Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (22)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 2: Từ tháng 11-1946  đến 02-1948.  NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (22)

B – NHỮNG NGÀY CHIẾN ĐẤU TRONG CHIẾN KHU (22) 

Bản đồ Lào Cay nhìn qua biên giới nước Tàu

Trở lại lúc đoàn quân rút khỏi Thị Xã Lào Kay, tới đồn Bát Xát thì chủ lực do ông Triệu quốc Lộc và ông Nguyễn duy Dzị tiến vào Phòng Thô, Lai Châu qua ngả Mường Hum. Tại đó, đoàn quân không gặp một kháng cự nào và tiếp tục chiếm Yào San. Một vài toán nhỏ, do sĩ quan Pháp chỉ huy, còn lại là binh lính VN, đóng rải rác, giữ nhiệm vụ tiền tiêu, đã bất ngờ bị tấn công bỏ chạy về Thị xã Lai Châu. Nhân đà chiến thắng quân ta tiến đánh vào Thị Xã, nhờ tạo được yếu tố bất ngờ làm cho quân Pháp phải lúng túng nhưng cũng chống trả khá mãnh liệt. Nhưng với tinh thần đầy quả cảm hy sinh, VNQDĐ đã đẩy lui được Pháp quân, buộc chúng phải chạy vào đồn cố thủ. Sau khi làm chủ được Thị Xã Lai Châu và thu được một số chiến lợi phẩm, VNQDĐ tung quân lục soát bắt cho được tên Đèo văn Ân. Tên này và gia đình chạy thoát vào đồn của Pháp, Đèo văn Ân (sắc tộc Thái) trước đây ông ta theo VNQDĐ, nhưng khi quân đội Pháp trở lại Lai Châu theo bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 thì hắn trở mặt theo Pháp. 

Một số đảng viên VNQDĐ hoạt động tại đó đã bị hắn báo bắt giữ, số còn lại tản mác ra hoạt động tại các Bản ở phía Bắc, giáp giới với Trung Hoa cho tới ngày chủ lực từ Lào Kay rút vào. Sau khi kiểm soát được Thị Xã Lai Châu, VNQDĐ tiếp tục tiến đánh lên đồn cao, nhưng nhờ địa thế cao, có tuyến phòng ngự chắc chắn, nên quân Pháp đã cố thủ được. Đồng thời chúng gọi về Hà Nội cho máy bay lên dội bom yểm trợ. Trước sự chống trả mãnh liệt của đồn binh, cùng với phi cơ oanh kích, VNQDĐ đã bị một số tổn thất nên đành phải rút lui về Thị Xã Lai Châu. Hay tin, quân Pháp từ trong đồn ùa ra truy kích. 

Suối ở Yào Sang, về nùa mưa nước dâng cao

Trước tình hình bất lợi, khó có thể giữ được Thị Xã Lai Châu, nên Bộ Chỉ Huy ra lệnh rút trở lại Yào San. Khi băng qua con suối lớn chảy ngoài Thị xã, đoàn quân đã bị phi cơ oanh kích nặng nề, gây cho một số VNQDĐ bị thương và chết, trong đó có anh Cường của QGTNĐ (tục gọi là Cường Tojo vì anh thấp lùn và mập, đầu hớt trọc giống ông Thủ Tướng Nhật Tojo thời đó). Quân Pháp chiếm đóng Thị Xã Lai Châu, không phải là của Tướng Leclerc từ Sài Gòn di chuyển ra Bắc Việt theo thỏa hiệp 6/3/1946, mà đoàn quân Pháp này đã từ Tchapa, nằm ở ngoại vi Thành Phố Côn Minh (Thủ phủ Vân Nam) do Tướng Pháp Alessandri chỉ huy. Cánh quân này trước kia, khi quân đội Nhật chưa đầu hàng vẫn trú đóng tại Lai Châu. 

Khi quân đội Nhật đảo chính vào ngày 9/3/1945, thì lực lượng của Pháp tại đó bỏ chạy sang Trung Hoa. Khi thỏa hiệp 6/3/1946 giữa VMCS và Pháp chưa được ký kết, thì đoàn quân của Alessandri rời Tchapa xuống Mường Là (giáp ranh với Lai Châu) đột nhập vào Thị Xã Lai Châu vào tháng 1/1946, có nghĩa là trước Hiệp Định được ký kết. Thời đó không thấy VMCS lên tiếng phản đối về vụ này. Có thể là khu vực này VMCS không có kiểm soát nên lờ đi chăng. Một điều khác nữa là Chính phủ Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lúc đó, không hiểu sao đã chấp thuận cho quân của Alessandri rời Tchapa khi mà Thỏa hiệp 6/3/1946 chưa được ký kết. Như được biết, thì đoàn quân của Alessandri không phải hoàn toàn là người Pháp, hay ở các thuộc địa khác như Maroc, Algerie, Madagascar, mà còn có một số lớn quân lính VN.  Đoàn quân của Alessandri khi rời khỏi Tchapa thì đã có một số đông binh sĩ VN do Trung Úy Viên chỉ huy, tách ra bỏ về vùng biên giới giáp ranh với Tỉnh Hà Giang (Bắc Việt).  Sự việc xẩy ra là do toán quân của Trung Úy Viên, khi trú đóng tại Tchapa đã được các cán bộ VNQDĐ Hải Ngoại vận động tham gia vào VNQDĐ. 

Khi quân đội của Tướng Lư Hán tràn ngập Bắc Việt để giải giới quân đội Nhật, thì Trung Ương VNQDĐ ở Hà Nội đã chỉ thị Hải Ngoại Bộ điều động toán quân đó qua mạn Hà Giang để trở về Hà Nội. Cánh quân này có các cán bộ đảng viên VNQDĐ tháp tùng. Tới Hà Giang, đoàn quân mấy trăm người này tạm đóng tại Tỉnh lỵ Hà Giang. Lúc đó, tỉnh dưới quyền kiểm soát của VNQDĐ do ông Hoàng  Quốc Chính làm Chủ Nhiệm Tỉnh Đảng Bộ. Tại đây, Trung Úy Viên được Tỉnh Đảng Bộ phong hàm Đại Úy và đối xử rất chân thành với y, nhưng vì vẫn gắn bó với thực dân Pháp, đương sự lại tiếp tục con đường làm tay sai cũ, nên y đã cùng với một số sĩ quan dưới quyền bí mật liên lạc với VMCS để tạo phản. 

Ban Lãnh đạo Đảng hình như có hay biết về âm mưu đó, nhưng chưa có biện pháp nào ngăn chặn tức thời, để rồi đến một ngày chúng đã thừa dịp sơ hở, đột nhập vào Tỉnh Đảng Bộ bắt hết các ủy viên lãnh đạo, đồng thời cho binh lính của chúng đánh chiếm Tỉnh lỵ. Kết quả là các ông Chính, Lương, Phẩm và một số đảng viên cao cấp khác bị chúng bắt mang đi thủ tiêu. Hà Giang rơi vào tay VMCS. 

Mấy ngày sau, Trung Ương VNQDĐ ở Hà Nội mới hay biết, và sau một buổi họp đã quyết định xử tử Ba Viên. Bản án dược giao cho Ban Ám sát của Đảng thi hành ngay. Vài ngày sau thì Ba Viên được nhận diện và bị bắn chết ngay tại phố Chợ Hôm (Hà Nội). Người thực hiện bản án là anh Đường một đảng viên VNQDĐ. Nghe nói là về sau anh bị VMCS bắt và thủ tiêu, nhưng lại có tin khác là anh đã trốn lên được Đệ Tam Chiến Khu. Sự kiện phản bội của Ba Viên dù sao cũng làm giảm một phần nào thanh thế của VNQDĐ, nếu không thì với mấy trăm cây súng có huấn luyện hẳn hoi, sẽ gây khó khăn cho VMCS không ít.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt