TPP: sinh lộ của ngành dệt may Việt Nam

Như trước đây trang nhà https://vietquoc.org đã dịch bài: Thuật ngoại giao “đã rồi” của TT Obama đối với Việt Nam – Nhà bình luận Craig Rushford đã phân tích cặn kẽ cái ải vượt qua của Việt Nam để gia nhập TPP là ngành dệt may… và những vấn đề chưa biết về cuộc viếng thăm khẩn cấp của Trương Tấn Sang đến Washington DC trong tháng 7 vừa rồi. Nay các hãng truyền thông thế giới và nhất là đài RFI đã có bài bình luận “TPP: Cơ hội lớn khó thể bỏ lỡ của ngành dệt may Việt Nam” rất đúng với những phân tích của ông Rushford trước đây…Có ai nghỉ rằng ngành dệt may trở nên một vấn đề sinh tử cho một quốc gia khi gia nhập Hợp Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và là mấu chốt của sự mặc cả nhân quyền tại Việt Nam ?! 

TPP: Cơ hội lớn khó thể bỏ lỡ của ngành dệt may Việt Nam

Một công ty may mặc tại Sài Gòn

Đối với ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vốn đã nhiều lần lao đao trước rào cản thuế quan và hạn ngạch của các nước, thì TPP là một cơ hội quan trọng để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường rộng lớn của Mỹ đầy hấp dẫn.

Nếu thành công trong việc đàm phán, thì 95 chủng loại sản phẩm dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất 0%, trong khi thuế suất hiện nay lên đến 17,5%. Tuy nhiên khiếm khuyết lớn của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nguyên liệu bị lệ thuộc vào nước ngoài. Như vậy việc gia nhập TPP là cơ hội hay thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam?

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Hoa Kỳ đề xướng hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán, là một thỏa thuận tự do thương mại đa phương nhằm hội nhập các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Đã có 5 nước ký kết, và 5 nước đang thương lượng là Úc, Malaysia, Pérou, Hoa Kỳ và Việt Nam. Mục tiêu ban đầu của TPP là cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên và đến năm 2015 thì mức thuế sẽ bằng 0.

Đối với ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vốn đã nhiều lần lao đao trước rào cản thuế quan và hạn ngạch của các nước, thì đây là một cơ hội quan trọng để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường rộng lớn của Mỹ đầy hấp dẫn. Nếu thành công trong việc đàm phán, thì 95 chủng loại sản phẩm dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất 0%, trong khi thuế suất hiện nay lên đến 17,5%.

Theo với thời gian, Việt Nam nay là nước xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ lớn thứ nhì, chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 17,1 tỉ đô la, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may đứng hàng thứ năm trên thế giới.

Tuy nhiên khiếm khuyết lớn của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nguyên liệu bị lệ thuộc vào nước ngoài. Chẳng hạn bông phải nhập đến 99%, nguyên liệu xơ nhập 50% từ các nước, chưa kể các loại phụ liệu mà đa số đến từ Trung Quốc. Trong khi đó một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải chứng minh nguyên, phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam hay các nước thành viên TPP.

Như vậy việc gia nhập TPP là cơ hội hay thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM.

RFI: Thân chào ông Diệp Thành Kiệt. Thưa ông, nếu Việt Nam tham gia hiệp định TPP thì đây là cơ may hay thử thách lớn cho ngành dệt may Việt Nam trong lúc, như ông cũng biết, là lâu nay vẫn rất bị động về nguồn nguyên vật liệu?

Ông Diệp Thành Kiệt: Vào TPP, nói một cách vắn tắt thường thì sẽ có điều kiện mở rộng thâm nhập thị trường, các dòng thuế sẽ hạ xuống rất nhanh. Đây dĩ nhiên là lợi thế, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với những ngành có tính cạnh tranh chưa cao. Dệt may được đánh giá là ngành có tính cạnh tranh khá cao.

Vấn đề thứ hai là xuất xứ. Đối với dệt may hiện nay có hai việc được đặt ra. Thứ nhất là tỉ lệ nội địa hóa trong vùng. Theo kinh nghiệm mà phía Hoa Kỳ dành FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) cho một số nước Nam Mỹ trong đó có Chilê, Pérou, thì tỉ lệ nội địa hóa trong vùng phía Hoa Kỳ đưa ra mức đã gút với các nước là 55%. Phải nói đây là một con số tương đối cao so với đòi hỏi của một số nước khác khi ký FTA.

Dù cao nhưng vấn đề mà các doanh nghiệp hiện nay đang quan tâm, nếu không muốn nói rất quan ngại, là bên cạnh tỉ lệ nội địa hóa trong vùng 55%, phía Hoa Kỳ đang đưa ra yêu cầu là phải dùng sợi trong khu vực, gọi là chính sách “yarn forward”. Đây mới thực sự là trở ngại lớn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam vì theo nghiên cứu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một số nước có ký FTA với Hoa Kỳ, sau một hai năm đầu thì hầu hết xuất khẩu dệt may của các nước này đều sút giảm do rào cản của chính sách “yarn forward”.

Đoàn đàm phán của chính phủ Việt Nam cũng đã có những đề xuất tích cực, trong đó có đề xuất mà phía Hoa Kỳ chấp thuận về nguyên tắc, tuy nhiên còn phải thống nhất về các chủng loại cụ thể. Đó là đề nghị cho Việt Nam kéo dài thêm một thời gian, thông qua một danh sách được gọi là danh sách thiếu hụt, tức là những loại sợi nào mà Việt Nam không thể tìm được trong vùng cũng như tại Việt Nam trong một thời gian. Trong đó phân làm hai loại. Một loại là danh sách thiếu hụt thường xuyên – tức là những loại không thể tìm được kể cả trong vùng; và danh sách thiếu hụt không thường xuyên – đó là danh mục những loại sợi mà Việt Nam không có nhưng trong vùng có, mà có thể trong vòng ba hoặc năm năm sẽ loại bỏ danh sách này.

Qua chính sách này rõ ràng Hoa Kỳ đang muốn áp đặt việc Việt Nam phải mua bông và mua sợi – trước hết là của các nước trong vùng, nhưng thực chất là từ Hoa Kỳ. Đó là cái khó cho chúng ta. Để mua bông và sợi của Hoa Kỳ, đòi hỏi hai điều. Thứ nhất là chi phí sản xuất, giá thành của chúng ta sẽ cao. Thứ hai là những sản phẩm dùng bông, sợi Hoa Kỳ rõ ràng phải có đẳng cấp cao mới chịu được giá thành cao. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam sắp tới.

Tuy nhiên đến giờ này, qua 19 vòng đàm phán, chính sách về xuất xứ vẫn chưa được quyết định rõ ràng. Cho nên hai bên kể cả chính phủ Hoa Kỳ và các đoàn đàm phán khác của chính phủ Việt Nam cũng chưa công bố gì về tình hình này.

Bên cạnh đó, hiện nay đã có một số dấu hiệu cũng được cho là tương đối lạc quan: một số nhà đầu tư kể cả ở Hoa Kỳ và một số nước như Đài Loan đang ngỏ ý đặt vấn đề đầu tư kéo sợi ở trong nước. Đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên vẫn có một số rào cản nhất định.

Rào cản thứ nhất: để đầu tư một nhà máy kéo sợi, cần phải có một thời gian dài, có chính sách ổn định khuyến khích đầu tư trong nước đối với một số ngành trong đó ngành dệt may. Cách đây khoảng chừng năm năm đổ lại, trong phát triển kinh tế đất nước, do chủ trương chung của trên, nhiều tỉnh thành có vẻ e ngại trước việc phát triển một số ngành như dệt may, da giày – kể cả chế biến và sản xuất thượng nguồn. Đó là điều mà các nhà đầu tư cũng đang băn khoăn, vì nếu chính sách của chúng ta không tiếp tục ủng hộ thì họ e rằng đến một lúc nào đó họ sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư vào các ngành công nghệ ở thượng nguồn, đặc biệt cho dệt may.

RFI: Nhưng việc Việt Nam lệ thuộc vào nguyên phụ liệu nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc thì đã có từ lâu rồi. Bên cạnh đó, có lẽ dù không có TPP cũng phải nghĩ đến việc này để ngành dệt may phát triển. Và dù sao Việt Nam cũng phải phấn đấu làm ra các sản phẩm đẳng cấp cao, thì, vì nếu chọn lựa làm hàng rẻ tiền thì không địch nổi những nước có giá lao động rẻ hơn như Bangladesh chẳng hạn?

Vâng, điều đó đúng. Ở đây có hai việc. Thứ nhất là nâng cao tỉ lệ nội địa hóa. Từ trước đến nay khi nâng cao tỉ lệ nội địa hóa thì người ta thường tính đến nâng cao sản xuất đối với vải và đối với các loại nguyên phụ liệu khác. Việc này thật ra trong các báo cáo hàng năm và các ghi nhận của Bộ Công thương cũng như Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thì tỉ lệ này là có tăng trưởng.

Tuy nhiên có một số cản trở. Theo thông tin của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Việt Nam có khả năng dệt ra một năm 1,2 tỉ mét vuông, trong khi đó khả năng nhuộm chỉ đáp ứng khoảng 7- 800 triệu mét vuông. Con số cách biệt này do sự hạn chế mở rộng các nhà máy nhuộm. Hay nói cách khác là hiện nay do ảnh hưởng về môi trường – mà một số tỉnh cũng đã nói rõ là do khả năng kiểm soát xử lý nước thải, họ tự nhận là không có khả năng. Chính vì vậy nên giải pháp tốt nhất người ta đưa ra là ngưng, cấm cản, hạn chế.

Đây là một trong những điều hết sức trở ngại cho ngành dệt may, vì nếu chúng ta phát triển dệt nhưng hạn chế nhuộm, thì giống như một điểm thắt cổ chai. Vì chuỗi giá trị của ngành dệt may kéo từ việc trồng bông đến kéo sợi, đến dệt, nhuộm rồi mới đến may.

Điểm thứ hai cần nói thêm, trong khi phía các doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn là chưa tìm được nguồn vật tư trong nước, thì các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) không sợ lắm về việc này. Vì hiện nay các tập đoàn lớn kể cả dệt may và một số ngành khác như da giày, khi đầu tư vào Việt Nam, họ thường lôi kéo thêm một số nhà sản xuất nguyên phụ liệu. Những nhà sản xuất này chỉ chuyên sản xuất nguyên phụ liệu cho họ trong năng lực mà họ bao tiêu, vì vậy khi các doanh nghiệp Việt Nam đến mua không phải là dễ.

Đây là một khó khăn mà nếu chỉ cần giải tỏa phần sợi thôi thì các doanh nghiệp FDI sẽ có thế mạnh ngay, còn các doanh nghiệp Việt Nam thì vẫn còn loay hoay.

Vấn đề thứ hai, như lúc nãy có nói nếu chúng ta nhập sợi ở Hoa Kỳ để tránh được chính sách “yarn forward”, thì chúng ta phải sản xuất sản phẩm cao cấp. Đây là ước muốn và là chiến lược đưa ra, không những của các doanh nghiệp mà còn cả ngành dệt may Việt Nam. Nhưng từ ước muốn cho đến hiện thực rõ ràng còn một khoảng cách rất xa.

Để làm việc cho những thương hiệu có giá trị cao, chúng ta còn phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khác. Trong đó ngoài chất lượng, còn phải tuân thủ chính sách về vấn đề bảo hộ trí tuệ, về lao động, môi trường v.v…do đó không dễ dàng. Các thương hiệu lớn hiện nay đều đã có chỗ đặt hàng hết rồi, và hầu hết những nơi đang nhận hàng và sản xuất cho những thương hiệu này cũng đều có nhiều cách để giữ khách hàng lại cho họ. Cho nên việc các thương hiệu bỏ những nhà cung cấp đó để sang với chúng ta không phải là đơn giản.

Đó là chưa kể nếu họ muốn bỏ đi, thì có phải Việt Nam là điểm đầu tiên cho họ chọn lựa hay không? Hay là một số nước khác, mặc dù chi phí lao động cao hơn như Thái Lan, Mã Lai, nhưng họ biết cách đáp ứng mọi hoạt động của khách hàng, để bảo đảm yêu cầu của khách. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung có những mặt này, mặt nọ chưa đáp ứng được.

RFI: Có lẽ về mặt vĩ mô, Nhà nước cần phải có một chủ trương nào đó để hài hòa các khâu trong quá trình sản xuất hàng dệt may. Còn đối với các mặt hàng cao cấp, ngoài các vấn đề ông nói có lẽ còn có những vấn đề như tạo mẫu nữa chẳng hạn…

Vâng, ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là tháo bỏ nút thắt cổ chai ở khâu nhuộm, rồi cần có những chính sách để thu hút các nhà đầu tư về sợi. Đây rõ ràng là chuyện thuộc về vĩ mô, phải có những chính sách lớn của Nhà nước thì mới có tác động. Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã có những ý kiến, và tôi nghĩ là Chính phủ đang tích cực xem xét.

TPP nếu mở ra được cho ngành dệt may sẽ là cơ hội rất lớn, không những tạo công ăn việc làm mà còn đẩy mạnh xuất khẩu, vì ngành dệt may hiện nay là ngành xuất khẩu lớn nhất trong nước, chỉ sau điện tử thôi.

Vấn đề thứ hai thì Chính phủ không thể can thiệp được, mà do bản thân tất cả các doanh nghiệp phải vươn lên. Ngoài việc làm được hàng có chất lượng tốt, còn phải hiểu được các khách hàng cao cấp người ta cần gì, từ đó có những đáp ứng, đây là việc của mỗi doanh nghiệp.

RFI: Thưa ông, có vẻ như là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ưu thế hơn so với doanh nghiệp trong nước khi tham gia TPP?

Cũng có nhiều người đặt ra câu hỏi như vậy. Tôi nghĩ rằng cần phải trả lời một cách khái quát nhất. TPP nói riêng và những cơ hội mở rộng thị trường ra thế giới nói chung, tất cả thuộc về trước hết là những doanh nghiệp nào có năng lực. Năng lực đó thể hiện qua tài chính, điều hành – mà đặc biệt đối với dệt may là công tác điều hành nhân sự.

Tiếp đến, những doanh nghiệp nào có tầm nhìn dài hạn, có sự chuẩn bị tốt và biết nắm bắt thời cơ, sẽ biến được TPP thành một cơ hội tốt để phát triển.

Nói chung thì như vậy, nhưng thực tế thì không ai phủ nhận rằng các doanh nghiệp FDI, với vốn liếng và kinh nghiệm kinh doanh trên thị trường quốc tế, họ có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp Việt Nam có khả năng tận dụng cơ hội TPP, chỉ tiếc rằng số lượng các doanh nghiệp đó không nhiều lắm vì bên cạnh những rào cản về sự am hiểu, nắm bắt chính sách mà doanh nghiệp Việt Nam có nhiều hạn chế cả trong việc tạo nguồn vốn cho mình cũng như việc điều hành nhân lực để có thể nắm bắt được cơ hội này.

RFI: Nhìn chung, theo đánh giá của ông, nếu gia nhập TPP thì ngành dệt may Việt Nam “được” hay là “mất”?

Có TPP thì chúng ta mới phát triển hay không có cũng vẫn phát triển? Câu trả lời là dù có TPP hay không, vẫn phải phát triển ngành dệt may. Hiện nay TP HCM có đặt cho một số nhóm nghiên cứu độc lập chủ đề định hướng phát triển ngành dệt may sắp tới, và chúng tôi thấy rằng về phía vĩ mô, chính quyền trung ương cũng như TP HCM đã có nhìn lại rồi. Họ muốn nhìn một cách khoa học hơn, có nghiên cứu độc lập chứ không phải là nhìn theo cách duy ý chí, theo ước muốn.

Bởi vì ngành dệt may nếu nói là thâm dụng lao động thì không thể không đặt vấn đề phát triển cho nó. Trong thời gian vừa qua khi nền kinh tế chúng ta đang đối đầu với những khó khăn, nhiều ngành mà Nhà nước tập trung vốn rất lớn gặp khó khăn về đầu vào, về điều hành v.v…thì bản thân ngành dệt may là ngành mà trong thời gian dài vừa qua Chính phủ chỉ nuôi nó bằng chính sách thôi. Không có tập trung lớn về vốn liếng, mà dệt may vẫn tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy bản thân ngành dệt may có được sức sống nhất định.

Do đó bây giờ dù không có TPP, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát triển. Nhưng vì đang đàm phán TPP, mà đây là một cơ hội mở ra rất lớn cho ngành dệt may để vào được thị trường khổng lồ trên thế giới là thị trường Mỹ. Tôi nghĩ đây là một cơ hội mà Việt Nam không có được nhiều lần như vậy đâu.

Vì thị trường trên thế giới chỉ có hai khu vực lớn của ngành dệt may, một là của Mỹ và của EU. Mà EU hiện nay dù không quá khó khăn với chúng ta, người ta đã bỏ hạn ngạch trước cả Hoa Kỳ, nhưng mà phát triển thị trường EU thì cũng ở chừng mực nhất định, do bản thân thị trường này cũng không thể tiếp nhận được nhiều nữa.

Do vậy thị trường Mỹ là thị trường mà tôi nghĩ là chỉ có cơ hội duy nhất lần này chúng ta mở được. Cho nên cần phải có những hành động quyết liệt hơn, đặc biệt là về phía Chính phủ để mở được đầu ra, và tạo điều kiện cho những nhà đầu tư kể cả trong nước và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư vào khâu kéo sợi và nhuộm.

RFI: Xin chân thành cảm ơn ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP HCM, đã vui lòng tham gia Tạp chí Kinh tế của RFI Việt ngữ.

Thụy My (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt