Hoa Kỳ cân nhắc sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Năm dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ, hai quan chức cao cấp của chính phủ, và 10 chuyên gia đến USCC (Ủy Ban Nghiên cứu Kinh Tế và An Ninh Mỹ-Trung) để điều trần vào lúc Hoa Kỳ hứa sẽ tập trung vào quan hệ ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á. Tác giả: Peter J Brown, Ký giả tự do từ tiểu bang Main, Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cân nhắc sự trỗi dậy của Trung Quốc
ở Đông Nam Á

HKTC

Cuối tháng qua, Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) mở ra một buổi điều trần dài về những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á và tác động đối với lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực chiến lược này. Có năm dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ, hai quan chức cao cấp của chính phủ và 10 chuyên gia đến USCC để điều trần vào lúc Hoa Kỳ hứa sẽ tập trung vào quan hệ ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á.

Ủy viên USCC, ông Larry Wortzel nhấn mạnh về những ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc gia tăng trong khu vực, lưu ý rằng Trung Quốc tài trợ nhiều dự án khai thác tài nguyên thực hiện “với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc”. Ông lưu ý rằng Bắc Kinh cũng cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp để tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở Miến Điện, Lào và Campuchia.

Trong khi có đầy đủ tài liệu về những thoả thuận kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, ông Wortzel lưu ý rằng gần đây Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng an ninh với Đông Nam Á, bao gồm cả việc bán vũ khí và việc tập trận chung. “Các cuộc viếng thăm quân sự cao cấp giữa Trung Quốc và Đông Nam Á gia tăng, cũng như các cuộc viếng thăm từ các tàu hải quân Trung Quốc”, ông Wortzel nói.

Buổi điều trần xảy ra ngay sau khi các thành viên USCC đến Đài Loan và Việt Nam hồi tháng 12 và đã thảo luận việc gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi mở rộng quan hệ an ninh, Ủy ban Nghiên cứu Kinh tế An ninh Mỹ – Trung thường xuyên được nhắc nhở rằng, Hà Nội quan ngại việc Trung Quốc gia tăng sự khẳng định của họ trên Biển Đông, nơi mà nhiều nước trong khu vực có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn lẫn nhau trên các hòn đảo ngoài biển Đông Việt Nam.

“Khi hải quân Trung Quốc cải thiện sức mạnh, có thể gồm cả hạm đội tàu sân bay trong tương lai không xa, cán cân quyền lực trong khu vực nghiêng hẳn về phía Trung Quốc”, ông Wortzel nói. “Đã có một số quốc gia bắt đầu phản ứng, có thể thấy rõ qua việc công bố kế hoạch gần đây của Việt Nam mua sáu tàu ngầm hiện đại và 12 máy bay chiến đấu của Nga. Sư xuất hiện của dầu hỏa và khí đốt trong khu vực chỉ làm trầm trọng thêm“, ông Wortzel nói.

Dân biểu Hoa Kỳ, ông Dana Rohrabacher, thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, đã thẳng thắn hơn trong việc chỉ trích ảnh hưởng của Bắc Kinh gia tăng trong khu vực, đề cập đến Trung Quốc như là “một quốc gia chuyên chế đang tìm cách trở thành một đế chế độc tài và lan rộng sự ảnh hưởng và sự thống trị lên khắp khu vực, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á”.

Tất cả các nước châu Á, “có lẽ mối quan hệ thân thiện nhất mà Trung Quốc có, là mối quan hệ với hệ thống cai trị băng đảng mà bây giờ đang điều hành đất nước Miến Điện (Myanmar). Trung Quốc trang bị vũ khí cho băng đảng Miến Điện tới tận răng và đổi lại băng đảng này bóc lột người dân Miến Điện, lấy đi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của dân”, ông Rohrabacher nói.

Bà Ellen Frost, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết, chính phủ các nước Đông Nam Á đang để mắt cảnh giác về việc gia tăng quân sự của Trung Quốc. Trong khi được trấn an về các hành vi gần đây của Trung Quốc, một số nước vẫn không rõ mục đích cuối cùng của Trung Quốc là gì, bà nói.

“Các nhà lãnh đạo lớn tuổi hơn nhớ lại thời kỳ Trung Quốc tích cực hỗ trợ các thành phần nổi loạn ở đất nước họ. Thay vì tìm cách lập liên minh chống Trung Quốc, những người có kinh nghiệm điều hành chính phủ Đông Nam Á đã chọn cách ‘đặt’ Trung Quốc vào các tổ chức mà vị trí và chương trình nghị sự nằm trong sự kiểm soát của họ”, bà Frost nói.

“Họ tính toán rằng đưa Trung Quốc vào rất nhiều thoả thuận và các ủy ban, sẽ khuyến khích thái độ hòa bình và hợp tác, giúp ổn định khu vực. Nhưng để được an toàn, nhiều chính phủ ASEAN đang tái khẳng định hoặc tăng cường quan hệ quân sự với Hoa Kỳ”. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm các nước như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Bà Frost nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo ASEAN tìm cách gia tăng tối đa tiếng nói tập thể trong khu vực và rộng hơn trên thế giới. “Họ tính toán rằng, để cho Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo ở các tổ chức trong khu vực càng làm cho các cường quốc khác chú ý hơn tới khu vực và tham gia vào các nước ASEAN và thậm chí sẽ có các điều khoản hấp dẫn hơn để thương lượng”, bà Frost nói.

Hai mặt của kinh tế

Theo ông David Shear, Phó trợ lý Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, “Rõ ràng là cả [Trung Quốc] và các nước ASEAN đều thấy đôi bên cùng có lợi trong việc mở rộng thương mại”, và “quan hệ kinh tế của Trung Quốc trong khu vực có khả năng sẽ phát triển hơn nữa khi gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN [CAFTA], có hiệu lực vào ngày đầu trong năm nay”.

Ông Shear cũng đã tranh luận rằng, trong quá trình “Trung Quốc phân chia kinh tế địa phương và những căng thẳng đối với một số nền kinh tế Đông Nam Á” và có sự gia tăng mối quan ngại “rằng cạnh tranh bằng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng không tốt đến ngành công nghiệp trong nước họ”. Ông Shear lưu ý rằng Indonesia đã kêu gọi xem xét lại thoả thuận liên quan tới các mối quan ngại đó.

Trong khi khu vực Đông Nam Á “nhận ra nhiều cơ hội lớn ở Trung Quốc, họ vẫn thấy các mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và những nước khác là cần thiết”, ông Shear cho biết.

Năm 2008, tổng doanh số thương mại của Trung Quốc với các nước trong khu vực đạt $193 tỉ đô la, tăng từ $45,5 tỉ năm 2001. Trong khi đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh vào trong khu vực vẫn thấp so với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhưng viện trợ trực tiếp của Trung Quốc thì lớn hơn nhiều.

Bắc Kinh đã bỏ ra $10 tỉ đô la để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện đường bộ, đường sắt, đường hàng không và các đường viễn thông nối kết giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, theo tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan. Bắc Kinh cũng đã bỏ ra $15 tỉ đô la để cho vay nhằm thúc đẩy sự liên kết và hội nhập trong khu vực, ông nói.

Ngoại giao Trung Quốc, thường được gọi là “quyền lực mềm”, cũng đã nhấn mạnh các mối liên hệ văn hóa. Ví dụ như, nhiều sinh viên Thái Lan – khoảng 10.000 – bây giờ đang học ở Trung Quốc nhiều hơn là ở Mỹ. Ông Shear lưu ý rằng, Trung Quốc đã mở Viện Khổng Tử học đầu tiên tại châu Á vào năm 2004 và rằng hiện nay có 70 viện trên khắp châu Á và 282 viện trên toàn cầu. “Riêng Thái Lan, có tới 12 viện, và gần đây Trung Quốc đã mở một viện đầu tiên tại Campuchia,” ông Shear cho biết.

Để cạnh tranh trong việc thuyết phục mọi người thì cần các làn sóng phát thanh. Trong khi Hoa Kỳ từ lâu đã hỗ trợ cho Đài Á châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ với các chương trình phát thanh trong khu vực, Trung Quốc lập Đài phát thanh Hữu nghị Trung Quốc – Campuchia hồi tháng 12 năm 2008. “Tác động thực sự từ các nỗ lực của Trung Quốc lên sự nhận thức trong khu vực và sự nhạy cảm đối với lợi ích của Trung Quốc vẫn là lĩnh vực mà Hoa Kỳ quan tâm”, ông Shear nói.

“Người ta nói rằng để thành công trong ngoại giao ở Đông Nam Á, tất cả những gì bạn cần làm là phải hiện diện ở đó. Đây là một tiêu chuẩn quá thấp, chính phủ Obama sẽ làm nhiều hơn nữa”, ông Shear nói. Ông thừa nhận rằng các Tổng thống Hoa Kỳ trước đó đã bỏ lỡ các hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, các Ngoại trưởng đã bỏ qua các cuộc họp ở Diễn đàn Khu vực ASEAN và các quan chức cao cấp Hoa Kỳ đã không dành đủ thời gian cho các mối quan hệ song phương trong khu vực.

“Thông điệp của chính phủ Barack Obama để giải quyết vấn đề này thật đơn giản: chúng ta quay trở lại và sẵn sàng tham gia tích cực”, ông Shear cho biết, lưu ý rằng Washington dự tính chỉ định một Đại sứ Mỹ ở Jakarta tại ASEAN và bắt đầu tham vấn về việc làm cách nào Hoa Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một nhóm 16 quốc gia trong khu vực Đông Á họp hàng năm.

Ernest Bower, cố vấn cao cấp và là giám đốc Chương trình Đông Nam Á, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh rằng “Đông Nam Á muốn và cần Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn và nói rõ chiến lược nâng cao lợi ích của mình trong khu vực. Chỉ sau đó, khát vọng lâu dài về cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á mới được thỏa mãn”.

Bower nói rằng Đông Nam Á, không xem Trung Quốc như là một nước “rất lớn, ý thức hệ vụng về, chỉ nghĩ về mình, mối quan ngại về an ninh ở phương bắc”, mà là “một nước láng giềng tham gia và quan tâm đến việc cung cấp những lợi ích đáng kể trong giao thương, viện trợ, du lịch và hứa hẹn gia tăng đầu tư và thịnh vượng “.

“Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các sinh viên Đông Nam Á đến và học tập ở Trung Quốc, cung cấp các suất học bổng ở các cấp, kể cả cho các nghiên cứu sinh lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Chính sách của Trung Quốc hướng tới Đông Nam Á trong 15 năm qua đã chuyển đổi từ tư tưởng đến cơ hội và thực dụng,” ông Bower nói.

Ông nói trong một dịp nào đó rằng, Trung Quốc đã đi quá đà và không có lợi cho họ, kể cả ở Biển Đông hoặc khi họ gây áp lực với chính quyền Campuchia để trả những người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.

Ông Bower nói: “Các nhà lãnh đạo trong khu vực nhận ra những ví dụ này như những nắm đấm bằng sắt bị cong lại dưới bàn tay nhung trong chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc. Mối quan tâm chính trong khu vực Đông Nam Á, cũng như cách nay 15 năm, vẫn là duy trì sự cân bằng giữa các nước mạnh … Có lẽ sự khác biệt quan trọng nhất giữa Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á là Trung Quốc có một chiến lược rõ ràng trong khu vực, còn Hoa Kỳ thì không”, ông nói.

Chính sách ngoại giao chia rẽ

Ông Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại The Heritage Foundation ở Washington, ghi nhận sự khác biệt quan trọng trong cách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực.

“Chỉ đơn giản là bạn không thể hiểu được quá trình ra quyết định của ASEAN theo cách mà chúng ta học ở trường, với các nước đang tìm cách gia tăng tối đa những thuận lợi mà không cân nhắc đến các vấn đề trong nước, đôi khi các nhu cầu về con người từ phía các nhà lãnh đạo. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các vấn đề ngoại giao kinh tế về sự năng động này, họ làm theo cách mà chúng ta không làm”, ông Lohman nói.

“Hoa Kỳ không thể bắt chước cách làm của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Dĩ nhiên, các viên chức Mỹ có trách nhiệm với người dân Mỹ theo cách mà Trung Quốc không làm đối với người dân của họ. Chúng ta không thể lập các hiệp định thương mại theo cách chỉ chọn người thắng và kẻ bại bằng chính sách ngoại giao hoặc công nghiệp bắt buộc.

“Người Trung Quốc cũng gần hơn và gửi nhiều nhà ngoại giao tới ASEAN. Chúng ta có thể làm tốt hơn là chúng ta bảo vệ ASEAN, nhưng chúng ta không thể làm giống hệt như cách người Trung Quốc làm, ngoại giao giống như ngoại giao của họ, diễn đàn như diễn đàn của họ,” Lohman nói thêm, rằng Hoa Kỳ không nên “bật dậy trật tự kinh tế hiện nay”, nhưng thay vào đó, sử dụng chính sách “đòn bẩy”.

“Nếu Trung Quốc muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở ASEAN, tốt thôi. Hoa Kỳ cần có các mối quan hệ trong khu vực để giúp ASEAN quyết định điều gì là quan trọng đối với họ và lên tiếng về những điều mà họ quan tâm. Nếu các công ty đa quốc gia của Trung Quốc muốn đầu tư vào ASEAN, thật tuyệt vời. Làm sao cho họ tuân theo các tiêu chuẩn thân thiện của Hoa Kỳ và đưa họ hội nhập vào các chuỗi cung ứng của Mỹ “, ông Lohman nói.

“Nếu có thể tăng thêm giao thương giữa ASEAN và Trung Quốc, các công ty Mỹ nên đầu tư vào cả hai phía và hội nhập vào các thị trường ở trong nước. Tranh đấu với xu hướng kinh tế hiện nay chỉ hủy hoại tiếng tăm về khả năng lãnh đạo của chúng ta”.

Catharin Dalpino, Trợ lý giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Georgetown, nói tới chiến lược chia nhỏ khu vực của Bắc Kinh và vai trò của Trung Quốc ở khu vực đất liền Đông Nam Á “ngày càng khác xa với mối quan hệ của họ ở trên biển Đông Nam Á” như thế nào.

Bà Dalpino nói: “Chắc chắn là mức độ khác nhau nhưng sự khác biệt đáng kể trong chính sách của Trung Quốc về việc chia đôi khu vực, tuy nhiên, Trung Quốc tập trung hơn trong việc xâm nhập vào khu vực đất liền để tạo ra một sự chia rẽ không chính thức. Sự phát triển trong khu vực đất liền ở Đông Nam Á đã không phát triển riêng lẻ, mà nó đã được tạo ra do sự thiếu đồng bộ trong chính sách của Hoa Kỳ về hai khu vực này trong nhiều năm và sự thờ ơ của Washington đối với khu vực đất liền ở Đông Nam Á.”

Bà cũng lưu ý, chẳng hạn như “liên minh với Thái Lan đã tự động phát triển trong nhiều năm”.

“Ở một mức độ cơ bản hơn, những người Thái Lan trẻ hơn, đã không hiểu lý do về mối quan hệ liên minh và cũng vì sự miễn cưỡng của Hoa Kỳ cung cấp viện trợ song phương cho Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, đã làm cho nhiều người Thái thờ ơ, như các ví dụ về sự bất hòa giữa hai nước”, bà Dalpino nói.

Ông Bronson Percival, cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân tại Virginia, đã tranh luận rằng “Hoa Kỳ là lực lượng cân bằng trong khu vực Đông Nam Á” và luôn nhấn mạnh rằng “chủ đề không phải là Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc ở Đông Nam Á”.

“Hơn nữa, chính phủ Obama bây giờ đã đảo ngược chủ nghĩa chống Mỹ phổ biến dưới thời [George W] Bush và nhận thức việc lan rộng về sự thờ ơ của Hoa Kỳ qua các hành động tượng trưng, bao gồm việc ký kết Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác với ASEAN. Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã xây dựng một mạng lưới dày đặc, các mối quan hệ quân sự với quân sự, đặc biệt ở vùng biển Đông Nam Á”, ông Percival, người kêu gọi Hoa Kỳ “thay đổi sự tập trung vào Đông Nam Á từ các vấn đề nhân đạo như Miến Điện đến các vấn đề an ninh quan trọng như Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.

“Chúng ta không biết liệu Bắc Kinh có đưa ra ‘chủ nghĩa đế quốc gặm nhắm’ ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) hay không, nhưng để ngăn ngừa sự thống trị của Trung Quốc ở vùng biển này, giữ quyền tự do đi lại cho các lực lượng vũ trang của Mỹ và cung cấp năng lượng thì rất quan trọng đối với liên minh Hoa Kỳ tại vùng Đông Bắc Á và thật ra là để duy trì toàn bộ ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực Đông Á,” ông nói.

Peter J Brown người dịch N.T.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt