Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống
Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương XX, XXI và XXII
[Bấm vào đây đọc các chương trước]
CHƯƠNG XX
Một Bức Thư
Hồi tháng Tư năm ấy, Anh ở nhà các đồng chí tỉnh Ninh Bình. Rồi đi lối Nho Quan lên Hòa Bình, ở trong đồn điền của ông đồng chí già là Quách Vy.
Hồi tháng 5, Anh lên giám sát tỉnh Sơn Tây, rồi qua Hưng Hóa, lập thêm hai bộ phận: Bảo Vệ và Võng La.
Anh vẫn luôn luôn hoạt động ở trong nước, nhưng muốn đánh lừa mật thám, cho họ đỡ chú ý, Anh cho người phao tin là Anh đã trốn sang Tàu. Nhân thể Anh sai Nguyễn Văn Kinh trước làm ở Việt Nam khách sạn, lên dò xét các đồn ải ở Lang Sơn, Cao Bằng, tiện dịp liên lạc với các anh em nhà binh ở Hà Nội vừa mới bị tình nghi đổi lên các miền biên giới. Anh liền giao cho Kinh một bức thư để thực hành cái kế phản gián ấy. Bức thư đánh máy, viết theo lối chữ Quốc Ngữ mới mà anh em Việt Kiều ở ngoại quốc thường dùng. Và giả như là của một đồng chí ở ngoài gửi tay về cho Ngọc Kinh, một người tài xế ở Móng Cái. Kinh phải mạo hiểm làm cái gì khả nghi để cho họ bắt. Họ sẽ khám trong mình Kinh mà thấy bức thư ấy. Như vậy, họ sẽ có thể tin là Anh Học đã ra ngoài that. Vì bức thư như say này:
“Quảng Châu, ngày 25 tháng 4, năm 1929.
Ngọc Kinh,
Thái Học đồng chí nghe thấy tin khác nào như sét đánh bên tai! Mấy phen toan trèo non, vượt bể về thành sầu khổ. Trước là mưu tìm cách giúp ích cho đồng chí. Sau là xem mặt những lũ vô nhân loại bán nước buôn dân. Nhưng chưa có dịp về được. Lại phải đợi đến Fete de Jeanne d’Arc vậy! Đồng chí Thái Học nay nói cho thanh niên đồng chí biết, cách hậu trình đi xuyên sơn hoặc đi thuyền không biết chừng. Sau này xin đồng chí chớ nên nản long. Xem như đồng chí Thái Học biết bao năm góc biển chân trời, lao tâm, khổ tư, ấy cũng chỉ vì trông thấy cái chế độ cường quyền áp chế đồng bào Việt Nam mình! Nếu đồng chí nay phải ly biệt gia đình ra, ấy cũng bởi vấn đề khôi phục giang sơn mong có ngày hai mươi nhăm triệu đồng bào, thoát khỏi vòng nô lệ. Đồng chí nghĩ sao?
Thư riêng cho Kinh và em của Trác, nhưng phải cẩn thận (Xem xong đốt đi)”.
Thế nhưng Nguyễn Văn Kinh chẳng phải là người đáng cho Anh sai. Khi bị bắt ở mạn ngược, giải về Hà Nội, bị tên Bời-rít dọa nạt, dỗ dành, liền thú thực hết cả câu chuyện. Muốn tâng công, hắn còn mách cả đến những nơi Anh hiện năng đi lại. Vì thế, ngày 13 tháng 6, Anh xuýt bị bắt ở nhà phó lý Dương Quang (Bắc Ninh). Rồi hôm 16, nhà phó lý Quan Khê (cùng tỉnh) lại bị khám.
Khám không thấy Anh ở đấy, những tay chân mật thám lại lội ngay về Gia Lâm, tìm Anh ở nhà chị Nguyễn Ngọc Sơn, may mà Anh và cô Giang cùng ba đồng chí nữa lại vừa ở đấy đi xong. Nguyên Anh thường vẫn đến đấy, bảo chị Sơn lấy cớ vào thăm anh Sơn mà thông tin tức với anh em trong Hỏa Lò. Một mình tên Kinh đã phá hại cả cơ quan trong một lúc. Tuy ở vào cảnh nguy nan, mà Anh vẫn thản nhiên với một tinh thần mạo hiểm đến mức táo bạo! Hồi chín giờ sáng hôm ấy, Anh lững thong đến trước mặt viên xếp ga Gia lâm, gọi nhờ dây nói về Hà Nội, nói là có việc cần kíp lắm. Xếp ga tưởng Anh là nhân viên mật thám, vui vẻ giúp việc. Chiều có bọn mật thám thật tới nơi, tả hình dáng Anh, xếp ga mới ngã ngửa ra là mắc lỡm. Nhưng mà Anh đi đã xa rồi!
Thế là miền Bắc Ninh bị động, Anh liền lần sang Tuyên Quang. Anh ở các nhà đồng chí ở Đầm Hồng, ở Sông Gầm, thường khi bận áo vải, quần nâu để tuyên truyền trong đám các anh em lao động.
Dần dà đã đến mồng 2 tháng 7, ngày mà chúng tôi, những kẻ không chịu thú nhận, đã phải giam kín mỗi đứa một buồng ròng rã hơn bốn tháng trời, được nhân dịp ra tòa mà thở ít khí trời quang đãng. Ngày mà Hội Đồng Đề Hình đã tặng hai anh chủ tịch của Đảng cái án vắng mặt cấm cố hai mươi năm!
CHƯƠNG XXI
Thị Nhu, Thị Uyển
Các bạn coi đó đủ rõ hồi ấy họ truy nã Anh Học gắt gao chừng nào!
Cũng vì thế mà xảy ra cái án Thị Nhu, Thị Uyển.
Hai cô này họ Trần, là đôi chị em ruột. Cùng một người em trai nữa, đều là người bên Hội Thanh Niên. cả ba bị bắt vào sở mật thám, rồi giải sang Hội Đồng Đề Hình. Muốn gỡ tội cho em, muốn gỡ tội cho mình, hai nhà nữ chí sĩ ta mới xin với Bờ-rít tha ra, để sẽ tìm bắt cho được Nguyễn Thái Học.
Sau khi ra khỏi Hỏa Lò, họ liền xuống Thái Hà Ấp đến thăm một người vừa là đồng chí, vừa là anh họ, là anh Mai Văn Thiệu, tục gọi là Cả Sâm! Hàn huyên xong, Nhu và Uyển kể lể sự tình. Rồi… nhờ Sâm chỉ cho biết chỗ ở của Nguyễn Thái Học. Sâm hứa sẽ điều tra hộ. Và hôm sau, 30 tháng 5, 1929, nhân có Dương Hạc Đính đến thăm, Sâm liền cho Đính biết chuyện, Đính cười:
– Được! Anh để mặc tôi! Tôi sẽ liệu cho chúng nó…
Sớm ngày 31, Đính cho một người đưa hai nữ đồng chí, đi ô tô xuống Hải Phòng lùng bắt nhà lãnh tụ Quốc Dân Đảng! Tới nơi thì đã có người đón. Người trước liền quay về, để người sau điềm chỉ hộ hai cô! Ba người đi xe tay qua cầu Bô-na. Ở đấy một người thứ ba nữa đương giắt xe đạp đứng chờ. Người hướng đạo liền xuống ngựa ngồi lên ngựa sắt và bảo hai cô:
– Giờ trời còn sớm quá, chưa chắc hắn đã ở nhà. Bảy giờ rưỡi tối, tôi hãy đưa các chị đi. Tôi chờ các chị ở ngã ba đầu Ngõ Nghè, rẽ sang đường Cát-cụt! Nói rồi, phóng xe đi thẳng. Hai nhà nữ cách mệnh ta liền đến thăm người cha, tu ở một cảnh chùa tại bến Hải Phòng. Chuyện trò một lát, họ ra hàng dùng cơm. Cơm nước xong, đúng giờ hẹn, tìm ra nơi hẹn.
Dưới ánh điện hoe đỏ, và lờ mờ vì cột đèn thưa quá, hai cô theo người hướng dẫn bước vào Ngõ Nghè. Vừa đi được mấy chục bước thì một bóng người từ trong xó tối nhô ra, chĩa súng lục tặng cho mỗi cô một phát! Cô Uyển đạn trúng ngực chết tươi! Cô Nhu què chân nằm quằn quại trên vũng máu! Cả người bạn cùng người hướng dẫn thì biến đi đâu mất! Người ta nhặt được ở bên mình hai cô một tờ giấy đề ngày 28 tháng 5. Ấy là bản án của Toà Án Cách Mệnh, khép hai tên Việt gian vào tội tử hình. Cũng như cái án Ba-gianh, người ta đến giờ vẫn chưa rõ chính ai là người đã bắn Thị Nhu, Thị Uyển.
CHƯƠNG XXII
Những Kẻ Khốn Nạn
Nếu đồng bào hồi ấy phần đông ủng hộ cách mệnh thì cũng không khỏi có những kẻ khốn nạn, muốn lợi dụng cơ hội, vu hãm người khác để mong trả thù riêng!
Ví dụ như tên Đỗ Hiệp, Lý trưởng xã Đồng Duyên, Thanh Liêm, Hà Nam, vu cáo cho người làng có giao thiệp với Nhượng Tống và thường gởi tiền cho Học. Và tên Phụng ở làng Đông Chữ, Nam Xang, cũng cùng tỉnh ấy vu cáo cho Lý trưởng có chứa chấp Học và các đồng chí ở trong nhà!
Tức cười nhất là tên Phụng lại còn vờ vịt trong tờ trình: “Tôi cũng biết làm thế này là đắc tội với Tổ Quốc, với đồng bào! Nhưng sợ liên lụy đến dân làng nên buộc lòng phải đi báo!”
Rõ khéo dở trò con khỉ! Bao giờ cho trong nước chết hết hạng đê tiện ấy? Mà cả hai việc đều do người trong tỉnh Hà Nam cả. Đủ rõ phần đông dân trong tỉnh ấy hèn đốn và điêu bạc đến mức nào!