525 nhà ái quốc VNQDĐ bỏ mình tại Guyane, Nam Mỹ – bài 5
Nhà lao An Nam ở Guyane-Hương khói giữa rừng Amazon (bài 5)
Năm 1931, sau khi khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại, 525 tù nhân Việt Nam bị bắt đày đi Côn Đảo, sau đó bị đày biệt xứ sang Guyane thuộc Pháp và giam tại một trong những nhà lao ở Cayenne, gọi là nhà lao An Nam. Gần 80 năm qua, sự kiện đó dường như ít còn được mấy ai nhắc đến nữa.
Chúng ta chia nhau thắp hương từng chuồng cọp. Chắc đã từng có tù nhân qua đời trong các chuồng cọp này”, tôi nói và mọi người đồng ý ngay. Tôi lấy từ trong balô bó nhang Bắc chia cho các bạn đồng hành. Các chiến sĩ tham gia khởi nghĩa Yên Bái phần lớn là người Bắc nên tôi mang nhang Bắc sang. “Cắm nhang vào các bản lề ở cửa dãy này”
Bác sĩ Kim bảo: Gần 80 năm rồi, mục nát hết, chỉ những bản lề bằng sắt này còn lại. Các cánh cửa đâu mất hay là người ta đã tháo gỡ đi, chỉ còn trơ lại các bản lề to tướng này? Nhà lao An Nam đã bị đóng cửa từ năm 1945. Vào thời điểm đó, xứ Guyane còn thưa thớt, hoang sơ, những cánh cửa bằng sắt đó có thể đã bị gỡ để dùng vào việc khác. Trong “chuồng cọp” thứ ba bên trái còn sót lại những tấm ván mục mà trước đây là “giường” cho các tù nhân ngủ. “Theo bài báo cáo của một Việt kiều lâu năm ở Guyane mà tôi từng được nghe ở một hội nghị, trong nhà lao có một nghĩa địa chôn các tù nhân qua đời, song lâu quá cỏ mọc đầy nên mất dấu luôn”, bác sĩ Danh nói.
Tôi lấy từ trong balô ra cái lư hương mang từ quê nhà sang. Hôm nọ, qua đến nơi lấy ra từ vali, tuột tay nên lư hương rơi xuống đất vỡ thành chục mảnh. Sáng nay 6 giờ thức dậy lấy băng keo dán lại. Tôi lấy nhang cắm vào lư hương. Khói hương nghi ngút từ cửa “chuồng cọp”, mỗi “chuồng cọp” ba cây nhang. Trong chốc lát, cả khu vực “chuồng cọp” trở nên ấm cúng hẳn. Mùi nhang Bắc xông lên thơm phức đánh bạt cái mùi ngai ngái của lá cây mục, thật ấm áp, xua đi cái lạnh lẽo của rừng già và sự lãng quên suốt gần thế kỷ qua.
Lúc nãy trên đường vào nhà lao, chúng tôi gặp hai người đàn ông Tây phóng xe từ bên trong đi ra. Một người quốc tịch Ireland, tên John McLellan, sống và làm việc ở Paris, rôm rả trò chuyện với chúng tôi. Người kia quốc tịch Tây Ban Nha; không nói được tiếng Pháp nên không tham gia câu chuyện. “Các anh vào thăm đồng hương của các anh là đúng lắm đấy. Tôi làm việc trong thế giới nhà tù nên hiểu thế nào là lao tù”, ông John McLellan bảo như thế trước khi chia tay.
Quả thật, nếu không có chuyến đi Guyane để đưa tin về phóng vệ tinh Vinasat-1, có lẽ chẳng bao giờ tôi lục lọi trên Internet để phát hiện ra có một nhà lao An Nam ở xứ Guyane này đã từng là nơi giam cầm 525 tù nhân ái quốc Việt Nam và hầu hết đã bỏ xương nơi đất khách quê người trong cô độc.
Từ trong balô tôi lôi ra chai rượu nếp mới Hà Nội mang từ quê nhà sang, rót vào ba cái chung cùng một bộ với lư hương. Tất cả chúng tôi chỉ biết khấn thầm trong lòng: “Các cụ sống khôn chết thiêng, xin về nhấm chút rượu thành kính con cháu mang sang kính các cụ”.
Cả một trại tù năm xưa nay chỉ còn lại hai dãy chuồng cọp và vài mảnh vụn của các nền nhà cùng mấy cái hố xí! Thế còn các cựu tù nhân đâu, các cụ đang nằm ở nơi nào?
Danh Đức