Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (9)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” (tiếp theo) 

Chỉnh Lý (Đảo Chánh) tiếp theo

Thật tình tôi không có bằng chứng để quả quyết là ai ra lệnh giết, nhưng điều mà cựu Đại Tướng Khiêm nghe nói lại, dường như chưa đủ sức thuyết phục người đọc lẫn người nghe. Quí vị có suy nghĩ gì về sự kiện này không?

Với lời thuật của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, đối chiếu với lời thuật của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa mà tôi được phép đăng trong chương nói về cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, thì nghi vấn về người ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, trở nên phức tạp. Tôi xin ghi lại những lời đó sau đây:

Hình cố TT Ngô Đình Diệm bị giết trong xe thiết giáp (theo hồi ký này thì Nguyễn Văn Nhung giết hai anh em ông Diệm-Nhu)

“Theo lời của cựu Đại Tá Nghĩa, sau ngày đảo chánh 01/11/1963, ông gặp Thiếu Tá Nhung và hỏi điều ông thắc mắc là tại sao giết cả hai ông, thì Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung trả lời một cách tỉnh bơ rằng:

“Một người hay hai người cũng vậy thôi. Hai người thì khó khăn một chút, nhưng chắc ăn hơn. Vì ông Diệm chống cự lại sau khi ông Nhu bị tôi đâm chết, nên tôi phải thanh toán luôn. Có lệnh cũng được, mà không có lệnh cũng vậy thôi. Cho nó chắc ăn. Lúc đó đâu có đợi lệnh được”.

Theo lời thuật của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, thì đầu năm 1964 anh là Trung Úy, sĩ quan An Ninh của căn cứ Lữ Đoàn Nhẩy Dù, anh được lệnh thẩm vấn Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, và anh ghi nhận lời khai của Thiếu Tá Nhung như sau:

“ … Khi đoàn xe chạy đến cổng xe lửa trên đường Hồng Thập Tự, tôi xin lệnh Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân về việc ông Diệm và ông Nhu, thì được Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân trả lời bằng câu tiếng Pháp “feu tous les deux” (bắn cả hai).

Vậy, ai là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu? Trung Tướng Dương Văn Minh, hay Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, hay cả hai vị? 

Theo cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, với lời của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung đã nói trực tiếp với ông (tức cựu Đại Tá Nghĩa), thì nghi vấn của tôi về người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm với ông Cố Vấn Nhu là Trung Tướng Dương Văn Minh (cấp bậc lúc đảo chánh). Nhưng theo lời khai của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung trước mặt cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, thì Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đã ra lệnh cho ông (tức Thiếu Tá Nhung) giết chớ không phải Trung Tướng Dương Văn Minh.   

Cho đến bây giờ là tháng 03/2004, tức sau khi e-mail của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim với nội dung thuật lại lời khai của cố Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, tôi vẫn giữ nguyên nghi vấn Trung Tướng Dương Văn Minh ra lệnh cho Đại Úy Nguyễn Văn Nhung (cấp bậc lúc đảo chánh) giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, vì Trung Tướng Dương Văn Minh là vị lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963. Trong chức vụ và quyền hạn của Trung Tướng Dương Văn Minh, chỉ có ông mới đủ thẩm quyền ra lệnh cho Đại Úy Nhung giết Tổng Thống Diệm với ông Cố Vấn Nhu, chớ không thể nào Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân trong trách nhiệm thay mặt Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng -theo lời của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa- lại tự ý ra lệnh này được.

Cứ thử nêu một giả thuyết là Trung Tướng Minh có giao quyền rộng rãi cho Thiếu Tướng Xuân tùy cơ ứng biến với Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu đi nữa, thì từ khi đoàn xe rời nhà thờ Cha Tam chạy đến cổng xe lửa dừng lại chờ xe lửa chạy ngang, đã có việc gì xảy ra đâu mà Thiếu Tướng Xuân đến nỗi phải “ứng biến” bằng cái lệnh “bắn cả hai” như Thiếu Tá Nhung khai với sĩ quan an ninh căn cứ Hoàng Hoa Thám là Trung Úy Lâm Sanh Kim lúc ấy? Một giả thuyết như vậy không có sức thuyết phục, vì lệnh “bắn cả hai” là bắn Tổng Thống với Cố Vấn của Tổng Thống, tính cách quan trọng của cái lệnh này ở cấp quốc gia chớ không phải cái lệnh bắn giết địch quân ở chiến trường.

Tôi có hai giả thuyết về lời khai của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung:

Thứ nhất. Hoặc lời khai đó là thật, nghĩa là Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân được Trung Tướng Dương Văn Minh giao cho cái quyền rộng rãi đó để tùy tình hình mà giải quyết. Nhưng trên đường về Bộ Tổng Tham Mưu trong một “tình hình hoàn toàn yên tỉnh” mà Thiếu Tướng Xuân lại ra lệnh “bắn cả hai” thì hành động đó có thể xem là lạm dụng quyền được giao. Như vậy, phải chăng bắt nguồn từ nguyên nhân hận thù nào đó của Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân đối với Tổng Thống Ngô Đình Diệm? Nhưng nếu do thù hận riêng tư mà Thiếu Tướng Xuân dám ra lệnh giết chết Tổng Thống và Cố Vấn của Tổng Thống, quả là ông liều lỉnh. Liều lỉnh vì cấp trên của ông là Trung Tướng Dương Văn Minh còn đó, cho dù ông có là bạn thân của Trung Tướng Minh đi nữa, không chắc ông dám liều đến như vậy.

Thứ hai. Hoặc lời khai đó do Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự bịa ra để khai khi bị thẩm vấn. Nhưng tại sao lại bịa ra? Rất có thể là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung muốn bảo vệ Trung Tướng Dương Văn Minh, vị Tướng mà Thiếu Tá Nhung đang là cận vệ. Giả thuyết này có vẻ không vững, bởi lúc Thiếu Tá Nhung cung cấp lời khai này chỉ ba tháng sau ngày Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết, mà trong dư luận chưa nghe loan truyền về cái lệnh giết Tổng Thống và ông Cố Vấn là công hay tội, thì khó mà nói là Thiếu Tá Nhung đổ tội cho Thiếu Tướng Xuân qua lời khai của ông. Rốt lại, chỉ còn giả thuyết oán ghét hay thù hận của Thiếu Tá Nhung đối với Thiếu Tướng Xuân thôi. Trong cuộc sống, cũng có những sự kiện xảy ra mà không thể dựa trên những dữ kiện bình thường để suy đoán phần kết luận. Nói nôm na là nghịch lý. Phải chăng trường hợp này là như vậy? 

Trở lại cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung. Theo lời của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim mô tả khi đến phòng giam nhìn thấy thi hài Thiếu Tá Nhung trong tình trạng thắt cổ bằng sợi giây giày loại giày cao cổ. Đây là loại giày mà quân nhân sử dụng khi mặc quân phục tác chiến. Giá mà cựu Thiếu Tá Kim mô tả rõ thêm là khi bị ông thẩm vấn thì Thiếu Tá Nhung mặc quân phục gì, có thể có thêm tin tức cần thiết. Sở dĩ tôi nêu điều này vì cuộc Chỉnh Lý (cũng là một loại đảo chánh) thực hiện lúc nửa đêm về sáng, năm vị Tướng và Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung bị bắt trong khi cư dân Sài Gòn còn chìm trong giấc ngủ, thì liệu các vị có thì giờ mặc quân phục không? Thôi thì tạm thời chấp nhận Thiếu Tá Nhung mặc quân phục tác chiến lúc bị bắt đưa về giam tại Phân Đội 204 Quân Cảnh Nhẩy Dù. Vì nếu Thiếu Tá Nhung không mặc quân phục tác chiến tức là không đi giày cao cổ, vấn đề lại thêm rắc rối và phải quay trở lại đào sâu thêm nữa để làm sáng tỏ về cái chết của Thiếu Tá Nhung, vì không đi giày cao cổ thì sợi giây giày thắt cổ Thiếu Tá Nhung từ đâu ra?

Nửa đêm về sáng ngày 30/01/1964, Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung bị bắt đưa về căn cứ Lữ Đoàn Nhẩy Dù là sự thật. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung trải qua cuộc thẩm vấn tại Lữ Đoàn Nhẩy Dù là sự thật. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung chết trong tình trạng thắt cổ là sự thật. Nhưng Thiếu Tá Nhung chết trong tình trạng thắt cổ, thì những dữ kiện trên đây chưa đủ để khẳng định điều đó là sự thật. Tôi có hai giả thuyết:

Thứ nhất. Chính Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự thắt cổ. Nhưng ông tự thắt cổ là do ông hối hận, do bị áp lực, hay do ông muốn làm một anh hùng vì ông đã giết Tổng Thống với Cố Vấn trong khi không ai làm được, ông bị bắt nhưng ông không muốn bị làm nhục, đã dẫn đến quyết định như vậy? Giả thuyết hối hận không vững, vì luật pháp cũng như dư luận có buộc tội đâu. Giả thuyết do bị áp lực, hoặc giả thuyết ông muốn làm anh hùng, có thể lắm.

Thứ hai. Không phải chính Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung tự thắt cổ. Vậy, ai đã thắt cổ Thiếu Tá Nhung? Người thắt cổ Thiếu Tá Nhung là do chính người đó, hay người đó nhận lệnh của người nào khác nữa? Tôi không có dữ kiện nào về giả thuyết này, mong vào những nhà viết sử, theo thời gian sẽ thu thập được nhiều dữ kiện làm sáng tỏ vấn đề.                                     

Cuối cùng, tôi vẫn đặt nghi vấn cao nhất và duy nhất là Trung Tướng Dương Văn Minh, người ra lệnh giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

Nay thì Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, và Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, ba con người này đã vào lòng đất tối tăm mù mịt, hay đang bay lượn trên những tầng mây cao với những nàng tiên xinh đẹp, thôi hãy để các vị yên nghỉ! Và nếu như hai con người nào đó “đã ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, giết ông cố vấn Ngô Đình Nhu, và ra lệnh giết Thiếu Tá Nhung nếu có, còn sống trên cõi đời này mà còn chút lương tâm, tôi tin là hai con người đó, đã và đang còm cõi với nỗi khổ riêng của họ! Năm 2003, Đại Tướng Dương Văn Minh, người mà tôi đặt nghi vấn cao nhất là người ra lệnh giết Tổng Thống Diệm với ông Cố Vấn Nhu, đã vào giấc ngủ ngàn thu! Xin cắm một nén hương trước mộ ông, với lời nguyện hương linh ông sớm siêu thoát vào cõi vĩnh hằng xa xôi nào đó, hay cõi đó cũng quanh quẩn trong cõi tạm trần ai này để nhìn cuộc sống tinh thần của  những người một thời cùng ông vừa đánh địch vừa đánh bạn!    

Thêm nữa, theo lời của cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm cho tôi biết vào tối 21/10/2003, thì nguyên nhân dẫn ông vào cuộc đảo chánh này là vì Trung Tướng Dương Văn Minh đã đồng ý với ông (tức Thiếu Tướng Khiêm, cấp bậc lúc đảo chánh) trong cuộc đảo chánh ngày 01//11/1963, là chỉ giải quyết ông cố vấn Ngô Đình Nhu, còn Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải được bình yên và xuất ngoại, nhưng sau đó Trung Tướng Minh đã ra lệnh giết luôn Tổng Thống Diệm làm cho ông bất mãn. Cũng do bất mãn đó mà Trung Tướng Khiêm (cấp bậc trong cuộc đảo chánh 30/01/1964) đồng ý với Trung Tướng Khánh lật đổ Trung Tướng Minh và những vị Tướng thân cận của Trung Tướng Minh. Vậy là suy đoán của tôi trong quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ từ ấn bản 1 đến ấn bản 3, về nguyên nhân Trung Tướng Trần Thiện Khiêm trực tiếp trong cuộc đảo chánh 30/01/1964, chỉ đúng một nửa.

Tôi có dịp dùng cơm với cựu Đại Tướng Cao Văn Viên vào tối ngày 06/09/2003 tại Virginia, nhưng tôi cảm thấy không nên hỏi những gì liên quan đến cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, vì gần như phần lớn thời gian trong bữa ăn kéo dài 3 tiếng đồng hồ, cựu Đại Tướng Viên cho tôi biết thêm vài sự kiện, đồng thời ông giải thích một số sự kiện về những gì tôi viết về ông trong quyển “Đôi Dòng Ghi Nhớ” của tôi, nhưng cần giải thích thêm để sự kiện được rõ ràng. Ông cũng giải thích về những sự kiện mà những tác giả khác đã nói về ông. Trong đó, có vẻ ông không bằng lòng tác giả Nguyễn Tiến Hưng, vì có những sự kiện mà ông nói là ông Hưng tưởng tượng hoàn toàn. 

Xin đóng ngoặc, và mời quí vị trở lại bản doanh cuộc đảo chánh.

Khoảng 7 giờ sáng, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi đến bản doanh. Một lúc sau, Thiếu Tá Nguyễn Huy Lợi -cùng nhóm lưu vong với Đại Tá Thi trong vụ đảo chánh 11/11/1960 thất bại- và nhiều sĩ quan khác cũng đến. Đại Tá Thi bước vội đến Thiếu Tá Lợi đang đứng bên ngoài nhà, và sau một lúc lời qua tiếng lại, Đại Tá Thi bốp một phát vào mang tai Thiếu Tá Lợi. Thiếu Tá Lợi đỏ mặt và trong tư thế sẵn sàng bốp lại, nhưng nghĩ sao đó, Thiếu Tá Lợi quay lưng bỏ đi. Đại Tá Thi vào nhà, có vẻ như để chứng minh ông đúng:

“Thằng khốn nạn đó nó coi thường tôi”.

Lời lẽ này đúng hay không chỉ có quí vị trong nhóm lưu vong mới biết, nhưng hành động như vậy, tự Đại Tá Thi làm giảm phong cách của một sĩ quan cao cấp trong quân đội. 

Sau một lúc thảo luận, viết rồi sửa, sửa rồi viết.  Một bản Tuyên Cáo  được phát đi trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn. Đại ý nội dung cho rằng, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng thành lập trong cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, đã có kế hoạch  đưa nước Việt Nam  đến trung lập, mà trung lập thì trước sau gì cũng vào tay cộng sản. Hội  Đồng  Quân  Nhân  Cách  Mạng thành lập hôm nay, sẽ truy tố các vị đó ra tòa trong thời gian sớm nhất.

Khoảng 10 giờ sáng, điện thoại reo: “Thiếu Tá Hoa tôi nghe”.

“Em mời Trung Tướng Khiêm nói chuyện với Trung Tướng Minh nghe em”.

Đó là lời của Trung Tá Đỗ Kiến Nhiễu, chánh văn phòng của Trung Tướng Minh. Năm 1955, ông là Thiếu Tá, Tiểu Đoàn Trưởng của tôi (Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân), nên ông thường gọi tôi bằng em. Xe của Trung Tướng Minh và Trung Tá Nhiễu đã vào cổng lúc hơn 9 giờ.    

“Xin Trung Tá chờ đầu máy”.

“Mời Trung Tướng tiếp chuyện với Trung Tướng Minh”.

Tôi bước đến ghế bố mà Trung Tướng Khiêm đang nằm vì ông bị cảm, tôi trao ống nói cho ông, nhưng:

“Chú nói với Trung Tướng Minh là tôi đang mệt và cần nghỉ ngơi. Tôi sẽ gọi lại sau”.

Quả thật là Trung Tướng Khiêm đang mệt, ông bị khàn tiếng. Từ lúc bắt đầu cuộc đảo chánh, Trung Tướng Khiêm là người ra chiều suy nghĩ âu lo và theo dõi chặt chẻ diễn tiến “cuộc hành quân bắt cóc các vị Tướng”. Đến khi các vị đó lên phi cơ quân sự đi Đà Nẵng, ông nằm dài trên ghế bố. Dù sự thật là như vậy, nhưng chắc gì Trung Tướng Minh tin như vậy. Và rồi Trung Tướng Minh có thể nghĩ rằng, Trung Tướng Khiêm đã bắt hết các vị Tướng thân cận của ông rồi, nên khước từ nói chuyện với ông cũng nên. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tuy Trung Tướng Khiêm chưa phải là vị Tướng xuất sắc của chiến trường hay nơi bàn giấy, nhưng ông có một tình cảm chân thành của một con người đối với cấp trên, với bạn bè, và nhất là với các cộng sự viên xa gần lớn nhỏ của ông. Tôi đã chứng kiến nhiều lần khi ông niềm nở bắt tay những đồng đội thuộc Tiểu Đoàn 3 Việt Nam, đơn vị mà có lần Trung Tướng Khiêm rất vui vẻ khi ông nói với tôi là ông rất nhiều cảm tình. Những đồng đội trước kia dưới quyền của Trung Tướng Khiêm tại Tiểu Đoàn này, đến những năm 60, phần lớn là Thượng Sĩ hay Thượng Sĩ Nhất.           

“Thưa Trung Tá, Trung Tướng Khiêm bị cảm và khàn cổ. Thể nào Trung Tướng Khiêm cũng gọi lại Trung Tướng Minh khi sức khỏe cho phép”.

Nói thì nói vậy, nhưng khoảng 30 phút sau thì Trung Tướng Khiêm điện thoại nói chuyện với Trung Tướng Minh. Theo lời ông thuật lại với Trung Tướng Khánh và Đại Tá Viên, tôi biết là Trung Tướng Minh cần gặp ông với Trung Tướng Khánh để thảo luận một số vấn đề cần thiết. Vấn đề gì thì tôi không biết, nhưng tôi nghĩ chỉ quanh quẩn về việc các vị bị bắt thôi, chớ chẳng việc nước việc non gì đâu. Bởi sự thể đã đâu vào đó rồi. Nhưng nếu Trung Tướng Khánh ở vị trí Trung Tướng Minh hiện tại, thì Trung Tướng Khánh không nói chuyện êm thấm nhẹ nhàng vậy đâu, bởi Trung Tướng Khánh vốn là không ôn hòa, nhất là trong tình cảnh đó.

Sau một lúc thảo luận to nhỏ với người Mỹ đã có mặt từ sớm, Trung Tướng Khánh mời Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Viên vào bàn họp. Một số sĩ quan quan tâm hay hiếu kỳ, đang đứng lóng ngóng trong nhà để theo dõi tin tức, được mời ra sân. Tại sân, khá đông sĩ quan các quân binh chủng, cùng một số phóng viên báo chí. Tuy không đông, không nhộn nhịp như cuộc đảo chánh 01/11/1963, nhưng cũng chật sân trước. Lúc bấy giờ trong nhà Trung Tướng Khánh, chỉ có Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm, Đại Tá Viên, người Việt Nam có vẻ là thân tín của Trung Tướng Khánh, một viên chức Hoa Kỳ, và tôi. Trung Tướng Khánh lên tiếng trước như là người chủ tọa:

“Thôi, mọi việc xong rồi. Bây giờ thì anh Khiêm làm đi”. 

Trung Tướng Khiêm, tay phải gỡ kiến xuống và tay trái lau kiến, đó là những động tác biểu hiện sự suy nghĩ của ông. Tiếp đó, ông xoay qua Đại Tá Viên, vừa cười vừa nói:

“Phần tôi đến đây là đủ rồi. Tôi không thích chính trị đâu, hay là anh Viên nhận đi”.

Đại Tá Viên với nụ cười không hết miệng như lúc nào, ông nói:

“Thôi. Hai anh tính với nhau đi, ai làm cũng được mà. Tôi không thích lao vào chính trị đâu. Phần tôi đến đây là xong. Tôi muốn ở Lữ Đoàn Dù với anh em của tôi”.

Đại Tá  Viên lớn tuổi hơn hai vị kia, nhưng ông rất cẩn thận trong cách xưng hô với mọi người, ngay cả với cấp dưới cũng vậy, chớ không nhất thiết là chỉ cẩn thận với hai vị này.

“Các “toa” không nhận thì “moa” đành nhận thôi”.

Nói xong, Trung Tướng Khánh cười khoan khoái. Trung Tướng Khánh nói nhận ở đây, là nhận chức Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, tức Quốc Trưởng, và kiêm luôn chức Thủ Tướng. Vậy là chức vụ của Trung Tướng Khánh nhiều bằng chức vụ của Trung Tướng Minh với ông Đốc Phủ Sứ Nguyễn Ngọc Thơ trước đây cộng lại. Trung Tướng Khánh đồng ý giữ Đại Tá Viên trong chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù. Mời Trung Tướng Khiêm giữ chức Tổng Tưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, nhưng Trung Tướng Khiêm không nhận. Ông muốn ở lại chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III. Dĩ nhiên là chính ông “muốn” chớ không phải ông “bị” như cách đây tròn 1 tháng. Buổi họp chọn vị đứng đầu quốc gia và đứng đầu chánh phủ tạm ngưng, vì Trung Tướng Khánh phải lên tòa nhà chánh họp báo.

Lúc đó là 2 giờ chiều, tại tầng trệt tòa nhà chánh. Rất đông phóng viên báo chí truyền thanh truyền hình trong nước lẫn ngoại quốc. Trên bàn chủ tọa, Đại Tá Cao Văn Viên ngồi cạnh Trung Tướng Nguyễn Khánh, còn Trung Tướng Khiêm vắng mặt vì bệnh. Chuẩn Uý Nguyễn Ngọc Linh là thông dịch. Chuẩn Uý Linh tốt nghiệp khóa 12 (hoặc 13) Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ông là chủ một trường Anh ngữ khá nổi tiếng tại Sài Gòn. Sinh viên sĩ quan khóa này có một số khá đông tốt nghiệp đại học mà báo chí thường gọi là “thành phần khoa bảng”.

Tổng quát thì Trung Tướng Khánh cho rằng, một số Tướng Lãnh trong nhóm đảo chánh 01/11/1963, đã âm mưu đưa nước Việt Nam đến trung lập, mà trung lập là thời kỳ chuyển tiếp đến chế độ cộng sản. Và âm mưu này phải phá vở từ trong trứng, nếu không, nó sẽ là một sỉ nhục các chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống cho ngọn cờ quốc gia chống cộng. Đồng thời, dân tộc Việt Nam phải chịu sự thống trị của cộng sản và lệ thuộc Trung Cộng như hằng ngàn năm trong lịch sử. Do vậy, mà nhóm của ông đứng lên làm cuộc “chỉnh lý” hôm nay….

Sau đó, ông trả lời những câu hỏi của báo chí. Phần lớn những câu hỏi đều xoay quanh điều mà ông nói là âm mưu trung lập Việt Nam. Tôi không nhớ hết nguyên văn câu hỏi và trả lời, nhưng những điều dưới đây là tôi tóm tắt theo trí nhớ (đoạn này tôi viết lại lúc trong tù):

“Nhóm lãnh đạo chỉnh lý gồm những ai?”

“Nhóm lãnh đạo của chúng tôi gồm 3 người: Tôi, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên”.Vừa nói ông vừa chỉ Đại Tá Viên.

“Xin Trung Tướng cho biết những bằng cớ về âm mưu trung lập?”

“Hội Đồng chúng tôi sẽ truy tố các vị đó ra tòa theo luật định. Toà án sẽ căn cứ vào những bằng cớ để phán quyết”.

“Các vị Tướng đó nghe nói đã bị bắt, có đúng không? Nếu đúng, thì các vị đó bị giữ ở đâu?”

“Đúng. Các vị đó được giữ ở nơi an toàn trong khi chờ ra tòa”.

“Nhóm Chỉnh Lý có thành lập chánh phủ dân sự như nhóm đảo chánh trước đây hay không?”

“Chúng tôi thành lập chánh phủ quân sự, nhưng cũng là tạm thời”.

“Hiến Chương tạm thời bao giờ được thay đổi?”

“Sẽ được thay bằng Hiến Pháp khi Quốc Hội được bầu lên trong một tình hình ổn định”.

“Hàm râu của Trung Tướng cắt theo kiểu đó có nghĩa gì?”

Dường như bị bất ngờ, Trung Tướng Khánh đưa tay vuốt chòm râu cụt ngũn kèm theo nụ cười kéo dài khá lâu, chắc là để tìm câu trả lời trước câu hỏi này.

“Mỗi quân nhân chúng tôi thường có cái gì đó để kỷ niệm cho riêng mình. Hàm râu của tôi cũng không ngoài ý nghĩa đó”.

Và cuộc họp báo chấm dứt, nhưng điều mà các phóng viên thắc mắc liên quan đến bằng chứng về kế hoạch trung lập của các vị Tướng bị bắt, thì Trung Tướng Khánh trả lời rất mơ hồ, khiến họ tỏ vẻ không hài lòng. Mà thật ra ngôn ngữ trong chính trị, không nhất thiết một với một là hai như trong ngôn ngữ của các ngành sinh hoạt khác, cho nên có hài lòng hay không hài lòng cũng vậy thôi.     

Trước bữa ăn tối, Trung Tướng Khánh, Trung Tướng Khiêm, và Đại Tá Viên, thảo luận với một số vị dân sự và hành chánh để thành lập chánh phủ. Tôi xin phép chạy về nhà vì con tôi  lên cơn nóng, nên không theo dõi được phần thảo luận chi tiết. Sau đó Trung Tướng Khiêm gọi tôi trở lại “bản doanh” gấp:

“Chú sang bộ tư lệnh Quân Đoàn nói với Đại Tá Mạnh (Nguyễn Văn Mạnh) Tham Mưu Trưởng, chuẩn bị để sáng mai tôi bàn giao cho Thiếu Tướng Lâm Văn Phát. Còn mấy chú cũng chuẩn bị bàn giao văn phòng rồi trở về Tổng Tham Mưu với tôi”.

“Trung Tướng đã nhận lời với Trung Tướng Khánh?”

“Không có người nên tôi phải nhận thôi. Tôi coi Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu luôn. Tôi ngồi ở văn phòng mà trước kia Đại Tướng Tỵ ngồi đó. Chú sắp xếp lại cho tôi. Phần chú, chú làm chánh văn phòng cả hai bên, nghĩa là Bộ Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu. Thôi, chú chạy qua Quân Đoàn lo cho kịp. Nhớ bảo Đại Uý Tuấn về lại Tổng Quản Trị luôn”. (Đại úy Nguyễn văn Tuấn, về sau là Đại Tá, Giám Đốc Nha An Ninh Hành Chánh khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng)

“Chào Trung Tướng, tôi đi ngay”.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt