Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (8)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Chỉnh Lý cuộc Đảo Chánh 30/01/1964” 

Chỉnh Lý (Đảo Chánh)

Nhưng tôi lầm, vì cuộc đảo chánh quân sự lại xảy ra khá đột ngột.  

Tướng Nguyễn Khánh cầm đầu Chỉnh Lý

Ngày gần cuối tháng 01/1964, Trung Tướng Khánh từ Đà Nẵng điện thoại bảo tôi cho xe đón ông trong căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất (thường thì đón ông bên nhà ga dân sự) và tuyệt đối không cho ai biết là ông về Sài Gòn. Tôi trình Trung Tướng Khiêm và dùng xe của Trung Tướng Khiêm đi đón Trung Tướng Khánh. Lúc ấy đã hết giờ làm việc trong ngày. Sau đó, hai vị cùng ngồi chung xe đi đâu đó mà tôi không rõ vì xe an ninh không được chạy theo như lệ thường. Điều này làm cho tôi tự hỏi:

“Liệu có cuộc đảo chánh nữa hay không, vì sự vắng mặt bất thường này giống như những ngày cuối tháng 10/1963 vậy?”

Mờ tối ngày 29/01/1964, sau khi từ bộ tư lệnh Quân Đoàn III về đến nhà, Trung Tướng Khiêm gọi tôi đến nhà ông ngay. Vào cửa, tôi thấy bàn ăn đã sẵn sàng nhưng gia đình ông chưa người nào ngồi vào bàn, ông chỉ tôi ngồi đối diện ông ngay trong phòng khách, và ông ra lệnh:

“Việc này  đối với chú là lần thứ hai. Tôi muốn nói là chú biết việc gì phải làm. Chú mà hé môi với bất cứ ai trước khi thực hiện thì chú bị đứt đầu nghe chưa”.

“Vâng”.

Trong một thoáng thật nhanh tôi liên tưởng đến sự đi đâu đó của hai vị giống như trước ngày 01 tháng 11 năm ngoái (1963). “Đảo chánh nữa chăng, vì Trung Tướng Khiêm vừa nói đây là lần thứ hai?” Ông tiếp:

“Vào sáng sớm mai, tôi + Trung Tướng Khánh + và Đại Tá Viên (Cao Văn), lật  đổ  nhóm ông Minh ông Đôn, vì các ông này có kế hoạch đưa Việt Nam đến trung lập, mà trung lập thì sớm muộn cũng vào tay cộng sản. Chú rõ chưa?”

“Dạ rõ”.

“Sau giờ này, chú điều động xe truyền tin hành quân của Quân Đoàn về đậu sau nhà chú. Nhà chú có chỗ kín đáo hông?”

“Dạ có. Sau nhà tôi là vườn chuối, tôi đốn bớt vài cây cho xe vào và sẽ thực hiện khi trời tối. Bên trái nhà tôi là Thiếu Tá Đào Ngọc Thọ (phòng 4/Bộ Tổng Tham Mưu), và bên phải là gia đình Thiếu Tướng Thiệu(Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh). Mình ở Quân Đoàn, hệ thống liên lạc hành quân là chuyện bình thường, chắc chẳng ai quan tâm đâu, thưa Trung Tướng”.

“Đích thân chú phải lên máy liên lạc trực tiếp với Thiếu Tướng Thiệu (ở Biên Hòa) và Thiếu Tướng Có (Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho). Làm như vậy để biết chắc là mình giữ liên lạc được với hai ổng thôi, và khi liên lạc được rồi chú phải giữ máy thường trực cho tôi. Công tác này phải xong trước 2 giờ sáng. Nếu có gì trở ngại, chú trình tôi ngay. Chú rõ chưa?”

“Dạ rõ”.

Cựu Tướng VNCH – Trần Thiện Khiêm

“Chú gọi chú Có sang ngủ nhà chú đêm nay. Chú Có không được quyền biết trước công tác này. Chú với chú Có đem xe truyền tin đến sân nhà Trung Tướng Khánh (sát bên phải cổng số 1 Tổng Tham Mưu) trước 3 giờ sáng, nhưng không nên sớm quá. Đúng 3 giờ sáng, Đại Tá Viên và Tiểu Đoàn Dù vào cổng số 1. Chú đón tại cổng, mời Đại Tá Viên vào nhà ông Khánh, và hướng dẫn Tiểu Đoàn lên bố trí chung quanh tòa nhà chánh. Phần an ninh trại Trần hưng Đạo, chú với Trung Tá Luông tổ chức như lần trước. Chú cần hỏi gì thêm không?”

“Dạ không”.

“Chú chỉnh đồng hồ theo đồng hồ tôi đây. Trung Tá Luông sẽ nhận lệnh sau”.

Sau khi rời khỏi nhà Trung Tướng Khiêm, tôi sang Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, mời Đại Uý Truyền Tin (dường như là Đại Uý Nguyễn Hữu Phụng) lên văn phòng:

“Trung Tướng Tư Lệnh vừa ra lệnh cho tôi, đêm nay Trung Tướng cần giữ liên lạc thường trực với Sư Đoàn 5 Bộ Binh, để theo dõi cuộc hành quân vào căn cứ Hố Bò (của cộng sản), vì có tin là một tên quan trọng của chúng  vừa đến nơi đây (tôi bịa ra tin này). Ngay bây giờ, anh có thể cho anh em trên chiếc xe AN/GRC 26 chuẩn bị di chuyển sang nhà tôi bên Tổng Tham Mưu”.

“Tôi cho lệnh chuẩn bị ngay. Khi xong, xe đến đây chờ lệnh Thiếu Tá”.

Cũng phải mất nửa tiếng đồng hồ dọn đường, chiếc xe truyền tin mới vào được vị trí. Lúc đó tối lắm rồi, tôi trợ giúp anh em truyền tin dựng cột antenne vì liên lạc xa. Đại úy Nguyễn Hữu Có vừa đến và tiếp tay, nên công tác chuẩn bị cho hệ thống liên lạc hành quân được nhanh chóng. Đại úy Có không thấy tôi nói lý do sự có mặt xe này tại đây nên cũng không hỏi, vì thật ra giữa chúng tôi hiểu nhau về những vấn đề bảo mật, nếu một bên không nói thì bên kia không bao giờ hỏi. Nhóm hành quân chúng tôi chẳng ai ngủ được cả, vì ăn khuya xong là bắt tay vào việc lên máy gọi Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 7. Lúc 00 giờ 30 ngày 30/01/1964:

“Cửu Long gọi Đồng Nai. Trả lời”.

“Đồng Nai nghe 5/5. Có gì cho Đồng Nai. Trả lời”.

“Giới chức của Cửu Long cần gặp thẩm quyền Đồng Nai trên máy. Trả lời”.

“Rõ. Xin chờ đầu máy…. “

“Hoa đó hả? Tôi đây”. Đó là tiếng nói của Thiếu Tướng Nguyễn Văn Thiệu.

“Thưa Đại Bàng, Đại Bàng tôi chỉ cần biết có liên lạc là tốt rồi. Tôi xin phép ngưng. Trả lời”.

“Được rồi”.

Cửu Long là danh hiệu Quân Đoàn III. Đồng Nai là danh hiệu Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đại Bàng có nghĩa là vị Tư Lệnh.

Đến Sư Đoàn 7 Bộ Binh, hai anh chuyên viên luân phiên gọi liên tục mà cứ như gọi vào khoảng không mù mịt của đêm khuya vì chẳng nghe tăm hơi đầu kia gì cả.

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Có (bên trái)

Đang rầu thối ruột! Bỗng dưng, đài của Sư Đoàn 7 Bộ Binh “nhảy vô” và lúc đó gần 2 giờ sáng rồi. Sau khi tôi liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, cả 3 đài trên hệ thống đặc biệt này giữ máy thường trực. Xin nói rõ thêm, Sư Đoàn 7 Bộ Binh thuộc Quân Đoàn IV, nên không có trong hệ thống liên lạc thường trực của Quân Đoàn III. Nhưng giữa các vị thu xếp trước, nên Sư Đoàn 7 Bộ Binh vào hệ thống đặc biệt này. Dĩ nhiên là tôi phải “ngụy tạo lý do” để giải thích cho các anh chuyên viên, vì sao mà Sư Đoàn 7 Bộ Binh tăng phái cho Quân Đoàn III trong cuộc hành quân đặc biệt từ hôm nay. Đơn giản, là vùng hành quân dọc theo liên ranh Quân Đoàn III và Quân Đoàn IV. Thế thôi.

Điện thoại trình Trung Tướng Khiêm xong, tôi ngồi luôn trên xe truyền tin như là ngồi chơi với các anh chuyên viên, nhưng thật ra là tôi ngăn chận những liên lạc đến bất cứ nơi nào khác, vì lúc nảy có một anh thắc mắc về sự có mặt của Sư Đoàn 7 Bộ Binh trong hệ thống này. Lúc gần 3 giờ, nhóm chúng tôi di chuyển lại nhà Trung Tướng Nguyễn Khánh, tạm gọi là “bản doanh nhóm lãnh đạo đảo chánh”. Kể ra thì tên gọi đó cũng không sai. Trước khi rời nhà, tôi mới cho Đại úy Nguyễn Hữu Có biết công việc đã làm từ đêm qua và đang làm tiếp. (hai ông cùng tên Nguyễn Hữu Có, nhưng một là Đại Úy và một kia là Thiếu Tướng)

“Sao đảo chánh hoài vậy Anh?” Vợ tôi hỏi.

“Anh cũng hổng biết. Chỉ biết Trung Tướng (Khiêm) nói là Trung Tướng Dương Văn Minh có kế hoạch trung lập, mà trung lập thì gần tới cộng sản rồi Em”.

“Ghê vậy!”

Đúng 3 giờ sáng ngày 30 tháng 01 năm 1964. Đại Tá Cao Văn Viên và Tiểu Đoàn Nhẩy Dù lặng lẽ  qua cổng số 1 Tổng Tham Mưu với nhiệm vụ sẵn sàng tác chiến, nếu như có đơn vị nào đó kháng cự lại. Một lúc sau, Đại Tá Viên vào nhà Trung Tướng Khánh.   

Cựu Tướng Cao Văn Viên

Nhớ lại cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Nhẩy Dù, bị xếp vào những nhân vật thân tín của Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên bị Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cách ly với Lữ Đoàn. Ngày 02/11/1963, Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu bị giết, các vị bị cách ly từ hôm trước được trả tự do nhưng hầu hết đều bị cách chức. Đại Tá Cao Văn Viên cũng trong số các vị bị cách chức. Ngày hôm sau bà Cao Văn Viên điện thoại tôi:

“Chú Hoa. Trung Tướng của chú (ý nói Trung Tướng Trần Thiện Khiêm) có hứa với chị là sẽ xin với Trung Tướng Minh (Dương Văn Minh) cho Đại Tá (Cao Văn Viên) trở về chức vụ Tư Lệnh Nhẩy Dù để lấy lại danh dự, và 24 tiếng đồng hồ sau đó Đại Tá sẽ đệ đơn từ chức. Chị nhờ chú theo dõi diễn tiến ra sao rồi cho chị biết ngay nghe chú”.  

“Vâng”.

Ngưng một chút, bà tiếp: “Mà chú thấy có hi vọng không?”

“Em thì chưa biết gì về việc này, nhưng theo em nghĩ, với vị trí hiện nay của Trung Tướng (Khiêm) trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, hi vọng là Trung Tướng thực hiện được lời hứa với chị”.

Và rồi Đại Tá Cao Văn Viên trở về chức vụ cũ, nhưng sau đó ông có xin từ chức Tư Lệnh Nhẩy Dù hay không thì tôi không biết, nhưng rõ ràng là ông vẫn trong chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù.

Các đơn vị an ninh thuộc Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu đã vào vị trí. Trung Tá Nguyễn Văn Luông đi lúc nào tôi không rõ, nhưng chắc chắn là đi rồi. Nhiệm vụ của Trung Tá Luông cùng với toán Quân Cảnh, Nhẩy Dù, An Ninh Quân Đội, …. đi bắt những vị Tướng mà Trung Tướng Khiêm với Trung Tướng Khánh cho là có kế hoạch trung lập. Đó là các vị: Trung Tướng Trần Văn Đôn. Trung Tướng Tôn Thất Đính. Trung Tướng Mai Hữu Xuân. Trung Tướng Lê Văn Kim. Và Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ.

Riêng Trung Tướng Dương Văn Minh thì tôi không rõ  là có tên  trong danh  sách bị bắt hay không. Trước lúc bình minh, tại bản doanh -nhà Trung Tướng Khánh- có mặt: Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, Trung Tướng Nguyễn Khánh, Đại Tá Cao Văn Viên, một người Việt Nam dáng vấp trung bình về chiều cao lẫn chiều ngang, và một người Mỹ mặc quần tây dài áo sơ-mi tay ngắn. Anh chàng Mỹ này không phải là người có mặt trong cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963 trước đây. Nói cách khác, người Mỹ này không phải Trung Tá Conein. Căn cứ theo lần đảo chánh đó, tôi tin chắc rằng, người Mỹ này là gạch nối giữa nhóm đảo chánh với giới chức thẩm quyền Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Thậm chí, có thể là đại diện của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ từ Mỹ sang. Mà cho dù là gạch nối hay đại diện đi nữa, cũng là bằng chứng một sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với  cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, và cuộc đảo chánh hôm nay 30/01/1964.

Chỉ cần ba nhân vật, một ít lực lượng, với một người Hoa Kỳ quyền thế, cuộc đảo chánh diễn tiến thật êm thấm vì chỉ cần bắt 5 vị Tướng nói trên là xong. Êm thấm đến nỗi tôi tin rằng, người dân Sài Gòn và ngay cả nhiều cơ quan đơn vị quân đội, không hề biết gì về một biến cố quan trọng vừa xảy ra, nếu như đài phát thanh Sài Gòn vẫn phát đi chương trình  bình thường. Năm vị Tướng bị bắt, đã đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất, và nơi đến là Đà Nẵng. Trung Tướng Khánh đã chỉ thị ngoài đó đón và đưa về nơi giam giữ. Người bị bắt thứ 6 là Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung -tùy viên của Trung Tướng Dương Văn Minh- người mà tôi đặt nghi vấn cao nhất “đã đâm và bắn Tổng Thống Ngô Đình Diệm với ông cố vấn Ngô Đình Nhu”, thì bị đưa lên trại Hoàng Hoa Thám -tức doanh trại Lữ Đoàn Nhẩy Dù- và giữ tại đó. Tại đây, Thiếu Tá Nhung buộc phải  viết tờ khai về những gì đã làm liên quan đến cái chết của Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu. Sau ngày đảo chánh 30/01/1964, tôi cũng không biết gì về nội dung trong tờ khai đó. (mãi đến năm 1998, qua bài báo của cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, tôi mới biết chính xác là Thiếu Tá Nhung đã giết hai ông ấy. Được cựu Đại Tá Nghĩa đồng ý qua điện thoại, tôi đã bổ túc phần đó trong ấn bản lần 3 vào cuối năm 1998).

Vài hôm sau, Lữ Đoàn Nhẩy Dù cho biết là Thiếu Tá Nhung đã thắt cổ tự tử. Mẫu tin đơn giản đó liệu có mấy người tin? Bởi Đại Tá Cao Văn Viên được xem là người thân tín của Tổng  Thống Ngô Đình Diệm, ông bị giữ trong ngày đảo chánh 01/11/1963, nhưng sau đó nhờ Trung Tướng Khiêm mà ông được trở lại chức vụ Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhẩy Dù, do vậy mà cho dẫu Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung có chết một cách bình thường cũng là điều mà dư luận khó chấp nhận, huống chi đây là tin Thiếu Tá Nhung thắt cổ! Căn cứ theo lời viết trong tờ khai, Thiếu Tá Nhung khai là anh đâm ông Ngô Đình Nhu bằng lưỡi lê, Tổng Thống Ngô Đình Diệm chống cự khi ông Nhu bị anh đâm chết, nên anh đâm Tổng Thống Diệm luôn. Sau đó, Thiếu Tá Nhung bắn mỗi vị một phát súng mà anh Nhung gọi là “phát súng ân huệ”.

Cứ theo luật pháp thông thường trong xã hội, giết người phải đền tội là chuyện phải đến thôi. Chuyện phải đến trong hoàn cảnh là như vậy, nhưng Thiếu Tá Nhung có đáng chết hay không lại là vấn đề khác. Có điều lạ là tôi không thấy dư luận đặt nghi vấn: “Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung chết là do chính ông tự tử, hay ông chết do bị giết rồi tạo cảnh như là chính ông tự tử? Nếu Thiếu Tá Nhung bị giết thì ai là người ra lệnh giết? Ai là người thi hành lệnh đó? Và lệnh giết Thiếu Tá Nhung có đúng hay không”?  Nếu cho rằng, giết người mà không do phán quyết của tòa án là sai, thì Thiếu Tá Nhung giết Tổng Thống Diệm với ông Cố Vấn Nhu là sai, và người giết Thiếu Tá Nhung cũng là sai. Tôi nghĩ, nếu truy tố Thiếu Tá Nhung ra tòa án quân sự trong tình hình lúc bấy giờ cầm chắc là bản án tử hình đến với anh. Nếu hành động minh bạch như vậy, sẽ cho thấy nhóm lãnh đạo đảo chánh tôn trọng luật pháp chớ không áp dụng “luật giang hồ” theo kiểu tam-đoạn-luận: “Giết người thì bị người (khác) giết. Anh đã giết người. Anh phải bị người (khác) giết”.

Đến đây tôi xin mở ngoặc để ghi lại lời thuật của ba vị nói về cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung. Trước hết là lời của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, định cư tại San Jose, California. Anh đồng ý cho tôi đưa vào trang sách này qua e-mail lúc 2 giờ 31 phút chiều ngày 06/03/2004. Đây là lời viết của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim:

“Vào thời điểm 01/11/1963, tôi là Trung Úy, Trưởng Ban An Ninh Căn Cứ Hoàng Hoa Thám/Lữ Đoàn Nhẩy Dù, thời Đại Tá Cao Văn Viên làm Tư Lệnh Lữ Đoàn này. Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung bị giữ tại trại Cãi Hối do Phân Đội 204 Quân Cảnh Nhẩy Dù phụ trách. Tôi được lệnh thẩm vấn Thiếu Tá Nhung và Thiếu Tá Nhung khai rằng, khi đoàn xe chạy đến cổng xe lửa trên đường Hồng Thập Tự, tôi xin lệnh Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân về việc ông Diệm và ông Nhu, thì được Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân trả lời bằng câu tiếng Pháp “Feu tous les deux” (bắn cả hai).

“Đây là câu trả lời được ghi lại trong ký ức tôi. Luôn tiện tôi xin đưa ra dữ kiện về việc Thiếu Tá Nhung tự tử để quí vị phán xét. Trước khi tôi bắt đầu thẩm vấn, Thiếu Tá Nhung xin phép tôi điện thoại về nhà để nhắn nhủ vợ con yên tâm. Trên nguyên tắc thì người đang bị thẩm vấn không được liên lạc ra ngoài, nhưng tôi muốn tạo tình cảm thuận lợi cho công tác lấy lời khai nên tôi đồng ý. Thẩm vấn xong, tôi giao lại Phân Đội 204 Quân Cảnh Nhẩy Dù. Đến sáng hôm sau được báo là Thiếu Tá Nhung đã treo cổ. Tôi đến nơi trông thấy Thiếu Tá Nhung treo cổ bằng sợi giây giày loại giày cao cổ, có để lại mấy chữ ở bìa trắng của tờ báo như sau: “Em ở lại nuôi các con, bọn Diệm sống lại rồi. Cây viết Parker 51 nắp vàng, còn nằm trên tờ báo. Tôi thuật lại đây để quí vị tùy nghi xét đoán, nếu không thì có nhiều người suy đoán trật quá xa sự thật. Tối thiểu, chúng ta cũng phải căn cứ trên các dữ kiện tôi nêu trên có thể kết luận Thiếu Tá Nhung tự vận hơn là bị giết.”

Hết phần trích dẫn trên trang e-mail về lời thuật của cựu Thiếu Tá Lâm Sanh Kim, và xin tiếp lời thuật của cựu Trung Tá Phạm Ngọc Khanh qua điện thoại. Cựu Trung Tá Phạm Ngọc Khanh, định cư tại San Francisco, California. Trong cuộc đảo chánh 30/01/1964, anh là Đại Úy sĩ quan tùy viên của Đại Tá Cao Văn Viên. Giữa năm 2001, sau khi đến Washington DC thăm cựu Đại Tướng Cao Văn Viên trở về, anh điện thoại cung cấp cho tôi một số tin tức liên quan đến sức khoẻ và cuộc sống hằng ngày của vị Tướng đã từng là Tổng Tham Mưu Trưởng liên tục gần 10 năm. Nhân đó, anh thuật cho tôi nghe mẫu tin Thiếu Tá Nhung tự tử sau cuộc đảo chánh ngày 30/01/1964. Lời thuật như sau:

“Cái hôm Thiếu Tá Nhung chết, lúc đó còn sớm lắm, điện thoại từ sĩ quan trực Lữ Đoàn Nhẩy Dù gọi đến tư dinh báo cáo là Thiếu Tá Nhung đã tự tử, và đưa vào bệnh xá của Lữ Đoàn rồi”.

Đại Úy Khanh trình cho Đại Tá Viên, và Đại Tá Viên ra lệnh:

“Nói với sĩ quan trực (Lữ Đoàn) gọi bác sĩ cứu được gì thì cứu”.

Theo lời Đại Úy Khanh thì lúc ra lệnh đó, Đại Tá Viên không có vẻ gì bất ngờ trước cái tin chết người như vậy, nhất là người chết lại là người mà dư luận đặt nghi vấn, thậm chí còn quả quyết anh ấy đã giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu nữa. Điều này cho phép chúng ta suy đoán có thể là Đại Tá Viên biết trước về cái chết của Thiếu Tá Nhung. Nhưng nếu biết trước, thì liệu Đại Tá Viên có liên quan gì? Bởi vì cái tin Thiếu Tá Nhung tự tử có thể là thật, cũng có thể là không thật. Không thật, vì có thể cái chết đó là do dàn dựng cho Thiếu Tá Nhung, cũng có thể là do áp lực dẫn đến chính Thiếu Tá Nhung phải tự tử. Điều này vẫn còn trong bóng tối.

Cũng liên quan đến vụ này, vị thứ ba là cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trong cuộc điện đàm vào tối ngày 21/10/2003, khi nói đến cái chết của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nhung, ông nói với tôi là ông nghe nói một số quân nhân Nhẩy Dù đã vì tức giận việc Thiếu Tá Nhung giết Tổng Thống Diệm, nên ra tay giết Thiếu Tá Nhung.

Xin đóng ngoặc.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp]   

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt