Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (9)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương IX: “NHỮNG NGƯỜI BẤT TỬ”

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG IX: NHỮNG NGƯỜI BẤT TỬ

NGÔ HẢI HOẰNG CÙNG 3 ĐỒNG CHÍ LÊN MÁY CHÉM THỰC DÂN 

Để kịp làm êm dịu tình hình và đẹp lòng giới tư bản cùng hàng ngũ binh sĩ thực dân. Ngày 27 tháng 2 năm 1930, Hội Đồng Đề Hình họp phiên xử công khai lần đầu tiên tại trại binh tỉnh Yên Bái do Poulet Osier ngồi ghế chánh án, xử các chiến sĩ VNQDĐ khởi nghĩa Yên Bái ngày mồng 10 vừa qua. Có 15 bị cáo. Người bị gọi ra thẩm vấn đầu tiên là Ngô Hải Hoằng.

 – Sao anh lại đánh Yên Bái? Poulet Osier hỏi.

 – Không phải tôi đánh mà là Trung ương Đảng bộ hạ lệnh cho tôi đánh! Các ông còn lạ gì kỷ luật của Đảng tôi! Nếu không phục tòng mệnh lệnh, tất nhiên Đảng xử tử. Đánh với các ông nếu có thua đi nữa, cũng đến xử tử là cùng!

 – Anh thật là người vô ơn, quan ba Jourdain là vị quan thầy hết sức tử tế với anh, vậy mà đêm ấy anh đã bắn chết ông ta đầu tiên.

 – Đại úy Jourdain là người tử tế với tôi thật, nhưng đó là tình riêng. Còn tôi giết ông ta là bổn phận đối với Đảng tôi. Người Việt Nam chúng tôi bao giờ cũng đặt nghĩa công lên trên tình riêng.

 – Anh thật là hạng người tàn ác. Một mình anh đêm ấy đã giết chết 6 người Pháp.

 – Tôi làm gì giết được nhiều như thế! Anh em tôi giết nữa chứ! Thế nhưng cả Đảng chúng tôi chỉ là một người! Anh em tôi giết, tôi xin vui lòng chịu hoàn toàn trách nhiệm.

 Hội Đồng Đề Hình tuyên án:

 – 1 người bị khổ sai chung thân

 – 1 người bị 20 năm khổ sai

 – 13 người bị tử hình

 Bản án gửi qua Pháp, Tổng Thống Doumergue giảm 9 án tử hình xuống khổ sai chung thân.  Còn lại 4 chiến sĩ:

 ĐẶNG VĂN LƯƠNG, nông dân, quán làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, thuộc tỉnh Phú Thọ.

 ĐẶNG VĂN TIỆP, nông dân, quán làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, thuộc tỉnh Phủ Thọ.

 NGUYỄN THANH THUYẾT, hạ sĩ quan thuộc Binh đoàn Yên Bái.

 NGÔ HẢI HOẰNG, hạ sĩ quan thuộc Binh đoàn Yên Bái.

 Đã lần lượt lên máy chém thực dân tại Yên Bái vào sớm ngày thứ Năm, mồng 8 tháng 3 năm 1930 (tức ngày mồng 9 tháng 2 năm Canh Ngọ). 

 NGUYỄN THÁI HỌC CÙNG 12 ĐỒNG CHÍ THỨ TỰ BƯỚC LÊN MÁY CHÉM

Máy chém các anh hùng dân tộc VNQDĐ

Sáng ngày 23 tháng 3, hai đội lính Khố Xanh võ trang dưới quyền chỉ huy của giám binh Cases, phụ tá có rất đông thám tử do thanh tra mật thám là Reiner phụ trách áp giải 83 chiến sĩ VNQDĐ từ ngục thất tỉnh Yên Bái ra trước Hội Đồng Đề Hình, nhóm phiên xử công khai tại trại binh tỉnh Yên Bái. Poulet Osier ngồi ghế chánh án. Bởi phòng xử quá hẹp nên chỉ có mấy chục người vừa Pháp vừa Việt là những người có thần thế mới được vào xem xử mà thôi.

 Để chứng tỏ công bằng, một sự công bằng chỉ huy, chính quyền thực dân cử 4 luật sư là Mandrette, Bona, Mayet và Demistre ra biện hộ cho các bị cáo.

 Bắt đầu buổi họp, Hội Đồng Đề Hình tuyên bố tha bổng cho các bị cáo: Vũ Hữu Hóa, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Văn Ninh, Lê Văn Châu, còn lại 83 bị cáo chia ra như sau:

 – 1 phụ nữ (Nguyễn Thị Bắc),

 – 37 thường dân,

 – 45 binh sĩ.

 Người bị gọi ra thẩm vấn đầu tiên là Nguyễn Thái Học. Với thái độ chững chạc, bình tĩnh, Nguyễn Thái Học nhận hết trách nhiệm, và toan phân trần về lý do chính trị của cuộc khởi nghĩa, liền bị Chủ tịch Hội đồng chặn lại không cho nói. Nguyễn Thái Học nói to:

 – Nếu vậy thì cái tòa án này là nơi đem cường quyền mà đàn áp công lý, ta còn nói nữa mà làm chi! Và ta cũng không cần ai biện hộ cả!

 Đến Phó Đức Chính, Chính tỏ thái độ cương quyết, tự nhận là ủy viên tuyên truyền cổ động ở các tỉnh, thảo truyền đơn gởi cho các binh sĩ khuyên họ làm cách mạng, thảo chương trình kế hoạch Tổng Khởi Nghĩa…

Nguyễn Thị Bắc phản đối kịch liệt, đòi thả cô ra ngay và hô to: “Các người về ngay nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi thôi!”

Các chiến sĩ khác đều dũng cảm công nhận là có gia nhập VNQDĐ với mục đích là đánh đuổi người Pháp ra khỏi Việt Nam giành lại quyền độc lập cho Tổ Quốc.

Sau rốt đến lượt các luật sư biện hộ với một luận điệu xin Hội Đồng xét xử cho công bằng. Chỉ nên làm tội những người chủ mưu xướng xuất mà thôi, và nên dung thứ cho những người a tòng.

 Đến hồi 10 giờ sáng ngày hôm sau, Hội Đồng Đề Hình tuyên án:

 – 39 người bị án tử hình,

 – 30 người bị án khổ sai chung thân,

 – 9 người bị án 20 năm khổ sai,

 – 5 người bị án tội đày trong số có cô Nguyễn Thị Bắc 5 năm tù ở.

Để mong gỡ án nhẹ phần nào cho các đồng chí, Nguyễn Thái Học đã ký chống bản án lên Hội Đồng Bảo Hộ để cho các đồng chí noi theo. Duy Phó Đức Chính không ký chống án. Poulet Osier hỏi tại sao? Họ Phó đáp:

 – “Đại sự đã không thành! Chết là vinh! Còn chống án làm chi vô ích!”

Sau khi Hội Đồng Đề Hình xử xong, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông bị đưa về giam tại ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.

Nhận thấy Hội Đồng Đề Hình kết án tử hình tuy khá nhiều, nhưng trước khi thi hành bản án, còn phải gửi qua Ba Lê (Paris) để Tổng Thống quyết định. Sự quyết định ấy là ân giảm, làm cho giới thực dân ở Việt Nam không hài lòng. Các báo Pháp ở Đông Dương đều la lớn: “Phải già tay như vậy mới được. Chém cổ chúng nó ngay đi! Còn chờ đợi gì nữa!” Có báo lại viết: “Có lẽ là bên Ba Lê cứu tội chết cho mấy chục cái đầu ấy chăng!”

 Các Đại Biểu Pháp (les Élus) ngoài Bắc cũng như trong Nam họp nhau lại gửi điện tín về Ba Lê, yêu cầu chính phủ cho phép Toàn quyền Đông Dương được rộng quyền xử tử những việc rối ren trong xứ, nghĩa là Toàn quyền Đông Dương được y án chém, khỏi phải gửi hồ sơ qua Pháp nữa.

 Ngày 31 tháng 3 năm 1930, tin từ Ba Lê gửi qua: “Thuộc địa Thượng Thư trả lời rằng: luật lệ nhà nước đã định như vậy, chỉ có Tổng Thống mới có quyền ân xá cho phạm nhân, chớ không có thể làm trái luật nước đi mà để cho Chính phủ Đông Dương có quyền ấy được.” (1) 

Ngày tháng trôi qua, đến đầu tháng 6, một công điện từ Ba Lê đánh sang Hà Nội, báo tin Tổng Thống Doumergue đổi 26 án tử hình ra án khổ sai chung thân (2); còn lại 13 người bị y án. Nhưng tin ấy Chính quyền thực dân hết sức giữ bí mật.

Mãi đến chiều ngày 16 tháng 6, một đội lính Lê Dương cùng một số nhà hữu trách tiến vào dãy sà-lim án tử hình, kêu tên Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông xích tay 2 người làm một đưa ra đi.

Từ trong sà-lim án chém bước ra các trại giam ngoài, Nguyễn Thái Học hô to:

 – “Chúng tôi đi trả nợ nước đây. Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ Quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi kính chào các anh em ở lại…”

 “Tiếng chào anh em ở lại” hòa với tiếng la ó cảm động của phạm nhân trong khắp các trại giam, trở nên vang động khắp khu Hỏa Lò.

Để giữ kín đến phút cuối cùng, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông được đưa đi trong một buổi hoàng hôn ảm đạm từ Hà Nội đi Yên Bái bằng một chuyến xe lửa riêng.

Một đoàn xe hơi thuộc loại fourgonnette đen, bọc lưới sắt, từ trong cổng ngục thất Hỏa Lò tiến ra, ngoài số 13 chiến sĩ, số lính võ trang súng ống rất đông cùng ngồi trên xe canh chừng rất nghiêm ngặt. Đoàn xe lướt nhanh qua đường Jean Soler, rẽ ra đại lộ Carreau, chạy thẳng ra đường Hàng Lọng, rồi rẽ tay trái thẳng tới ga Hàng Cỏ. Hai bên dọc đường đều có rất đông lính canh gác rất cẩn mật.

 Khi đoàn xe vừa vượt qua đường Jean Soler, thì có một số khoảng hơn 20 người, trước đó đứng tản mác mỗi người một nơi trước khu vườn trồng rau bên cạnh Sở Căn Cước cũ, vội xô cả ra lề đường, thì trên xe phát ra những tiếng hô to: “VIỆT NAM MUÔN NĂM”, “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM” vang động rền trời! Đồng thời một mảnh giấy cũng được vứt từ trên xe thứ 3 xuống mặt đường.

Một số người đứng trên lề đường cũng vừa hô to những khẩu hiệu như trên, rồi ùa nhau ra đường để nhặt mảnh giấy ấy. Nhưng đồng thời chiếc xe hơi đó cũng ngừng ngay lại, một số lính đứng trên xe vội nhảy xuống đường giành giựt để nhặt mảnh giấy ấy. Số lính đứng gác hai bên lề đường cũng ùa nhau đuổi theo bắt đánh những người đã nhặt được mảnh giấy ấy. Kết quả bọn lính trên xe hơi đã cướp lại được, rồi vội nhảy lên xe, rồ máy chạy nhanh. Người ta còn vẳng nghe tiếng kêu của những phạm nhận ở trên xe hơi, có lẽ anh em đã bị lính đánh đập tàn nhẫn.

Trong chuyến xe lửa riêng này có mấy viên thanh tra mật thám Pháp và một số mật thám ta, viên giám binh người Pháp và một đội lính Khố Xanh đi kèm. Ngoài ra còn có 2 ông Cố đạo: Méchet và Dronet. Trong chặng đường trường dài 4 tiếng đồng hồ, tất cả đều chuyện trò vui vẻ. Phó Đức Chính nói:

 – “Chúng ta đến ga Yên Bái, chắc chắn sẽ được các đồng chí Lương, Tiệp, Thuyết, Hoằng ra đón rước nồng hậu.”

 Nguyễn Thái Học đấu khẩu với cố Dronet:

 – “Chúng tôi chỉ là những kẻ chiến bại, chứ đâu phải là kẻ có tội!”

 – “Chúng tôi có phạm tội gì đâu mà phải ăn năn thú tội!” Rồi nhà cách mạng họ Nguyễn ngâm mấy câu thơ Pháp:

 “Mourir pour sa patrie, (3)

 C’est le sort le plus beau.

 Le plus digne d’envie…”

 Cái máy chém cũng được đưa lên một cách lén lút như vậy. Trong thành phố Yên Bái không ai ngờ có chuyện đó!

 Pháp trường là một khu đất trống, giống như một bãi đá banh, xung quanh có mấy dãy nhà gạch một tầng mới cất, đó là trại binh Khố Xanh và nhà tiếp đón khách vãng lai của chính quyền.

Bên cạnh máy chém, thực dân cho để 15 chiếc hòm gỗ (quan tài).

Họ phải đề phòng như vậy, 18 phút cuối cùng e có sự thay đổi bất thần chăng? Xung quanh pháp trường có 400 lính được phái đến vây kín khiến việc mang bom của cô Giang dự định đến phá pháp trường không hoạt động gì được. Công chúng người dân Việt ta không lấy gì đông đảo, và hoàn toàn im lặng đau xót!

 5 giờ kém 5 phút, toán người đầu tiên từ nhà giam tiến đến pháp trường: 4 bộ binh mang súng có lưỡi lê, 2 bộ binh tay không để đề phòng sự té xỉu của phạm nhân trong quãng đường ngắn đó, nhưng không có một phạm nhân nào té xỉu, dẫn đầu là viên Công sứ De Bottini.

 Cả bọn tiến đến gần máy chém, đao phủ thủ là cai Công (4) dắt BÙI TỬ TOÀN 37 tuổi, nông dân, sinh quán tại làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đẩy vào tấm ván vừa bằng một người bắc nối vào lỗ máy chém.  BÙI TỬ TOÀN mới hô được tiếng “VIỆT NAM”, liền bị lính Lê Dương bịt miệng lại, rồi đao thủ phủ liền giật lưỡi dao phập xuống. Người thứ hai tiến lên máy chém là:

 BÙI VĂN CHUẨN, 35 tuổi, thuộc Binh Đoàn Yên Bái, BÙI VĂN CHUẨN mới hô to được tiếng “VIỆT NAM”, thì cũng bị lính lê dương bịt miệng lại, và Cai Công cũng giật lưỡi dao ngay. Người thứ 3 là:

NGUYỄN AN, 31 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Bái, NGUYỄN AN cũng hô to được tiếng “VIỆT NAM”, rồi bị chém. Người thứ 4 là:

HÀ VĂN LẠO, 25 tuổi, thợ hồ, cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT NAM”, rồi bị chém. Người thứ năm là:

ĐÀO VĂN NHÍT thuộc Binh đoàn Yên Bái.  ĐÀO VĂN NHÍT mới hô được tiếng “VIỆT…”. Người thứ 6 là:

NGÔ VĂN DU (5) thuộc Binh đoàn Yên Bái. Người thứ 7 là:

NGUYỄN ĐỨC THỊNH, thuộc Binh đoàn Yên Bái. NGUYỄN ĐỨC THỊNH cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT NAM”. Người thứ 8 là:

NGUYỄN VĂN TIỀM thuộc Binh đoàn Yên Bái. NGUYỄN VĂN TIỀM cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT…”. Người thứ 9 là:

ĐỖ VĂN SỨ thuộc Binh đoàn Yên Bái, cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT NAM”. Người thứ 10 là:

BÙI VĂN CỬU thuộc Binh đoàn Yên Bái, cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT…”. Người thứ 11 là:

NGUYỄN NHƯ LIÊN tức NGỌC TỈNH, 20 tuổi, học sinh, quán làng Cao Mại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, cũng chỉ hô to được tiếng “VIỆT NAM”. Đến người thứ 12 là:

PHÓ ĐỨC CHÍNH, nhà cách mạng họ Phó đòi thực dân cho được nằm ngửa để xem lưỡi dao rớt xuống như thế nào?  Tiếp đến:

NGUYỄN THÁI HỌC, được thực dân dẫn từ nhà giam ra lần cuối cùng, lần thứ 13. Người anh hùng dân tộc ấy với bộ râu quai nón, mỉm cười, đưa cặp mắt sáng quắc nhìn bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào một lần cuối cùng, hô to: “VIỆT NAM MUÔN…” thì Công sứ De Bottini liền vẫy tay lần thứ 13, đầu NGUYỄN THÁI HỌC rơi. (6)

Lúc đó là vào hồi đứng 5 giờ 35 phút sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930, tức ngày 21 tháng 5 Canh Ngọ. (7)

Hình ảnh các vị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Báy 10-02-1930

Để đề phòng và trả thù xác chết, sau khi hành quyết xong, chính quyền thực dân cho đưa thi hài 13 vị liệt sĩ lên chôn chung vào một huyệt ở dưới chân đồi Cao, bên cạnh đồi là đền thờ Trần Quán, cách ga xe lửa Yên Bái độ một cây số. Phái lính đến canh gác suốt ngày đêm, cho mãi đến cuối năm 1930 mới bãi lệnh. (8)

Sau này, VNQDĐ chiếm đóng tỉnh Yên Bái vào cuối tháng 10 năm 1945, Tỉnh Đảng bộ VNQDĐ đã tu bổ lại phần mộ 17 vị liệt sĩ Yên Bái và dựng đài kỷ niệm.

NGUYỄN VĂN TOẠI CÙNG BỐN ĐỒNG CHÍ LÊN MÁY CHÉM 

 Ngày 26 tháng 5 năm 1930, Hội Đồng Đề Hình họp phiên xử công khai tại một nhà kho rộng, bên cạnh Tòa sứ tỉnh Phú Thọ, chủ tịch Hội Đồng Đề Hình: Poulet Osier, thanh tra chính trị, bận lễ phục trắng, ngồi ghế chánh án. Lính Sen Đầm và lính Lê Dương đứng xung quanh tường súng cắm lưỡi lê, làm thành một hàng rào.

 Có hai luật sư biện hộ cho 85 bị cáo, trong số có một phụ nữ là chị Nguyễn Thị Lùn. (9)

 Nguyễn Văn Toại tức Đồ Thúy mặc áo dài thâm quần trắng, trên mép để ria, ông tỏ ra nóng nảy, Tòa hỏi chưa hết câu, ông đã nói:

 – Tôi nhận hết.

 – Tại sao tòa chưa hỏi mà anh lại trả lời?

 – Tòa muốn buộc tội gì, tôi cũng chịu hết.

 Một bị cáo khác được gọi ra, tòa hỏi:

 – Anh có phải là đảng viên VNQDĐ không?

 – Tôi chỉ là một người Việt Nam. Tôi thương xót đồng bào tôi bị cực khổ quá cho nên tôi tham dự vào công cuộc tấn công đồn binh Pháp ở Hưng Hóa.

 Lại một người khác khai:

 – Tôi không được tham dự vào cuộc tấn công đó, vì tôi đau mắt nặng. Nếu tôi không bị đau mắt nặng, thì tôi nhất định làm như mọi người khác.

 Đến lượt một bị cáo mới 15 tuổi được gọi ra khai:

 – Tôi giúp anh tôi làm một điều công lý. Nói vừa hết câu, thì bị Poulet Osier đuổi về ngồi chỗ cũ. 

 Rồi đến một người nông dân chừng 40 tuổi, anh khai:

 – Tôi chẳng có chân trong một hội kín, hội hở nào cả! Tôi chỉ là người Việt Nam! Tôi có bổn phận phải đánh đuổi người Pháp ra khỏi lãnh thổ nước tôi, để khôi phục lại nền độc lập cho Tổ Quốc tôi. (10)

 Nguyễn Thị Lùn khảng khái nhận hết tội mà Hội Đồng Đề Hình buộc là tuyên truyền, liên lạc và chuyển vận võ khí, v.v…

 Trần Văn Hợp đứng lên cãi rất hùng hồn, nhưng Poulet Osier đuổi về không cho phép anh được nói tiếp.

 85 bị cáo, mà tòa chỉ xử trong có 3 phiên chớp nhoáng, rồi tuyên án:

 10 người bị tử hình;

 27 người bị khổ sai chung thân;

 37 người bị cấm cố chung thân;

 4 người bị 20 năm khổ sai;

 1 người bị 5 năm khổ sai;

 3 người bị 20 năm cấm cố;

 2 người bị phạt giam trong nhà trừng giới;

 1 người được tha bổng.

 10 án tử hình là: Trần Văn Hợp, Bùi Văn Bồi, Lê Xuân Huy, Bùi Xuân Mai, Nguyễn Đắc Bằng, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Văn Toại, Phạm Nhận, Lê Đình Cư, Vũ Văn Mô. 

 Bản án gửi qua Ba Lê, Tổng Thống Pháp giảm 5 án xuống khổ sai chung thân, và y án tử hình 5 liệt sĩ dưới đây:

 NGUYỄN VĂN TOẠI tức ĐỒ THÚY, 33 tuổi, nguyên quán Lâm Thao, Phú Thọ.

 TRẦN VĂN HỢP, nguyên quán tại Thanh Ba, Phú Thọ.

 PHẠM NHẬN tức ĐỒ ĐIẾC (?)

 LÊ XUÂN HUY, 31 tuổi, nông dân, quán Cổ Pháp, Bất Bạt, Sơn Tây.

 BÙI XUÂN MAI, nông dân, nguyên quán Cổ Pháp, Bất Bạt, Sơn Tây.

 5 vị anh hùng dân tộc ấy đã lên máy chém thực dân tại tỉnh Phú Thọ vào sớm ngày 22 tháng 11 năm 1930, tức ngày mồng 3 tháng 10 năm Canh Ngọ. 

ĐẶNG TRẦN NGHIỆP tức KÝ CON CÙNG SÁU ĐỒNG CHÍ LÊN MÁY CHÉM 

 Ngày mồng 5 tháng 8 năm 1930, Hội đồng đề hình họp phiên công khai tại Pháp đình Hà Nội để xét xử 148 bị cáo.  Qua ngày mồng 9, tuyên án:

 12 người bị án tử hình;

 11 người bị án khổ sai chung thân;

 4 người bị án khổ sai 10 năm;

 2 người bị án cấm cố 10 năm;

 2 người bị án phát lưu 5 năm;

 3 người bị án 5 năm tù ở;

 114 người bị án phát lưu chung thân.

 Bản án gửi qua Ba Lê, Nguyên Bá Tâm (11), Nguyễn Văn Liên, Mai Duy Xứng được Tổng Thống Pháp giảm xuống án khổ sai chung thân, còn y 7 án tử hình, đã lên máy chém thực dân vào cuối năm 1930 tại trước cổng ngục thất Hòa Lò, Hà Nội; là các liệt sĩ:

 ĐẶNG TRẦN NGHIỆP tức KÝ CON

 LƯƠNG NGỌC TỐN tức CHÁNH TỐN

 NGUYỄN VĂN NHO

 NGUYỄN QUANG TRIỂU

 NGUYỄN MINH LUÂN

 NGUYỄN TRỌNG BẰNG

 PHẠM VĂN KHUÊ tức CAI KHUÊ (12) 

TRẦN QUANG DIỆU CÙNG BA ĐỒNG CHÍ LÊN MÁY CHÉM 

 Sau khi thẩm vấn xong, ngày mồng 7 tháng 11 năm 1930, Hội Đồng Đề Hình nhóm phiên xử công khai tại tỉnh lỵ Hải Dương. Có 193 bị cáo, gồm toàn thể đảng viên VNQDĐ.

 Trước vành móng ngựa, Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo và Trần Nhật Đồng cực lực lên án thực dân đã tàn sát cả ông già, đàn bà cùng trẻ con, triệt hạ làng Cổ Am và các làng xóm khác. Viên Chánh Hội Đồng Đề Hình phải ra lệnh cho lính bịt miệng lại và phải về chỗ ngồi.

 Sau 7 ngày cứu xét, Hội Đồng Đề Hình tuyên án:

 8 người được tha bổng;

 8 người bị tử hình;

 28 người bị khổ sai chung thân;

 87 người bị lưu đày không có kỳ hạn (trong số có chị Lê Thị Thành);

 20 người bị 20 năm khổ sai;

 7 người bị 15 năm khổ sai;

 1 người bị 5 năm tù treo;

 30 người bị 20 năm phát vãng;

 3 người bị 15 năm phát vãng;

 1 người bị cấm cố chung thân.

 Bản án gửi qua Ba Lê, 2 người được giảm xuống khổ sai chung thân. Còn lại 6 chiến sĩ bị y án tử hình là Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo tức Lý Giáo, Trần Nhật Đồng tức Cai Đồng, Nguyễn Văn Phúc (cựu binh), Lê Hữu Cảnh và Nguyễn Xuân Huân.

 Đến sớm ngày 23 tháng 6 năm 1931 (tức ngày mồng 8 tháng 5 năm Tân Tỵ), 4 liệt sĩ:

 TRẦN QUANG DIỆU

 VŨ VĂN GIÁO

 TRẦN NHẬT ĐỒNG

 NGUYỄN VĂN PHÚC

 Bị hành hình tại tỉnh lỵ Hải Dương. Tất cả 4 liệt sĩ, thực dân ra lệnh chôn chung vào một huyệt tại ngay phía sau đề lao tỉnh lỵ tỉnh Hải Dương gần xóm hàng Đồng. 

LÊ HỮU CẢNH, NGUYỄN XUÂN HUÂN LÊN MÁY CHÉM 

Bị kết án tử hình và y án, nhưng trú quán ở thành phố Hà Nội, nên sớm ngày 23 tháng 6 năm 1931, thực dân đã hành quyết LÊ HỮU CẢNH và NGUYỄN XUÂN HUÂN tại trước cổng ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội. 

HỘI ĐỒNG ĐỀ HÌNH TỈNH KIẾN AN 

 Sau phiên tòa xử vụ khởi nghĩa Phụ Dực, Vĩnh Bảo ở Hải Dương. Hội Đồng Đề Hình chuyển xuống tỉnh Kiến An, họp phiên xử công khai vào ngày 30 và 31 tháng Giêng năm 1931 do Poulet Osier ngồi ghế chánh án. Tất cả có 190 bị cáo, can vào 13 vụ khác nhau trong số có 75 đảng viên VNQDĐ bị buộc tội là âm mưu đánh phá đồn binh tỉnh Kiến An; số còn lại đều thuộc vào tổ chức ĐDCSĐ can vào các vụ rải truyền đơn, biểu tình, v.v… ở các khu hầm mỏ thuộc vùng duyên hải Bắc Việt.

Hội Đồng Đề Hình tuyên bố tha bổng 5 người; còn lại 185 người đều bị kết án khổ sai có thời hạn. (13)

Nguyễn Văn Lực được trắng án.

Chờ ngày phát lưu ra Côn Đảo, số phạm nhân 185 người đều được chuyển xuống tạm giam ở ngục thất Hải Phòng. Trong khi ấy Nguyễn Thế Long đã cùng 8 phạm nhân khác tổ chức vượt ngục, nhưng duy có Nguyễn Thế Long là trốn thoát.

 Bởi vụ vượt ngục ấy, Đốc Lý Hải Phòng đã ra lệnh cùm các phạm nhân. Các chiến sĩ VNQDĐ đã cùng nhau tranh đấu phản kháng kịch liệt với chính quyền thực dân, gây nên vụ xô xát đẫm máu. Để hiểu rõ vấn đề, xin độc giả đọc bản Thông cáo của phủ Thống sứ Bắc Việt, theo nguyên văn dưới đây:

 “Nhân vụ Nguyễn Thế Long là người bị Hội Đồng Đề Hình kết án 20 năm khổ sai, đã tổ chức vượt ngục vào đêm 21 tháng 9 năm 1931, nên quan Đốc Lý Hải Phòng ra lệnh cho trù liệu các phương sách đề phòng và bảo vệ những tù nhân tại khám.

 “Có 75 tù phạm VNQDĐ bị kết án nặng hiện đương bị giam tại khám Hải Phòng sắp giải đi Côn Đảo, không bằng lòng về các phương sách đó. Họ hăm dọa và toan đánh các viên chức coi ngục, bằng nhiều tấm ván và những đanh sắt tháo ở sàn ra. Các viên Sen Đầm đến dẹp, họ cũng bị đối phó như thế. Các viên chức liền đem vòi rồng tới xịt nước một hồi lâu, mà họ cũng vẫn không chịu phục tòng. Quan Đốc Lý bèn cho kêu gọi binh lính gác xung quanh trại giam đến, nhưng cũng bị họ đánh. Sau khi đã ra lệnh cảnh cáo, và bắn ít phát súng chỉ thiên, binh lính liền xông vào ngục để khôi phục trật tự. Số tù phạm VNQDĐ có 4 người chết và 8 người bị thương. Bên lính cũng bị thương mất mấy người. (14) 

TÒA ÁN ĐẠI HÌNH SÀI GÒN 

 Tháng 6 năm 1929, sở Mật Thám Nam Việt đã huy động một số đông thám tử giăng lưới khám nhà và bắt hết nhân viên Ban Chấp hành Chi bộ đặc biệt VNQDĐ miền Nam đem giam giữ tại khám lớn Sài Gòn.

Sau một thời gian cứu xét khá lâu, mãi đến ngày 15 tháng 7 năm 1930 mới đưa ra xử công khai trước Tòa án Đại hình Sài Gòn cùng với vụ án đường Barbier (tức đường Lý Trần Quán thuộc khu Tân Định hiện nay). Do Kỳ Bộ VNTNCMĐCH Nam Kỳ tổ chức giết 2 đồng chí của họ là Lê Văn Phát và cô Nhựt, can tội phản đảng.

Sáng ngày 18 tháng 7, Tòa tuyên án về vụ VNQDĐ tại miền Nam như sau:

– 3 người bị kết án 5 năm tù cấm cố lưu đày ra Côn Đảo: Trần Huy Liệu, Cao Hữu Tạo và Nguyễn Phương Thảo. (15)

– 6 người bị kết án tù từ 2 đến 4 năm, giam tại ngục thất tỉnh Hà Tiên: Nguyễn Hòa Hiệp, Nguyễn Hiền Lương, Phạm Hoài Xuân (16), Hà Thuận Hồng, Võ Công Tồn tức Hội đồng Tồn và Đỗ Xuân Viên.

 =============================

Chú Thích:

(1) Theo tài liệu của Tuần báo “Phụ Nữ Tân Văn” Sài Gòn.

(2) 26 án tử hình được giảm xuống khổ sai chung thân là các chiến sĩ: Nguyễn Văn Thân tức Ký Thân, Vũ Tích, Lê Văn Tư, Nguyễn Đình Hiên, Nguyễn Văn Ty, Nguyễn Văn Ông, Bùi Văn Dụ, Bùi Văn Tuyết, Cao Văn Chính, Mai Viết Chinh, Hoàng Văn Vọng, Nguyễn Văn Khôi tức Thanh Giang, Hà Cập, Nguyễn Văn Tinh, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Đắc Bằng, Nguyễn Văn Chu, Nguyễn Như Thông, Vũ Xuân Kiểm, Trần Đức Tài, Hoàng Công Tiễn, Nguyễn Văn Chinh, Nguyễn Đức Liên, Mai Duy Xứng, Nguyễn Văn Liên.

 (3) “Chết vì Tổ Quốc”

       “Lòng ta sung sướng!

       “Trí ta nhẹ nhàng…!

 (4) Dưới thời thực dân Pháp, người giật lưỡi dao chém mà thực dân gọi là phạm nhân, ấy là CAI CÔNG, là một giám thị trong ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội, phụ tá Cai Công là Cai Long cũng là một giám thị cùng một ngục thất.  Cứ chém xong một phạm nhân, Cai Công xách thủ cấp giơ lên cao để trình bày, như vậy là đã hành hình xong một phạm nhân. Cai Công được thưởng một món tiền nhất định, nhưng quên không rõ là bao nhiêu?

Những ngày bị giam ở ngục thất Hòa Lò về vụ ám sát Bazin, chúng tôi thường gặp mặt Cai Công, người thấp và mập, nhưng có một điều lạ, là mặt y lúc nào cũng đỏ rực, giống hệt như một con quỷ khát máu hiện hình.

Cứ mỗi năm vào ngày rằm tháng 7, ngày “xá tội vong linh”, y đều sắm lễ vật cúng những linh hồn mà y đã chém; nhưng vợ chồng y vẫn không tránh thoát được tai nạn “Hữu sinh vô dưỡng”.

Bị giam ở sà-lim, phía sau có gác bộ phận máy chém, cứ mỗi đêm khuya, mọi người đều nghe rõ có tiếng máy chém kêu “leng keng”, thì y như là cách ngày hôm sau, chiếc máy chém ấy được hạ xuống để đem chém người.  

 (5) Không rõ vì lý do nào mà Ngô Văn Du luôn mồm kêu là bị chết oan. Phó Đức Chính nói: “Đúng vậy, đầu tôi có thể thay thế cho 3 đầu mà đầu của anh Du là thừa.” 

 (6) Theo tài liệu của Louis Roubaud trong cuốn “Việt Nam Bi Thảm” nơi trang 154-161.

 (7) Xem bài văn tế của cụ Phan Sào Nam ở “Thiên Phụ”.

 (8) Giữa thời thực dân toàn thịnh ấy, giữa thời thực dân đại khủng bố phong trào cách mạng dân tộc ấy, đã có một công dân Việt Nam là ông Tạ Giao Hiền, hội đồng địa hạt làng Hòa Bình, thuộc tỉnh Bạc Liêu (Nam Việt), đã dám từ Nam ra Bắc tìm người hướng đạo đi viếng mộ Nguyễn Thái Học, nhưng không một ai dám lãnh nhiệm vụ ấy. Cuối cùng họ Tạ phải tìm đến làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nhờ vị thân mẫu Nguyễn Thái Học thân dẫn đến Yên Bái viếng mộ phần 17 vị anh hùng.

 Chúng tôi cũng ghi thêm ở đây rằng: ông Tạ Giao Hiền là người đã săn sóc thuốc men cùng góp phần lo liệu khi cụ Phan Tây Hồ tạ thế tại Sài Gòn. Và cũng là người đã kịch liệt đả kích nhóm lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu ra mắt tại nhà Hát Lớn, Sài Gòn.

 (9) Nguyễn Thị Lùn nguyên quán tại làng Chu Hóa, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bị HĐĐH kết án 20 năm cấm cố.

 (10) Ký giả Louis Roubaud viết trong cuốn “Việt Nam Bi Thảm” nơi trang 126 rằng: “Tại Phú Thọ, tôi đã được mắt thấy những người nhà quê không có chân trong đảng phái nào mà cũng nức lòng theo cách mạng. Vậy tại sao lại bảo cuộc cách mạng ấy là chỉ do một nhóm người trí thức bất mãn nổi lên!”

 (11) Sau 8 năm được ân xá, Nguyễn Bá Tâm trở về nguyên quán làng Cẩm Khê thuộc tỉnh Phú Thọ. Thấy Tri huyện Cẩm Khê là Phạm Gia Khánh là một tên tham quan ức hiếp dân lành một cách vô cùng tàn nhẫn. Tại bến đò Chí Chủ, Nguyễn Bá Tâm một tay bị cụt ghì chặt lấy cổ huyện Khánh, một tay rút dao đâm chết Phạm Gia Khánh tại chỗ. Nguyễn Bá Tâm bị thực dân đưa lên máy chém tại tỉnh Phú Thọ vào năm 1941.

 (12) Cai Khuê quán làng Quế Dương, tổng Dương Liễu, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.          

(13) Trong số có Vũ Văn Giản (tức Vũ Hồng Khanh sau này) bị kết án vắng mặt 20 năm khổ sai.

(14) Theo tài liệu của tạp chí Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn.

 (15) Nguyễn Phương Thảo sau đổi tên là Nguyễn Bình, nguyên quán ở làng Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (Bắc Việt). Phụ trách công tác liên lạc giữa Chi bộ VNQDĐ Sài Gòn với Tổng Bộ VNQDĐ Hà Nội.

 Năm 1945, Nguyễn Bình tham gia vào hàng ngũ Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Năm 1946, VM  trao trọng trách vào chỉ huy mặt trận kháng chiến Nam bộ. Uy danh của Nguyễn Bình rất lớn, vì được các đồng chí cũ giúp sức.

 Đã đến lúc không thể để một cựu đảng viên VNQDĐ như Nguyễn Bình được phép sống nữa, VM liền ra lệnh gọi ra Bắc lãnh công tác khác. Trên đường trở ra Hà Nội ngày 29.9.1951, một toán quân tuần tiễu đã được VM  báo trước phục kích bắn chết Nguyễn Bình trong một khu rừng già thuộc phần đất Cao Miên.

 (16) Phạm Hoài Xuân nguyên quán tại Phan Thiết, hiện nay vẫn hoạt động cách mạng trong hàng ngũ VNQDĐ tại Phan Thiết.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt