Việt Nam: Truyền hình nước ngoài phải trả tiền để bị kiểm duyệt

Sau khi áp đặt các kênh truyền hình nước ngoài phát chậm 30 phút để có thể cắt bỏ những thông tin được coi là nhậy cảm, chính quyền Việt Nam giờ đây đi xa hơn trong việc kiểm duyệt : Các kênh truyền hình nước ngoài phải làm phụ đề tiếng Việt. Với phương cách độc đáo « rất Việt Nam » này, các đài truyền hình nước ngoài muốn làm ăn tại Việt Nam thì phải chi thêm tiền để bị kiểm duyệt.

Kể từ ngày 15/05/2013, quyết định số 20/2011 của Thủ tướng chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền bắt đầu có hiệu lực. Theo quy chế này, các kênh truyền hình nước ngoài phải xin phép biên tập, phải « chuẩn bị » trước các chương trình để phục vụ người xem tại Việt Nam : Đó là phải dịch và làm phụ đề tiếng Việt.

Theo điều 13 của bản Quy chế, thì ngoại trừ các trận thi đấu thể thao, lễ khai mạc và bế mạc của các giải thi đấu thể thao khu vực và thế giới, được phép phát trực tiếp và không cần biên dịch; tất cả nội dung của các kênh phim truyện, tin tức, khoa học giáo dục, các kênh tổng hợp, kênh giải trí tổng hợp, kênh thể thao, ca nhạc, đều phải được biên dịch hoặc lược dịch 100%, tức là có phụ đề tiếng Việt.

Tuần trước, khi Quyết định 20 bắt đầu có hiệu lực, kênh truyền hình vệ tinh tại Việt Nam là K+ đă tạm ngưng phát hàng chục kênh nước ngoài.

Giới chuyên gia tự hỏi là tại một đất nước cấm truyền thông tư nhân, thì mục đích của Quyết định 20 là gì : Phải chăng đây lại là một chiến dịch tăng cường kiểm duyệt thông tin hay chỉ là một chiêu kế thương mại ?

Nếu văn bản trên đây nhắm vào các kênh truyền hình nước ngoài, thì Việt Nam đứng ngang hàng với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực kiểm duyệt các chương trình ngoại quốc.

Theo ông John Medeiros, thuộc CASBAA (Hiệp hội truyền hình cáp và vệ tinh châu Á), được AFP trích dẫn, thì « các kênh truyền hình lo ngại bởi vì quy chế này dường như buộc họ phải ký hợp đồng và trả tiền cho một ai đó để kiểm duyệt nội dung các chương trình của họ ». Cho đến nay, nhiều nước như Trung Quốc hay Singapore kiểm duyệt các chương trình truyền hình vì lý do chính trị hoặc đạo đức, trái với « thuần phong mỹ tục », nhưng chưa có một nước nào lại yêu cầu các kênh truyền hình phải hợp tác và đồng thời lại buộc họ phải chịu phí tổn cho việc kiểm duyệt.

Hiện ở Việt Nam, 16 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có TV5 Monde, có giấy phép hoạt động, nhưng chưa có kênh thông tin nào được cấp phép.

BBC và CNN không cho biết liệu đã được cấp lại giấy phép chưa, nhưng sau 6 ngày ngừng phát, hai kênh này đã quay trở lại hoạt động và vẫn tuân thủ quy định phát chậm 30 phút.

Một quan chức Việt Nam phụ trách các kênh truyền hình trả tiền nói rằng Quy chế mới ban hành không nhằm mục đích kiểm duyệt, mà để ngăn chặn những nội dung « bất hợp pháp ».

Thế nhưng, đại diện các kênh truyền hình nước ngoài cũng như giới ngoại giao làm việc tại Việt Nam tố cáo tình trạng « hỗn loạn » trong lĩnh vực này. Theo phát ngôn viên sứ quán Mỹ ở Việt Nam, Quyết định 20 có thể làm giảm mạnh mẽ sự năng động thương mại và việc phát chương trình của các kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam.

Quyết định 20 được áp dụng trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tìm mọi cách ngăn chặn, kiểm duyệt các blog có ý kiến trái ngược, đối mặt với làn sóng bất bình của người dân bị tước đoạt đất đai, nạn tham nhũng và kinh tế suy thoái. Hiện có ít nhất 38 người đang phải ngồi tù vì đã dám phê phán hoặc tỏ thái độ đối lập với chế độ.  

Đức Tâm   

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt