Nelson Mandela: Tám Bài Học về Thuật Lãnh Đạo

Nelson Mandela (1918-2014)

Nelson Mandela chỉ cảm thấy thoải mái khi ở gần trẻ con, và ta có thể nói rằng sự mất mát lớn nhất mà ông phải chịu trong 27 năm tù là không được nghe tiếng khóc của trẻ con hay được cầm lấy tay chúng. Tháng vừa rồi, khi tôi đến thăm Mandela tại Johannesburg, tôi gặp một Mandela chậm chạp hơn, gầy yếu hơn-hành động tự nhiên đầu tiên của ông là dang tay ôm hai đứa con trai của tôi vào lòng. Chỉ trong giây lát chúng cũng quấn quít lấy ông lão đang thân mật hỏi han chúng ăn gì vào buổi sáng và thích môn thể thao nào nhất. Trong lúc chúng tôi chuyện trò, Mandela ôm lấy con trai tôi, bé Gabriel. Cháu có cái tên đệm khá rắc rối là Rolihlahla. Cái tên này cũng là tên cúng cơm thật sự của Mandela. Ông kể cho Gabriel sự tích cái tên đó, và ý nghĩa của nó trong tiếng Xhosa[1]là “kéo cành cây xuống” nhưng ý nghĩa thực sự của nó là “kẻ gây rối.”LGT. Nelson Rolihlahla Mandela là cựu tổng thống Nam Phi và cũng là vị tổng thống đầu tiên được toàn quốc Nam Phi kể cả người Nam Phi da trắng và da đen bầu ra. Sinh năm 1918, năm nay 93 tuổi, Mandela đã trải qua một thời gian dài đấu tranh bằng phương pháp bạo lực vũ trang để chấm dứt chế độ phân chủng tại Nam Phi. Vì những hoạt động này ông đã bị kết án tù chung thân và phải chịu sự giam cầm trong suốt 27 năm tại những nhà tù hắc ám nhất của Nam Phi. Sau này Mandela thay đổi chiến lược tiến hành đấu tranh bất bạo động và được trả tự do năm 1990. Trong cuộc bầu cử đa đảng và đa chủng đầu tiên năm 1994, đảng ANC của Mandela đã giành thắng lợi, và ông trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử của nước Nam Phi. Mandela nhận được hơn 250 huy chương và giải thưởng cho những hoạt động của ông, kể cả giải Nobel Hòa bình năm 1993. Richard Stengel là nhà văn và ký giả đã cộng tác với Mandela để viết cuốn tiểu sử tự bạch”Bước Đường Tự Do” của Mandela. Bài viết này được đăng trên Tạp chí Time, số ra ngày 9 tháng Bảy, năm 2008, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Mandela (hôm nay đăng để tưởng nhớ Mandela đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 95)

Tuần sau, Nelson Mandela sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 90, [trong từng ấy năm,] ông là kẻ đã gây đủ rắc rối cho cả vài kiếp người. Ông đã giải phóng đất nước ông ra khỏi một hệ thống đầy thành kiến quá khích và góp phần vào đoàn kết sắc dân da trắng và đa đen, những kẻ đàn áp và những người bị đàn áp, bằng một phương thức vô tiền khoáng hậu. Năm 1990, tôi làm việc với Mandela gần hai năm để thực hiện cuốn tiểu sử tự bạch Bước Đường Dài Tự Do. Sau chừng ấy thời gian làm việc với ông và khi cuốn sách đã viết xong, tôi cảm thấy một sự hụt hẫng khủng khiếp, như thể mất đi ánh sáng mặt trời. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau trong những năm qua, nhưng tôi muốn gặp ông lần này, biết đâu lại chẳng là lần cuối, và cho hai đứa con tôi gặp ông thêm một lần nữa.

Tôi cũng muốn bàn với ông về thuật lãnh đạo. Mandela là người mà thế giới có thể xem là một ông thánh ở cõi phàm, nhưng ông vẫn cho là ông tầm thường hơn thế nhiều: chỉ là một chính trị gia mà thôi. Ông đã lật đổ được chế độ Phân chủng và kiến tạo nên một nước Nam Phi dân chủ không phân biệt chủng tộc bằng sự phán đoán chính xác phải thay đổi những vai trò của ông vào lúc nào và như thế nào, [lúc thì] là một chiến sĩ, một nhà tử đạo, một nhà ngoại giao, và một nhà lãnh đạo tầm vóc quốc gia. Là người không thoải mái lắmvới những khái niệm triết học trừu tượng, Mandela vẫn thường bảo tôi là [khi đối phó với] một vấn đề “không phải là một câu hỏi về nguyên tắc, mà là một câu hỏi về chiến thuật.” Ông là một bậc thầy về chiến thuật.

Mandela cũng không cảm thấy thoải mái khi có người thăm viếng hay xin xỏ ân huệ này nọ. Một mặt ông e rằng ông sẽ không thể đáp ứng được sự mong đợi của người dân khi họ đến thăm và xem ông như một vị thánh sống, và mặt khác, ông cũng còn khá tự ái vì nếu không đáp ứng được thì họ nghĩ là ông đã hết thời. Nhưng thực ra, thế giới chưa bao giờ cần đến những tài năng và vai trò của ông-một chiến thuật gia, một nhà vận động chính trị, một chính trị gia-hơn là lúc tại London, ngày 25 tháng Sáu, khi ông đứng lên và lên án sự tàn bạo dã man của nhà độc tài Robert Mugabe của xứ Zimbabwe. Và khi ta đang đi vào giai đoạn
chính của cuộc tranh cử tổng thống mang đầy tính lịch sử tại Mỹ[2], Mandela có nhiều điều có thể dạy cho hai ứng cử viên. Tôi luôn luôn nghĩ rằng những điều mà độc giả sắp đọc dưới đây phải được coi là Những Định Luật của Madiba (tên tộc của ông dùng trong bộ lạc hay những người thân cận thường gọi), những quy luật chính trị mà tôi đã thu nhặt được trong những lần đàm luận với ông và qua những sự quan sát cách ứng xử của ông từ xa cũng như ở gần. Tất cả những quy luật này đều mang tính thực tiễn. Và nhiều điều được rút ra từ chính kinh nghiệm bản thân của Mandela. Tất cả đều được tính toán để tạo ra một sự rắc rối
tốt đẹp nhất: một sự rắc rối buộc ta phải đặt câu hỏi là làm thế nào để thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Bài học thứ nhất: Can đảm không có nghĩa là không biết sợ-Can đảm là truyền dũng khí “vượt qua nỗi sợ” cho kẻ khác

Năm 1994, khi đang vận động tranh cử tổng thống (lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi), Mandela đi một chiếc phi cơ nhỏ bay bằng cánh quạt để thăm tỉnh Natal, nơi đã từng là bãi chiến trường, và nói chuyện với những người gốc Zulu đang ủng hộ ông. Tôi đồng ý gặp ông sau khi ông nói chuyện xong để còn tiếp tục công việc phỏng vấn. Khi máy bay còn cách phi trường khoảng 20 phút, thì một động cơ bị hỏng. Một số người trên phi cơ bắt đầu hoảng hốt. Điều duy nhất giúp họ giữ được bình tĩnh chính là cử chỉ của Mandela; ông thản nhiên và yên lặng đọc báo như thể là đang đi trên chuyến xe lửa đến văn phòng làm việc. Ở bên
dưới, phi trường chuẩn bị cho máy bay đáp khẩn cấp và viên phi công cũng đưa được máy bay đáp an toàn. Khi Mandela và tôi ngồi vào băng ghế sau của chiếc xe BMW được bọc thép chắn đạn để đi đến chỗ họp, ông quay sang nói với tôi: “Chúa ơi, tôi sợ phát khiếp lên được khi máy bay bị hỏng động cơ trên không.”

Trong thời gian hoạt động bí mật, Mandela cũng có nhiều phen sợ hãi, như trong phiên xử tại Rivonia,[3]hay trong thời kỳ bị giam giữ tại nhà tù trên Đảo Robben.[4] Ông nói với tôi: “Dĩ nhiên là tôi sợ chứ!” Chỉ có những kẻ mất trí mới không biết sợ thôi. “Tôi không thể giả vờ là mình là người can đảm và có thể chiến thắng cả thế giới.” Nhưng là một nhà lãnh đạo, ta không thể để cho người dân biết được điều này. “Ta phải tạo ra một bộ mặt can đảm.”

Và đó chính là điều ông đã thực tập: làm bộ can đảm, và những hành động có vẻ “vô úy” ấy đã tạo niềm hứng khởi và dũng khí cho người khác. Đó là một vở kịch câm mà Mandela đã diễn xuất tuyệt hảo trên Đảo Robben, một nơi nổi tiếng là rùng rợn. Những tù nhân bị giam chung trên đảo nói rằng chỉ cần nhìn thấy Mandela bước quanh sân trại, ngực ưỡn thẳng đầy kiêu hãnh, cũng đủ để giúp cho họ thêm sức sống trong nhiều ngày. Mandela biết rằng ông là tấm gương cho người khác và đó cũng giúp cho ông sức mạnh để vượt qua nỗi sợ của riêng mình.

Bài học thứ hai: Lãnh đạo phải đi đầu-nhưng đừng để “hậu cứ” lại đằng sau

Mandela là một người khôn ngoan và kín đáo. Năm 1985 ông phải giải phẫu vì tuyến tiền liệt bị nở lớn. Khi trở lại nhà tù, ông bị giam riêng không cho ở chung với các bạn đồng tù nữa, những người đã ở chung với ông trong 21 năm. Họ phản đối trại giam về lệnh phân cách này. Nhưng, theo lời của Ahmed Kathrada, một người bạn thâm giao, Mandela đã nói với bạn tù là: “Các bạn, cứ từ từ. Biết đâu trong việc này lại chẳng có điều hay.

Điều hay xảy đến chính là việc Mandela tự ý tiến hành đàm phán với chính phủ phân chủng. Điều này là điều cấm kỵ bậc nhất của tổ chức Hội nghị Toàn quốc Phi Châu (African National Congress-ANC). Sau hàng bao thập niên tuyên bố rằng “tù nhân không thể đàm phán” và sau khi cổ võ cho đấu tranh vũ trang để lật đổ chế độ phân chủng, Mandela đã quyết định rằng bây giờ là đúng thởi điểm để bắt đầu “nói chuyện” với những người đang thống trị và đàn áp mình.

Khi Mandela đề xướng đàm phán với chính quyền năm 1985, rất nhiều người nghĩ rằng ông đã thua trong cuộc đấu tranh rồi. Cyril Ramaphosa, lúc đó là một lãnh tụ có thế lực và nồng nhiệt của Công đoàn Phu Mỏ Quốc gia, đã nói: “Chúng tôi nghĩ ông ấy là kẻ phản bội. Tôi đã đến gặp chỉ để nói với ông là ‘Anh đang làm cái gì vậy?’ Đó quả là một đề xuất không thể tin nổi. Và ông đã chấp nhận một sự rủi ro vô cùng lớn lao.”

Mandela phải mở một chiến dịch để thuyết phục ANC rằng con đường ông chọn là con đường đúng đắn. Ông đặt cược bằng tất cả uy tín của mình. Kathrada nhớ lại là ông đi đến từng đồng chí một, những người cùng bị giam trong tù, để giải thích và thuyết phục họ về con đường ông chọn. Từ từ và thận trọng, ông đã thuyết phục được họ cùng đồng hành. Ramaphosa, lúc đó là tổng thư ký của ANC và bây giờ là một đại doanh gia, nói: “Bạn phải mang được hậu cứ đi theo với bạn. Khi đã tới điểm đổ bộ, lúc đó để cho họ tiến bước. Mandela không phải là loại lãnh tụ “kẹo cao-su”-nhai xong rồi bỏ.

Đối với Mandela, từ chối không đàm phán hoàn toàn là vấn đề chiến thuật, chứ không phải nguyên tắc. Trong suốt cuộc đời, hành động của ông thể hiện rõ nét sự khác biệt này. Cái nguyên tắc vững chắc của ông-lật đổ chế độ phân chủng và đạt được thể chế mỗi người, một phiếu-là một nguyên tắc không thể thay đổi được. Nhưng hầu như bất cứ điều gì giúp ông đạt được mục đích đó, ông đều xem là chiến thuật. Phải nói Mandela là một người lý tưởng thực tiễn nhất.

Ramaphosa nói: “Ông ấy là một con người lịch sử. Tầm suy nghĩ của ông vượt xa chúng tôi. Ông luôn nghĩ đến hậu thế trong tư duy của mình: Thế hệ mai sau sẽ nghĩ thế nào về những việc ta đã làm?” Cuộc sống lao tù đã tạo cho ông khả năng có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Bắt buộc phải như vậy thôi, vì đi tù chung thân biết đến ngày nào được thả [mà nghĩ đến chuyện gần]. Ông không nghĩ theo ngày hay tháng, mà cả hàng thập niên về sau. Ông biết là lịch sử đồng hành với ông, và sự thành công là điều tất yếu; chỉ còn lại là vấn đề chừng nào và làm thế nào để đạt được sự thành công này. Ông thường nói, “về lâu về dài tình hình
sẽ khá hơn.” Ông chấp nhận đấu tranh trường kỳ.

Bài học thứ ba: Lãnh đạo từ phía sau-và để cho người khác tưởng họ đang dẫn đầu

Mandela rất thích hồi tưởng lại thời thơ ấu và những buổi chiều chăn trâu nhàn hạ. Ông nói: “Bạn biết không, chăn trâu bạn phải chăn từ phía sau đàn.” Nói xong ông nhướng mắt nhìn xem tôi có hiểu được sự so sánh ấy không.

Khi còn là một đứa trẻ, Mandela chịu ảnh hưởng sâu đậm của Jonginbata, vị vua của bộ tộc Xhosa và  là người đã nuôi dưỡng ông khôn lớn. Khi Jonginbata thiết triều, quần thần tụ tập thành vòng tròn xung quanh, và chỉ sau khi mọi người đã phát biểu, nhà vua mới bắt đầu lên tiếng. Mandela nói, công việc của nhà lãnh đạo không phải là bảo người ta làm gì mà là để tạo được sự đồng thuận. Ông vẫn thường hay nói: “Đừng có tham gia vào cuộc tranh luận quá sớm.”

Trong suốt thời gian tôi làm việc với Mandela, ông thường triệu tập những phiên họp những cộng sự viên thân cận tại nhà riêng ở Houghton, một khu ngoại ô lịch sự của Johannesburg. “Nội các trong bếp” của Mandela gồm khoảng một chục người, gồm có Ramaphosa, Thabo Mbeki (bây giờ là Tổng thống Nam Phi sau cuộc bầu cử 1999) và những người khác, ngồi chung quanh chiếc bàn ăn hay đôi khi ngồi thành vòng tròn ngoài sân đậu xe. Vài người lớn tiếng đòi hỏi phải làm nhanh, quyết liệt hơn, và Mandela chỉ ngồi yên lắng nghe. Sau khi mọi người phát biểu và ông lên tiếng, ông nói chậm rãi và đúc kết ý kiến của từng người một cách có phương pháp và rồi thì mới cho biết ý kiến riêng của mình, một cách khéo léo đưa đến quyết định theo ý ông muốn mà không cần phải áp đặt. Cái khéo của thuật lãnh đạo là phải để cho chính mình cũng được lèo lái. Mandela nói: “Điều khôn ngoan là làm sao thuyết phục người khác làm điều mình muốn và khiến cho họ nghĩ rằng đó chính là ý kiến của họ.”

Bài học thứ tư: Hiểu rõ kẻ thù-Và tìm hiểu xem họ thích môn thể thao nào nhất

Từ những năm trong thập niên 1960, Mandela bắt đầu học tiếng Afrikaans,[5] ngôn ngữ của người Phi châu da trắng (Afrikaner), những người đã tạo ra chế độ phân chủng. Đồng chí của Mandela trong ANC vẫn thường chế diễu ông về điều này;
nhưng ông muốn tìm hiểu quan niệm và triết lý sống của người Phi da trắng là gì. Vì ông biết rằng sẽ có một ngày ông phải hoặc là đấu tranh hoặc là đàm phán với họ, và ở trường hợp nào đi nữa, định mệnh của cả hai dính liền với nhau.

Việc học tiếng Afrikaans đối với Mandela mang tính chất chiến lược ở hai điểm: khi nói được tiếng của đối phương, ông có thể hiểu được ưu điểm và nhược điểm của họ để hoạch định những chiến thuật đúng đắn. Nhưng đồng thời ông cũng thu phục được cảm tình của đối phương. Mọi người, từ những anh lính gác tù cho tới tổng thống P.W. Botha, đều nể phục Mandela về sự tự nguyện học tiếng Afrikaans và lịch sử của người da trắng Afrikaner. Mandela còn học hỏi thêm về môn bóng rugby,[6] môn thể thao được người Afrikaner yêu chuộng, hầu có thể bàn và so sánh các đội banh và cầu thủ với những người khác.

Mandela hiểu rằng người da đen và da trắng Phi châu có chung một điều căn bản: Người da trắng Afrikaner tin rằng họ là người Phi châu cũng giống như người da đen Phi châu tin họ là người Phi châu. Ông cũng biết rằng chính những người da trắng Afrikaner cũng là nạn nhân của thành kiến: Chính quyền nước Anh và những người di dân Anh quốc vẫn coi khinh những người da trắng Afrikaner. Họ cũng bị mặc cảm tự ti văn hóa tương tự như những người da đen.

Mandela là một luật sư và ở trong tù ông giúp ý kiến cho những người cai tù về những vấn đề luật pháp. Họ là những người kém học và bình dân hơn ông nhiều; cho nên, đối với họ sự việc một người da đen sẵn lòng và có khả năng giúp đỡ họ là một điều phi thường. Allister Sparke, sử gia hàng đầu của Nam Phi nói: “Những người cai tù này là điển hình cho đặc tính thô bạo và tàn ác nhất của chế độ phân chủng, nhưng ngay cả với những phần tử tồi tệ và thô lỗ nhất ông cũng có thể đàm phán được.”

Bài học thứ năm: Giữ bạn ở gần-và giữ kẻ thù gần hơn

Có nhiều người khách được Mandela mời tới nhà riêng ở Qunu, nơi ông lớn lên. Trong số những người này có những người Mandela thổ lộ với tôi là không thể hoàn toàn tin được. Nhưng ông vẫn mời họ ăn cơm, gọi điện thoại hỏi ý kiến, ca tụng và tặng quà cho họ. Mandela là người có sức hấp dẫn mạnh mẽ và ăn nói duyên dáng, và nhờ đó đã tạo được nhiều ảnh hưởng tới đối phương hơn là với đồng minh.

Lúc bị giam trên Đảo Robben, trong vòng những người thân cận của Mandela luôn luôn có những người mà ông hoặc là không thích hoặc là không hoàn toàn tin tưởng. Một người rất gần gũi với ông là Chris Hani, tham mưu trưởng của ANC, một người rất nóng nảy. Có nhiều người cho rằng Hani đang âm mưu hạ bệ Mandela, nhưng ông vẫn rất thân mật với Hani. Ramaphosa nói: “Chẳng phải chỉ có Hani mà thôi. Có những tay kỹ nghệ gia giàu sụ, những gia đình làm chủ hầm mỏ, và phe đối lập nữa. Ông ấy vẫn nhắc điện thoại gọi chúc mừng ngày sinh nhật của họ. Ông đi thăm viếng họ trong những dịp quan hôn tang tế. Ông ấy cho đó là những cơ hội.” Khi Mandela ra khỏi tù, tiếng tăm ông càng nổi bật hơn nữa khi bao gồm cả những người đã giam ông trong vòng những người bạn và mời cả những người lãnh đạo đã giam giữ ông vào Nội Các đầu tiên. Trong số những người nay có những người ông xem rất thường.

Tuy thế, cũng có lúc Mandela phủi tay trước một số người–và cũng có lúc, như những người có sức hấp dẫn mạnh mẽ, ông để cho nguời khác thuyết phục. Như lúc đầu Mandela đã tạo được mối quan hệ thân thiết với tổng thống De Klerk, và đó cũng là lý do ông cảm thấy bị phản bội khi De Klerk trở mặt đả kích ông trước công luận.

Mandela tin rằng ôm lấy đối phương là một cách để chế ngự họ: để họ ở ngoài vòng ảnh hưởng của mình còn nguy hiểm hơn nhiều. Mandela quý trọng sự trung thành, nhưng chưa bao giờ để cho sự trung thành trở thành một chướng ngại trong việc dùng người. Ông vẫn thường nói, “người ta hành động là vì quyền lợi riêng của họ.” Đó chỉ là một thực tế của bản chất con người, chứ không phải là một khuyết điểm. Mặt tiêu cực của sự lạc quan–Mandela là một người lạc quan–là quá tin người. Nhưng ông nhận thức được cách thức hữu hiệu nhất đối với những người ông không tin là trung lập hóa họ bằng sức hấp dẫn của mình.

Bài học thứ sáu: Bề ngoài rất quan trọng, và luôn ghi nhớ phải tươi cười

Khi còn là một sinh viên luật nghèo tại Johannesburg, Mandela chỉ có một bộ đồ vest đã cũ sờn. Ông được đưa đến gặp Walter Sisulu, một người môi giới địa ốc và cũng là một lãnh tụ trẻ của ANC. Mandela thấy đó là một người da đen lịch lãm và thành công, một mẫu người ông muốn noi theo. Còn Sisulu khi thấy ông thì thấy tương lai của Nam Phi.

Sisulu nói với tôi rằng trong cuộc vận động lớn lao trong thập niên 1950 để biến ANC thành một phong trào quần chúng, thì vào một ngày, ông vừa cười vừa kể, “một lãnh tụ quần chúng bước vào văn phòng của tôi.” Mandela là người đẹp trai, cao lớn, một võ sĩ quyền anh tài tử, đi đứng với một phong thái vương giả như một vị hoàng tử. Và anh ta có một nụ cười rực rỡ như ánh mặt trời ra khỏi đám mây.

Đôi khi chúng ta quên là có một mối quan hệ lịch sử giữa người lãnh tụ và nhân dáng của họ. Khi bước vào bất cứ căn phòng nào,tổng thống George Washington là người cao nhất và có lẽ là người to khỏe nhất. Vóc dáng và sức mạnh có lẽ tùy thuộc nhiều vào DNA hơn là với những cẩm nang rèn luyện lãnh tụ, nhưng Mandela hiểu được cách vận dụng phong thái của mình để đạt mục đích đấu tranh. Là lãnh tụ của bộ phận vũ trang hoạt động mật của ANC, khi nào cần chụp hình ông cũng đòi phải có quân phục chỉnh tề và để một hàm râu quai nón. Trong suốt sự nghiệp chính trị ông luôn quan tâm đến cách phục sức phù hợp với cương vị của mình. George Bizos, luật sư riêng của Mandela, nhớ lại là lần đầu tiên gặp ông tại một tiệm may của người Ấn Độ trong thập niên 1950, và Mandela là người Nam Phi da đen đầu tiên đi may một bộ vest. Ngày nay, “quân phục” của Mandela là những chiếc áo sơ-mi hoa hòe rực rỡ như để bảo với mọi người ông là một vị cha già vui vẻ của nước Nam Phi hiện đại.

Khi Mandela tranh cử chức tổng thống năm 1994, ông hiểu là biểu tượng cũng quan trọng như  thực chất. Mandela không phải là một nhà hùng biện tài ba, người ta vẫn thường chẳng để ý gì đến điều ông nói sau vài phút đầu tiên. Nhưng biểu tượng là điều mà người ta hiểu. Khi ra trước diễn đàn, Mandela luôn luôn biểu diễn toyi-toyi, một điệu múa dân gian đã được dùng làm biểu tượng của cuộc đấu tranh. Nhưng điều quan trọng hơn là nụ cười rực rỡ, nhân bản và bao dung của Mandela. Đối với những người Phi da trắng, nụ cười là biểu tượng của sự hỷ xả và sự cảm thông với họ. Đối với cử tri da đen, nụ cười này là biểu tượng của một “chiến sĩ hạnh phúc và vui vẻ” và chúng ta sẽ chiến thắng. Bích chương vận động bầu cử được ANC treo khắp mọi nơi chỉ đơn giản có in hình gương mặt và nụ cười của Mandela. Ramaphosa nói, “Nụ cười, chính là thông điệp của Mandela,”

Sau khi ra khỏi tù, người ta nhắc đi nhắc lại mãi là thật là kỳ diệu khi không thấy Mandela biểu lộ sự cay đắng [về những khổ nhục ông phải chịu đựng]. Thực ra có cả ngàn điều để ông cay đắng, nhưng ông biết hơn ai hết là phải biểu lộ cảm xúc trái ngược với cay đắng. Ông vẫn thường nói: “Hãy quên quá khứ đi”– nhưng tôi biết ông bao giờ quên được.

Bài học thứ bảy: Không có gì hoàn toàn là trắng hay đen

Khi chúng tôi bắt đầu những cuộc phỏng vấn, tôi vẫn thường hỏi ông những câu đại loại như thế này: Khi quyết định ngưng cuộc đấu tranh vũ trang, lúc đó ông nghĩ là không có đủ sức để lật đổ chế độ hay là vì ông biết là có thể chinh phục được dư luận quốc tế bằng con đường bất bạo động? Lúc đó ông liếc nhìn tôi với một cái nhìn lạ lùng vì câu hỏi ngớ ngẩn ấy và nói: “Tại sao lại không thể làm cả hai?”

Tôi đã hỏi những câu hỏi thông minh hơn, nhưng điều ông muốn nói đã rất rõ ràng: Cuộc đời không bao giờ đóng khung trong cái “hoặc là” thế này hay thế nọ. Những quyết định rất phức tạp, và luôn luôn có những yếu tố cần phải cân nhắc. Đầu óc con người vẫn có khuynh hướng tìm một sự giải thích đơn giản, nhưng lại không bao giờ phù hợp với thực tế cả. Những điều trông thẳng như mực tàu thực ra chưa hẳn như vậy.

Sự mâu thuẫn không làm Mandela khó chịu. Trong cương vị một chính trị gia, ông là người thực tiễn nhận thức được là thế giới có vô vàn sắc thái rất tế nhị. Tôi tin rằng Mandela có được sự nhận thức này vì là một người da đen phải sống dưới chế độ phân chủng, một chế độ mà hàng ngày người da đen phải đau khổ trước những lựa chọn làm suy nhược tinh thần: Tôi có nên làm theo ý muốn của chủ da trắng để có được việc tôi muốn làm và tránh bị đánh đập không? Tôi có phải mang theo giấy phép đi đường không?

Trong cương vị một nhà lãnh đạo quốc gia, Mandela có một sự trung thành khác thường với Muammar Gaddafi và Fidel Castro. Họ đã trợ giúp ANC khi Hoa Kỳ còn cho Mandela là thành phần khủng bố. Khi tôi hỏi ông về Gaddafi và Castro, ông nói rằng người Mỹ có thói quen nhìn vấn đề hoặc trắng hoặc đen, và trách tôi là không nhận thức được những điều tế nhị của vấn đề. Mỗi vấn đề đều có nhiều nguyên do. Dù thái độ chống chế độ phân chủng của ông thật rõ ràng và không thể bàn cãi được, nhưng những nguyên nhân của sự phân chủng thì lại phức tạp, xuất xứ từ nguồn gốc lịch sử, xã hội và cả tâm lý nữa. Sự tính toán của
Mandela luôn luôn rõ ràng: Mục đích của ta là gì và phương cách nào thực tiễn nhất để đạt được mục đích đó?

Bài học thứ tám: Chấp nhận Bỏ cuộc cũng là lãnh đạo

Năm 1993, Mandela hỏi tôi là có biết có nước nào trên thế giới mà tuổi tối thiểu để đi bầu dưới 18 không. Tôi tìm hiểu và trình cho ông một danh sách những nước mà tiếng tăm không được hay ho cho lắm. Những nước này gồm có: Nam Dương, Cuba, Nicaragua, Bắc Hàn, và Iran. Ông gật đầu tỏ ý hài lòng và khen “tốt lắm, tốt lắm.” Hai tuần sau Mandela lên đài truyền hình Nam Phi và đề nghị hạ thấp tuổi đi bầu xuống còn 14. Ramaphosa nhớ lại: “Ổng cố vận động chúng tôi ủng hộ ý kiến đó, nhưng rút cuộc chỉ có mình ổng thôi. Và Mandela chấp nhận thực tế là ý kiến này không được chấp nhận, và chấp nhận sự thất bại một cách khiêm tốn chứ không tỏ vẻ giận dỗi gì hết. Đó cũng là một bài học về lãnh đạo.”

Biết cách từ bỏ một ý tưởng, một công tác hay mối quan hệ đã bị hỏng thường là loại quyết định khó nhất mà người lãnh đạo phải chọn. Về nhiều phương diện, di sản lớn nhất mà Mandela để lại trong cương vị Tổng thống Nam Phi là cách ông đã chọn khi mãn nhiệm kỳ. Khi đắc cử vào năm 1994, Mandela có thể làm tổng thống suốt đời–nhiều người còn cho rằng đó là điều tối thiểu nước Nam Phi có thể làm để đền bù cho những năm ông chịu tù đày.

Trong lịch sử cả Phi châu, chỉ có một số nhỏ đếm trên đầu ngón tay những nhà lãnh đạo được dân bầu là chịu đi xuống khi hết nhiệm kỳ. Mandela cương quyết là sẽ tạo ra tiền lệ cho những người đi sau-không phải chỉ ở Nam Phi mà còn ở khắp Châu Phi. Ông là nhân vật phản diện của Mugabe,[7] ông là người đã khai sinh ra đất nước nhưng từ chối nắm giữ đất nước làm con tin của mình. Ramaphosa nói: “Nhiệm vụ của ông là vạch ra con đường, chứ không phải là người lèo lái con tàu.” Ông cũng biết rằng người lãnh tụ qua những việc mà họ quyết định không làm cũng thể hiện sự lãnh đạo giống như qua những việc họ quyết định làm.

Nói tóm lại, bí quyết để hiểu được Mandela nằm ở 27 năm ông chịu tù đày. Người thanh niên bước chân lên Đảo Robben năm 1964 là một người đầy tình cảm, bướng bỉnh, và dễ dàng nổi nóng. Người đàn ông bước ra khỏi nhà tù là một người trầm tĩnh và tự chế. Mandela không bao giờ và chưa bao giờ là người tự quan sát nội tâm của mình. Tôi thường hỏi ông là người đàn ông bước chân ra khỏi tù khác với người thanh niên bướng bỉnh khi bước chân vào tù như thế nào. Mandela ghét câu hỏi này lắm. Mãi cho đến một ngày kia ông mới nói: “Khi bước ra, tôi đã trưởng thành.” Không có điều gì hiếm hoi và quý báu cho bằng một người đàn ông trưởng thành.

Chúc Mừng Sinh Nhật, Madiba.

Richard Stengel

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1821467,00.html


[1] Xhosa là một bộ lạc của tổ tiên của Nelson Mandela, bộ lạc này sinh sống tại  vùng phía đông-nam của nước Nam Phi.

[2] Cuộc bầu cử một tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ với ứng cử viên Barak Obama.

[3] Rivonia thuộc ngoại ô của Johannesberg (thủ đô của Nam Phi), nơi diễn ra vụ xử án 10 nhà lãnh đạo Hội nghị Toàn quốc Phi Châu, năm 1963-1964. Nelson Mandela là một trong 10 người này và bị kết án tù chung thân, thay vì bản án tử hình vì bị thế giới lên án và can thiệp.

[4] Đảo Robben nằm ở phía tây của Cape Town, cách bờ khoảng 7 km. Nhà tù này cũng nổi tiếng như Côn Đảo của VN hay Alcatraz của Mỹ.

[5] Afrikaans, tạm dịch là tiếng Nam Phi, là một ngôn ngữ thuộc miền tây nước Đức và là ngôn ngữ chính của hai nước Nam Phi và Namibia. 95% ngữ vựng là tiếng Đức-Hà Lan vì ngôn ngữ này được hình thành từ thổ ngữ Hà Lan thuộc thế kỷ 17. Số ngữ vựng còn lại thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau như Mã Lai, Bồ-đào-nha, Bantu và Khoisan.

[6] Rugby là môn bóng hình bầu dục, một trong những môn thể thao được ưa chuộng nhất tại Anh và những nước thuộc ảnh hưởng của Anh. Môn bóng này cũng tương tự như môn football của Mỹ.

[7] Mugabe, năm nay 87 tuổi, là tổng thống của Zimbawe đã cầm quyền 28 năm và không chịu từ bỏ quyền lực dù bị thua trong cuộc bầu cử năm 2009. 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt