Chân Dung: Đức Thánh Trần.
Theo Wikipedia: “Mùa Thu tháng 8, ngày 20 năm Canh tý, Hưng Long thứ 8, tức ngày 5-9-1300 trái tim người anh hùng đã ngừng đập. Theo lời dặn, thi hài ông được hoả táng thu vào bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa cánh rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ. Sau khi ông mất triều đình phong tặng là Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công Tiết Chế Nhân Võ Hưng Đạo Vương. Nhân dân vô cùng thương tiếc người anh hùng dân tộc đã có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc nên lập đền thờ trên nền Vương phủ gọi là đền Kiếp Bạc. Dân ta kính trọng vinh danh Ông là Đức thánh Hưng Đạo Đại Vương lập đền thờ Đức Thánh Trần ở nhiều nơi”. Nhân năm thứ 710 người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ra đi để lại tấm gương ngời sáng với lòng yêu nước dũng cảm hiến dâng cho dân tộc trang nhà www.vietquoc.org viết bài tưởng niện NGƯỜI, Và năm nay để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc bài dưới đây ghi lại công đức của ngài...
Chân Dung: ĐỨC THÁNH TRẦN
Chân dung đức Trần Hưng Đạo, không những khắc ghi trong sử sách, trong kho tàng văn học và trong chiến tích lẫy lừng của cuộc chống quân xâm lăng Mông Cổ, mà còn khắc tạc vào lòng mỗi con dân nước Việt là một nhà chính trị lỗi lạc về mặt an dân, một thiên tài quân sự về mặt giữ nước và một nhà văn hóa uyên bác trong sinh mệnh của Việt Tộc được kết tinh từ nơi bể trầm luân của nhân loại.
Cách đây hơn bảy trăm năm, đức Trần Hưng Đạo là một vị Nguyên soái, đã qua ba lần đại chiến, và đánh bạt quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi để giữ yên sơn hà. Đúng bảy trăm năm sau: vào tháng 2 năm 1984, Hội Hoàng Gia Anh, tức là viện Khoa Học Hoàng Gia Anh bầu ra 10 vị Tướng soái kiệt xuất nhất trong lịch sử nhân loại qua các thời đại. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là vị Tướng Soái duy nhất được chọn với tuyệt đại đa số của thời trung cổ. Ngài đã từng đánh bạt ba lần một đoàn quân mạnh nhất thế giới trải từ Âu sang Á, đó là Mông Cổ.
Tiếc thay rằng; đến thời mạt vận, kẻ xâm lăng từ phương Bắc vào thời nhà Minh bên Tàu, chiếm cứ hơn hai mươi năm trên đất Việt. Không những cướp bóc muôn vàn thứ vật quý giá như vàng ngọc và châu báu. Không biết dường nào kể hết ! Mà còn tóm thâu cả kinh sách của biết bao nhiêu đời được lưu truyền trong kho tàng văn học. Chúng cướp về có thể sửa lại với ý đồ bóp méo lịch sử, nhằm mục đích cho lãnh vực tuyên truyền. Còn về phần tinh bản, chúng có thể thiêu hủy hay cất dấu. Không những thế còn có thể làm sai lệch đối với các nhà khảo cổ học trên thế giới là một điều có thể xãy ra. Nhưng khi đã thanh tựu một nền văn hiến, thì dù thời vận có thế nào đi nữa; chân lý của bậc vĩ nhận vẫn luôn luôn tồn tại. Bởi vì, văn hóa là một cái gì tự thân nó trong từng thời đại của tiến trình văn minh từ dân tộc đó lưu lại, không ai có thể sửa lại được cái văn hóa ấy dù bất kỳ trong một tình huống nào.
Nay, kẻ sưu tầm xin ghi lại dành cho các bạn trẻ trong và ngoài nước, đã và đang cưu mang trong lòng một nước Việt mến yêu, và đặc biệt gởi đến các bạn trẻ sinh ra và lớn lên tản mát khắp cùng thế giới, bởi vận mệnh đất nước nổi trôi sau một cơn lốc thời đại, đã bao trùm trên quê hương một nỗi bất hạnh khôn cùng vào 30-04-1975. Dù đây chỉ là chút đóng góp thật là nhỏ bé như một giọt máu hòa trong đại dương mà nỗi lòng mãi canh cánh; một quê đang trong khổ nạn còn mù khơi bên kia bờ biển Thái vẫn là sự quan tâm hàng đầu của lẽ sống tinh thần của kẻ chạy giặc vây.
Và sâu xa hơn nữa, lịch sử chính thống của một dân tộc đối với các bạn trẻ là hành trang quan yếu, bởi vì chính thế trẻ là những lớp người tiếp bước cho tiền đồ của Quốc gia Dân tộc, phải nhận chân đâu là quê Cha và đâu là đất Tổ qua một truyền thống ngoan cường và một tinh thần bất khuất để tồn tại là điều không thể thiếu được.
Các bạn trẻ quý mến, chính các bạn hôm nay và ngày mai luôn luôn là luồng sinh khí thật trong sáng và kỳ diệu nhất sẽ mang về cho đất nước Việt Nam những nụ hoa Nhân Bản, Tự Do và Công Lý nở trên khắp quê hương Việt Nam vậy. Và cũng chính thế hệ các bạn tiếp nối và giữ gìn di sản quý báu của Tổ Tiên. Và cùng đóng góp vào di sản chung của nhân loại theo tài năng các bạn là hoài vọng ngàn đời của lớp ngươì đi trước. Nên, những nét đặc trưng trong nền văn hóa của một dân tộc nơi bầu vũ trụ, mà chúng ta đang sống; chắc chắn trong niềm hy vọng của thế hệ các bạn sẽ cảm nhận sâu xa không cùng và chính đây là một trong những biểu tượng vô cùng trân quý cho lý tưởng sống còn của một dân tộc dưới ánh mặt trời trong cộng đồng nhân loại về chân dung của Đức Trần Hưng Đạo.
Khởi đầu về giai thoại là chuyện tiếp sứ Nguyên của Đức Trần Hưng Đạo vào thời kỳ (1281) đấu tranh ngoại giao thật cực kỳ căng thẳng, mà chúng (Mông Nguyên) bắt vua Trần phải sang chầu. Nhưng trong thế kéo dài sự hòa hoãn của Trần triều để chuẩn bị cho một cuộc đọ sức bằng vủ trang của một dân tộc không thể sơ hở. Lúc đó là vua Trần Nhân Tông cử chú họ là Trần Di Ái thay mình sang gặp vua Nguyên. Vì thế, Hốt Tất Liệt nắm ngay cơ hội, mà phong cho Trần Di Ái làm An Nam Quốc Vương. Bọn tùy tùng Trần Di Ái được phong nốt chức tước, cùng với khoảng một ngàn quân và sứ giả Sài Thung. Trong tình thế ngày càng căng thẳng hơn, nên phải đối xử thế nào với tên Sài Thung sứ giả ? Một tên vốn chỉ biết chạy theo bạo lực của một giống người ngồi trên lưng ngựa để bắn cung, mà đánh đâu thắng đó đã từng làm rúng động đến máu chảy thịt rơi, kéo từ Âu sang Á.
Giai thoại được chép như sau trong sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
“Thung ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân sĩ Thiên Trường ngăn lại. Thung dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng đầy màn trướng , hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Thung làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, Ông đi thẳng vào phòng. Thung đứng dậy, vái chào và mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, bởi cứ ngỡ người gọt tóc, mặc áo vải nầy là nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Sau, người hầu của Thung nhận ra Ông, cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không thể thay đổi. Khi về, Thung ra tận cửa tiễn Ông.” Nói đến đại sự quốc gia là một chứng cứ hùng hồn, mà Ngài đã xử trí trong một phong thái ung dung mà vẫn giữ vững được quốc thể, không phải là một bậc thánh sao?
Sự cư xử mật thiết và thân tình giữa Đức Trần Hưng Đạo và Thượng Tướng Trần Quang Khải. Mặc dù, giữa hai bậc thân sinh của hai vị trong cảnh tình trái ngang, đã để lại một vết thương lòng không nhỏ. Nhưng đối với quốc gia đại sự, ắt phải ở trong một phạm trù rộng lớn, không thể đặt tình cá biệt lên trên tình đại thể. Trong Khâm Định Lịch Sử Thông Giám Cương Mục đã để lại một giai thoại rất thâm tình và cảm động :
“Trước kia Trần Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà-la, Quang Khải đi theo. Khi sắp đi, sứ thần Trung Quốc tới . Thánh Tông triệu Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn đến bảo rằng:
-Thượng tướng Trần Quang Khải theo quan gia đi đánh giặc, trẩm muốn phong cho nhà ngươi làm tư đồ, sung vào việc ứng tiếp.
Quốc Tuấn thưa rằng:
-Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, Bệ hạ lại tự phong chức cho tôi, e rằng tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thỏa.
Việc ấy bèn thôi. Quang Khải với Quốc Tuấn vốn trước không hòa hiệp với nhau. Có một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay tắm gội. Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải rồi nói:
-Hôm nay tôi tắm được cho Thượng Tướng.
– Quang Khải cũng nói:
-Hôm nay tôi được Quốc Công tắm rửa cho.
Từ bấy giờ, hai người chơi với nhau thân mật lắm.”
Cổ ngữ có câu: “Ôn lại cái xưa để biết được cái nay”; âu đó là một chân lý chẳng phải chỉ riêng cho trí nảo mà còn có cả con tim mới giữ vững được lòng tin cho đại sự.
Trước lúc Hưng Đạo Vương lâm chung đã để lại cho hậu thế những lời vàng ngọc cuối cùng về thế giữ nước, được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục trân trọng ghi lại:
“Trước đây Quốc Tuấn bị bệnh, nhà vua (chỉ Trần Anh Tông) thân đến nhà riêng thăm viếng và hỏi rằng:
-Nếu có sự không lành xãy ra, mà quân Nguyên lại sang xâm lấn thì chống cự bằng cách gì ?
Quốc Tuấn thưa:
– Ngày trước Triệu Võ (chỉ Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán sai quân sang đánh, bây giờ, dân thì phá hết hoa màu ở đồng nội, quân thì kéo sang, dùng đỏan binh tập hậu mà đánh phá châu Khâm, châu Liêm và châu Trường Sa. Đó là một thời kỳ. Đến đời nhà Đinh, nhà Lê thì dùng người hiền tài. Lúc ấy phương Nam đang mạnh, phương Bắc đang suy, trên dưới một dạ, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó cũng là một thời kỳ. Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn. Lúc ấy, Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều phen đánh đến tận Mai Lĩnh, ấy là có thế lực mạnh. Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây. Lúc ấy, vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức nên giặc phải chịu bó tay. Đấy là lòng trời xuôi khiến.
Quân giặc cậy vào trường trận, ta cậy ở đoản binh, đem đoản binh chống trường trận là việc thường dùng trong binh pháp. Nhưng cần phải cân nhắc cho kĩ, giả sử quân giặc tràn sang như gió như lửa thì có thể chống cự được, nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân , không mong đánh được ngay thì mình phải dùng tướng giỏi, xem tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà thì mới có thể chiến thắng được. Vả lại phải khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách, không có gì hơn được.
Vua phục lời của Quốc Tuấn là đúng”.
Đã một lòng vì Dân Nước, thì tình thương dân và yêu nước lúc nào cũng cánh canh bên lòng của những bậc ái quốc. Trước khi lâm chung Ngài đã để lại cho vị Hoàng-đế Trần Anh Tông một chiến sách giữ Nước. Nhưng với ngần ấy mẫu giai thoại về Ngài so với cả một kho tàng văn hóa và sử liệu đối với một nước có một nền văn hiến lâu đời, thì thật là qúa ít ỏi lắm thay !
Vĩnh Nhất Tâm
20-8-2000
Sách đọc:
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, Việt Sử Toàn Thư và Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn-Sơn.