Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (13)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” (kết luận)

Đoạn kết chỉnh lý

Vậy là Trung Tướng Dương Văn Minh, với chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng hành sử chức năng Quốc Trưởng từ 02/11/1963 đến 29/01/1964, đó là thời gian quá ngắn để vị lãnh đạo thể hiện khả năng và bản lãnh của mình, nhưng với câu mà ông nói với những vị Tướng Lãnh trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng tại tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu vào chiều ngày 02/11/1963, tức ngay sau khi lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành công:

“Các “toa” còn cần gì “moi” không để “moi” còn đi đánh tennis?”

Quả thật là ông thiếu trách nhiệm của người lãnh đạo quốc gia ngay sau cuộc đảo chánh với biết bao vấn đề đặt ra, chỉ riêng phần ổn định nhân sự trong các tổ chức trung ương sau cuộc khủng hoảng chính trị đã là vấn đề quan trọng hàng đầu, vì nhân sự bao giờ cũng chiếm đến 50% trong mọi thành công hay thất bại. Thêm nữa, dân chúng thì hoang mang trong khi cộng sản lợi dụng tình hình xáo trộn trong nội bộ để gia tăng áp lực quân sự tại nhiều nơi. Ấy vậy mà Trung Tướng Minh tỏ ra nhàn nhã, chừng như ông giao khoán công việc quốc gia cho Chánh Phủ Nguyễn Ngọc Thơ và Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, để ông đi đánh tennis thì phải!

Lẽ dĩ nhiên không nên căn cứ vào mỗi câu nói trên mà đưa ra nhận xét về vị lãnh đạo quốc gia, nhưng trong 3 tháng cầm cờ lãnh đạo trong tay, rõ ràng là Trung Tướng Dương Văn Minh đã không thể hiện bất cứ khả năng hay bản lãnh của vị Tướng lãnh đạo quốc gia. Chẳng những thế, cả Chánh Phủ cũng lúng túng trong chính sách Ấp Chiến Lược thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm để lại.

Trên cương vị Tướng Lãnh trong quân đội, quân đội đòi hỏi phải có một kiến thức quân sự vững chắc để biết đánh và biết thắng địch, phải có một nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy để quân sĩ tin tưởng, tôn trọng, và nhiệt tình thi hành nhiệm vụ. Nhưng khi vị Tướng trên cương vị lãnh đạo quốc gia, vị Tướng đó cần có thêm bản lãnh và thủ đoạn chính trị để lãnh đạo toàn dân, để đương đầu với kẻ thù đang xâm lăng đất nước, để đương đầu với những thử thách quốc tế, nhất là với các quốc gia Đồng Minh, trong trách nhiệm bảo vệ tổ quốc và phát triển dân giàu nước mạnh.

Đồng ý rằng, Trung Tướng Dương Văn Minh rất được lòng của nhiều thành phần trong xã hội, nhưng tôi nghĩ, cảm tình này là do bản tính hiền hòa vốn có của ông, chớ không do tài năng bản lãnh của vị lãnh đạo quốc gia. Nhưng chẳng lẽ vị lãnh đạo quốc gia chỉ cần trang bị có ngần ấy thôi sao?

Vậy, Trung Tướng Dương Văn Minh, theo quí vị, là vị Tướng thích ứng đến mức nào trong vai trò lãnh đạo quốc gia?

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài tiếp] 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt