Nghĩ gì về Phật Giáo và Dân Tộc nhân 1000 năm Thăng Long

Nhân 1000 năm từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Hoà Thượng Thích Viên Định viết về Phật Giáo và Dân Tộc nhân 1000 năm Thăng Long

Nghĩ về Phật giáo và Dân tộc
nhân Một Nghìn Năm Thăng Long

Đạo Phật du nhập vào Việt nam đã trên 2000 năm lịch sử, luôn cùng chung gánh chịu mọi thăng trầm, vinh nhục với dân tộc. Đó là tinh thần Bồ Tát Đạo đã được Thiền sư Khương Tăng Hội trình bày trong Lục Độ Tập Kinh ở Thế kỷ thứ II, TL : “Bồ Tát thấy dân kêu ca, liền xông vào nơi lửa dữ để cứu nạn dân thoát khỏi chốn đau khổ lầm than”. Đó cũng là tinh thần của Bồ Tát Địa Tạng : “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận, phương chứng bồ đề” – Địa ngục chưa trống, thề không thành Phật, độ hết chúng sanh, mới chứng bồ đề.

Các Thiền sư Việt Nam không ẩn mình trong các chốn tòng lâm, tu viện vắng lặng, xa lánh cuộc đời, tự tu, tự độ, mà các ngài thường lấy việc độ sanh làm sự nghiệp, lấy thế gian làm phương tiện tu hành : “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế mích bồ đề, du như cầu thố giác” – Phật pháp hiện hữu giữa cõi đời, không thể lánh đời mà tìm thấy giác ngộ, bỏ đời để cầu đạo bồ đề chẳng khác chi đi tìm lông rùa, sừng thỏ – không bao giờ đạt được.

Bài tham luận tại Đại Hội GHPGVNTN kỳ VII năm 1977 ở Saigon, có đoạn nói rằng :“Các nhà truyền giáo Việt Nam đã khéo léo đưa Phật giáo vào lòng dân tộc mỗi lúc mỗi sâu đậm, đến nay chúng ta không tìm đâu ra trong Phật giáo một dấu vết gì gọi là ngoại lai hay phi dân tộc. Đó là thành công lớn lao trong sự nghiệp truyền giáo của Tổ tiên chúng ta. Mặt khác, các nhà truyền giáo lúc bấy giờ cũng đã thành công nhiều trong sự nghiệp xây dựng đất nước, trong tư thế tự chủ hùng cường đối với phương Bắc sau bao thế kỷ bị đô hộ. Các nhân vật Phật giáo có công với đất nước như : Thái sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu thời Đinh (968-980) và thời tiền Lê (980-1009) ; Quốc sư Vạn Hạnh thời Lý Công Uẩn, Quốc sư Khô Đầu thời Lý Nhân Tôn, Quốc sư Minh Không thời Lý Thần Tôn, Quốc sư Viên Thông thời Lý Anh Tôn (1010-1225) ; Quốc sư Phù Vân Trần Thái Tôn v.v…và đã giúp các vua nhà Trần như : Thái Tôn, Nhân Tôn xuất gia đầu Phật sau khi bình định được các giặc giã bên ngoài mỡ rộng bờ cõi, xây dựng nước nhà vững mạnh (1225-1400)”.

Vì vậy mà Phật giáo đã đi sâu vào lòng dân tộc như nước với sữa hoà hợp, nhuần nhuyễn, không còn phân biệt được đâu là văn hoá Phật giáo, đâu là văn hoá dân tộc.

Sau thời đại Hùng Vương, đất nước ta rơi vào thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc. Hai Bà Trưng (40-43 TL) là hai vị Nữ Tướng, với sự giúp sức của Sư Bà Thiều Hoa, khởi đầu cho thời kỳ phục quốc. Đến anh em Bà Triệu Thị Trinh với Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa (248 Tl) cũng lấy màu Vàng của nhà phật làm màu cờ chính nghĩa chiêu mộ lòng Dân; cho đến Lý Phật Tử (544-602), ngay tên gọi nầy cũng đã cho thấy tinh thần Phật giáo có mặt trong đời Tiền Lý. Trải đến các đời : Mai Thúc Loan – Phùng Hưng – Kiều Công Tiển – Khúc Thừa Dụ – Dương Diên Nghệ – Ngô Quyền, bấy giờ không thiếu bóng dáng các vị thiền sư “Hộ Quốc an Dân” như : Pháp Hiền, Thanh Biện, La Quí An ; Cảm Thành, Thiện Hội, Vân Phong… Nhưng mãi đến thời Nhà Đinh (968-979), với sự “khuông phò nước Việt” của Khuông Việt Đại sư – một tôn hiệu cao quý mà vua Đinh Tiên Hoàng xưng tụng Thiền sư Ngô Chân Lưu, vị Tăng Thống đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt mới giành lại được giang san, bờ cõi, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ. Tiếp đến thời Nhà tiền Lê, với Thiền sư Pháp Thuận, từng làm người lái đò tiếp sứ giả Tàu. Vua Lê Đại Hành hỏi vận nước và vận mạng của triều đình dài ngắn thế nào, Sư đáp bằng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng :

“Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

 

Nghĩa là :

 

Vận nước như mây cuốn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh.”

(trích “Nhân Hai bài thơ…” của Võ Văn Ái, Quê Mẹ ấn hành)

 

Và đến thời Nhà Lý, với những chiến công hào hùng “phá Tống bình Chiêm” của Lý Thường Kiệt, đất nước ta mới thật sự huy hoàng, hiển hách trong kỷ nguyên Độc Lập – Tự Chủ của dân tộc. Trong thành công đó, có bóng dáng của Thiền sư Vạn Hạnh với câu thơ tán thán“Chống gậy trúc nhà chùa, giữ chủ quyền quốc gia độc lập” trong bài thơ truy tán của vua Lý Nhân Tông (1072-1127) :

Vạn Hạnh dung tam tế, Chân phù cổ sấm cơ, Hương quan danh Cổ Pháp, Trụ tích trấn vương kỳ. Nghĩa là : “Vạn Hạnh thông ba cõi, Thật hợp lời sấm xưa, Quê hương tên Cổ Pháp, Chống gậy trấn kinh vua”.

Đến thời vua Trần Nhân Tông, vị Tổ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, sau khi bình xong giặc Nguyên – Mông (1258-1288) vua tìm lên núi Yên Tử ra mắt Quốc sư Phù Vân để học đạo, khi non sông đã vững vàng trước họa xâm lăng ;

“Đất nước hai phen mòn ngựa đá, Non sông muôn thuở vững âu vàng”.

(Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ diễn kim âu)

Phật giáo Việt Nam luôn hoà nhập, thăng trầm theo vận mạng của dân tộc. Thiền sư Việt nam luôn ghi nhớ việc lấy Giới Luật làm thọ mạng lâu dài của đạo pháp, nhưng các Ngài cũng không quên việc Độ sanh là sự nghiệp của chư Tăng. Với tinh thần Bồ Tát Đạo, “vô ngã vị tha”, các Thiền sư không chỉ cầu giải thoát cho riêng mình mà thờ ơ với xã hội. Các Ngài luôn tâm nguyện giải thoát mọi sự đau khổ cho đời. Các vị Thiền sư, khi thì làm ông chèo đò, khi thì đi sứ, lúc xông pha chiến trận, muôn hình vạn trạng, nhưng khi xong việc, các ngài đều quay về nơi chốn tòng lâm, không nhận chức tước của thế gian, giữ vững truyền thống : “Sa môn bất bái vương giả”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, một vị Phật sống đương thời, đã phải lưu vong khỏi quê hương, khi Tây Tạng bị xâm lăng, nhưng Ngài vẫn luôn lo lắng, bôn ba khắp nơi, vận động cho quê hương được an bình, thoát khỏi nạn ách.

Ngày nay, đất nước ta lại rơi vào thời kỳ suy vong, dân tộc không có tự do, dân chủ, nhân quyền. Bên ngoài, nạn ngoại xâm đang lấn chiếm dần từng thước đất biên giới, từng hải đảo của tổ tiên ta bao đời đã dày công, tốn bao xương máu mở mang bờ cõi và giữ gìn từng tấc đất.

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Là người dân Việt nam, là Phật tử Việt nam, với truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ ngàn xưa của tổ tiên, chúng ta không thể im lặng, làm ngơ, bỏ mặc cho đất nước bị xâm lăng, dân tộc bị dày xéo, đau thương, trở lại cảnh đoạ đày nghìn năm Bắc thuộc.

Nhị vị Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, từ năm 1975 đến nay cũng đã và đang vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân và toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc Việt nam. Các Ngài nhận định rằng : “Chánh pháp không thể nở hoa nơi giang sơn nô lệ, Chúng sanh không thể an lạc nơi áp bức đói nghèo” (Trích Thông Điệp Phật Đản 2552 của Đức tăng thống Thích Huyền Quang).

Cuộc chiến nào không đau thương, thành công nào không mất mát. Công cuộc vận động của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng không nằm ngoại lệ. Các thế lực vô minh vừa đánh phá trực diện từ bên ngoài vừa ly gián nội bộ, mua chuộc các thành viên Giáo Hội, để đánh phá từ bên trong. Nhưng với tinh thần Bồ Tát đạo của Vạn Hạnh Thiền Sư, dưới sự lãnh đạo của Đức Cố Đệ Tứ Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và đương kim Xử Lý Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Đại Lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, chư Tăng, Ni và Phật tử GHPGVNTN đã không màng đến lẽ thịnh suy của cuộc đời, chỉ một lòng phụng sự, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đúng với ý nghĩa : “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”.

Thích Viên Định

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt