Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (22)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Khủng hoảng miền Trung bắt đầu – 1966 / Biện pháp quân sự”

Biện pháp quân sự

Ngày 14/4/1966, trung ương quyết định chuyển quân ra Đà Nẵng để giải quyết tình hình. Nói cho thật đúng là Thiếu Tướng Kỳ quyết định sử dụng biện pháp mạnh. Trung Tướng Thiệu không phản đối nhưng cũng không hẳn là đồng ý, Trung Tướng Viên vẫn như từ ngày đầu đến giờ là không tham gia quyết định nào cả vì ông cho rằng đây là vấn đề chính trị, vấn đề của chánh phủ mà ông chỉ thi hành lệnh thôi. Trước khi ra về, Trung Tướng Viên gọi tôi vào phòng:

Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi (mũ đỏ) Tư Lệnh Quân Đoàn I, chống lại Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ ở Trung Ương, tạo sự biến động.

“Sáng sớm mai tôi và bộ chỉ huy hành quân ra Đà Nẵng, chú lo mấy việc sau đây: Chuẩn bị giường xếp và lương thực 7 ngày cho 10 người ăn. Chú Có và vài chú trong toán an ninh theo tôi. Chú tìm ngay Trung Tá Mã Sanh Nhơn cùng đi với tôi. Trung Tá Nhơn sẽ là Thị Trưởng Đà Nẵng thay cho Bác Sĩ Mẫn đã theo phía chống đối. Chú liên lạc với văn phòng Thiếu Tướng Kỳ để biết giờ phi cơ Caravelle cất cánh. Chú lo ngay cho kịp”.          

Giao công tác lo giường xếp với lãnh lương khô cho Đại úy Có xong, tôi liên lạc với chánh văn phòng của Thủ Tướng Kỳ được biết, bộ chỉ huy hành quân sẽ đi bằng phi cơ Caravelle của Hàng Không Việt Nam và cất cánh lúc 3 giờ sáng trước phòng VIP. Điều tôi lo nhất là không biết có tìm được Trung Tá Mã Sanh Nhơn hay không vì gần đây tôi ít có dịp liên lạc với anh, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được. Khi ra sân bay, tôi thấy có một cô gái người Huế cùng đi với Trung Tá Nhơn, và theo lời Trung Tá Nhơn thì cô này có khả năng giúp anh thuyết phục thanh niên học sinh Đà Nẵng.

Trong cuộc chuyển quân này, Không Quân Hoa Kỳ dứt khoát không cho mượn phi cơ vận tải hạng nặng C130 để chở chiến xa, họ nêu lý do phương tiện chiến đấu chỉ sử dụng trong chiến tranh chớ không can dự vào cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ, nhất là đàn áp đồng bào. Họ nói rất đúng, nhưng liệu lý do đó còn có mặt trái của nó hay không? Hãy chờ.

Tại phi trường, tôi được biết Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong, Trưởng Phòng 3/Tổng Tham Mưu, đã điều động Thủy Quân Lục Chiến và Nhẩy Dù vào cuộc hành quân này. Ngoài Thủ Tướng Kỳ, Trung Tướng Viên, còn có Thiếu Tướng Lê Nguyên Khang, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến và Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhẩy Dù.

Từ căn cứ Không Quân Đà Nẵng, Đại Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, điện thoại về tôi:

“Trung Tướng và bộ chỉ huy đã đến nơi và trú đóng trong căn cứ Không Quân. Theo tin tức thì ngoài đường phố đầy nghẹt bàn thờ và người của phía chống đối khi họ biết lực lượng tổng trừ bị ra đây giải quyết tình hình. Có vẻ rắc rối lắm. Trung Tướng Có (tại bộ tư lệnh Quân Đoàn I) tức giận về việc Nhẩy Dù với Thủy Quân Lục Chiến có mặt ngoài này đó anh. Có gì lạ tôi sẽ gọi về anh”.

Phật tử xuống đường trong Biến Động Miền Trung (4/1966)

Vậy là “không khí chiến tranh” giữa trung ương với địa phương rất sẵn sàng xảy ra, nếu như phía trung ương có một hành động nào đó mà phía chống đối cho là khiêu khích. Trong ngày đầu tiên, lực lượng trung ương án binh bất động, phía chống đối củng cố công tác bố trí lực lượng trên đường phố trong tư thế “nghênh chiến”. Cái đau ở chỗ “cả hai phía đều là phe ta cả!” 

Trung Tướng Có điện thoại về phòng Tổng Tham Mưu Trưởng nói chuyện với Trung Tướng Thiệu:

“Tại sao trong khi tôi đang dàn xếp với bên kia thì anh lại đưa quân ra thế này? Bây giờ không còn cách nào nói chuyện với họ được vì họ không tin tôi nữa!

“Ông Kỳ đó”.

“Anh cho rút về ngay đi. Nếu không thì tình hình sẽ nguy hiểm lắm”.

“Được. Tôi sẽ cho lệnh rút về”.

Trung Tướng Thiệu ngồi tại bàn viết của Trung Tướng Viên, tự ông viết công điện ra lệnh chuyển lực lượng tổng trừ bị về Sài Gòn và ký ngay trên bản thảo đó. Ông gọi tôi:

“Chú đánh máy xong, trình Trung Tướng Viên ký và gởi đi ngay cho tôi. Xong, trình lại tôi”.

“Vâng, tôi làm ngay thưa Trung Tướng”.

Ngay đêm hôm đó (15/4/1966), Thủ Tướng Kỳ và Trung Tướng Viên về lại Sài Gòn, giao cho Chuẩn Tướng Trần Thanh Phong chỉ huy. Lệnh này gây rắc rối, vì Chuẩn Tướng Phong kém cấp bậc và kém thâm niên, nên Thiếu Tướng Khang và Chuẩn Tướng Đống cũng trở về Sài Gòn và trao quyền chỉ huy cho hai vị Tư Lệnh Phó của hai ông.

Tôi thuật lại cuộc nói chuyện giữa Trung Tướng Thiệu với Trung Tướng Có, đồng thời trình công điện “hỏa tốc” (có nghĩa là phải gởi ngay) cho Trung Tướng Viên mà tôi đã đánh máy xong. Ông không nhìn vào mà nói:

“Chú để trên bàn cho tôi”.

Sáng hôm sau, Trung Tướng Thiệu đến sớm trong khi Trung Tướng Viên chưa đến, khi đi ngang bàn tôi ông ra hiệu tôi theo ông vào phòng:    

“Chú làm xong chưa?  

“Thưa Trung Tướng, xong rồi, nhưng Trung Tướng Viên chưa ký”.  

“Tại sao?

“Tôi không rõ, thưa Trung Tướng”.-

“Khi Trung Tướng Viên tới là chú trình ngay cho tôi”.

“Vâng”.

Trung Tướng Viên đến, và sau khi ông điện thoại với Thiếu Tướng Kỳ, tôi không rõ là Thiếu Tướng Kỳ nói gì mà Trung Tướng Viên duyệt ký công điện đó.

Lực lượng rút về xong thì Trung Tướng Có cũng được phía chống đối cho “tự do” sang căn cứ Không Quân về Sài Gòn. Trung Tướng Chiểu từ Huế cũng vậy.

Trung Tướng Tôn Thất Đính, một trong năm vị Tướng bị ba vị trong nhóm lãnh đạo “Chỉnh lý ngày 30/1/1964” quản thúc tại Đà Nẵng rồi chuyển lên quản thúc ở Đà Lạt, 3 tháng sau đó được tự do nhưng không được giữ các chức vụ có quân có quyền. Trường hợp như vậy báo chí thường gọi là “Tướng không quân”. Trung Tướng Đính ngỏ ý với bà Cao Văn Viên mà ông tin chắc là đến tai Trung Tướng Viên, và rồi Trung Tướng Thiệu với Thiếu Tướng Kỳ cũng biết. Theo đó, Trung Tướng Đính bắn tiếng rằng: “Nếu được tín nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I, ông có khả năng giải quyết được tình hình một cách êm dịu”. Bà Viên nói cho tôi nghe như vậy.

Và chắc là nghe xuôi tai, với lại trong khi chưa chọn được vị nào khác, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp, quyết định cử Trung Tướng Tôn Thất Đính vào chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I thay Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, và tôi được lệnh lo phi cơ đưa ông và các sĩ quan tháp tùng ra Đà Nẵng. Ngày hôm sau, một mẫu tin trên nhiều nhật báo tại thủ đô Sài Gòn có nội dung vắn tắt như thế này:

“Trước khi lên phi cơ, Trung Tướng Đính tuyên bố là cọp về rừng”.     

Đúng là “cọp lại về rừng”, vì sau khi Trung Tướng Đính nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I thì ông tuyên bố tại Đà Nẵng cũng như sau đó tại

Phật tử đem bàn thờ ra đường trong vụ Biến Động Miền Trung

Huế, là ông chờ ngày này đã lâu lắm rồi. Đồng thời ông nói thẳng ra rằng ông đứng về phía lực lượng chống đối trung ương. Thế là không khí đấu tranh trong hàng ngũ chống đối chánh phủ càng thêm hăng hái, vì có thêm một Tướng lãnh vừa từ trung ương ra là chống lại trung ương ngay. 

Lúc này hầu hết vũ khí dự trữ trong các kho Tiếp Vận tại Huế và Đà Nẵng, đều bị phía chống đối lấy trang bị cho lực lượng của họ. Tư Lệnh lực lượng chống đối tại Huế là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận. Tại Đà Nẵng, phía chống đối tổ chức một Quân Đoàn lấy tên là “Quân Đoàn Trần Hưng Đạo” do Đại Tá Đàm Quang Yêu giữ chức Tư lệnh. Có một số Cảnh Sát và quân nhân Phật tử tham gia. Nói là Quân Đoàn nhưng thật ra chỉ là một số quân nhân và cảnh sát Phật tử tập hợp lại thôi, chớ có tổ chức Sư Đoàn Trung Đoàn gì đâu. Còn Đại Tá Đàm Quang Yêu, đang là Chỉ Huy Trưởng Đặc Khu Quảng Đà (tức Quảng Nam Đà Nẵng), được phía chống đối đưa ông vào chức Tư Lệnh Quân Đoàn Trần hưng Đạo.

Theo đề nghị của Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, Cục Trưởng Cục An Ninh Quân Đội, đang có mặt tại Đà Nẵng, Trung Tướng Viên bảo tôi liên lạc với Cục Quân Cụ (quản trị các loại dụng cụ chiến tranh) đưa lên căn cứ Không Quân 500 khẩu súng trường loại MAS 36 (do Pháp sản xuất từ đệ nhị thế chiến) mà Cục không cần biết lý do. Không Quân chuyển số súng này ra Đà Nẵng và dùng trực thăng đưa đến hai Quận phía bắc thành phố Huế, trang bị cho các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng tình nguyện sẽ chống cộng sản và chống cả lực lượng đang chống đối trung ương. 

Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp, đã lần lượt thất bại trong việc chọn người giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn I sau khi cách chức Trung Tướng Thi, ngay việc hai vị Tướng lãnh từ trung ương ra Huế và Đà Nẵng tìm hiểu và giải quyết tình hình tại chỗ, cũng đều thất bại. Từ những thất bại đó, những va chạm qua lại đã xảy ra là điều không tránh khỏi, và trong nội bộ đã hình thành hai nhóm:

Nhóm thứ nhất gồm: Trung Tướng Thiệu, Trung Tướng Có, và Trung Tướng Đặng văn Quang, Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

Và nhóm thứ hai gồm: Thiếu Tướng Kỳ, Trung Tướng Viên, Thiếu Tướng Khang, và Chuẩn Tướng Đống.

Sở dĩ tôi dùng chữ “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp” vì những quyết định đều do những vị trong số 4 vị trên đây đưa ra chớ không phải đầy đủ trong thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia 11 người. Trình bày như vậy, tôi có ý lách phần trách nhiệm của 7 vị còn lại trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia không có mặt trong những quyết định liên quan trực tiếp đến tình hình xáo trộn gần hai tháng qua. Với lại chữ “thu hẹp” mà tôi dùng ở đây cũng không hoàn toàn đúng nghĩa nữa, mà phải gọi là “thu hẹp của thu hẹp”’. 

Trong khi đó, các vị lãnh đạo phía chống đối chuyển mục tiêu đấu tranh sang đòi xây dựng một chế độ dân cử. Mục tiêu của phía chống đối, bước đầu là phục chức cho Trung Tướng Thi, khi Trung Tướng Thi về lại Đà Nẵng thì chuyển sang bước thứ hai là đấu tranh đòi Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và Trung Tướng Có từ chức, và bây giờ là bước thứ ba hoàn toàn về chính trị.

Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, rõ ràng là từ lúc khởi đầu đến bây giờ đều trong thế bị động, tuy đã có nhiều cố gắng để tái lập ổn định tình hình nhưng tất cả đều không thành công. Từ đó dẫn đến rạn nứt trong nội bộ thành hai nhóm, và nếu tình trạng này không sớm chấm dứt thì rồi đây đất nước sẽ như thế nào? Danh dự và trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc, quí vị quên rồi sao? Lẽ nào lại thế!  

Dù thế nào đi nữa thì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, cũng phải tìm một vị Tướng khác ra thay Trung Tướng Đính, và vị đó là Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao. Thiếu Tướng Cao từ sau cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, chỉ giữ những chức vụ không có quân trong tay và những chức vụ cũng chẳng có gì quan trọng theo đúng nghĩa của nó. Các vị chọn Thiếu Tướng Cao cũng là điều khó hiểu, vì Thiếu Tướng Cao là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, ông rất được tín cẩn. Bây giờ được cử vào chức vụ có trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng với Phật Giáo, thì liệu mức độ thành công có được bao nhiêu! Lại thêm một chọn lựa liều lỉnh nữa chăng?

Khi Thiếu Tướng Cao từ phòng Trung Tướng Viên bước ra, chẳng những ông không có được nụ cười như lệ thường mà trái lại nét mặt của ông chứng tỏ rằng ông rất lo âu về chức vụ mà Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia vừa giao cho ông. Nếu nhận xét cho thật đúng thì Thiếu Tướng Cao sợ hãi!

Đây là lần thứ tư tôi được lệnh lo phi cơ đưa vị Tướng ra Đà Nẵng nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I trong một tình hình rối ren nội bộ.

Chỉ vài ngày sau khi Thiếu Tướng Cao có mặt tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, sau giờ làm việc chiều trở về, điện thoại nhà tôi reo:

“Trung Tá Hoa tôi nghe”.   

“Chú liên lạc tìm sĩ quan tùy viên của Thống Tướng Westmoreland hỏi xem giờ nào phi cơ cất cánh và bãi đậu ở đâu?

“Thưa Trung Tướng, tôi chưa rõ việc này, xin Trung Tướng cho lệnh rõ hơn”.

“Tôi cần đi Đà Nẵng ngay bây giờ. Ông Westmoreland cho tôi mượn chiếc phi cơ U 21 của ổng. Chú hỏi rồi cho tôi biết ngay”.

Thống Tướng William C. Westmoreland, đang là Tư lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam. U 21 là chiếc phi cơ phản lực, dường như 8 chỗ ngồi mà Không Lực Hoa Kỳ dành riêng cho ông. Mọi thu xếp xong xuôi, và phi cơ cất cánh lúc 8 giờ tối tại bãi đậu của Không Quân Hoa Kỳ, và trên phi cơ chỉ một hành khách duy nhất là Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng. Trung Tướng Viên 3 ngôi sao, Thống Tướng Westmoreland 4 ngôi sao, phối hợp nhau trong mọi vấn đề rất chặt chẻ. Mỗi tuần vào đầu giờ làm việc chiều thứ hai đều họp cấp cao tại văn phòng Trung Tướng Viên, giải quyết những vấn đề vượt quá trách nhiệm của hai bộ tham mưu, hoặc vì hai bộ tham mưu không đồng quan điểm nên chưa giải quyết được. Ngoài ra, Thống Tướng Westmoreland còn cử một Đại Tá (lúc đó là Đại Tá Freund, ông này thường nói tiếng Pháp), làm sĩ quan liên lạc của ông và có văn phòng tại Bộ Tổng Tham Mưu (ở tầng trệt tòa nhà chánh).  

Trước khi lên phi cơ, Trung Tướng Viên dặn tôi:

“Chú chờ tôi ở đây và rất có thể là tôi về khuya lắm”.

Tôi muốn biết chuyện gì xảy ra, nên điện thoại hỏi bà Viên vì tôi tin là bà biết. Và đúng như vậy, bà Viên cho biết:

“Thiếu Tướng Cao nói ổng bị ông Loan (Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan) cho người mưu sát ổng ngay tại văn phòng, nên ổng đã bỏ Quân Đoàn chạy sang tị nạn bên Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đệ Tam Thủy Bộ Hoa Kỳ. Trung Tướng ra đó giải quyết ngay trong đêm”.

Thích Trí Quang, đóng vai then chốt trong Biến Động Miền Trung

Bỗng dưng tôi có dịp quan sát căn cứ Không Quân về đêm. Dưới ánh sáng như ban ngày do hệ thống đèn pha cực mạnh, những bộ phận chuyên viên bảo trì phi cơ và chuẩn bị bom đạn với hỏa tiễn để phi cơ sẵn sàng cất cánh lên đường ra trận. Những toán quân nhân làm đêm, không phân biệt Việt Nam hay Hoa Kỳ, đều hoạt động liên tục. Cứ độ nửa tiếng đồng hồ là chiếc xe bán thức ăn nước uống của Hoa Kỳ đến để bán cho các quân nhân Việt Mỹ. Làm việc ban đêm là một nhiệm vụ cấp trên giao phó, nhưng nhìn vào cung cách và thái độ của những quân nhân chuyên viên đó, tôi nhận thấy tấm lòng của họ, tấm lòng của “Người Lính Không Quân” đối với “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm”. Xứng đáng biết bao hỡi những chiến sĩ Không Quân âm thầm trong đêm tối.

Trung Tướng Viên về đến lúc 3 giờ sáng. Trước khi lên xe, ông đưa tôi cái thơ không niêm, và nói:

“Tôi về nhà luôn. Chú ghé đưa thư này cho bà Cao và nói rằng, Thiếu Tướng Cao nhờ trao tận tay. Ngoài ra ông Cao không có dặn gì thêm”.

Nhà Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng tôi không ghé ngay mà tôi vào luôn văn phòng. Tôi muốn biết tình hình xảy ra như thế nào và tôi nghĩ là thư của Thiếu Tướng Cao có thể có những thông tin liên quan đến. Thế là tôi sao chụp một bản trước khi ghé nhà Thiếu Tướng Cao trao cho bà ấy. Sỡ dĩ tôi hành động như vậy là vì từ cái đêm Tổng Thống Diệm ra lệnh thiết quân luật 20/8/1963 để lùng bắt Thượng Tọa Thích Trí Quang cho đến nay, tôi ghi chép những sự kiện xảy ra, và đồng thời sao chụp các bản tài liệu kèm theo bản văn ghi chép theo câu “nói có sách mách có chứng”, để sau này cung cấp cho những sử gia hoặc giả tôi sẽ đăng báo hoặc viết thành sách. Một phần những bản văn ghi chép cùng những bản sao chụp có được, tôi đã thiêu hủy trước khi vào tù tháng 6/1975, chỉ còn lại “tài sản” lưu giữ trong ký ức và một bao đựng những trang giấy viết tay do quân cộng sản lục soát khám xét và xé bỏ tung tóe trước khi bọn họ rời khỏi nhà tôi.

Năm 1986, tôi thuật lại cho các bạn trong phòng giam số 1 trại tù Nam Hà nghe trong 9 đêm liền. Thuật lại như vậy, tôi nghĩ, sự lưu giữ trong ký ức sẽ được dài lâu vì phát ra cũng có nghĩa là thu lại, và mặt khác, trong số các bạn trong phòng giam có những bạn chứng kiến tận mắt hoặc đã tham gia một số sự kiện tại địa phương trong thời ấy như Đại Tá Đàm Quang Yêu chẳng hạn, xác nhận những gì tôi thuật. Có lẽ nhờ vậy mà những gì “tồn trữ trong ký ức” của tôi đã giúp tôi hoàn thành quyển “Đôi Dòng Ghi Nhớ”, góp mặt trong hằng loạt sách hồi ký xuất bản tại hải ngoại.

Trở lại thư của Thiếu Tướng Cao. Tôi biết hành động như vậy là không đúng, nhưng tôi muốn có dữ kiện ghi chép chính xác. Tôi không biện minh cho việc tôi làm, nhưng rõ ràng là tôi không hề có ý định gì ngoài điều tôi vừa trình bày. Thư ông chưa đầy trang giấy, chỉ vắn tắt rằng : 

“….. Vì có người ám hại nên ông phải ra ngoại quốc tìm kế mưu sinh và sẽ gởi tiền về giúp đỡ gia đình. Cuối cùng, ông cầu xin Đức Mẹ che chở cho vợ con ông”.

Ngày hôm sau, tôi được bà Viên cho biết thêm như thế này:

“Nhận chức xong, Thiếu Tướng Cao duyệt lại tình hình từng nơi, đặc biệt là ông chú trọng đến Đà Nẵng và Huế. Ông thấy cần ra Huế để nắm vững tình hình tại đây về lực lượng dưới quyền ông cũng như lực lượng của phía chống đối. Thiếu Tướng Cao đến Huế bằng trực thăng của Hoa Kỳ, khi chuẩn bị đáp thì từ đám đông phía dưới có người bắn lên và xạ thủ trên trực thăng đã bắn chết người đó. Ông quay về Đà Nẵng. Rồi ngay trong phòng làm việc của ông tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, bất ngờ ông phát hiện kịp thời một sĩ quan của ông Loan (Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan) dí súng vào đầu ông từ phía sau, nhưng đúng lúc có một sĩ quan Hoa Kỳ bước vào nên hắn không hành động được. Ông Cao quá tức giận và nói cho ông Loan biết là ông sẽ rời bỏ Quân Đoàn. Ông Loan quì xuống ôm chân Thiếu Tướng Cao và nói trong vội vàng: Thiếu Tướng hiểu lầm rồi, không có chuyện mưu sát gì đâu. Tôi lạy Thiếu Tướng, xin Thiếu Tướng đừng bỏ Quân Đoàn. Ngay sau đó, ông Cao sang Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đệ Tam Thủy Bộ Hoa Kỳ xin Tướng Waltz -Tư Lệnh- giúp cho ông sang Hoa Kỳ tị nạn chính trị. Thiếu Tướng Cao viết thư đó tại văn phòng Tướng Waltz”.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc chương tiếp]

 


Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt