Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá VNCH-Hoàng Tích Thông (5)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” – Tp I (1945-1950)/Chương 1Vit Nam t ngày 19-08-1945 đến tháng 11, năm1946:  NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945   (5) 

CHƯƠNG  MỘT: (19/8/1945 đến 11/1946) 

B. NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA CÁCH MẠNG (CS) THÁNG 8/1945 (5)

Lính Nhật ở Sài Gòn (1945)

Dưới thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam (VN), một Chính phủ VN độc lập đầu tiên được thành lập tại Huế,  dù rằng chưa có đủ thực quyền của một nước có Độc lập hoàn toàn, nhưng là một bước tiến mở đầu cho một VN tương lai tốt đẹp hơn. Cầm đầu Chính phủ là học giả Trần Trọng Kim, trước đó đã lưu vong ở Tân Gia Ba (Singapore).  Ông là một nhà trí thức có danh tiếng, có tác phong và đạo đức,  nhưng không phải là một nhà cách mạng hay chính trị lỗi lạc.  Ông có tư tưởng thân Nhật, có lẽ vì thế mà ông được vua Bảo Đại chọn lựa với sự thuận tình của nhà cầm quyền Nhật.  

Chính phủ Trần Trọng Kim có thể nói là một Chính phủ bao gồm phần lớn những nhà khoa bảng được cả nước biết đến, như các ông: Huỳnh thúc Kháng,  Trần đình Nam,  Lưu văn Lang,  Hoàng xuân Hãn,  Phan Anh, Nguyễn hữu Trí,  Vũ ngọc Ánh (ông này giữ Bộ Y Tế đã chết vì trúng đạn của máy bay Mỹ,  khi ngồi trong xe ô tô đi công tác tại vùng Hưng Yên, Thái Bình). Ngoài thành phần Chính phủ, còn có ba vị Khâm sai đại thần tại ba miền, đó là ông Phan kế Toại ở Bắc Việt, ông Trần văn Lý ở Trung Việt và ông Nguyễn văn Sâm ở Nam Việt.  Quốc kỳ VN là hình Quẻ Ly, gạch màu đỏ trên nền vàng.  Quốc ca là bản nhạc “Đăng Đàn” [https://youtu.be/s75gIpnLPrU]

Cờ Quẻ Ly của chính phủ Việt Nam độc lập đầu tiên dưới thời thủ tướng Trần Trọng Kim

Sau khi chính phủ VN được thành lập, các đảng chính trị,  các tổ chức cách mạng VN chưa dám công khai hoạt động vì chưa hiểu rõ thái độ của Nhật ra sao.  Ở Bắc Việt đã có một số công khai ra mắt dân chúng dưới danh xưng Mặt trận Quốc Gia Liên Minh gồm có Đại Việt Quốc Xã,  Thanh niên Ái quốc Đoàn,  một nhóm nhỏ VNQDĐ do hai ông Nguyễn thế Nghiệp và Nguyễn ngọc Sơn cầm đầu (đã bị VNQDĐ chính thống lên án rồi rút lui ngay).  Lá cờ của Mặt trận là nền vàng, sao đỏ. Trong khi đó đảng Cộng sản Việt Nam vẫn bí mật hoạt động tại các thành phố, đặc biệt ở vùng nông thôn có vẻ lộ liễu hơn là trong thời kỳ còn chính quyền Pháp đô hộ.

Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện dưới nhiều hình thức truyền đơn, bằng giấy hoặc bằng vải.  Làng tôi ở, cũng thấy xuất hiện nhưng rất hạn chế, vì tuyên truyền của CS không mấy hiệu quả.  Hoạt động nổi của Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) tại các làng mạc, chưa sâu rộng.  Chỉ tới khi VMCS cướp chính quyền thì người ta thấy VNQDĐ công khai hoạt động dưới Đảng kỳ nền đỏ, ở giữa có vòng tròn xanh và ngôi sao trắng năm cánh, chứ không phải lá cờ nửa đỏ nửa vàng (đây là Kỳ hiệu khởi nghĩa tượng trưng cho máu đỏ da vàng) dưới thời Đảng trưởng Nguyễn thái Học xử dụng làm Kỳ Hiệu Tổng Khởi Nghĩa (không phải Đảng Kỳ). 

Sau ngày Quân đội Nhật đảo chính Pháp, các trường học gần như tạm thời đóng cửa,  nếu có tính chuyện học hành cũng chả ra sao cả.  Thầy trò đều bị ảnh hưởng tình hình chính trị và quân sự mới biến đổi,  không còn tâm trạng nào để học nữa.  Chính phủ Trần trọng Kim vừa thành lập xong đã phải bắt tay ngay vào công việc khẩn cấp cứu đói đang xẩy ra trầm trọng tại Bắc Việt,  không còn thời gian để lo các vấn đề khác. 

Những người Việt Nam chết đói chất xác thành đống vào năm Ất Dậu 1945.

Nạn  đói năm Ất Dậu 1945 quả là khủng khiếp, có một không hai trong lịch sử VN. Nạn đói đã làm cho hơn một triệu người bị chết vì không có ăn. Nguyên do sự chết chóc này là Nhật, Pháp thu mua hết lúa gạo để cung cấp cho Quân đội Nhật. Thóc gạo từ miền Nam chuyển ra miền Bắc bằng tàu thủy và tàu lửa bị trở ngại do máy bay Mỹ đánh phá và thiếu phương tiện chuyển vận.

Chính quyền Nhật ở  Đông Dương làm ngơ trước sự kiện này và để mặc cho tân Chính phủ VN tự lo liệu. Hàng ngày, từng đoàn người bỏ làng ra đi đến thành phố để kiếm ăn, nhưng phần lớn đã chết ở dọc đường trước khi đến nơi. Nhũng kẻ tới được thành phố cũng chỉ một vài ngày, rồi cũng lăn ra chết vì đói. Đoàn công tác vệ sinh thành phố, hàng ngày phải dùng xe bò hốt xác mang đi chôn không kịp. Trên khắp nẻo đường từ Thái Binh, Hưng Yên, Thanh Hóa… từng đoàn

người đói khát di chuyển chập chờn như những bóng ma đi trên đất. Trong hoàn cảnh đó, Phong trào Khất thực tại thành phố ra đời, hầu mong cứu giúp được một phần nào gọi là “lá lành đùm lá rách – Người trong một nước phải thương nhau cùng”.  Tôi và một vài người bạn hưởng ứng phong trào, ngày ngày mang bao đi tới từng nhà khá giả để xin ủng hộ một vài bát cơm mang về tập trung đem phân phát cho các gia đình bị thiếu ăn. Tình huống đó cứ tiếp diễn cho đến ngày Quân đội Nhật đầu hàng mới tạm chấm dứt. Chính phủ Trần trọng Kim lo về việc cứu đói cũng chưa xong, còn nói gì đến các công tác kiến quốc khác… Thực ra, thành phần nội các tuy bao gồm những nhà trí thức khoa bảng, nhưng lại bất lực trước những vấn đề gai góc bất ổn của đất nước lúc bấy giờ.  Chính quyền trên danh nghĩa là do người VN làm chủ, nhưng trên thực tế đều do viên Tư lệnh Nhật ở Đông Dương nắm vai trò chủ đạo, không khác gì viên  Toàn quyền Pháp trước đó ít lâu.

Cái cảnh đổi chủ ngoài ý muốn của nhân dân VN, không tạo được một ảnh hưởng phấn khởi nào cả, trái lại còn gây nên một sự lo âu về tương lai một cuộc hành quân của lực lượng Đồng Minh trên đất nước. Các cuộc oanh tạc ngày càng gia tăng dữ dội.  Kết quả là dân VN ngoài cái chết vì đói, lại còn gánh họa vì tai họa chiến tranh. Trong bối cảnh đó, các Đảng cách mạng và chính trị vẫn chỉ hoạt động âm thầm nhiều hơn là công khai vì e ngại sự phản ứng của quân đội Nhật. Riêng chỉ có Mặt Trận Quốc Gia Liên Minh là ồn ào đôi chút, vì đường hướng của Mặt trận này xem ra có vẻ thân Nhật… Do đó kết quả ảnh hưởng tới quần chúng chẳng được là bao và còn bị các Đảng quốc gia khác lên án nữa.  

Quân đội Đồng Minh đang thâu vũ khí quân đội Nhật đầu hàng (8/1945)

Đột nhiên vào đầu tháng 8/1945, đài phát thanh và báo chí loan tin Nhật Hoàng ra lệnh cho Quân đội Nhật trên chiến trường Á Châu buông súng đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, sau khi hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trên nước Nhật. Kết quả là mấy trăm ngàn dân Nhật đã chết và bị thương.  Trước thảm họa đó, vua Nhật không còn con đường nào khác là phải đầu hàng nếu không muốn nước Nhật thành bình địa.  Thực ra, Quân đội Nhật tuy có bị thất trận, phải rút lui dần, nhưng với tinh thần và kỷ luật thép của họ thì chiến tranh có thể còn kéo dài nhiều năm nữa. Sự hy sinh anh dũng của các phi công Thần phong (Kamikaze) của Nhật ra đi không hẹn ngày về đã chứng tỏ tinh thần Võ Sĩ Đạo của quân đội Nhật.  Sở dĩ Mỹ phải đành tâm thả hai trái bom nguyên tử mà họ biết chắc chắn là sẽ có sức tàn phá rất ghê gớm, nhưng nếu không làm thế thì không thể nào khuất phục được quân đội Nhật, một đội quân thiện chiến, gan dạ, chỉ có tiến mà không có lùi, đã làm cho Quân đội Anh Mỹ,  một lực lượng quân sự đứng hàng đầu trên thế giới phải nhận lấy những thiệt hại đáng kể về người,  phương tiện và của cải trong những năm đầu của Thế chiến thứ II.

Khi đó, tại chiến trường Âu Châu đã im bặt tiếng súng trước đó ít tháng. Quân đội Đức quốc xã của Hitler bách chiến bách thắng,  sau 5 năm chiến đấu trên khắp chiến trường Âu Châu và Bắc Phi đã phải buông súng đầu hàng. Vì vậy Đồng Minh cần phải chấm dứt ngay chiến tranh vì cả hai bên đều đã quá mệt mỏi. Hơn nữa, tình hình lúc đó ở Đông Âu, Liên Xô  trên đà chiến thắng đã chiếm đóng các nước trước kia bị Đức Quốc Xã xâm lăng và tìm cách thiết lập chế độ Cộng sản tại đó.

Liên Xô  hình như đã vi phạm thỏa ước về quân sự và chính trị mà họ đã cùng Đồng Minh thỏa hiệp tại Hội nghị Yalta thuộc vùng Crimea, Ukraine nằm bên bờ biển Hắc Hải của Liên Xô, diễn ra trước ngày Đức bại trận. Tại chiến trường Đông Bắc Á Châu giữa Ngoại Mông thuộc ảnh hưởng Liên Xô và Nội Mông thuộc Trung Quốc. Liên Xô  cũng nhân đà chiến thắng tại Âu Châu, đã tự hủy bỏ Hiệp ước An ninh giữa họ và Nhật, tung quân tràn vào Nội Mông và Mãn Châu để ăn có vì biết Nhật sắp sửa đầu hàng. Sau này, tin tức lộ ra cho biết là Nhật đã gửi công hàm cho Mỹ qua Liên Xô để cầu hòa, nhưng họ đã dìm đi và tuyên chiến với Nhật để hầu trả mối hận năm xưa, đó là sự thất trận của hạm đội Nga năm 1905 đã bị Nhật đánh tan tành tại eo biển Đối Mã, Nhật Bản.  Dĩ nhiên là vào lúc đó Liên Xô đã biết rõ tình hình Quân đội Nhật đã suy yếu lắm rồi.  Nên chỉ ít ngày Quân đội Nhật tại Mãn Châu (Trung Hoa) đã phải đầu hàng Đồng Minh.  Sau đó Liên Xô chiếm đóng bốn hòn đảo của Nhật ở phía bắc nước Nhật.  Bốn hòn đảo này cho đến nay vẫn còn đang trong vòng tranh chấp mà Liên Xô  chưa chịu hoàn trả. 

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt