Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (7)

Đọc hồi ký của cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa từ ngày đảo chánh cố tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày mất miền Nam 30/04/1975, chúng ta tìm ra những điểm then chốt của lịch sử: Ai giết cố TT Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu – Những chính biến trong nền Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa đến mất miền Nam Việt Nam ra sao? Ông viết ra những gì mắt thấy, tai nghe dưới dạng truyện kể trong suốt thời gian  giữ nhiệm vụ một Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng quân lực VNCH, luôn bên cạnh các nhân vật lãnh đạo miền Nam Việt Nam. Đây là một tài liệu có nhiều điều bổ ích cho sử liệu và bài học cho thế hệ mai sau. Một tài liệu có giá trị và có mức độ trung thực cao. Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Đảo Chánh 30/01/1964” (kết thúc đảo chánh 30/01) 

Đảo Chánh ngày 30 tháng 1 năm 1964 (kết thúc đảo chánh 30/01)

Trung Tướng Khiêm nhận chức vụ mới

Về đến Sài Gòn là tôi vào văn phòng ngay, vì chánh văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng gọi tôi vào gặp Trung Tướng Trần Văn Đôn dù hôm nay là ngày nghỉ.

“Thưa Trung Tướng, tôi vừa về đến”.

“Anh ngồi đi. Công du có vui không?”

“Rất vui, thưa Trung Tướng”.

“Anh có hay tin về chức vụ mới của Trung Tướng Khiêm chưa?”

“Dạ chưa, thưa Trung Tướng”

“Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã cử Trung Tướng Khiêm giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn III/Vùng III Chiến Thuật rồi”.

“Thưa Trung Tướng, trường hợp này hồ sơ Trung Tướng Khiêm bàn giao cho vị nào để tôi chuẩn bị cho kịp?”

“Trung Tướng Khiêm bàn giao cho Trung Tướng Kim (Lê Văn Kim). Anh chuẩn bị cần thiết để Trung Tướng Khiêm khi về đến là bàn giao ngay và sang nhận Quân Đoàn III”.

“Lệnh này Trung Tướng Khiêm có biết chưa, thưa Trung Tướng?”

“Tôi chắc là chưa, nhưng dù sao thì anh cũng nên trình với Trung Tướng Khiêm khi anh đón ổng. Mà hôm nào Trung Tướng Khiêm về?

“Rạng sáng ngày 1 tháng 1 (1964) về đến, thưa Trung Tướng”.

“Anh liên lạc với chánh văn phòng Trung Tướng Kim và chánh văn phòng Trung Tướng Đính để thu xếp chương trình lễ bàn giao. Mọi việc đều diễn tiến trong phạm vi nội bộ thôi. Anh có điều gì cần hỏi nữa không?”

“Dạ không. Tôi sẽ thi hành, thưa Trung Tướng”.

Tôi rất thắc mắc là tại sao không chờ Trung Tướng Khiêm về hãy đưa ra quyết định này. Phải chăng Trung Tướng Dương Văn Minh cử Trung Tướng Trần Thiện Khiêm vào phái đoàn công du ngoại quốc để các vị ở nhà không gặp trở ngại khi quyết định như vậy? Trung Tướng Khiêm có nói với tôi rằng, ông là một trong rất ít vị  (nếu tôi nhớ không lầm là 4 vị) vị lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963), với lại chỉ riêng những lệnh tối mật mà Trung Tướng Khiêm chỉ thị cho tôi vào sáng sớm ngày đảo chánh, cũng đủ nói lên vị trí quan trọng của ông đến mức nào trong cuộc đảo chánh đó. Sao lại xử sự như vậy? Bởi đây là một cách mà trong giới cầm quyền thường nửa đùa nửa thật là “hạ tầng công tác”. Dù đúng hay không đúng thì rõ ràng là từ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân tại Bộ Tổng Tham Mưu đến chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn, nhìn từ bên ngoài là xuống một bậc rồi còn gì!     

Tôi chuẩn bị bàn giao, kể cả xin lệnh thuyên chuyển 6 nhân viên văn phòng sang Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III, đồn trú trong khuôn viên trại Lê văn Duyệt, tọa lạc đường Lê văn Duyệt, Quận 3 Sài Gòn (về sau là bản doanh Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô).

Tuy Trung Tướng Khiêm đã dặn tôi và nhắc lại một lần trước khi tôi rời Tokyo ngày 25/12/1963, khi ông và gia đình về đến Tân Sơn Nhất, chỉ một mình tôi cùng mấy nhân viên trong tư dinh đón mà thôi, vì ông cho rằng đây chẳng qua là chuyện gia đình chớ không phải là phái đoàn công du trở về. Chính vì vậy mà ông chọn chuyến phi cơ về đến thủ đô khi Sài Gòn còn chìm trong giấc ngủ.

Đúng 3 giờ sáng ngày 01/01/1964, Trung Tướng Khiêm, Thiếu Tướng Thiệu và hai gia đình về đến. Phi cơ dừng hẳn lại. Tắt máy. Tôi ra tận cầu thang đón ông. Chỉ vài bước rời khỏi cầu thang:

“Xin Trung Tướng đi chậm một chút vì tôi có nhận lệnh của Trung Tướng Đôn, thưa Trung Tướng”.

“Chuyện gì vậy?”

“Trung Tướng có được tin gì về lệnh cử Trung Tướng giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn III chưa?”

“Chưa. Mà ai nói với chú vậy?”

“Dạ, Trung Tướng Đôn”.

“Ổng nói với chú hồi nào?”

“Dạ ngay khi tôi về đến Sài Gòn. Và Trung Tướng Đôn có nói là công tác bàn giao sau khi Trung Tướng về đến. Tôi đã chuẩn bị hồ sơ bàn giao xong rồi thưa Trung Tướng”.

Trung Tướng Khiêm đứng hẳn lại và im lặng một lúc:

“Ổng có nói gì nữa không?”

“Dạ không”.

“Sáng mai tôi gặp mấy ổng”.

Trung Tướng Khiêm nhìn vào nhà ga bên khu vực dành riêng cho các nhân vật quan trọng:

“Ai đón mà đông vậy?”

 “Dạ các vị Trưởng Phòng/Tổng Tham Mưu. Tôi xin lỗi Trung Tướng, vì các vị ấy nói quá nên tôi không thể nói dối ngày giờ Trung Tướng về. Với lại tôi nghĩ là không nên cứng nhắc quá với các vị “tay phải tay trái” của Trung Tướng, e không có lợi”.

Đi được mấy bước, bà Khiêm quay lại:

“Chú Hoa. Bộ có chuyện hả?”

Tôi thuật tóm tắt cho bà Khiêm nghe, bà có ý trách:

“Sao mấy ổng kỳ vậy?”

“Tôi cho là điều không bình thường, dù rằng Trung Tướng Đính cần giảm bớt chức vụ Tư Lệnh Đoàn III để chu toàn chức vụ Tổng Trưởng An Ninh”.

“Chú biết ai thay “nhà tôi” không?”

“Dạ Trung Tướng Kim”.

Bà Khiêm buột miệng: “Họ hàng với ông Đôn rồi”.

Sáng ngày 02/01/1964, Trung Tướng Khiêm từ phòng Trung Tướng Đôn trở về, ông gọi tôi:

“Chú tổ chức bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân với chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III ngay chiều nay. Không có ai chủ tọa hết”.

Lời nói và giọng nói của ông cho phép tôi suy đoán là ông đang tức giận.

“Vâng. Tôi thi hành ngay thưa Trung Tướng”.

Ngay chiều hôm ấy, Trung Tướng Khiêm bàn giao cho Trung Tướng Lê Văn Kim tại Bộ Tổng Tham Mưu, sau đó sang Quân Đoàn III nhận quân kỳ tiêu biểu chức vụ Tư Lệnh từ tay Trung Tướng Tôn Thất Đính. Cả hai lễ bàn giao đều tổ chức trong văn phòng mỗi nơi một cách nhanh chóng.

Từ ngày Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng (02/11/1963), giờ làm việc trong quân đội được ấn định từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, được nghỉ nửa giờ để ăn trưa tại chỗ, nhưng tại văn phòng chúng tôi thông thường là phải đến 6 giờ chiều mới ra về.

Trung Tướng Khiêm khá xông xáo trong công tác đi thăm các đơn vị, các tiểu khu trực thuộc, nhưng theo cách nhìn của tôi thì ông không bộc lộ hết nhiệt tình như lúc giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Xin đừng nghĩ rằng, nét nhìn của tôi bị ám ảnh bởi quyết định từ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu đến Tư Lệnh Quân Đoàn III của Trung Tướng Khiêm mà có, vì tôi là sĩ quan tham mưu đặc biệt dưới quyền trực tiếp của Trung Tướng Khiêm từ năm 1960, nên tôi khá quen với thái độ cũng như cử chỉ của ông trong những lúc vui buồn, suy tư, hay tức giận.

Khoảng từ trung tuần tháng 01/1964, tức là nửa tháng sau ngày nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn III, Trung Tướng Khiêm (tại Sài Gòn) với Trung Tướng Nguyễn Khánh (tại Đà Nẵng), rất thường liên lạc nhau qua điện thoại viễn liên, và rõ ràng là Trung Tướng Khánh khích Trung Tướng Khiêm trong việc phục hồi danh dự vì bị thuyên chuyển mà không được biết trước.

Trung Tướng Khiêm là người ít nói, không thích tiếp xúc với các cơ quan truyền thông, cũng chẳng thích phô trương, và con đường chính trị -theo tôi- cũng không phải là hướng đi của ông, nên tôi không nghĩ là ông dễ dàng bị Trung Tướng Khánh dẫn đến một cuộc chính biến nữa để gọi là phục hồi danh dự cho ông, đành rằng ông đang buồn phiền và chắc là buồn phiền về vấn đề ấy.

[Bấm vào đây đọc bài trước]

[Bấm vào đọc bài kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt