Nếu bạn vẫn còn sống thì đừng phán xét người khác !

Cách đây một tháng, tôi cãi nhau một trận rất to với T, người bạn của tôi. Tôi đã thề sẽ không bao giờ nhìn mặt T nữa. Người bạn đó có vay tôi một số tiền từ năm ngoái. Thành thực mà nói, nếu không gặp đôi chút rắc rối thì tôi cũng đã không hỏi T để lấy lại tiền. Nhưng tôi đang khó khăn và cần tiền.
Khi tôi hỏi, T lại ậm ừ là chưa có tiền và không thể trả cho tôi lúc này được. Câu chuyện diễn biến tiếp theo thế nào hẳn bạn có thể đoán được. Và kể từ sự việc đó, tôi cho rằng T là một kẻ xảo trá, lợi dụng bạn bè và một người “không đáng để chơi”

Phán xét của tôi về T sẽ không bao giờ thay đổi nếu như không có một ngày…

Đầu tuần trước, tôi nói chuyện với một số người bạn khác, và trong câu chuyện có người nhắc đến T. Người bạn này kể lại rằng bố mẹ T làm ăn kinh doanh thất bại, vừa phá sản và đang nợ một khoản tiền lớn. T phải gồng mình gánh khoản nợ đó và đang rất suy sụp. Rồi mấy đứa bạn của tôi rủ nhau gom tiền cho T mượn trong lúc khó khăn.

“Giúp được chừng nào thì quý chừng đó” – Một người bạn của tôi nói.

Tôi lặng người đi và cảm thấy xấu hổ. Tôi đã không biết điều này. Và trong cuộc nói chuyện với T, tôi đã tuôn ra biết bao nhiêu lời lẽ khó nghe.

Những lời phán xét thiếu khách quan

“Những người vội vã phán xét dựa trên bề ngoài hiếm khi thấy được bản chất sự việc” – Robert Southey

Trong trường hợp trên, tôi đã vội vàng phán xét và kết tội người bạn của mình. Đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy hối tiếc về điều đó. Và tôi không phải là người duy nhất, chúng ta ai cũng có lần làm như vậy trong đời mình, thậm chí đôi khi chúng ta đưa ra những phán xét rất kỳ cục, khôi hài và đầy cảm tính, đôi khi độc ác.

Chúng ta thấy một quan chức đi xe biển số xanh vào một nhà hàng và chúng ta kết luận rằng ông ta dùng tiền công đi tiêu xài hoang phí. Chúng ta thấy một người đến lớp muộn và vội vàng kết luận rằng cô ta thật vô kỷ luật. Chúng ta thấy một trò chơi do người Việt Nam viết đang nổi như cồn, sau đó có một vài bài báo không rõ nguồn gốc, một vài dòng giật tin là chúng ta thi nhau “ném đá” bằng những lời kết tội, phán xét thiếu căn cứ và đầy cay nghiệt. Còn rất nhiều ví dụ khác nữa…

Tôi xin phép được dùng từ “chúng ta” trong bài viết này vì có lẽ ai cũng đã từng một lần phán xét ai đó trong một hoàn cảnh nào đó. Còn nếu bạn là người chưa từng phán xét tiêu cực về người khác thì thành thật xin lỗi bạn, tôi đã phán xét sai về bạn!

Thật ra, khi phán xét người khác, chính ta mới là người thiệt thòi nhất

“Anh càng phán xét nhiều thì anh càng yêu ít.” – Balzac

– “Nó mà giỏi gì, chẳng qua là gặp may, chẳng qua thân với sếp, chẳng qua có nhiều tiền nên mới có được vị trí đó thôi.”

– “Việc đó cũng dễ thôi mà, tôi mà làm còn tốt gấp trăm ngàn lần ấy chứ.”

– “Con bé đó tệ thật, có việc cỏn con cũng làm không xong.”

– “Ông ta vừa mua được chiếc xe đẹp vậy chắc lại có phi vụ gì mờ ám rồi.”

Khi phán xét ai đó, chúng ta đã tự gieo vào đầu mình những ý nghĩ tiêu cực, thù hằn, ganh tị và bực bội. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và thành kiến của chính chúng ta. Làm sao có thể vui vẻ, hạnh phúc, bình an được khi trong đầu toàn những ý nghĩ tiêu cực như vậy?

Những cảm xúc này lại dẫn đến hành động. Chúng ta đối xử với người khác như cách chúng ta nghĩ về họ. Và nếu ta đối xử với họ như vậy, luôn săm soi để tìm ra lỗi của họ rồi phán xét thì tất nhiên họ sẽ phải đề phòng. Ta sẽ chẳng có mối quan hệ tốt đẹp và chân thành nào nếu cứ tiếp tục như vậy.

Ngoài ra, khi phán xét người khác, chúng ta đã tự khép cánh cửa để học hỏi lại, tự nhốt mình trong căn phòng bảo thủ u tối và chật hẹp. Căn phòng đã nhỏ, tối và thiếu không gian, ánh sáng đó lại tràn ngập những phán xét. Điều này cũng đồng nghĩa rằng ta đã đi ngược lại con đường làm cho bản thân mình tốt đẹp hơn.

Đừng dùng một hành động để phán xét một con người

“Bất cứ ai cho mình quyền phán xét thế nào là sự thật và tri thức đều trở thành hề đối với Chúa trời. ” Albert Einstein

Hãy để tôi cho bạn một ví dụ.

Bạn có biết đến một số kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS (International English Language Testing System), TOEFL (Test of English as a Foreign Language) hay TOEIC (Test of English for International Communication) ? Nếu có, bạn hẳn biết rằng sau khi bạn tham gia và đạt được kết quả nào đó, kết quả đó chỉ có giá trị trong vòng hai năm. Vậy điều này có nghĩa là gì?

Kết quả này chỉ đánh giá khả năng tiếng Anh của bạn tại thời điểm hiện tại chứ không phải là cả cuộc đời. Bạn đạt kết quả thấp không có nghĩa là bạn không có khả năng học tốt tiếng Anh và suốt đời này dù bạn có cố gắng thế nào thì bạn cũng chỉ mãi là người dốt tiếng Anh mà thôi.

Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không ai có thể nói trước bất kỳ điều gì. Hôm nay chúng ta giàu, ngày mai chưa thể biết được thế nào. Hôm nay chúng ta có địa vị, danh tiếng, được mọi người tôn sùng nhưng ngày mai mọi chuyện đều có thể xảy ra, chúng ta có thể mất hết. Ngược lại, có những người phạm tội, nhưng sau đó nhận ra sai lầm và hoàn lương, luôn cố gắng sống tốt nhất có thể thì chẳng lẽ chúng ta cứ phán xét người đó như một phạm nhân? Những người nghèo khó chẳng lẽ không thể giàu lên?

Chúng ta vẫn còn sống có nghĩa là chưa có ai đi hết cuộc đời này để có thể nói trước bất cứ điều gì. Mọi việc và kể cả bản thân chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian, theo những biến cố trong đời. Và chúng ta cũng không phải là người trong cuộc để biết hết những điều mà người khác trải qua trong cuộc đời của họ. Vậy nên hãy nhìn mọi việc, mọi người bằng con mắt bao dung và đừng vội phán xét ai cả.

Đến Thượng đế cũng đợi đến lúc một người chết rồi mới phán xét thì cớ sao chúng ta lại làm như vậy?

ĐTM

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt