Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ hứa thúc đẩy VN trả tự do cho Phương Uyên, Nguyên Kha

Một giới chức cao cấp trong hành pháp Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy Việt Nam trả tự do cho hai nhà hoạt động trẻ bị tuyên án tổng cộng 14 năm tù về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” vì dán biểu ngữ, rải truyền đơn chống Trung Quốc và phản đối sự cai trị độc tài của đảng cộng sản Việt Nam.

D4A09053-B1FD-4AA6-81D2-15FB35A446B0_w640_r1_s_cx0_cy7_cw0

Danial Bear phụ tá Bộ Trưởng Hoa Kỳ đặc trách nhân quyền

Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên, 21 tuổi, và Đinh Nguyên Kha, 25 tuổi, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Long An kêu án lần lượt là 6 tù giam cùng 3 năm quản chế và 8 năm tù giam cùng 2 năm quản chế vì bị cáo buộc tội xuyên tạc các chính sách của đảng và nhà nước liên quan đến tôn giáo, đất đai, và chủ quyền.

Tại phiên điều trần có chủ đề “Các mối quan hệ Việt-Mỹ” do Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ tổ chức hôm 5/6, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ – Nhân quyền – Lao động, ông Daniel Baer, tuyên bố:

“Tôi cam kết sẽ tiếp tục nêu lên trường hợp của hai nhà hoạt động này cũng như thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho Uyên và bạn của cô ấy là Kha.”

Phát biểu của ông Baer, người dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội đối thoại nhân quyền hôm 12/4 vừa qua, được đưa ra trước yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, đòi hỏi chính phủ của Tổng thống Barack Obama phải làm sao để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hằng năm với Việt Nam mang lại những tiến bộ hay kết quả cụ thể.

Dân biểu Ed Royce nói đòi hỏi đó cũng chính là lý do của cuộc điều trần.

Ông Ed Royce nhấn mạnh với hai giới chức trong hành pháp Hoa Kỳ tham gia buổi điều trần gồm Phó Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Baer và Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Joseph Yun, rằng:

“Xin quý vị làm ơn cho thấy ít nhất một ví dụ để chứng tỏ rằng các cuộc đối thoại nhân quyền hiện tại với việt Nam có thể mang lại một số kết quả đúng với ý nghĩa khi nói rằng chúng ta muốn cùng nhau làm việc cho nhân quyền và cho tương lai. Bản án của Phương Uyên và Nguyên Kha là điểm quan trọng để nhà cầm quyền Hà Nội bắt đầu trong tiến trình đó.”

Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ nói Hoa Kỳ không thể không hành động hay không lên tiếng trước các vi phạm trầm trọng hàng loạt của Việt Nam khi mà chỉ trong 6 tuần lễ đầu năm nay Hà Nội đã tống giam hơn 40 các nhà bất đồng chính kiến như Uyên và Kha.

Ông Royce nói áp lực Việt Nam phóng thích Uyên và Kha hay những nhà hoạt động tương tự khác không phải là một đòi hỏi quá đáng vì cái “tội” mà họ bị trừng phạt chỉ là thực thi nhân quyền, bày tỏ quan điểm ôn hòa của công dân, vốn là những điều mà Việt Nam đã tự nguyện cam kết tôn trọng với quốc tế.

Theo dân biểu Royce, không có gì có thể biện minh được cho hành vi bắt bớ, đánh đập, giam cầm của chính phủ Việt Nam đối với Phương Uyên và Nguyên Kha để trả đũa cho việc họ đã rải truyền đơn kêu gọi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Vẫn theo lời Chủ tịch Ed Royce, Hoa Kỳ cần phải dùng đòn bẩy đang có để kiểm tra các vi phạm nhân quyền của Việt Nam, để chứng tỏ hành động của Mỹ đi đôi với lời nói trong lĩnh vực cổ xúy và bênh vực nhân quyền toàn cầu.

Dân biểu Gerry Connolly thuộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama khuyến cáo rằng lập pháp, tức Quốc hội, có thể khước từ đề nghị của hành pháp liên quan đến Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP với Việt Nam nếu thành tích nhân quyền của Hà Nội không được cải thiện.

Ngay sau phiên sơ thẩm của Phương Uyên và Nguyên Kha hôm 16/5, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã phản đối bản án và kêu gọi trả tự do cho hai nhà hoạt động này.

Mới đây, trường hợp của Uyên và Kha cũng được đại sứ Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam nêu lên khi bày tỏ quan ngại về tình trạng bắt bớ, bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến và các blogger tại Việt Nam.

Tại một cuộc gặp với giới hữu trách Việt Nam hôm 24/5, đại sứ EU, Franz Jessen, đã kêu gọi Hà Nội ngay lập tức xem lại các bản án nặng nề dành cho các nhà hoạt động như Phương Uyên, Nguyên Kha, và các thanh niên Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế.

Dịp này, đại sứ Liên hiệp Châu Âu cũng đã phản đối việc chính quyền Việt Nam từ chối yêu cầu của EU muốn được tham dự các phiên xử ấy.

Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, người nhà của Phương Uyên và Nguyên Kha bày tỏ cảm kích và hy vọng rằng những sự quan tâm và áp lực từ Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu sẽ giúp phần nào giảm nhẹ bản án của hai sinh viên chống Trung Quốc trong phiên phúc thẩm tới đây.

Mẹ của Phương Uyên, bà Nguyễn Thị Nhung, cho biết:

“Sau phiên xử, ngày 30/5 gia đình được thăm gặp Uyên. Uyên nói hết sức sốc trước bản án cũng như quá trình tranh luận trước tòa vì Uyên chưa được nói hết, Uyên rất uất ức. Nhưng sau đó Uyên cũng bình tĩnh lại và làm đơn kháng cáo. Nội dung kháng cáo là không xin giảm án vì Uyên cho rằng Uyên không có tội mà Uyên chỉ yêu cầu tòa án làm sáng tỏ những vấn đề còn gút mắt rất nhiều.”

Gia đình Đinh Nguyên Kha nói họ rất bức xúc vì kể từ sau phiên tòa sơ thẩm tới nay, họ không được thăm gặp bị can mà không được giải thích lý do thỏa đáng dù đã cùng luật sư gõ cửa và gửi đơn khắp nơi.

Ông Đinh Nhật Uy, anh trai Đinh Nguyên Kha:

“Họ ngăn cản phi pháp mà không đưa ra được một nghị định, nghị quyết, hay quyết định nào bằng văn bản hết. Họ chỉ trả lời miệng. Mình đòi trả lời bằng văn bản, họ không có. Đi xin giấy để thăm gặp thì cũng không được chứng. Lên trại giam, họ chỉ xuống tòa. Xuống tòa, tòa nói hết trách nhiệm, chỉ qua phòng điều tra. Qua đó, họ chỉ ngược lại qua trại giam. Họ cứ chỉ vòng vòng, không ai chịu trách nhiệm. Ba nơi đó không nơi nào chịu ký giấy cho chúng tôi thăm gặp Kha.”

Cả Phương Uyên và Nguyên Kha đều nhất định kháng án ngay sau phiên sơ thẩm hôm 16/5 vừa qua.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt