và Tạo đến nơi hẹn với ông chủ xe. Anh Phiên và tôi ở lại trông đồ đạc và giữ chỗ. Khi trở về, các anh cho biết là ông chủ xe, thay vì tiếp tục lên đường đi Quảng Châu, thì nay ông đã đổi ý định và quay trở lại Côn Minh để đi về ngả Miến Điện. Tôi nghĩ là ông ta có một nhiệm vụ bất thần gì đó mà ông ta không thể nào tiết lộ được.

Khi từ biệt, ông ta đã giúp chúng tôi mấy chục Mỹ kim để dùng mua vé đi nốt đoạn đường mà chúng tôi đã phác họa cho ông ta biết khi còn ở Quế Dương. Đây lại là một dịp may nữa mang lại cho chúng tôi sau cái chết của anh San. Để có đủ tiền mua vé cho năm anh em chúng tôi, còn cái gì đáng giá mang ra bán hết, kể cả mấy chỉ vàng mà anh Tạo và tôi còn cất dấu ở nẹp quần áo lót. Riêng vàng và dollars, chúng tôi phải mất gần nửa buổi mới bán được, vì là hàng quốc cấm sau khi CS chiếm Chính quyền. Các cửa hàng vàng, bạc, nữ trang trong thành phố đều đóng cửa. Vì vậy chúng tôi phải vào cửa hàng bán tạp hóa hoặc cửa hàng ăn. Nhưng mỗi khi đề cập tới là họ chối bây bẩy vì sợ rơi vào bẫy của công an, mật vụ CS. Cuối cùng phải thuyết phục lâu lắm mới được một chủ hàng tạp hóa bạo phổi lắm mới chịu mua.

Với số tiền bán vàng và mỹ kim, chúng tôi thừa mua đủ năm vé xe lửa đi Quảng Châu, gọi là: “Khỏi xế tàu nhanh”. Trong những ngày chờ đợi, chúng tôi vẫn tiếp tục ở căn nhà villa bỏ hoang cùng với mấy ông bạn bất đắc dĩ, hành nghề gồng gánh thuê “Piên tản” và thất nghiệp đi ăn xin. Ngoài giờ lo cơm nước, chúng tôi thả bộ khắp phố phường, mà chẳng hề gặp một anh công an hỏi han giấy tờ gì cả. Bất ngờ, buổi chiều trước ngày lên tàu, thì chúng tôi lại bắt gặp toán ba anh Việt, Chân, Văn vừa từ Quế Dương tới bằng xe đò. Chúng tôi cho các anh biết là đã lấy vé và lên đường ngày hôm sau. Sau đó, các anh cũng tức tốc mua vé để cùng đi với chúng tôi. Nếu chậm thì lại phải đợi mất mấy hôm nữa. Anh Việt có cho chúng tôi biết là các anh đã bị công an, cảnh sát bắt giữ một tuần vì bị khám xét trong khi đi phố không có giấy tờ hợp lệ.

Ở trong trại giam của công an CS, các anh đã gặp đủ mặt Tướng, Tá của Quân đội Tưởng giới Thạch đã không kịp chạy chốn. Tuy nhiên các anh cũng được đối xử tử tế và cho ăn uống đầy đủ. Trong thời gian đó, anh Việt cho biết, anh được các ông bạn sĩ quan Tàu phong cho tước hiệu về “Đại ca ăn khỏe”.

Sau một tuần điều tra không có gì nguy hại, các anh đã được trả tự do. Nói chung thì toán anh Việt ra đi có vẻ thoải mái hơn chúng tôi nhiều. Những ngày chờ đợi ở Quế Dương, anh Việt lại được tốt số được bà Tướng Tàu chiêu đãi đi ăn uống, du hí ở phòng trà (mới giải phóng nên chưa bắt vào khuôn phép). Sau này về nước, anh vẫn nhận được thư thăm hỏi của bà và gia đình ở bên Đài Loan gửi sang.

Được gặp lại toán anh Việt, và cùng đáp một chuyến tàu đã mang lại thuận lợi cho chúng tôi khi tới thành phố Quảng Châu, Hồng Kông, cũng như băng qua cửa khẩu vào đất Cửu Long một phần của Hồng Kông. Ngày hôm sau vào lúc tảng sáng, chúng tôi rời nhà ga Liễu Châu đáp tàu đi thẳng Quảng Châu. Khoảng đường dài mất hai ngày, một đêm thì tới. Hành khách không mấy đông, nên dù lấy vé hạng ba, chúng tôi vẫn có thể nằm ngả lưng lúc tàu chạy vào ban đêm. Đi bằng tàu hỏa, quả dễ chịu hơn xe hơi rất nhiều.

Chúng tôi có thể ngắm cảnh hai bên đường một cách thoải mái, đặc biệt là ít sợ bị thổ phỉ ở dọc đường, vì trên tàu luôn luôn có lực lượng cảnh sát hộ tống. Vào cuối ngày đầu, con tàu của chúng tôi băng qua một cây cầu, một phần xây dựng bằng gỗ, bắt qua con sông Tương từ Hồ Nam chảy xuống khá rộng. Khi tàu chạy qua, chiếc cầu rung lên như muốn xụp đổ. Nghe đâu cây cầu đó đã do quân đội Nhật bắt lại sau khi Đệ nhị Thế chiến chấm dứt.

Quang cảnh hai bên bờ sông thật đẹp, dòng nước chảy êm đềm. Tôi còn nhớ là vào lúc chiều tà, không nhớ vì cảnh đẹp hay hóng mát, tôi đã ra ngồi ở bực cửa lên xuống của toa tàu, rồi hứng trí ca hát một mình. Nhưng không ngờ trong khi ca hát, thì tôi liếc thấy một tên công an võ trang ở toa tàu bên cạnh đang chăm chú nhìn tôi. Tôi cảm thấy ngay là có chuyện, nên vội rời chỗ vào trong toa. Quả nhiên, tôi chưa ngồi nóng chỗ thì tên công an đi tới và hỏi giấy tờ. Tôi xuất trình tờ giấy phép của Chủ tịch Bàn Huyện cho y coi. Xem một lát không nói gì rồi trả lại. Sau y bắt tôi moi các túi áo quần cho y khám, thấy có lọ thuốc ho, bèn bắt tôi uống thử. Tôi lấy một, hai viên nuốt một cách tỉnh bơ, không tỏ vẻ gì run sợ. Thấy vậy, y bèn bỏ đi.

Qua hành động đó của tên công an hạ cấp đủ thấy rõ trong chế độ CS, mạng lưới tổ chức công an, mật vụ được chú tâm đến chừng nào, mà tính đa nghi là mục tiêu giáo dục hàng đầu của chúng. Từ đó, chúng tôi hết sức cảnh giác trong bất cứ hành động nhỏ nhặt nào có thể gây trở ngại cho chuyến đi đầy khó khăn, nguy hiểm của chúng tôi, nhất là chặng đường còn lại chẳng còn bao xa. Con tàu đi qua Tỉnh Quảng Tây lúc chín giờ tối, và bắt đầu qua ranh giới Tỉnh Quảng Đông. Trời tối nên cũng chẳng quan sát được gì. Chúng tôi chỉ còn ngã lưng vào thành ghế làm một giấc ngủ say xưa. Khi tỉnh dậy thì trời đã sáng, con tàu đang lao mình xuyên qua những cánh đồng rộng bát ngát, các đồi núi chỉ thấy LỜ mờ hiện xa xa, không như khi còn trên đất Quảng Tây.

Khí hậu cũng tương đối dễ chịu, không còn oi bức nữa, vì con tàu đang hướng về phía biển. Độ chín giờ sáng thì con tàu đã ở trong vùng kế cận thành phố Quảng Châu. Quang cảnh hai bên giống như từ Tỉnh Mỹ Tho tới Phú Lâm ngoài thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn ở miền nam VN. Hai bên đường, Quốc lộ chạy song song với đường tàu hỏa là các ruộng lúa xanh rờn xen lẫn những vườn cây ăn trái.

Trước cảnh thanh bình đó, khiến tôi cảm thấy bồi hồi tưởng nhớ về quê hương đã mấy mùa Xuân xa cách. Khoảng mười giờ thì đoàn tàu từ từ tiến vào sân ga chính của thành phố. Quang cảnh thật là ồn ào, tấp nập, kẻ đón, người đưa. Chúng tôi thu xếp hành lý bước ra khỏi nhà ga. Nhưng vừa sắp sửa ra khỏi cửa, thì còi hụ vang lên. Chúng tôi còn đang ngơ ngác không hiểu ất giáp gì, trong khi thiên hạ xô nhau, kẻ lên xe, người chạy bộ khỏi nhà ga. Hỏi ra thì mới hiểu là còi báo động có máy bay của Trung Hoa Quốc Gia từ Đài Loan tới ném bom. Chúng tôi đang nhớn nhác tìm phương tiện, thì hai chiếc xe taxi chạy ào tới. Tên lái xe kêu chúng tôi lên xe gấp rồi đưa về khách sạn.

Trong lúc bối rối, muốn thoát nhanh khỏi cảnh tai bay vạ gió, chúng tôi không ai bảo ai nhẩy đại lên xe cho hắn chở đi. Chạy loanh quanh qua các phố phường trong thành phố khá sầm uất, thì xe ngừng lại trước một tòa nhà cao chót vót. Tôi nhìn thấy tấm bảng ghi Khách sạn Ôi Quan. Tôi rời khỏi xe mà cảm thấy quá mắc cỡ, nhưng không thể nào lui được nữa. Tôi vẫn là người phụ trách mang túi đồ đạc nấu nướng và mền chiếu. Để đỡ mắc cỡ phần nào, tôi đi xen vào chính giữa toán. Anh chàng tiếp viên khách sạn, ăn mặc quần áo trắng toát, cổ đeo nơ đen, đứng ở thềm cửa đón chào chúng tôi. Qua cử chỉ của hắn, tôi thấy một cái gì như có vẻ coi thường, không mặn mà lắm. Qua vài lời thăm hỏi, anh ta chỉ cho chúng tôi vào cầu thang máy để lên tầng lầu trên coi phòng.

Khách sạn này cao vào khoảng mười hai tầng. Vào thời gian 1950 thì loại khách sạn như vậy được coi như sang trọng và hiện đại nhất ở Quảng Châu. Trước khi bước vào thang máy, tôi không quên dấu túi đồ vào một góc tường, nhưng có lẽ sau đó, nhân viên khách sạn lấy liệng vào nhà kho hoặc vào thùng rác. Lên tới lầu năm thì ngừng lại, người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi hai phòng. Tổng cộng với giá cho thuê là mười hai vạn quan kim một ngày. Sau khi tắm rửa, thay quần áo, ba anh Việt, Chân, Văn thuê xe lên đường sang khu vực Tô giới công cộng “Sa Điện” xin giấy tờ ở tòa lãnh sự Anh cho nhập cảnh vào Hương Cảng. Trong khi chờ đợi, chúng tôi rời khỏi khách sạn đi xem thành phố và tìm một địa điểm thuận lợi cho việc cư trú, nếu chưa rời khỏi Quảng Châu.

Tôi còn nhớ ngày hôm đó là ngày mồng một tháng năm, ngày Quốc Tế Lao Động, nên khi bước ra khỏi khách sạn, là gặp ngay một toán đông, với rừng cờ đỏ búa liềm, cùng tiếng hò reo vang dội khắp phố phường. Chúng tôi hòa vào đám đông đứng coi ở hai bên đường. Để đề phòng cảnh giác, chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Hoa, hoặc tiếng Pháp khi cần. Khi đi đường tôi để ý xem có người Việt, nhưng tuyệt nhiên không nhận ra một ai.

Năm đó là năm 1950, nên còn rất ít người VN sang làm ăn ở đó, nếu có, chỉ là những phái đoàn qua lại ít ngày rồi bỏ đi. Tại Tỉnh Quảng Tây, nhất là ở thành phố Nam Ninh, gần biên giới VN, có rất nhiều người Việt cũng như các cán binh Việt Cộng sang tập huấn trong thời kỳ chiến tranh chống thực dân Pháp. Sau hơn một tiếng đồng hồ đi tìm loanh quanh ở khu phố nghèo, không ra một căn nhà cho thuê, chúng tôi trở về khách sạn. Gần tới nơi thì gặp ngay anh Việt đang dáo dác tìm kiếm chúng tôi. Anh cự nự một lát, rồi giục giã chúng tôi lên phòng thu dọn đồ đạc rồi đi chỗ khác ngay. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại anh thì chỉ được cho biết là tới địa điểm mới sẽ rõ. Thế là tiền thuê 12 vạn quan kim như cho không. Khi chúng tôi báo cho nhân viên phụ trách khách sạn, thì họ rất lấy làm ngạc nhiên, không giống nhu khi chúng tôi mới đặt chân vào khách sạn với quần áo, hành lý chẳng ra thể thống gì cả. Có thể trong đầu họ lúc đó rất nghi ngờ về hành vi của chúng tôi.

Ra khỏi khách sạn, riêng tôi thì bỏ qua túi đồ, vì nghĩ rằng chẳng còn hợp thời nữa. Chúng tôi nhảy lên xe taxi rời ngay, vì e rằng nhân viên khách sạn hồ nghi đi báo cho công an, cảnh sát biết, thêm rắc rối. Xe chạy khoảng mươi lăm phút, thì xe chở anh Việt chạy trước dẫn đường ngừng lại ngay trước cửa một bệnh viện, tôi ngước mắt nhìn thấy tấm bảng đề “Hopital Saint Paul”. Chưa hết ngạc nhiên vì sao anh Việt lại đưa chúng tôi tới bệnh viện, thì anh Việt đã dục chúng tôi xuống xe và dẫn tới cổng bệnh viện. Một thời gian sau khi bấm chuông thì từ trong bệnh viện, một ông Cha Cố, áo chùng thâm, chậm rãi đi trên con đường nhỏ lát đá ra tới cổng, đón chúng tôi. Cánh cửa sắt được mở rộng, ông Cha Cố người Pháp vui vẻ bắt tay đón chào, sau khi được lời giới thiệu của anh Việt.

Khi đó, tôi hiểu ngay ra sự việc giống như ở Quế Dương tại nhà Thờ Cha Cố Brigier, nghĩa là Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu đã thông báo cho Cha Cố ở Bệnh viện Saint Paul tiếp đón chúng tôi. Khi vào tới phòng tiếp tân, thì tôi đã thấy ở giữa phòng một bàn dài phủ khăn trắng tinh, trên bầy la liệt thức ăn. Ông Cha Cố chỉ phòng ngủ và bảo chúng tôi đi tắm rửa rồi dùng cơm. Quả thật là chu đáo khi đối xử với chúng tôi vào lúc đó, những người đã từng chiến đấu chống họ hơn một năm trời ở Chiến Khu Phòng Thô (Tỉnh Lai Châu, VN).

Chúng tôi hiểu rõ mục đích của họ, nhưng vào hoàn cảnh lúc đó, chúng tôi chấp nhận để miễn sao thoát ra khỏi vùng kiểm xoát của CS rồi sẽ tính sau. Đêm đó, phải nói là chúng tôi đã được ăn uống no nê, nghỉ ngơi thoải mái, không còn phập phồng lo sợ như ở nhà trọ hay khách sạn ở các Tỉnh, Thành vừa đi qua. Theo anh Việt cho hay thì anh đã tới tòa Lãnh sự Pháp và Anh ở bên Tô giới công cộng (Sa Điện) và đã được Lãnh sự Anh cấp giấy nhập cảnh chung cho 11 người (kể cả ba mẹ con bà Tướng Tàu).

Ba mẹ con bà này đã mướn phòng riêng và chỉ gặp lại chúng tôi ở nhà ga xe lửa vào lúc lên tàu sáng ngày hôm sau. Sáng ra, chúng tôi cùng ông Cha ăn sáng, và ông cho chúng tôi hay là không nên đi đâu, ông sẽ cho người ra ga mua vé, và chỉ lên tàu ít phút. Tôi còn nhớ vào khoảng 11 giờ thì ông Cha cho xe chở  chúng tôi rời bệnh viện. Đúng như trù liệu, chúng tôi lên tàu được một lát thì tàu chuyển bánh. Đây là đoạn đường tàu chót từ nhà ga Quảng Châu dẫn tới một nhà ga nhỏ cách biên giới ngăn cách Tỉnh Quảng Đông Trung Hoa và lãnh thổ nhượng địa Cửu Long và Hồng Kông do người Anh quản trị.

Trên tàu, chúng tôi phân tán nhỏ để tránh con mắt cú vọ của công an Trung Cộng, vì giấy xuất cảnh không có. Tàu chạy vào khoảng hai tiếng thì tới ga chót. Ga này chỉ cách biên giới khoảng một cây số. Những ai muốn qua Hồng Kông thì phải xếp hàng để công an và nhân viên quan thuế kiểm tra giấy tờ và hàng hóa. Do đó, chúng tôi cũng phải đứng vào hàng. Được biết thì hàng ngày, số người đi ra Hồng Kông thường rất đông, có khi phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ mới tới được trạm kiểm soát. Trạm này nằm cách chiếc cầu ngăn cách hai bên lối ba, bốn chục thước.

Ranh giới phân cách địa phận Trung Hoa và nhượng địa Anh bởi một con sông nhỏ, mà phía bờ bên kia được dựng lên một hàng rào kẽm. Còn ở trên cầu, mỗi bên kiểm soát một nửa. Muốn vào khu vực Anh, thì phải đi qua một cái cửa nhỏ có nhân viên cảnh sát Anh Quốc canh gác, sau khi trình giấy tờ hợp lệ. Trên đường tiến tới trạm kiểm xoát, không hiểu tôi có hành động gì làm bọn công an khả nghi không, mà bất ngờ một tên sấn tới đòi khám xét quần áo và đòi lột cả giầy tôi đang đi. Sau khi kiểm tra không có gì, hắn mới cho tôi tiếp tục đi.

Thật hú vía, tôi tưởng phen này sẽ kẹt thật sự, nhưng rồi may mắn lại tới. Nhưng chưa hết, số là toán anh Việt xếp hàng ở phía trước đã tới gần trạm kiểm soát, đợi mãi không thấy chúng tôi tới, nên nóng lòng chạy ngược lại tìm, thì cũng vừa lúc chúng tôi tới. Tại gần trạm kiểm xoát, nhìn lên trên cầu tôi thấy cảnh sát Anh trong bộ quần áo sọc trắng, đầu đội mũ kiểu thuộc địa, tay cầm dùi cui đang đánh đuổi những người Trung Hoa, hình như các công nhân, thợ thuyền muốn qua Hồng Kông làm ăn, nhưng vì giấy tờ không hợp lệ nên bị đuổi về.

Qua hình ảnh đó, tôi lại thấy hiện lên cái cảnh thực dân  đàn áp dân lành mà không khỏi bực mình, nhưng dầu sao chúng tôi cũng phải qua cầu. Trong khi anh Việt đang bận rộn với tên công an gác ở đầu cầu, thì tất cả chúng tôi đã bước qua phía bên kia cầu.

Khi đó mọi người ở Lục Địa ra Hồng Kông  thì khó, chứ về phía Trung Hoa thì chỉ làm lấy lệ. Cảnh sát Anh hỏi giấy tờ, chúng tôi trả lời anh Việt cầm giấy tờ đang ở trạm kiểm xoát bên kia cầu. Cũng vừa lúc đó anh Việt hớt ha, hớt hả chạy tới và dục chúng tôi đi ngay tới trạm kiểm xoát của người Anh. Hỏi ra mới biết là anh bị tên công an hỏi giấy tờ, anh cho hắn xem rồi bất ý, anh dật lấy và chạy qua cầu. Tên công an vì bất ngờ nên không kịp phản ứng và bỏ qua luôn, vì có lẽ hắn nghĩ là sang bên kia rồi cũng bị cảnh sát Anh đuổi về, chứ có biết đâu chúng tôi chỉ thiếu con dấu và chữ ký của nhà chức trách địa phương Quảng Châu. Tại trạm kiểm xoát, anh Việt trình giấy nhập cảnh chung của 11 người và được nhân viên người Anh thông  qua thủ tục rất nhanh.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp theo]

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt