Đối thoại Mỹ -Trung : Vẫn bất đồng về Biển Đông và tin tặc…
Hoa Kỳ và Trung Quốc kết thúc hai ngày Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung lần thứ Sáu. Bên cạnh một số lĩnh vực, mà hai bên đạt được đồng thuận nhất định như chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, hay hợp tác về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Washington và Bắc Kinh vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề lớn như tranh chấp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hay nạn tin tặc.
Trong phiên họp bế mạc Đối thoại Mỹ – Trung tại “Đại lễ đường Nhân dân” – Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, đồng chủ trì hội nghị, cảnh báo “nạn gián điệp tin học đe dọa các hoạt động doanh nghiệp (của Hoa Kỳ) và làm tổn hại khả năng cạnh tranh của chúng tôi”, “đánh cắp sở hữu trí tuệ do (gián điệp) tin học dội nước lạnh vào các cải cách kinh tế và đầu tư”. Về phần mình, Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách Ngoại giao Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, cho rằng an ninh mạng là “thách thức chung đối với tất cả các quốc gia”.
Bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên trầm trọng hơn, sau vụ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố 5 sĩ quan Trung Quốc, nghi phạm của các cuộc tấn công tin học. Trung Quốc trả đũa bằng cách đình chỉ nhóm làm việc song phương trong vấn đề này. Tờ New York Times ấn bản ngày 10/07/2014 loan tin lần đầu tiên tin tặc Trung Quốc xâm nhập được vào máy tính của chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ, nơi có chứa các thông tin cá nhân của tất cả các viên chức Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ cũng hối thúc Bắc Kinh bảo đảm nhân quyền. Nói chuyện với báo giới, John Kerry khẳng định Washington không ngừng bảo vệ các giá trị của nước Mỹ, và “cổ vũ cho nhân quyền và tự do”, đồng thời cho biết ông đã “bày tỏ sự quan ngại trước các hành động giam cầm và bắt bớ” mới đây nhắm vào các nhà báo và các luật gia với các đối tác Trung Quốc.
Biển Đông và Biển Hoa Đông là một chủ đề khác mà hai bên thể hiện các quan điểm bất đồng. Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc có thể làm xung đột bùng nổ, nếu đẩy mạnh các đòi hỏi chủ quyền trên những vùng lãnh thổ tranh chấp. Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh : “Chúng tôi tin rằng các bên nên kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình và ngoại giao”. Washington “không thể chấp nhận” các mưu toan tạo ra một hiện trạng mới ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Về phần mình, Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ có “một quan điểm công bằng, khách quan và tôn trọng cam kết không đứng về bên nào”.
Bên cạnh các bất đồng nói trên, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tìm được một số điểm chung. Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định hai phía thống nhất “về tầm quan trọng và tính khẩn cấp của việc hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vì một bán đảo Triều Tiên ổn định và thịnh vượng”. Theo Ngoại trưởng Mỹ, hai phái đoàn đã thảo luận về “các biện pháp đặc biệt” để buộc Bình Nhưỡng phải thực hiện các cam kết, tuy nhiên, ông không đưa ra các chi tiết.
Mỹ và Trung Quốc cũng đồng ý về nguyên tắc cần phải có các nỗ lực để chống lại quá trình Trái đất bị hâm nóng.
Về đối thoại kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew ghi nhận hai bên đã có có một số tiến bộ theo hướng tạo thuận lợi cho việc nâng cao khả năng cạnh tranh. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Bắc Kinh cần giảm can thiệp vào thị trường, nhất là trong việc kìm giá đồng nhân dân tệ.
Hôm qua, Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc có động thái nhượng bộ Hoa Kỳ, khi tuyên bố Bắc Kinh sẽ giảm “đáng kể” việc can thiệp vào đồng nhân dân tệ- đồ Yuan, khi các điều kiện cho phép. Tuy nhiên, lãnh đạo Tài chính Mỹ cho rằng tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc không đi kèm các biện pháp cụ thể, và cho biết ông sẽ theo dõi tỷ giá hối đoái của đồng tiền Trung Quốc trong những tháng tới.
Trọng Thành (RFI 11/07/2014)