Vì an ninh châu Á, Nhật Bản đối trọng với Trung Quốc

Trung Quốc đơn độc tại Diễn đàn An ninh Châu Á Shangrila diễn ra hàng năm tại Singapore. Hành động gây bất ổn định của Bắc Kinh bị Washington cảnh cáo trong khi Tokyo, nhân danh hòa bình khu vực tuyên bố sẽ chủ động hơn và giúp đỡ nhiều hơn các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc lấn hiếp. 

Thái độ hung hăng của chính quyền Trung Quốc tại Hoa Đông và Biển Đông đã đưa đến một hệ quả không thể tránh được : Bắc Kinh bị đặt vào thế bị cáo trong lúc Tokyo nổi bật với vai trò cứu tinh : hỗ trợ các quốc gia trong vùng bảo vệ an ninh trên không và trên biển.

Tại Diễn đàn An ninh khu vực Sangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tư cách là khách mời chỉ đạo, tuyên bố Nhật và Hoa Kỳ đã sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN.

Trong chiều hướng này, Nhật Bản đóng vai trò năng động và tích cực hơn so với thời gian qua để bảo vệ hòa bình tại châu Á và cho thế giới.

Trước mặt các phái đoàn quân sự cao cấp, chuyên gia quân sự, ngoại giao quốc tế trong đó có Trung Quốc, và Đông Nam Á, ông Shinzo Abe loan báo Nhật Bản sắp chuyển giao cho Philippines, một trong những quốc gia nghèo trong vùng, 10 tàu tuần duyên để tăng cường khả năng tự vệ. Indonesia cũng sắp nhận được ba tàu tuần duyên tương tự và Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ không khác gì hai nước ASEAN kia.

Thông điệp an ninh của Thủ tướng Nhật Bản được đưa ra vào lúc tình hình trên hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông tăng nhiệt. Hôm nay, hai tàu tuần duyên Trung Quốc lại xâm nhập quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Ngày 25/05/2014, Trung Quốc cho máy bay chiến đấu bay sát, khoảng 30 mét, một máy bay quân sự Nhật Bản.

Trong vùng lãnh hải Việt Nam, Trung Quốc hành xử như đang ở ao nhà, đặt giàn khoan tìm khí đốt, huy động hàng trăm hải thuyền trấn áp tàu cảnh sát biển Việt Nam và tàu cá của ngư dân. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố 80% biển Đông Nam Á là của Trung Quốc.

Trong một phản ứng mới nhất, Việt Nam hôm thứ Năm 29/05/2014, tố cáo tàu chiến Trung Quốc chỉa súng uy hiếp tàu cảnh sát biển Việt Nam. Trong cuộc đọ sức không tương xứng với Trung Quốc năm 2012, Philippines bị mất một vùng đảo đá ngầm và ngư trường truyền thống của dân chài.

Trong thống điệp tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản nhiều lần nhắc đến « nhà nước pháp quyền » kêu gọi các quốc gia trong vùng tôn trọng ba nguyên tắc : tôn trọng chuẩn mực quốc tế về đường phân định biên giới, không dùng biện pháp cưỡng chế, áp đặt và phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Không tố cáo đích danh Trung Quốc, Thủ tướng Shinzo Abe lên án các hành động « vi phạm ba nguyên tắc này » cố tình « làm thay đổi nguyên trạng ».

Theo quan điểm của lãnh đạo Nhật Bản, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc, các nước liên hệ phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Hoa Kỳ cũng như với Úc ở tận cùng Nam Thái Bình dương.

Chiến lược của Nhật được đặt tên là « kế hoạch Phòng vệ Tập thể » cho phép Nhật Bản hiện đang bị Hiến pháp hiếu hòa trói buộc, có thể động binh khi một đồng minh bị uy hiếp mà không cần chờ đến phiên mình bị tấn công.

Sáng kiến của Tokyo đã được Hoa Kỳ, qua tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hoan nghênh và ủng hộ.

Kế hoạch này nếu được tiến hành sẽ tạo cho Nhật bản một vai trò chủ động hơn thay vì phải chờ và nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ. Mặt khác, nó giúp cho ngành công nghệ quân sự Nhật Bản phát triển mạnh và làm nhẹ gánh nặng tài chính của Mỹ trong chiến lược chuyển trục. Các nước Đông Nam Á có được một đồng minh gần về quân sự lẫn kinh tế.

Phản ứng của Trung Quốc không làm giới phân tích ngạc nhiên : Theo AFP, bà Phó Oánh, chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc có mặt tại Singapore, cho rằng Nhật Bản khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại.

Ngoại trừ Bắc Kinh, chưa một thủ đô châu Á nào bị Trung Quốc uy hiếp, đã lên tiếng phản đối Nhật Bản.

Tú Anh (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt