Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá VNCH-Hoàng Tích Thông (10)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tập I (1945-1950)/Chương 1Quốc Gia Thanh Niên Đoàn – (10)

C. Quốc Gia Thanh niên Đoàn (10)

Trong những ngày đầu thành lập và thụ huấn tại trường Quân chính Xứ Nhu (Việt Trì)  và trường Lục Quân Yên Báy “Trần quốc Tuấn”.

Vào những ngày đầu của Chính Phủ Liên Hiệp, một tổ chức được thành lập với danh xưng QUỐC GIA THANH NIÊN ĐOÀN (QGTNĐ), trụ sở đặt tại đường Phó Đức Chính Hà Nội (trong khu vực tự trị Ngũ xã). Đoàn thể này ra đời với mục đích kết hợp tất cả những thanh niên nhiệt tình yêu nước. Đường lối hoạt động của Đoàn là nhằm đào tạo thanh niên trở thành những cán bộ quân sự có khả năng chiến đấu hữu hiệu và chỉ huy, ngõ hầu đáp ứng với tình hình đất nước đang chiến tranh xẩy ra ở miền Nam (Pháp tái chiếm) và có nguy cơ xẩy ra cả ở miền Bắc VN.

Thành thực mà nói, trên danh nghĩa Đoàn là một tổ chức đứng ngoài sự tranh chấp về chính trị giữa hai bên Quốc Gia và Cộng Sản, nhưng trên thực tế QGTNĐ lãnh đạo bởi QDĐ cả về nhân sự lẫn tài chính. Sau ít ngày quảng bá trên báo chí và đài phát thanh, thanh niên Thủ Đô và các Tỉnh, Thành kế cận đã đến gia nhập rất đông đảo. Tôi và vài người bạn đã có mặt trong những ngày đầu gia nhập. Vì tài chính eo hẹp cũng như địa điểm huấn luyện không đủ phương tiện và chật chội, huấn luyện viên hạn chế, nên Đoàn chỉ có thể tổ chức khoảng 100 thanh niên cho khóa đầu tiên.

Khóa học được dự trù trong 3 tháng. Địa điểm huấn luyện là một ngôi nhà gạch khá rộng tại Cống Vị (thuộc làng Bưởi) nằm ngoại thành Hà Nội. Ngôi nhà gồm có ba căn dài, phía trước có một bãi cỏ rộng rất thích hợp cho việc huấn luyện. Ở góc ngôi nhà có hai tháp canh. Tôi không nhớ ngôi nhà đó trước thuộc về người chủ nào, có lẽ của chính quyền địa phương. Sau khi ghi tên, chúng tôi trở về nhà sắp xếp quần áo và trở lại vài ngày sau. Ngày ấy tôi lên đường gia nhập Đoàn mà không cho gia đình hay biết gì cả, vì nghĩ là chỉ loanh quanh ở Hà Nội thôi, cùng lắm là đi huấn luyện ở Tỉnh kế cận. Nhưng sự việc không như dự kiến, mà chúng tôi đã ra đi trên khắp miền rừng núi Bắc Việt. Sau đó tôi lưu vong sang miền Nam Trung Hoa cho tới 1950 mới quay về Hà Nội.

Chúng tôi, những người còn sống sót lại sau những ngày dài chiến đấu, mỗi khi ngồi lại cùng nhau, hát lại bản Đoàn ca, cảm thấy thấm thía sâu xa, lời ca diễn tả đầy ý nghĩa cao đẹp, xúc động lòng người.

“Đoàn ta tiến trông chân trời xa”

Rồi kế tiếp đến năm 1954 chia đôi đất nước (miền Bắc thuộc CS). Rời đất Bắc vào miền Nam (lằn ranh chia đôi là con sông Bến Hải), kế tiếp là ngày 30/4/1975, CS cưỡng chiếm nốt miền Nam. Sau ngày đó, người không cộng sản tiếp tục ra đi tị nạn bằng đường bộ và đường biển để tìm tự do tại các nước như Anh, Mỹ, Pháp, Úc v..v..trên khắp thế giới vì công cuộc chống CS của người Việt Quốc gia đã thất bại. Cộng đồng Việt Nam tị nạn CS bắt đầu tại Hải ngoại kể từ ngày 30/4/1975, sau đó là nhiều đợt kế tiếp bằng vượt biên, vượt biển làm chấn động lương tâm nhân loại….rồi chương trình ra đi trong vòng trật tự được thỏa hiệp giữa CSVN và Chính phủ Hoa Kỳ.

Tại Cống Vị, chúng tôi khởi sự huấn luyện dưới sự bảo vệ an ninh của Quốc Dân Quân (Quân đội VNQDĐ). Trong suốt thời gian huấn luyện đã không có chuyện gì xẩy ra, nhưng thỉnh thoảng có đêm VMCS bắc loa tuyên truyền kêu gọi chúng tôi trở về hợp tác với họ, hoặc bỏ trại về nhà. Không có ai trong chúng tôi đáp ứng lời kêu gọi của chúng cả.

Ban huấn luyện gồm có các anh: Thụy, Nguyễn khắc Đạm, Lê Tảo, Đỗ Huệ, nguyên là các sĩ quan trong quân đội Pháp. Riêng anh Nguyễn Khắc Đạm là con trai của cụ Nguyễn khắc Nhu, một lãnh tụ VNQDĐ trong thời Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Chương trình huấn luyện cũng không có gì đặc sắc lắm vì thiếu phương tiện và phương pháp huấn luyện còn mới mẻ nên rất thiếu sót. Chúng tôi được chỉ cách xử dụng vũ khí các loại mà VNQDĐ đã có, như súng trường Mousqueton nòng ngắn, nòng dài của Pháp, súng trường Nga, Nhật, Bỉ, súng trung liên Lewis của Anh, súng đại liên Maxim giải nhiệt bằng nước của Đức. Còn về tác xạ, thực hành không thực hiện được vì không có trường bắn, hơn nữa lúc đó đạn dược rất khan hiếm. Số vũ khí do sĩ quan và hạ sĩ quan Nhật sau khi đầu hàng Đồng Minh đã không chịu về nước, để lại đem giúp cho QDĐ, một số do các lực lượng cách mạng ở Hải ngoại đem về cũng như của binh sĩ VN trong quân đội Pháp theo VNQDĐ lấy ra.

Ngoài môn học vũ khí, còn có cơ bản thao diễn, kỹ thuật xử dụng lựu đạn, cơ bản tác chiến và xử dụng tổng quát về bản đồ, địa bàn. Thỉnh thoảng vào buổi tối, có anh Phan Kích Nam, anh Nguyễn Thái Phan từ Hà Nội tới sinh hoạt về tình hình đất nước và tâm tình về nhiều chuyện tương lai của Đoàn. Về phần chúng tôi, cùng một lứa tuổi, cùng một lý tưởng phụng sự Tổ Quốc, không màng danh lợi cá nhân, chấp nhận hy sinh cho chính nghĩa Quốc Gia, Dân Tộc. Nên chỉ ít ngày sau, chúng tôi đã thân nhau như anh em một nhà. Anh Lê Đình Việt (Việt Mếu) tức Lê văn Nhân là người lớn tuổi hơn cả, được Đoàn đề cử giữ chức vụ Cơ trưởng (như Đại đội Trưởng), anh Nguyễn xuân Đăng làm Phó, cùng một số Đội trưởng (Trung Đội Trưởng, Tiểu Đội Trưởng). Ngoài ra, Đoàn còn có một tổ chức đặc biệt có nhiệm vụ gần như giám sát, an ninh lấy tên là Nghĩa Bộ Đội do anh Đỗ Hòa làm Tổ trưởng.

Trong số các Anh chỉ huy Đoàn, có anh Phan Kích Nam (cán bộ cao cấp VNQDĐ),  người gốc miền Trung, tướng tá to con, có tác phong nhà binh. Hình như Anh có học qua lớp quân sự của quân đội Nhật thì phải, nên cách đi đứng, ăn nói mạnh dạn to lớn. Qua những buổi sinh hoạt, anh Nam đã dành được cảm tình trọn vẹn của chúng tôi. Tôi vẫn còn nhớ bài hát Anh hướng dẫn chúng tôi tập ca, đến nay như vẫn còn âm hưởng trong tâm tư. Anh ca lớn, mạnh, hùng hồn như một sĩ quan Nhật. Lời ca hào hùng, thúc đẩy tinh thần yêu nước như sau:

                  Bước…Bước…Dấn bước….đường….trường

                  Đường trường…..Núi sông…Anh hùng…hào hùng…

                  Tuốt gươm thề…..giữ vững….non….sông….

                  Đổ huyết hề….điểm tô….non…sông….

                  Thân làm trai….ai ơi…dặn lòng…ư…ư…..

                  Việc khó, ta làm….đừng sờn…đừng ngập..đừng thụt..đừng run…

                  Việc khó, ta làm….đừng sờn…đừng ngập…đừng thụt..đừng run…

                  Kìa trông…..bốn phương….ai….hùng…cường…

                  Mau tiến mau…..lên cho….kịp….người….

[Bấm vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt