Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (20)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “sự khủng hoảng giữ tướng lãnh vùng I Nguyễn Chánh Thi và các tướng Trung Ương…..”

Đầu tháng 3 năm 1966, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ -Thủ Tướng- và Trung Tướng Cao Văn Viên -Tổng Tham Mưu Trưởng- ra Đà Nẵng duyệt lại tình hình Quân Đoàn I. Sau chuyến đi, bà Viên nói với tôi đại ý rằng: 

“Nói là duyệt lại tình hình chớ thật ra là tìm cách giải quyết những bất đồng giữa Thiếu Tướng Kỳ với Trung Tướng Thi về một số vấn đề, nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết được gì hết. Trước khi lên phi cơ rời Đà Nẵng trở về Sài Gòn, Trung Tướng Thi đến bắt tay rồi vòng tay ôm Trung Tướng Viên, mà không hề nói gì với Thiếu Tướng Kỳ, làm như chỉ có Trung Tướng Viên trong chuyến đi này. Thiếu Tướng Kỳ là người dễ nóng giận, nhưng lúc bấy giờ ông im lặng, đứng nhìn, xem như không nghe không thấy Trung Tướng Thi”.

Một số vấn đề mà bà Viên nói đến, báo chí tại Sài Gòn cũng đã nói đến, và trong một chừng mực nào đó, được xem là Trung Tướng Thi chống đối Chánh Phủ. 

Với thái độ im lặng của Thiếu Tướng Kỳ tại phi trường Đà Nẵng, không có nghĩa là ông chịu thua Trung Tướng Thi đâu! Và đây là hành động thể hiện thái độ đó của Thiếu Tướng Kỳ. . . 

Cách chức Trung Tướng Thi.

Ngày 08/03/1966, buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia gồm Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Trung Tướng Cao Văn Viên, và Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi. Buổi họp có mục đích giải quyết trực tiếp vụ Trung Tướng Thi đã nhiều lần tỏ ra chống lại lệnh của trung ương.

Tôi nói thu hẹp, vì Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đầy đủ gồm 11 vị, nhưng buổi họp hôm nay chỉ có 4 vị thuộc trung ương nhưng lại không có vị Tổng Thư Ký, mà lại có vị Tư Lệnh Quân Đoàn I kiêm Đại Biểu Chánh Phủ Miền Trung. Có thể nói đây là buổi họp thu hẹp đặc biệt.

Địa điểm họp là văn phòng cũ dành cho vị Tổng Tham Mưu Trưởng, hiện đang trống. Trung Tướng Viên dặn tôi trước khi ông vào phòng họp:  

“Đây là họp tối mật, chỉ khi nào cần thì tôi gọi chú. Bất cứ ai khác đều không được vào”. 

“Vâng, tôi hiểu”.

Đúng là tôi hiểu mục đích của buổi họp, vì chiều hôm qua, Trung Tướng Viên có nói với tôi tuy là không nói rõ. Đến 1 giờ trưa, Trung Tướng Viên bước ra với nét mặt đầy ưu tư:

“Chú lo ăn trưa ngay và mang vào ăn tại chỗ”.

“Sớm lắm cũng phải 40 phút, vì phải xuống nhà hàng Thanh Thế thưa Trung Tướng”.

“Thì xong lúc nào mang vào lúc ấy”.

“Vâng”.

Tôi nhờ Đại Úy Có xuống nhà hàng Thanh Thế (gần chợ Sài Gòn) mua ngay 15 phần ăn trưa đựng trong hộp, chỉ có vậy mới nhanh thôi. Tuy có 5 vị họp nhưng tôi phải mua 15 phần, vì mỗi vị Tướng đều có sĩ quan tùy viên và cận vệ đi theo.

Khi mang thức ăn vào, tôi trông thấy không một vị nào có nét mặt cũng như dáng vẻ bình thường hay vui tươi như những buổi họp quan trọng trước đó, điều này cho phép tôi suy đoán là vấn đề cần giải quyết, chẳng những chưa đạt được mà trái lại có thể càng trở nên rắc rối hơn.

Từ lúc bắt đầu họp cho đến lúc chấm dứt khi trời tối hẳn, không một vị nào bước ra ngoài, ngoại trừ trường hợp Trung Tướng Viên bảo tôi lo ăn trưa. Với nét mặt đăm chiêu qua những nếp nhăn trên vầng trán của các vị, tôi đoán là cả ngày họp chẳng đạt được kết quả nào. Riêng Trung Tướng Thi có vẻ như tức giận thì phải.

Trước khi ra về, Trung Tướng Viên hỏi tôi về công tác chuẩn bị cho ông thăm Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Quảng Ngãi và Sư Đoàn 23 Bộ Binh tại Ban Mê Thuột vào ngày mai 9  tháng 3 năm 1966.

“Thưa Trung Tướng, mọi việc tôi đã chuẩn bị xong”.

Chuyện thế này. Buổi sáng, ngay khi đến văn phòng, ông gọi tôi:

“Ngày mai, chú tổ chức cho tôi ra Quảng Ngãi gắn huy chương cho Sư Đoàn 2. Sau đó lên Ban Mê Thuột gắn huy chương cho Sư Đoàn 23. Cơm trưa tại đây. Lúc 1 giờ trưa, rời Ban Mê Thuột về Sài Gòn. Có gì trở ngại chú trình tôi ngay”.               

“Có cần sĩ quan Tổng Quản Trị tháp tùng không, thưa Trung Tướng?

“Không cần. Chú giao cho chú Có là được”.

Chương trình của Trung Tướng Viên, tôi đã liên lạc với Không Quân cung cấp phi cơ, cất cánh lúc 7 giờ sáng tại bãi đậu VIP, theo không trình Sài Gòn-Quảng Ngãi-Ban Mê Thuột-Sài Gòn. Cũng đã thu xếp chương trình với Sư Đoàn 2 và Sư Đoàn 23 Bộ Binh xong lúc sáng. Bây giờ chỉ cần xác nhận giờ là xong. Tôi điện thoại ra Quảng Ngãi xin tiếp chuyện với Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm:

“Tôi Phạm Bá Hoa, thưa Chuẩn Tướng. Ngày mai, Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng sẽ đến phi trường Quảng Ngãi khoảng 8 giờ 45. Không có sĩ quan cao cấp nào tháp tùng. Sau khi dự thuyết trình tại bộ tham Sư Đoàn và trao gắn huy chương xong, Trung Tướng sẽ rời Quảng Ngãi lên Ban Mê Thuột chớ không dùng cơm trưa theo ý kiến của Chuẩn Tướng. Xin được xác nhận điều này với Chuẩn Tướng”.   

“Anh trình với Trung Tướng, Sư Đoàn có tiệc trà sau khi gắn huy chương, nếu vậy tôi sẽ mời Trung Tướng dùng tiệc trà trong khi thuyết trình. Nếu có gì khác, anh cho ông Tham Mưu Trưởng của tôi biết hỉ”.  

“Nếu tôi không điện thoại lại có nghĩa là Trung Tướng đồng ý, thưa Chuẩn Tướng”.

Tôi điện thoại lên Ban Mê Thuột gặp ngay Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh,  Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh:

“Thưa Chuẩn Tướng, xin xác nhận về chương trình ngày mai. Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng sẽ từ Quảng Ngãi đến Ban Mê Thuột khoảng 11 giờ. Giờ chính xác tôi sẽ xác nhận kịp thời. Sau lễ gắn huy chương và dùng cơm trưa tại Sư Đoàn, Trung Tướng sẽ rời Ban Mê Thuột lúc 1 giờ để về Sài Gòn kịp buổi họp với MACV, thưa Chuẩn Tướng”. (MACV, dịch sang Việt ngữ là Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa).

 “Nếu có gì khác, anh gọi tôi ngay nghe anh Hoa. Này, có bao nhiêu sĩ quan tháp tùng với Trung Tướng?

 “Dạ không có vị nào cả, ngoài sĩ quan tùy viên của Trung Tướng, thưa Chuẩn Tướng”.

 Sau khi công tác chuẩn bị chuyến đi ngày mai của Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng được xác nhận với các nơi liên hệ, tôi ra về. Lúc ấy chẳng còn ai trong tòa nhà chánh ngoài sĩ quan trực và nhân viên an ninh. Vừa về đến nhà thì chuông điện thoại reo:

“Trung Tá Hoa tôi nghe”.

 “Chú liên lạc tìm Trung Tướng Thi (Nguyễn Chánh Thi) và mời ông ấy ngày mai cùng đi chung phi cơ với tôi ra Quảng Ngãi, còn phi cơ của Trung Tướng Thi chờ tại Quảng Ngãi để đón ông Thi ra Đà Nẵng sau khi lễ xong. Phi cơ cất cánh tại Sài Gòn lúc 6 giờ sáng chớ không phải 7 giờ. Chú rõ chưa? 

“Thưa Trung Tướng, tôi nghe rõ”.

Tôi liên lạc và chuyển được lời mời của Trung Tướng Viên đến Trung Tướng Thi đang có mặt tại nhà ông ở đường Gia Long, và được Trung Tướng Thi chấp nhận dễ dàng. Tiếp đến là  liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Quân xác nhận lại giờ cất cánh và không trình chuyến bay. Lại phải cấp tốc liên lạc xác nhận với Chuẩn Tướng Lãm (Quảng Ngãi) và Chuẩn Tướng Cảnh (Ban Mê Thuột).

 Lúc 5 giờ sáng ngày 9/3/1966, điện thoại reo vang:

“Trung Tá Hoa tôi nghe”.

“Chú tìm xem Trung Tướng Có ở đâu và cho tôi biết ngay”.

“Vâng”.

Đó là lệnh của Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng. Tôi điện thoại đến tư dinh Trung Tướng Có trong cư xá Bộ Tổng Tham Mưu, nghe tiếng phụ nữ:

“Chào bà. Tôi là Trung Tá Hoa. Xin bà vui lòng cho tôi tiếp chuyện với Trung Tướng”.

“Nhà tôi lên xe đi rồi anh Hoa”.

“Dạ, cám ơn bà”.

Tôi điện thoại đến toán gác cổng số 1 Bộ Tổng Tham Mưu, được biết xe của Trung Tướng Có đã ra cổng và quẹo lên hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi gọi lên phòng VIP trong phi trường:

“Tôi, Trung Tá Hoa. Xin lỗi có Trung Tướng Tổng Trưởng Quốc Phòng ở đó không à?

“Tôi đây anh Hoa. Có việc gì không? 

 “Dạ, Trung Tướng Viên bảo tôi tìm biết Trung Tướng ở đâu thì trình lại Trung Tướng Viên chớ không có gì, thưa Trung Tướng”.

Sau đó tôi trình Trung Tướng Viên. Và ông ra lệnh:

“Chú vào văn phòng ngay, báo cho các nơi hủy bỏ chuyến đi của tôi ra Quảng Ngãi với Ban Mê Thuột. Yêu cầu hai vị Tư Lệnh trao gắn huy chương cho các quân nhân trực thuộc, vì tôi bận vào giờ chót”.

“Vâng. Chào Trung Tướng”.

Trời hãy còn tối. Sĩ quan trực cũng như các nhân viên an ninh tòa nhà chánh, trong mấy năm gần đây đã quen với những trường hợp đèn đuốc sáng choang trong văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng, nên không ai tò mò lên văn phòng tôi. Tôi gọi Đại Úy Có và chính anh gọi các nhân viên trực thuộc vào văn phòng làm việc. Sau khi liên lạc xong với Bộ Chỉ Huy Không Chiến, với Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm và Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh xác nhận lệnh của Trung Tướng Viên, nghe tiếng xe bên dưới tôi đến cửa sổ  nhìn xuống lầu thấy xe Trung Tướng Viên vừa ngừng ở thềm tầng trệt. Trung Tướng Viên vào một lúc thì xe của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, rồi xe của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đến. Cả hai vị, một cách im lặng, lần lượt vào phòng Trung Tướng Viên. Rồi Trung Tướng Viên vào phòng tôi ra lệnh có vẻ vội vàng:

 “Chú xuống lầu đón Trung Tướng Có và Trung Tướng Thi, hướng dẫn vào phòng họp hôm qua. Chỉ một mình Trung Tướng Thi vào đó thôi, sĩ quan tùy viên và cận vệ của Trung Tướng Thi ngồi ở phòng chú và chú trách nhiệm”.    

Tôi xuống lầu. Trời vẫn chưa sáng. Xe Trung Tướng Nguyễn Hữu Có dừng trên thềm tầng trệt, trong khi sĩ quan tùy viên chưa mở cửa xe thì toán cận vệ của Trung Tướng Có từ xe Jeep phía sau nhảy xuống, súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng sử dụng. Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi xuống xe, toán cận vệ kèm hai bên, và sau lưng Trung Tướng Thi một khoảng ngắn là Trung Tướng Có. 

Đến đây thì tôi hiểu việc gì đang xảy ra. Trung Tướng Có bảo tôi đi trước, như là dẫn đường lên phòng họp hôm qua. Ông nói khẽ:

“Vào xong, anh khóa cửa lại và cho Quân Cảnh gác cẩn thận”.  

“Vâng”.

Tôi nói riêng với Đại Úy Có:

“Anh thay tôi trách nhiệm canh giữ anh tùy viên với cận vệ của Trung Tướng Thi nghe. Lệnh của Trung Tướng đó. Tốt hơn hết là mình “ngăn cản khéo” không cho các anh ấy đi đâu hết, ngoại trừ vào phòng vệ sinh thì bảo Quân Cảnh theo giữ”.

Đại Úy Có hơi ngập ngừng một chút vì chưa biết nguyên nhân nhưng anh không hỏi, vì chúng tôi đã qui ước với nhau rằng, nếu một bên không nói thì bên kia không hỏi và hiểu rằng đó là lệnh mật.

Vẫn chưa đến giờ làm việc. Trung Tướng Thiệu, Thiếu Tướng Kỳ, và Trung Tướng Viên, cùng vào phòng họp, mà trong đó đã có Trung Tướng Thi, cũng là Đại Biểu Chánh Phủ tại Miền Trung.

Khoảng 1 tiếng đồng hồ sau đó, tôi vào trình Trung Tướng Viên về vấn đề ăn sáng. Đây là tôi cố tình vào và sự cố tình này cũng có lý của nó, vì lúc ấy gần 9 giờ (sáng) mà các vị chưa ăn sáng. Trước đây, thỉnh thoảng có những buổi họp đặc biệt trước giờ điểm tâm, các vị thường gọi tôi vào lo các phần ăn sáng. Tôi nghe các vị nói chen kẻ và qua đó tôi hiểu phần nào mục đích của các vị thuộc trung ương, nhằm thuyết phục Trung Tướng Thi chấp nhận giải pháp sang Hoa Kỳ chữa bệnh một thời gian, nhưng Trung Tướng Thi không đồng ý. Âm thanh của Trung Tướng Thi rất rõ ràng và không kém phần mạnh mẽ, cho phép suy đoán là ông không dễ dàng chịu áp lực của bốn vị Tướng đứng đầu chánh phủ và quân đội. 

Trong khi các vị ăn trưa ngay trong phòng họp, tất cả các sĩ quan tùy viên và cận vệ của các vị cũng đang dùng bữa tại phòng tôi. Sĩ quan tùy viên của Trung Tướng Thi nói với tôi là anh cần về nhà Trung Tướng Thi có việc cần, tôi mời anh ngồi xuống và tiếp tục ăn trưa:

“Anh thông cảm cho tôi nghe. Cái nghiệp chánh văn phòng và tùy viên của tụi mình là không có quyền ra lệnh cho ai hết, mà chỉ có nhận lệnh và chuyển lệnh thôi. Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng dặn tôi là tất cả các bạn không nên rời khỏi đây cho đến khi các vị họp xong. Vậy, mời anh hãy tự nhiên với chúng tôi như lúc nào. Thông cảm nghe anh”. 

Tôi nghĩ, anh tùy viên muốn ra khỏi đây để báo về nhà Trung Tướng Thi và báo ra Đà Nẵng cho Quân Đoàn biết tình trạng của Trung Tướng Thi, vì rõ ràng là Trung Tướng Thi “bị cưỡng bách” trước mắt anh chớ không phải đến đây để họp như ngày hôm qua. 

Cuối cùng cũng không đạt kết quả, nên Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp quyết định “quản thúc” Trung Tướng Thi, lúc đầu dự trù tại câu lạc bộ Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng sau đó đưa về quản thúc tại nhà ông với sự canh giữ của An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh.

Lúc bấy giờ là buổi chiều, trong phòng làm việc của Trung Tướng Viên, cả 4 vị Tướng đều mệt mỏi với nét mặt đăm chiêu, và trong nhiều phút không vị nào lên tiếng, chừng như mỗi vị có cách nghĩ riêng của mình thì phải? Riêng Trung Tướng Thiệu, mặt ông hơi đỏ lên với những giọt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương mặc dù ông vừa từ phòng lạnh bên kia sang phòng lạnh này, chứng tỏ là không khí buổi họp rất căng thẳng. Trước khi ra về, Trung Tướng Viên tạt vào phòng tôi:

“Chú mời “Đại Hội Đồng Quân Lực” họp lúc 10 giờ sáng mai (10/3/1966). Không mời Tư Lệnh Sư Đoàn 1 (Thiếu Tướng Nguyễn Văn Chuân, tại Huế) và Sư Đoàn 2 (Chuẩn Tướng Hoàng Xuân Lãm, tại Quảng Ngãi). Lý do sẽ cho biết khi họp”.

“Phòng họp nào, thưa Trung Tướng?

“Bên phòng họp số 2”.

“Vâng”.

Đại Hội Đồng Quân Lực có 36 vị, gồm: Tất cả các vị trong Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Các vị Tướng Lãnh. Chỉ Huy Trưởng binh chủng Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Quân Vận, và Biệt Động Quân. Các vị Tư Lệnh Quân Chủng, Tư Lệnh Nhẩy Dù, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, đều là Tướng Lãnh, đương nhiên trong thành phần trên rồi. Mỗi lần mời họp đều sử dụng điện thoại, và phải mời các vị ở xa trước để quí vị ấy kịp chuẩn bị phương tiện về Sài Gòn, sau đó mới mời các vị trong Quân Trấn Sài Gòn và lân cận.

Mời xong, chưa kịp thu xếp ra về. Lúc ấy màn đêm xuống khá lâu, điện thoại lại reo:

“Trung Tá Hoa tôi nghe”.    

“Chú mời xong chưa?

“Dạ vừa xong, thưa Trung Tướng”.

“Chú xác nhận lại với các vị là họp lúc 8 giờ sáng, tức sớm hơn 2 tiếng đồng hồ. Chú ráng làm ngay trong đêm nay”.

“Vâng. Tôi sẽ lần lượt xác nhận lại, thưa Trung Tướng”.

Khi trả lời câu hỏi đầu tiên của Trung Tướng Viên, tôi cứ tưởng sẽ nhận được lời khen của ông, nào ngờ chẳng khen mà lại nhận thêm công tác. Vậy là bắt đầu làm lại. Và cứ theo “bổn cũ” mà làm. Mãi đến gần nửa đêm mới rời văn phòng!

Ngày 10 tháng 3 năm 1966. Tại phòng họp số 2, còn có tên là “Tân Sinh Nông Thôn” trong tòa nhà trệt bên kia đường, xéo về bên phải của tòa nhà chánh, Đại Hội Đồng Quân Lực họp dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.

Vào phòng họp, tôi cảm nhận ngay bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt, vì tất cả các vị đều im lặng. Tuy khi mời không nêu lý do nhưng giữa các vị chắc đã có liên lạc nhau trước nên cũng hiểu được tại sao có buổi họp đặc biệt này. Tôi nhận ra điều này là do vài vị nói chuyện với nhau trước khi vào phòng họp. 

Mở đầu, Trung Tướng Thiệu tuyên bố lý do. Tiếp đến là Thiếu Tướng Kỳ, rồi Trung Tướng Có, liên tục nêu những lời phát biểu cũng như những hành động của Trung Tướng Thi trong thời gian qua, đã lạm quyền trung ương và chống lại trung ương chẳng khác tình trạng “một sứ quân” hay là “một chánh phủ trong một chánh phủ”. Thiếu Tướng Kỳ và Trung Tướng Có nói nhiều nhất, nói hăng nhất. Đúng ra là hai vị luân phiên “hài tội” Trung Tướng Thi nhưng Trung Tướng Thi đang bị quản thúc tại nhà ông, nghĩa là không có mặt trong phòng họp. Những điều mà các vị nêu lên về lời tuyên bố cũng như hành động của Trung Tướng Thi, trước đây báo chí đã đăng tải khi những sự kiện đó xảy ra. Chẳng hạn như Trung Tướng Thi nhân danh Đại Biểu Chánh Phủ, đã ấn định giá biểu từ Huế vào Sài Gòn cho chi nhánh Hàng Không Việt Nam  tại Huế và Đà Nẵng. Theo giá biểu này thì thấp nhiều so với giá biểu do Tổng Nha Hàng Không Việt Nam qui định. Đến chuyện Trung Tướng Thi tự ý bổ nhiệm Thiếu Tá Nghĩa (dường như là họ Nguyễn) vào chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Tín, sau khi trung ương không chấp nhận đề nghị này. Dĩ nhiên là Thủ Tướng Kỳ vẫn bác bỏ quyết định đó của Trung Tướng Thi. Và v.. v..

Phải thừa nhận rằng, Thiếu Tướng Kỳ cũng như Trung Tướng Thi, mỗi vị đều có những cái đúng và những điều sai, vì cả hai đều có tiếng là nóng tính, dễ giận, nghĩ sao nói vậy, nói tuốt luột những điều mình nghĩ đến mức gọi là “nói thẳng ruột ngựa”. Nhưng trường hợp này, theo tôi, Trung Tướng Thi hoàn toàn sai. Quyết định bổ nhiệm Tỉnh Trưởng là quyền của Thủ Tướng tức Thiếu Tướng Kỳ, Đại Biểu Chánh Phủ chỉ có quyền đề nghị mà thôi. Trung Tướng Thi đôi lần đã tuyên bố với báo chí rằng, “các Tướng Lãnh cầm quyền ở trung ương có hành động tham những”.

Sự kiện đúng hay sai cần phải viện dẫn đầy đủ bằng cớ, chớ Trung Tướng Thi không thể căn cứ vào điều ông nghĩ mà ông tự ý hành động vượt quyền như vậy được. Nếu Trung Tướng Thi cho là các vị Tướng cầm quyền tham nhũng, ông cứ đưa ra tòa với những bằng cớ rành rành thì quan tòa làm sao bao che được. Với lại nếu lời tố cáo của Trung Tướng Thi được minh chứng xác thật với bằng cớ, chắc chắn dư luận -nhất là các cơ quan truyền thông- chẳng ngại ngùng gì mà không lên tiếng ủng hộ, như vậy là sự kiện này càng thêm thuận lợi cho Trung Tướng Thi cũng như thuận lợi cho phiên tòa xét xử. 

Hoặc Trung Tướng Thi phản đối trung ương bằng cách từ chức là cách hay nhất mà ông có thể làm được. Thậm chí, Trung Tướng Thi có thể đứng ra lãnh đạo cuộc đảo chánh để thành lập một chánh phủ trong sạch lãnh đạo quốc gia, vì đảo chánh không phải là điều xa lạ cũng không phải là điều khó khăn đối với Trung Tướng Thi. Còn trong khi đang tại chức với cấp bậc Trung Tướng, mà ông tự tách mình ra khỏi trung ương để chống đối trung ương thì còn gì là kỹ luật quân đội, còn gì là một chánh quyền thống nhất để bảo vệ quốc gia dân tộc đang bị cộng sản xâm lăng!  

Sau nhiều tiếng đồng hồ thảo luận gay gắt, đến phần bỏ phiếu kín: “Thuận hay không thuận cách chức Trung Tướng Thi?”. Khi kiểm phiếu có 1 phiếu trắng, còn lại đều thuận. Trung Tướng Có, đẩy ghế ra sau, đứng dậy, và lên tiếng:   

“Trong phòng họp này, chúng ta là những người có trách nhiệm trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân, bỏ phiếu thuận hoặc không, còn phiếu trắng trong trường hợp này là “lưng chừng”, không dứt khoát lập trường. Vậy, ai là người bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ?

Vừa dứt câu, có tiếng ghế đẩy thật mạnh, tất cả cặp mắt của những vị có mặt gần như đồng loạt quay nhìn, và một người dỏng dạc đứng lên. Đó là Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Nhẩy Dù:

“Kính thưa Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, kính thưa quí vị. Tôi là người bỏ phiếu trắng. Trung Tướng Thi đã một thời là cấp chỉ huy của tôi trong binh chủng Nhẩy Dù, nên tôi không thể hành động chống Trung Tướng Thi cho dù Trung Tướng Thi có sai trái với quân đội. Tôi vẫn biết rằng, hành động của tôi không làm thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn làm vì lẽ đó. Và nếu sau này, có điều gì xảy ra với Trung Tướng Viên, tôi vẫn hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ, quí vị toàn quyền quyết định về tôi: “Ở lại hay ra khỏi Nhẩy Dù, tôi thi hành ngay”. Xin cám ơn”.    

Cả phòng họp im phăng phắc. Cuối cùng cũng không có quyết định gì về Chuẩn Tướng Đống, có lẽ các vị thừa nhận tính khẳng khái của vị Tướng Tư Lệnh Nhẩy Dù mà không bàn gì về ông chăng?

Tôi rất khâm phục nghĩa khí và lòng dũng cảm của Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống, ông xứng đáng là vị Tư Lệnh binh chủng Nhẩy Dù. Đành rằng, nếu Đại Hội Đồng Quân Lực có cách chức ông và để ông “ngồi chơi xơi nước” đi nữa, ông vẫn là Tướng Lãnh, nhưng thử hỏi có được bao nhiêu vị Tướng khẳng khái như ông. Sau buổi họp, tôi đến chào Chuẩn Tướng Đống và xin được bắt tay ông, chỉ vì hành động vừa rồi của ông.

Thế là quyết định cách chức Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I và Đại Biểu Chánh Phủ tại miền Trung của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thu hẹp ngày hôm qua, trở thành quyết định chung cuộc của Đại Hội Đồng Quân Lực hôm nay, mà Đại Hội Đồng Quân Lực trên nguyên tắc là thay mặt toàn quân.

Ngay lúc buổi họp vừa chấm dứt, đa số quí vị thành viên Đại Hội Đồng Quân Lực vừa từ từ ra cửa vừa bàn luận tình hình chiến sự gần như là chuyện bên lề, không biết có phải quí vị muốn chuyển sang bầu không khí trách nhiệm thường xuyên để làm nhẹ đi hoặc quên đi cái không khí căng thẳng trong tình đồng đội chen lẫn trong lãnh vực chính trị vừa rồi hay không, nhưng rõ ràng là không khí rộn ràng vui vẻ hẳn lên chớ không nặng nề như lúc ngồi trong phòng họp. Trung Tướng Viên gọi tôi về văn phòng gặp ông:

“Chú tìm Chuẩn Tướng Nhuận và mời đến gặp tôi ngay”.   

“Hy vọng là tôi tìm được vì nhà Chuẩn Tướng Nhuận ở trong khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu, thưa Trung Tướng”.

Đó là Chuẩn Tướng Phan Xuân Nhuận, là một trong chín Đại Tá được thăng cấp Chuẩn Tướng hồi tháng 7/1964 ngay khi Trung Tướng Nguyễn Khánh vừa thiết lập cấp bậc Chuẩn Tướng. Ông đang là Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động Quân.

Rất may, Chuẩn Tướng Nhuận có mặt tại nhà. Vào văn phòng Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng một lúc, khi trở ra ông tạt vào phòng tôi và nói là ông hy vọng tôi giúp ông cho kịp. Nói xong, ông vội vàng đi ngay chừng như thời gian gấp rút lắm. Tôi nói vói theo là tôi “sẽ cố gắng”, nhưng thật ra tôi chưa hiểu việc gì tôi phải làm liên quan đến “hy vọng” mà Chuẩn Tướng Nhuận vừa nói, cho đến khi Trung Tướng Viên bấm chuông gọi tôi:

“Chú làm ngay mấy việc. Thứ nhất, chú thu xếp lấy chiếc C47 đưa Chuẩn Tướng Nhuận và các sĩ quan tháp tùng ông ra Huế ngay chiều nay (10/3/1966). Thứ hai, điện thoại ra Huế yêu cầu Thiếu Tướng Chuân (Nguyễn Văn Chuân) chuẩn bị và thực hiện công tác bàn giao chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho Chuẩn Tướng Nhuận ngay khi ông Nhuận đến Huế. Sáng ngày mai (11/3/1966), Thiếu Tướng Chuân vào Đà Nẵng nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I. Thứ ba, điện thoại Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I, đón Thiếu Tướng Chuân và trình bày tình hình mới nhất để ông Chuân nắm vững tình hình. Và thứ tư, gởi công điện “hỏa tốc” xác nhận lệnh đó với Quân Đoàn I/Quân Khu I và Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Chú có gì cần hỏi thêm không?     

“Dạ không, thưa Trung Tướng”.

Một Thông Cáo của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia được phổ biến trên các làn sóng phát thanh vào buổi tối, theo đó, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đã chấp thuận cho Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I/Quân Khu I, xuất ngoại chữa bệnh mũi một thời gian. Thông Cáo đơn giản chỉ có thế, nhưng đoạn văn này lại là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng chính trị trong nội tình Việt Nam chúng ta. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia xem như giải quyết được sự chống đối của Trung Tướng Thi, nhưng lại phát sinh vấn đề khác, giống như nhiều loại thuốc trị bệnh có kèm theo tác dụng phụ của nó vậy. Vấn đề của Trung Tướng Thi là vấn đề lớn, vì nếu không lớn hà tất phải triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực, nhưng vấn đề phát sinh thì lớn hơn nhiều và lâu hơn nhiều.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài kế]

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt