525 nhà ái quốc VNQDĐ bỏ mình tại Guyane, Nam Mỹ – bài 7
TỪ HÀ NỘI ĐẾN CÔN LÔN GUYANE FRANÇAIS Trích: Việt Nam Quốc Dân Đảng – Lich Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại tác giả Hoàng Văn Đào. |
Tổng kết các phiên Hội Đồng Đề Hình họp xử công khai về VNQDĐ từ tháng 7 năm 1929 đến tháng Giêng năm 1931 tại các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương và Kiến An đã đưa 37 chiến sĩ VNQDĐ lên máy chém, và ngót 1.000 nam, nữ đảng viên lưu đày đi Côn Đảo và Guy-an (Guyane Francaise). Ngoài ra còn một số hàng trăm người bị giam ở các ngục thất những tỉnh thuộc vùng nước độc miền thượng du Bắc Việt; và còn xử tại Tòa Án thường cũng hàng trăm người.
Kể từ ngày người Pháp sang đặt nền đô hộ ở nước ta, sự chống đối của dân tộc chúng ta kế tiếp liên tục. Người Pháp đã đem khí giới tối tân đàn áp vô cùng tàn nhẫn. Nhưng xét ra, chưa có cuộc khởi nghĩa nào mà số con dân của đất nước, của dân tộc lại hy sinh quá lớn lao đến thế.
Cuối năm 1930, chính quyền thực dân bắt đầu thuê tầu Claude Chappe chở một số đảng viên VNQDĐ từ Hải Phòng đến Cap Saint Jacques, rồi chuyển sang tầu Armand Rousseau đưa thẳng ra Côn Đảo.
Đến tháng 5 năm 1931, chính quyền thực dân lại mướn tầu Martinière chở một số đảng viên VNQDĐ nữa từ Hải Phòng đưa thẳng ra Côn Đảo.
Cách vài tháng sau, chính quyền thực dân lại mướn tàu Forbin của hãng Chargeurs Réunis hết 500 triệu quan để chở 1.800 phạm nhân (cả thường phạm trọng tội và chính trị phạm, trong số có hơn 300 đảng viên VNQDĐ) từ Côn Đảo đưa đày sang xứ Guy-an (Guyane Française) thuộc nam Mỹ Châu; theo chương trình của chính phủ Pháp, đã định là lợi dụng số phạm nhân bị án nặng ở các xứ thuộc địa của Pháp thay số nhân công phải mướn để khai thác thuộc địa Guy-an của mình.
TẠI CÔN LÔN. Ngày 14 tháng 10 năm 1941, một số đảng viên VNQDĐ do Bửu Đình tổ chức, đóng bè vượt khỏi Côn Đảo, nhưng cũng từ đó biệt vô âm tín. Trước khi ra đi, Bửu Đình có gửi lại cho Chúa Đảo 4 câu thơ như sau:
“Mấy lời nhắn nhủ chú Bu-Vê (Bouvier)
“Chú ở ta đi quyết một bề!
“Chim đã sổ lồng bay thẳng cánh!
“Trời cao biển rộng nước non quê.”
Một số đông chiến sĩ vì quá lao khổ và tật bệnh kiệt sức bị chết ngoài Côn Đảo.
Năm 1936, khi Mặt Trận Bình Dân Pháp lên cầm quyền, một số chiến sĩ VNQDĐ hàng trăm người được trả tự do; số còn lại đều được trở về quê hương vào cuối năm 1945.
Nhưng có một chuyện chúng tôi không thể bỏ qua mà không ghi nhận ở đây, đó là vấn đề QUỐC-CỘNG ở ngoài Côn Đảo thời ấy.
Nguyên anh Trương Dân Bảo một Trung ủy VNQDĐ bị thực dân kết án 10 năm đày ra Côn Đảo từ 1929 (vụ ám sát Bazin). Tại Côn Đảo, những giờ phút ra sân chơi, Bảo thường liên lạc mật thiết với một người bạn cán bộ Cộng Sản, khiến cho một đồng chí của họ Trương là anh Đội Lãng đã phải khuyến cáo Trương Dân Bảo nhiều lần, nhưng Bảo đã không chịu nghe lời. Đội Lãng cho Bảo là kẻ phản Đảng đi theo Cộng Sản. Đội Lãng lặng lẽ sửa soạn một lưỡi dao con chó thật bén, chờ cơ hội hạ thủ Trương Dân Bảo.
Cơ hội ấy đã đến, trong giờ ra chơi sân hôm ấy, Trương Dân Bảo bá vai bạn Cộng Sản, chuyện vãn một cách say sưa ở phía sau trại giam. Đội Lãng liền đến nắm cổ áo tặng cho Bảo một lưỡi dao con chó vào cổ. Bảo ngã quỵ, Đội Lãng yên trí là Bảo đã chết, liền quay về đứng dõng dạc trên thành giếng trước cửa trại hô to:
– “Hỡi các đồng chí! Tôi đã giết tên phản Đảng là Trương Dân Bảo rồi! Hỡi bọn Cộng Sản! Chúng bay hãy coi chừng! Chúng ta không thể sống chung với bọn chúng mày! Tao còn rất nhiều đồng chí sẽ hy sinh cho VNQDĐ như tao. “VIỆT NAM MUÔN NAM! VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NAM!”
Sau khi hô xong, Đội Lãng liền vung dao tự đâm vào cổ mình rồi ung dung bước xuống thảm cỏ cạnh giếng nằm thẳng thắn yên giấc ngủ ngàn thu.
Trương Dân Bảo đã không chết về tay người cách mạng Quốc Gia cực đoan, mà sau này đã chết bởi bàn tay khát máu của những phần tử Cộng Sản vào thời gian kháng chiến năm 1946 ở miền Nam này.
TẠI GUYANE FRANÇAISE. Năm 1936, khi Mặt Trận Bình Dân Pháp lên nắm chính quyền. Một số nhỏ chiến sĩ VNQDĐ, những người án tương đối nhẹ như Thái Văn Sạ, Giang, Nho, Đính, Già Nam, Hóa… được ân xá trở về nguyên quán.
Một số vì quá lao khổ đã tự sát tại đấy, trong số chúng tôi còn nhớ: Nguyễn Văn Phú tức giáo Phú, Nguyễn Văn Liên (ném bom Hà Nội), Sư Trạch… và còn hàng trăm chiến sĩ đã vì tật bệnh, vì kiệt sức mà phải bỏ mình; trong số chúng tôi còn nhớ: Nguyễn Văn Hoạt tức Tý Hoạt, Nguyễn Đình Hiếu, Nguyễn Văn Duyên tức giáo Duyên, Nguyễn Văn Hợp, Vũ Văn Mô, Mai Duy Xứng (ném bom Hà Nội), Nguyễn Văn Ất…
Năm 1941, một số chiến sĩ VNQDĐ tại đấy cũng vì quá cực khổ phải liều mình vượt trùng dương trốn thoát được sang lãnh thổ xứ Guyane Anglaise là Nguyễn Đắc Bằng, Hòa Quang Ơn…
Năm 1945, ngày tướng De Gaulle lên lãnh đạo chính phủ lâm thời nước Pháp, đã ban hành lệnh ân xá hết thảy chính trị phạm tại các thuộc địa của Pháp. Các chiến sĩ VNQDĐ tại Guyane Francaise được phóng thích hết, nhưng thiếu phương tiện chuyên chở về quê hương, nên có một số đã lấy vợ người thổ dân, sinh cơ lập nghiệp tại đó.
Đến cuối năm 1954, tất cả phạm nhân Đông Dương, kể cả thường phạm, được chính phủ Pháp cho phép được trở về quê hương. Mọi người đều thu xếp giấy tờ hợp lệ. Đến khi tầu cặp bến Cayenne (thủ phủ xứ Guyane Francaise), chính quyền Cayenne lại chỉ cho phép xuống tầu hồi cố hương có 51 đàn ông, 3 phụ nữ (Thổ dân) và 11 trẻ con, trong số chỉ có 3 chiến sĩ VNQDĐ là Trần Ngọc Uẩn, Nguyễn Tường và Lương Như Truật.
Trên đường hồi hương, khi tầu cặp bến Colombo, Trần Ngọc Uẩn (1) bị bệnh tạ thế, được các bạn đồng đội vận động xin được phép thuyền trưởng cho khâm liệm, đưa thi hài về an táng tại Nghĩa trang Chí Hòa, Sài Gòn vào ngày 22 tháng Giêng năm 1955. Năm 1963, chính trị phạm Việt Nam, gồm cả Quốc Cộng, số còn lại trên phần đất xứ Guyane Francaise, được chính phủ Pháp cho chở hết bằng phi cơ đưa về Pháp, rồi chuyển xuống tàu thủy đưa về Bắc Việt.
Nói đến Guyane Francaise, khi cụ Đề Thám bị kẻ thù giết chết. Cả Rinh cùng một số đồng chí của cụ cũng bị lưu đày sang đấy, và cũng đã đều bị bỏ mình tại đấy.
Kế đến Thái Nguyên quang phục 7 ngày (1917), một số đồng chí của nhà cách mạng Lương Lập Nham và Trịnh Văn Cấn cũng bị lưu đày sang xứ Guyane Francaise. Hiện nay còn sống sót hai người: một người trốn thoát sang Guyane Anglaise, một người đã ngoài 80 tuổi, lấy vợ thổ dân lập nghiệp ở Cayenne.
(1) Trần Ngọc Uẩn nguyên quán tại làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương.