Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (31)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/ Chương 3: Từ tháng 02-1948  đến 02-1950.  TRÊN ĐƯỜNG SỐNG LƯU VONG TẠI TRUNG HOA (31)

Trên đường sống lưu vong tại Trung Hoa (31)

Ngày thanh tra khởi sự rất sớm. Chúng tôi ăn mặc như một binh sĩ Lư Hán chính hiệu và cùng các binh sĩ trong đơn vị tập hợp nghiêm chỉnh tại Thao trường. Đúng giờ ấn định, Tư lệnh Sư Đoàn cùng Trưởng đoàn thanh tra cưỡi ngựa duyệt hàng quân trong tiếng hô vang của các cấp chỉ huy và ban quân nhạc. Sau phần nghi lễ, đến phần kiểm tra quân số. Có hai sĩ quan phụ trách một đơn vị cấp Đại Đội. Một người kêu tên, một người đối chiếu danh sách. Khi đến phiên gọi tên chúng tôi thì mọi chuyện êm xuôi, dù sao cũng là người có học, nói một lần là thuộc ngay. Nhưng đã có một vài binh sĩ đã quên mất tên gán cho mình, đến khi gọi tên, anh ta cứ tỉnh bơ, khiến sĩ quan đơn vị phải nhác khéo.

Nghĩ lại, tôi vẫn không nhịn cười được. Tuy nhiên mọi việc cũng đều êm xuôi, cả hai bên đều vui vẻ kết thúc bằng một bữa tiệc linh đình. Ngày đó chúng tôi cũng được hưởng một bữa ăn ngon lành. Người địa phương gọi là “Tả gia Trí”. Thời gian đó thuộc khoảng tháng mười dương lịch năm 1949. Tin tức được biết thì Chính quyền Trung Hoa Quốc Gia đã suy sụp gần đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn. Quân của Trung Cộng Mao trạch Đông, đang chuẩn bị vượt qua sông Dương Tử để tiến xuống miền Hoa Nam, và trong tương lai Tỉnh Vân Nam sẽ là mục tiêu cuối cùng của trận thư hùng Quốc Cộng tại Trung Hoa.

Rồi một hôm, chúng tôi nhận được tin là Sư Đoàn chuẩn bị lên đường xuống vùng Đại Lý giáp ranh với Miến Điện và sẽ có thể rút lui sang đó. Việc đi hay ở là do chúng tôi quyết định, nhưng sau nhiều giờ bàn luận chúng tôi đồng ý theo Sư Đoàn một chuyến xem sao, dù sao chúng tôi còn trẻ, thích phiêu lưu mạo hiểm. Hơn nữa nếu Côn Minh rơi vào tay CS, thì thế nào chúng tôi cũng phải ra đi, nếu không muốn chúng bỏ vào tù. Bọn VMCS nằm vùng sẽ nổi dậy và mục tiêu trước mắt của chúng là tiêu diệt VNQĐĐ, kẻ thù số một của chúng.

Sư Đoàn ra đi bằng quân xa. Rời khỏi vùng ngoại vi phía Tây của Thành phố, đoàn xe khởi sự đi vào xa lộ Côn Minh – Miến Điện. Con lộ này được xây dựng do sự giúp đỡ tài chính và chuyên môn của Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nó có một mục tiêu chiến lược là dùng để chuyển vận tiếp tế, hàng hóa quân sự cho Chính quyền Tưởng Giới Thạch đóng đô tại Trùng Khánh (Tỉnh Tứ Xuyên) trong thời kỳ kháng Nhật. Con đường này quả là gian nan, hiểm trở, băng qua các đồi núi, các thung lũng hẹp, suối sâu. Ngồi trên xe tuy thích thú với cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nhưng lúc lên đèo, xuống núi quanh co hình chữ chi muốn rợn cả người. bởi vậy lái xe trên đoạn đường này đòi hỏi những tài xế nhiều kinh nghiệm, quả cảm, lanh trí. Nếu không, chỉ sơ xẩy một chút là rơi xuống vực sâu.

Ai đã từng lái xe trên đèo Ngoạn Mục (Phan Rang-Đalat) thì chỉ bằng một phần ba và ngắn hơn nhiều. Tính ra thì Xa lộ Côn Minh-Miến Điện dài khoảng 500 cây số. Từ Côn Minh tới Đại Lý (như một Huyện), đường chạy dài trên đồi núi cao, nhưng khi gần tới Đại Lý thì xuống dần. Đại Lý là một vùng tương đối bằng phẳng, ruộng đất phì nhiêu. Đại Lý trước kia là đất của Mạnh Hoạch, đã bẩy lần bị Khổng Minh bắt mới chịu đầu hàng.

Đoàn xe tơi Thị trấn Thanh Phong thuộc Đại Lý vào khoảng xế chiều và cũng tại nơi đó Sư Đoàn tạm dừng quân chờ lệnh tiếp của Lư Hán ở Côn Minh. Tính theo lộ trình thì đoàn quân đã đi được hai phần ba đường và đoạn tiếp tới biên giới Miến Điện không còn khó khăn nữa. Những ngày dừng quân, nhàn rỗi chưa làm gì, chúng tôi rủ nhau tản bộ ra phố xem dân cho biết sự tình.

Thị trấn Thanh Phong cũng gần như Mông Tự, dân chúng làm ăn cũng khá nhộn nhịp. Đời sống có vẻ bình an, trầm lặng gần như chưa biết chiến tranh là gì. Nhưng từ khi Sư Đoàn rút về đóng quân tại đó thì dân tình xem ra lo lắng, bàn tán nhiều. Ngoài ra trong Thị trấn đã xuất hiện những hoạt động võ trang tuyên truyền của CS. Tại một góc chợ, tình cờ chúng tôi được thấy tận mắt một anh cán bộ CS đứng trên một cái bàn cao, lưng đeo súng lục, tay cầm loa đang hò hét, tuyên truyền xách động quần chúng, y hệt như mấy tên VMCS ở Việt Nam, trong những ngày đầu cách mạng tháng 8/1945.

Trong đám quần chúng bu quanh, tôi thấy lẫn lộn cả binh sĩ của Lư Hán, kể cả chúng tôi, nhưng không ai phản ứng gì cả, kể cả Chính quyền địa phương. Sư Đoàn đóng quân được mười ngày, thì bỗng nhiên có lệnh quay về Côn Minh, khiến chúng tôi nghĩ ngay có chuyện gì xẩy ra. Thế là giấc mộng phiêu lưu sang Miến Điện không thành. Chúng tôi đành theo đơn vị hồi về cố quận.

Lượt về, đoàn xe ngừng lại một địa điểm cách Thành phố Côn Minh mấy chục cây số. Sau đó đoàn xe trở lại Thanh Phong tiếp tục chở các đơn vị còn lại. Anh Hồng , trước khi rời Tchapa, anh bị điều động sang một đơn vị khác, nên khi Sư Đoàn trở lại Côn Minh, đơn vị của anh bị xếp đặt vào đợt chót. Do đó, khi mà anh Tạo và tôi rời bỏ Sư Đoàn về lại Côn Minh hơn một tháng mà vẫn không thấy anh về. Sau này liên lạc được với anh thì mới biết là đơn vị không có xe, nên phải nằm lại Thanh Phong chờ đợi.

Sau này, chúng tôi bắt được liên lạc qua một bức thư của anh nhờ gia đình anh Tạo tại Hà Nội gửi sang Mỹ cho biết là anh đã trở về VN năm 1951 trong vùng VMCS kiểm xoát. Anh cho biết thêm là sau khi chúng tôi rời bỏ Côn Minh thì anh vẫn phục vụ trong quân đội Lư Hán một thời gian ngắn, rồi sau đó đặt dưới quyền chỉ huy của các cán bộ CS. Trở về với gia đình, anh lấy lại tên cũ và làm việc cho VMCS  tới sau năm 1975 mới về hưu trí. Tôi rất tiếc là khi trở về thăm nhà ở Hà Nội năm 1989 tôi đã không biết anh có ở đó không, nếu biết thì hai anh em gặp lại nhau thì vui mừng biết bao, vì hai chúng tôi sống với nhau quá nhiều kỷ niệm. Nhưng quả đất tròn, thế nào cũng có ngày gặp lại nếu còn sống. Tôi nghiệm thấy cuộc đời tôi đã xẩy ra như vậy và cũng sẽ xẩy ra trong tương lai. Chứng minh là đã tưởng bỏ mình ở Chiến khu, không bao giờ trở lại Hà Nội, rồi thì năm 1950 tôi lại có mặt ở Hà Nội.

Rồi Việt Trì, Yên Bái, Lào Kay năm 1946, thì năm 1978 lại quay lại, dù rằng ở một hoàn cảnh khác nhau. Sau 1954, hai miền Nam Bắc phân ly, tôi trở vào Nam phục vụ trong quân đội, rồi cũng tưởng rằng sẽ chẳng còn bao giờ trở lại quê nhà, thăm gặp lại anh em sau bốn mươi năm xa cách, kể từ đầu năm 1946, tôi rời gia đình lên Đệ tam chiến khu của VNQDĐ. Vào tù CS, cũng tưởng không có ngày về, nhưng rồi lại trở về Sài Gòn. Các anh em thân thiết sau 30/4/1975 di tản qua Hoa Kỳ, thì cũng có bao giờ mong ngày tái ngộ, thế rồi cuối năm 1991, chúng tôi lại gặp nhau trên đất Hoa Kỳ, như thuở nào trên đất Côn Minh. Do đó, tôi nghĩ lại có ngày trở về Sài Gòn khi hết chề độ cộng sản như mọi sự thể đã diễn ra trong cuộc đời tôi.

Khi đơn vị của tôi vừa tới địa điểm dừng quân, là chúng tôi được tin quân đội của  Lư Hán đã đảo chính, dành quyền chỉ huy toàn bộ Thành phố Côn Minh. Các đơn vị thuộc Chính quyền Trung Ương Trung Hoa Quốc Dân Đảng rút ra khỏi Thành phố và sau đó một số ít thuộc thành phần chủ chốt đã được không vận sang đảo Hải Nam, rồi kế tiếp là Đài Loan. Các đơn vị còn lại rút xuống Khai Viễn rồi chạy qua VN, ở cửa khẩu Hồ Kiều, vào khu vực chiếm đóng của quân đội Pháp. Nghe đâu các đơn vị này được Pháp tập trung về Cam Ranh (VN) rồi sau đó được chở bằng đường thủy đến Đài Loan.

Anh Tạo và tôi, vội vã trở về Côn Minh coi tình hình biến chuyển ra sao với anh em còn lại trong Thành phố. Việc đầu tiên, chúng tôi tìm tới chỗ anh Xuân Tùng, vì ở đó thường có những tin tức mới lạ. Tới nơi, tôi vẫn thấy các anh đang làm bánh và trò chuyện như không có gì xẩy ra cả. Chúng tôi cũng cho các anh hay là chúng tôi mới từ Đại Lý trở về. Anh Xuân Tùng cho hay là tính hình không thuận lợi, nhưng đợi một thời gian sẽ tính. Anh cũng cho hay là một số đã bỏ về phía Nam để chuẩn bị về VN nếu cần. Tin tức cũng cho biết VMCS đang hoạt động trong bí mật đã bắt đầu hoạt động công khai, kiểm tra sự lui tới của anh em VNQDĐ giữa Côn Minh và Khai Viễn. Tuy nhiên chúng vẫn còn e ngại không rõ Lư Hán có thực tâm ngả theo CS hay không? Trong khi quân đội Lư Hán đảo chính Chính quyền Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng, thì quân đội Trung Cộng đã vượt qua sông Dương Tử, ào ạt tiến xuống miền Nam. Chính quyền Lư Hán hy vọng Trung Cộng sẽ dành cho quyền tự trị như thuở còn Tướng Long Vân. Khi chúng tôi trở lại Côn Minh, thì quân của Mao đã tới ranh giới phân chia hai Tỉnh Quảng Tây và Quý Châu. Sở dĩ Tướng Lư Hán đảo chính Tưởng giới Thạch để hy vọng được Trung Cộng để tâm nâng đỡ, nhưng hắn đã sai lầm lớn. Khi chúng tôi tới Quế Dương (Thủ phủ của Quý Châu) đọc báo mới hay là Lư Hán được Trung Cộng dành cho chức vị Phó Chủ Tịch Tỉnh Vân Nam. Không biết sau đó cuộc đời của tên phản phúc Lư Hán ra sao?

Trong khi chờ đợi tình hình diễn biến để quyết định ra đi, anh Tạo và tôi mở cửa hàng cắt tóc ngay ở ngoài cổng thành Côn Minh. Làm được vài ngày, chúng tôi xin được chân cắt tóc cho một đơn vị đóng ở trên cổng thành. Thành phố Côn Minh gồm có nội thành và ngoại thành, ngăn cách bởi một bức tường bao quanh. Các bức tường dày khoảng mười thước và cao chừng bẩy thước và có bốn cửa ở bốn hướng. Ở ngoài bức tường là giao thông hào rộng và sâu. Thành nội Huế của VN là hình ảnh thu nhỏ đối với thành Côn Minh.

Trên mỗi cổng thành là một tòa nhà rộng lớn có mái cong như tranh vẽ trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa, có thể chứa được hàng trăm người. Cổng ra vào như một đường hầm. Trong Thành là trung tâm của thành phố, gồm các phố phường buôn bán nhộn nhịp, các cơ quan làm việc của Chính quyền. BTL của Lư Hán đóng trên một ngọn đồi, ở đó có thể quan sát được toàn bộ Thành phố. Ở trong Thành còn có một tháp cao chừng ba, bốn chục thước. Trên đỉnh được gắn một con gà bằng đồng, do đó được gọi là tháp Gà Đồng.

Dân trong vùng truyền tụng là ngôi tháp đó do Khổng Minh cho xây dựng lên để yểm Mạnh Hoạch ở trong đó. Họ cũng đồn thêm là cấm dân chúng được đánh trống canh năm, nếu không tuân theo, thì Mạnh Hoạch sẽ thoát ra được và Côn Minh sẽ bị nước hồ Tây Sơn (Sí Sán) dâng lên nhận chìm. Thứ hai là chùa Sư Khô (không phải cô), trong đó có liệm xác một vị sư tăng viên tịch vào trong một hòm kính suốt năm này sang năm khác mà không bị hư. Thứ ba là nhà Bảo Tàng trong đó có một bộ áo giáp bằng đồng. Người xử dụng nó phải là một võ tướng có thân hình to lớn khác thường. Tôi phỏng định bộ áo giáp phải cân nặng mấy chục ký là ít. Ở ngoài Thành về phía tây có hồ “Sí Sán” ,“Tây Sơn” lớn gấp bốn hồ Tây ở Hà Nội. Ở trong hồ còn có vài hòn núi nhô lên khỏi mặt nước, ở trên được xây dựng một ngôi chùa nho nhỏ ẩn hiện trong cây xanh cổ thụ. Cảnh đẹp như một bức tranh thủy mạc, nhất là vào những đêm có ánh trăng.

Ngoài những cảnh đẹp và hình tượng xây dựng lâu đời, thủ phủ Côn Minh còn là một nơi có khí hậu, thời tiết rất ôn hòa, không nóng mà cũng không lạnh lắm. Năm nào lạnh lắm thì mới có tuyết, còn vào mùa Đông chỉ có đóng băng ở các sông rạch độ vài ba mi-li-mét là nhiều lắm. Do đó, khí hậu mát mẻ nên trồng rau và cây trái rất tốt. Rau, củ, trái cây đều to và ngọt. Đặc biệt là có trái lê, ngoài vỏ xanh lè, nhưng ở trong ruột mầu café sữa ăn thật dòn, ngọt và thơm. Các trái lựu cũng vậy, hạt rất lớn và ngọt. Cũng nhờ khí hậu, hoa quả rẻ, mà chúng tôi ai cũng lên ký, dù ăn uống chẳng có gì là bổ. Bệnh sốt rét rừng cũng biến mất trong chúng tôi mà chẳng cần đến một viên thuốc. Trong cuộc đời đi đây, đi đó cũng nhiều nhưng tôi chưa thấy nơi nào lý tưởng như Côn Minh.

Cũng như ở Sư Đoàn 125, chúng tôi cũng được bố trí một phòng nhỏ để hớt tóc. Ngoài việc cắt tóc cho đơn vị đóng trên cổng Thành, chúng tôi còn phải đi hớt cho các thành phần đóng rải rác ở gần đó. Chúng tôi cùng ăn với binh sĩ và lãnh tiền công theo đầu người hớt được hàng ngày. Đơn vị cũng trả bằng tiền hoa xòe. Để dự trù cho kế hoạch ra đi, chúng tôi làm bất kể giờ giấc để kiếm cho được nhiều tiền. Có hôm, chúng tôi phải nhờ binh sĩ đứng đợi đến phiên hớt cầm đèn hộ để chúng tôi hớt tới khuya, vì hôm sau có điểm binh. Vào các giờ sau bữa cơm chiều, nếu không có chuyện gì, thì sĩ quan, binh sĩ tập trung ở sân ca hát và nhẩy “Sôn Đố Mì” mặc dù Côn Minh chưa chính thức đặt dưới quyền cai trị của CS. Như vậy là chứng tỏ ảnh hưởng của Trung Cộng trong quân đội Lư Hán rất mạnh.

Lư Hán có muốn chống lại cũng không sao làm nổi, nên đành nhắm mắt làm ngơ vì đã trót chống lại Chính quyền Tưởng giới Thạch. Tôi còn nhớ là một bữa đi hớt tóc cho một đơn vị giữ an ninh cho một trại tù, tình cờ tôi đã nhận ra một số đảng viên VNQDĐ Hải ngoại bị giam trong trại, trong đó có ông Quản Mai, anh Đỗ Văn.

Sau một thời gian thấy rõ thái độ của Lư Hán, cũng như mọi hoạt động của CS Trung Hoa ở thành phố Côn Minh, VMCS cấu kết với CS Trung Hoa nằm trong các đơn vị Lư Hán, bắt giam các đảng viên VNQDĐ Hải ngoại. Đối với VMCS, thì các đảng viên VNQDĐ Hải ngoại là kẻ thù số một cần phải hạ thủ trước, rồi sau đó mới tính tới VNQDĐ  ở trong nước mà chúng chưa nắm được. Bởi vậy, chúng tôi không còn có con đường nào khác là phải thoát khỏi Côn Minh càng sớm càng tốt. Chúng tôi gặp lại các anh Xuân Tùng và Hoàng Tường, thì được các anh đồng  thuận là con đường thoát thân là đi tới Quảng Châu rồi qua Hồng Kông. Sau khi  cùng quyết định, anh Tạo và tôi có bao nhiêu tiền kiếm được bỏ ra mua vàng hết, chỉ để lại một ít để chi tiêu dọc đường. Những ngày đó đã vào cận Tết năm Canh Dần, 1950.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm Vào Đọc Tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt