Trung Quốc cảnh báo Mỹ, Nhật, Australia chớ nhúng tay vào tranh chấp lãnh hải, trong khi ngoại trưởng Mỹ cam kết không bỏ rơi Châu Á

Từ trái: Ngoại trưởng Australia Julie Bishop, Nhật Fumio Kishida và Mỹ John Kerry trước cuộc họp 3 bên, bên lề hội nghị APEC – Bali, Indonesia

Trung Quốc kêu gọi ba quốc gia không làm cho tình hình Biển Ðông và Biển Hoa Ðông trở nên “phức tạp hơn.”
Trung Quốc cảnh báo Mỹ, Australia và Nhật Bản chớ nên dùng liên minh giữa họ làm cái cớ để can thiệp vào các tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và kêu gọi các nước kiềm chế tránh thổi bùng căng thẳng trong khu vực.
Hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Australia, và Nhật Bản đã nêu vấn đền tranh chấp lãnh hải trong cuộc đối thoại chiến lược ba bên tại Bali, Indonesia.
Một tuyên bố chung 3 bên sau cuộc họp phản đối “hành động cưỡng chế hoặc đơn phương” có thể thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Ðông và kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông kiềm chế những hành động gây mất ổn định. 
Ðáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh kêu gọi các nước liên quan “tôn trọng thực tế, phân biệt phải trái”, tránh những lời lẽ và hành động không có lợi cho việc xử lý ổn thỏa tranh chấp.
 
Phát ngôn viên Tần Cương của Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối việc Ngoại trưởng Nhật Kishida nêu vấn đề an ninh hàng hải tại một cuộc gặp dùng bữa sáng thân mật với bộ trưởng ngoại giao các nước tại hội nghị APEC.
 
Quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã xấu đi trong những năm gần đây vì tranh chấp một nhóm đảo nhỏ ở biển Hoa Ðông mà Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku.
 
Ở biển Ðông, Trung Quốc cũng có tranh chấp chủ quyền với một số nước trong đó có Việt Nam và Philippines.

Cuộc họp Mỹ-Nhật-Australia diễn ra bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hàng năm trên đảo Bali, Indonesia.

Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Châu Á

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trấn an các nhà lãnh đạo Châu Á về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực.

WASHINGTON — Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã không đến dự hai cuộc hội nghị thượng đỉnh ở Châu Á vì vụ chính phủ đóng cửa đang tiếp diễn. Theo tường thuật của thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tại Bộ Ngoại giao ở Washington, sự vắng mặt của ông Obama xảy ra trong lúc một số người bắt đầu tỏ ý hoài nghi về chiến lược xoay trục Châu Á của ông.

Chính phủ của Tổng thống Obama cho biết việc Ngoại trưởng John Kerry thay mặt tổng thống để dự các hội nghị quan trọng ở Châu Á cho thấy tác động của vụ chính phủ đóng cửa. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf phát biểu như sau.

“Mặc dù Ngoại trưởng Kerry sẽ đại diện cho nước Mỹ một cách đầy đủ tại tất cả các chặng dừng chân trong chuyến công du này, nhưng vụ đóng cửa hoàn toàn có thể tránh được này đang gây phương hại cho khả năng của chúng ta để tạo công ăn việc làm thông qua việc thúc đẩy những hoạt động xuất khẩu của Mỹ và thăng tiến vai trò lãnh đạo và quyền lợi của nước Mỹ tại khu vực đang trỗi dậy lớn nhất của thế giới.”
 
Các quyền lợi của Mỹ trong khu vực này là trọng tâm của của chiến lược mới, được gọi là “xoay trục Châu Á”, mà cựu Đại sứ Mỹ Adam Ereli nói là không bị ảnh hưởng bởi vụ chính phủ đóng cửa.

“Chính sách đó không hề lệ thuộc vào vấn đề Tổng thống Obama có thực hiện chuyến công du 4 nước hay không.”

Vụ đóng cửa đã làm cho ông Obama hủy bỏ kế hoạch đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC ở Indonesia và hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Brunei.

Ông Michael Auslin, một nhà phân tích tình hình Châu Á của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Washington, cho biết ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc là nguyên do dẫn tới chiến lược xoay trục của Mỹ.

“Khó có thể nêu ra nguyên do nào khác cho sự tồn tại của chiến lược Xoay Trục ngoài mối quan tâm về sự trỗi dậy của Trung Quốc, về ảnh hưởng của họ và những hành động mà họ có thể sẽ làm.”
 
Sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại hội nghị APEC đã giúp cho Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có thêm không gian hoạt động. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một hiệp định thương mại trị giá 33 tỉ đô la với Indonesia trước ngày hộïi nghị khai mạc. Ông Auslin cho biết Trung Quốc dễ dàng qua mặt Hoa Kỳ khi những mục tiêu của Washington không được xác định một cách rõ ràng.

“Tổng thống Obama đã được khen ngợi vì nhận thức được tầm quan trọng của Châu Á và biết rằng khu vực này vô cùng quan trọng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ và sự ổn định khu vực; và dĩ nhiên là rất quan trọng cho sự ổn định toàn cầu. Nhưng ngoài sự nhận thức đó, không ai biết rõ nước Mỹ thật sự muốn làm gì.”

Hoa Kỳ muốn trấn an Philippines, là nước đồng minh đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Chấn Dân, nói rằng sự can dự của Washington trong vụ tranh chấp này không mang lại lợi ích nào.

“Sự dính líu của những nước bên ngoài khu vực chỉ làm cho vấn đề này trở nên phức tạp và nó không có lợi cho mục tiêu tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực này.”

Ông Tim Beardson là tác giả cuốn sách có nhan đề “Những mối đe dọa cho tương lai của Trung Quốc”. Ông cho rằng mặc dù chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ đang mất đà tiến, nhưng Trung Quốc cũng khó lòng lợi dụng tình trạng này để qua mặt nước Mỹ. Ông nói thêm như sau.

“Hoa Kỳ không còn là một siêu cường toàn cầu nữa. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng Trung Quốc vẫn còn cách vị thế đó một khoảng cách rất xa.”

Ngoại trưởng Kerry mô tả vụ chính phủ đóng cửa là “một sự gián đoạn ngắn ngủi” và nói rằng việc này không ảnh hưởng gì tới cam kết của Washington đối với mục tiêu thành lập khu mậu dịch tự do xuyên Thái bình dương, thường được gọi tắt là TPP.  

Tin Voice Of America

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt