Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (11)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” (Hiến Chương Vũng Tàu)

Hiến Chương Vũng Tàu.

Trung tuần tháng 07/1964, ban hành Sắc Lệnh thiết lập cấp Chuẩn Tướng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những cấp bậc Tướng Lãnh từ trước đến lúc bấy giờ là Thiếu Tướng biểu tượng bằng 2 ngôi sao mỗi bên ve áo hay cầu vai trên áo, Trung Tướng 3 ngôi sao, Đại Tướng 4 ngôi sao, và Thống Tướng 5 ngôi sao. Cấp Chuẩn Tướng mới thiết lập được qui định là 1 ngôi sao mỗi bên ve áo hay cầu vai trên áo. Ngay sau đó là Sắc Lệnh thăng cấp Chuẩn Tướng cho 9 Đại Tá, và Trung Tướng Trần Thiện Khiêm được thăng cấp Đại Tướng, dĩ nhiên là do Trung Tướng Nguyễn Khánh nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực (cải danh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng)), với chức năng Quốc Trưởng, ký ban hành. Như vậy, có phải là Đại Tướng Khiêm thăng cấp nhanh quá chăng? Vì ngày 06/12/1962 ông từ Đại Tá thăng cấp Thiếu Tướng do công vụ, ngày 02/11/1963 thăng cấp Trung Tướng do tham gia trong nhóm lãnh đạo đảo chánh 01/11/1963, ngày 15/07/1964 thăng cấp Đại Tướng không do nguyên nhân nào cả, trừ khi Trung Tướng Khánh muốn vị Tổng Tư Lệnh phải là cấp bậc 4 sao như dự trù cấp bậc lý thuyết trong bảng cấp số Bộ Tổng Tư Lệnh. Nhưng liệu khi Trung Tướng Khánh quyết định thăng cấp Tướng cho một số vị là do nhu cầu công vụ, hay đằng sau quyết định đó còn có nhu cầu nào khác?

Sở dĩ tôi nêu câu hỏi đó cho tôi, vì sau ngày trao gắn cấp Tướng cho các vị vừa vinh thăng, thì Trung Tướng Khánh cho triệu tập Đại Hội Đồng Quân Lực tại ngôi biệt thự màu trắng ở Vũng Tàu, nơi mà cư dân Vũng Tàu thường gọi là “bạch dinh”, để thông qua bản “Hiến Chương” thay thế cho Hiến Ước Lâm Thời sau khi bãi bỏ Hiến Pháp đệ nhất Cộng Hòa. Đại Hội Đồng Quân Lực sau khi được bổ sung một số vị mới thăng cấp Tướng, nâng tổng số gần 40 thành viên. Và rồi Đại Hội Đồng Quân Lực thông qua bản Hiến Chương, đồng thời bầu Trung Tướng Nguyễn Khánh vào chức Chủ Tịch Việt Nam Cộng Hòa. Vậy, theo quí vị, có phải là Trung Tướng Khánh “mua chuộc” hay một ý nghĩa nào đó tương đương với mua chuộc các thành viên trong Đại Hội Đồng Quân Lực, nhất là đối với các vị vừa mang những ngôi sao mới toanh trên ve áo?

Tôi chưa kịp đọc bản Hiến Chương này, nhưng qua báo chí cũng như những bản tuyên bố của những tổ chức chính trị, cáo buộc Trung Tướng Khánh là độc tài khi soạn thảo Hiến Chương và điều khiển Đại Hội Đồng Quân Lực bầu ông vào chức vụ Chủ Tịch với rất nhiều quyền hành. Thế là ngay sau ngày Hiến Chương được thông qua tại Vũng Tàu mà báo chí thường gọi là “Hiến Chương Vũng Tàu”, các tổ chức chính trị, tôn giáo, mà khởi đầu là sinh viên xuống đường mít tinh biểu tình, cáo buộc Trung Tướng Nguyễn Khánh là độc tài, đòi hủy bỏ Hiến Chương Vũng Tàu, và đòi Trung Tướng Nguyễn Khánh từ chức. 

Một hôm, tôi mang hồ sơ của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đến Phủ Thủ Tướng ở số 7 đại lộ Thống Nhất, để trình tận tay Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn Khánh đúng lúc đoàn biểu tình vừa dừng trước cổng và hô to:

“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”

Lúc bấy giờ, Trung Tướng Khánh từ trong Phủ Thủ Tướng bước ra dưới sự bảo vệ của hàng rào cận vệ võ trang chống biểu tình. Khi đoàn biểu tình trông thấy ông thì họ lại hô to:

“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”

Lúc ấy tôi không thể tưởng tượng được là Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn Khánh cũng giơ tay lên và cũng hô to:

“Đả đảo Nguyễn Khánh! Đả đảo Nguyễn Khánh!”

Bỗng dưng đoàn biểu tình trở nên im lặng. Tôi nghĩ là đoàn biểu tình quá bất ngờ về hành động của Trung Tướng Khánh làm cho họ mất đối thủ, vì chính ông cũng đả đảo ông thì còn ai để đoàn biểu tình đả đảo nữa. Và rồi Trung Tướng Khánh chen vào đoàn biểu tình cười nói huyên thuyên chẳng khác một thành viên nhiệt tình trong đoàn biểu tình vậy. Phải công nhận phản ứng của Trung Tướng Khánh rất cao tay, chớ không phải ông quên ông là Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn Khánh đâu quí vị à!

Cuối cùng Trung Tướng Khánh tuyên bố hủy bỏ Hiến Chương mới công bố mấy ngày trước đó. Thế là thủ đoạn chính trị của ông đối với Đại Hội Đồng Quân Lực quá dễ, nhưng với lực lượng chính trị và tôn giáo thì ngược lại. Một bên có quân có súng nhưng phục tùng, một bên khác không súng nhưng lại có một sức mạnh nếu không nói là phi thường thì sức mạnh đó cũng đủ đập tan chiếc ghế Chủ Tịch Việt Nam Cộng Hòa của Trung Tướng Nguyễn Khánh.

Đúng là quân nhân phải chấp hành kỷ luật một cách triệt để, nhưng đó là nhiệm vụ quân sự thuần túy, còn trường hợp thông qua bản Hiến Chương tại Vũng Tàu thì không thể coi là nhiệm vụ quân sự mà là nhiệm vụ chính trị, và cao hơn nữa là nhiệm vụ lãnh đạo quốc gia. Vậy, quyền quyết định thông qua hay không thông qua bản Hiến Chương, các vị thành viên Đại Hội Đồng Quân Lực phải tự mình quyết định lá phiếu của mình chớ! Nhưng rồi bản Hiến Chương đã thông qua dễ dàng, điều đó có nghĩa là các vị đã đồng ý nội dung cho dù từ trong thâm tâm quí vị rất có thể là không phải như vậy. Nếu đúng như vậy thì quí vị đã không thực hiện được vai trò thành viên của tập thể lãnh đạo quốc gia rồi còn gì, và quí vị phải chịu chung lỗi lầm sai trái khi đồng tình với Trung Tướng Khánh trong nội dung bản Hiến Chương bị cáo buộc là độc tài.

Hội Đồng Quân Lực thu hẹp vội vã họp tại Trung Tâm Hành Quân/Bộ Tổng Tư Lệnh để tìm giải pháp cho sự khủng hoảng, nhưng suốt ngày vẫn không thành công. Cuối cùng, giải pháp lãnh đạo bởi ba người mà báo chí gọi là “tam đầu chế”, gồm: Đại Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Dương Văn Minh, và Trung Tướng Nguyễn Khánh. Rốt cuộc cũng chỉ có Trung Tướng Khánh nắm quyền, vì Đại Tướng Khiêm với Trung Tướng Minh, hoặc không đủ thủ đoạn đối phó với Trung Tướng Khánh, hoặc không muốn dấn thân vào chính trị. Và dù muốn hay không muốn, hai vị cũng phải chịu chung trách nhiệm về lỗi lầm của Trung Tướng Khánh trong giải pháp “tam đầu chế”.  

Nhưng vấn đề không dừng ở đây, vì Trung Tướng Khánh tự thấy chiếc ghế quyền lực của ông thực sự lung lay, thế là Trung Tướng Khánh nhắm thẳng vào Đại Tướng Trần Thiện Khiêm mà ông cho là nguyên nhân, là người đứng đằng sau mọi hình thức chống đối ông. Tôi nhận định như vậy vì có một người không có tên trong tổ chức quân đội, trong tổ chức hành chánh, hay bất cứ tổ chức hoặc cơ quan nào của chánh phủ, nhưng lại là người có thế lực chỉ vì ông là em vợ của Trung Tướng Nguyễn Khánh, tên của ông là Phạm Quang Tước. Những tháng trước đó, ông Tước thường đến văn phòng tôi với vài món lặt vặt tặng tôi. Mỗi khi gặp tôi, ông nói chuyện huyên thuyên về mọi chuyện, trong khi tôi nghe rất ít vì luôn bận việc của văn phòng Bộ Quốc Phòng và văn phòng Bộ Tổng Tư Lệnh. Nhưng từ sau ngày Trung Tướng Khánh buộc phải thỏa mãn yêu sách của giới chính trị hủy bỏ Hiến Chương, cũng là hủy bỏ chức Chủ Tịch mà ông đã được bầu, thì ông Tước cũng lạnh nhạt với tôi. Rồi từ lạnh nhạt đến xem tôi là kẻ thù cũng chỉ vài bước thôi, và vài bước đó đã qua khi ông Tước nói với tôi:

“Đại Tướng của anh phải cẩn thận đó, nếu cứ lấn tới nữa thì tánh mạng không an toàn đâu”. Nói xong là ông đi ngay mà chẳng cần chào hỏi như trước nữa.              

Đại Tướng Khiêm rất buồn Trung Tướng Khánh, nhưng vì ông ít nói nên tôi không nghe ông phân bua, cũng chẳng buồn giải thích với những người chung quanh. Hoặc có thể là Đại Tướng Khiêm xem thường Trung Tướng Khánh mà không cần thanh minh chăng? Nếu đúng vậy, thì Đại Tướng Khiêm áp dụng câu “im lặng cũng là khinh bỉ”.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt