525 nhà ái quốc VNQDĐ bỏ mình tại Guyane, Nam Mỹ – bài 3

Sở thư khố tại Cayen: Nơi lưu trử hồ sơ của các nhà yêu nước Việt Nam Quốc Dân Đảng

Trong số 525 tù nhân người Việt bị đưa đi đày sang Guyane năm 1931 sau khởi nghĩa Yên Bái (Việt Nam Quốc Dân Đảng), ngoài những người bỏ mình trong thời gian bị giam giữ, còn có những người trong sổ ghi là được trả tự do, thậm chí có người ghi là được trả về VN như ông Vũ Văn Ninh (nhà báo Danh Đức)

Dấu tích nhà tù của năm 1937 tại Guyane

Cũng như số tù nhân bị đi đày sang Guyane trước họ, từ cuối thế kỷ 19. Họ là ai? Số phận họ ra sao? Tôi tìm Sở văn khố lưu trữ tỉnh Guyane, những tài liệu ở đó của các nhà nghiên cứu người Pháp nói lên nhiều điều.

Khai hoang

Theo Danielle Donet-Vincent (Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp) trong “Nhà tù cho người Đông Dương tại Guyane” (Les bagnes des Indochinois en Guyane 1931-1963), tù nhân Đông Dương đến Cayenne (thủ phủ của Guyane) ngày 30-6-1931. Theo Daniel Ballof trong sách Hiện tượng đày biệt xứ tù nhân Đông Dương và các cơ sở lao tù (La deportation des Indochinois en Guyane et les etablissements penitentiaires), khi tàu cập bến có hai trường hợp tử vong trong chuyến hành trình dài 35 ngày. Ngay khi đến đó, có 30 tù nhân bị bệnh quai bị được phát hiện. Rồi các bệnh đường hô hấp, đường ruột khiến 137 người phải nhập viện, sáu người trong số họ không qua khỏi. Trong hai năm 1934-1936, 20 người đã chết vì bệnh, một số khác tự tử.

Cũng theo Danielle Donet-Vincent, nghị định ngày 18-9-1936 ấn định việc cấp đất rừng cho tù nhân mãn hạn khai hoang canh tác. Qua năm sau, bảy tù nhân trại Crique Anguille (Suối Lươn) được trả tự do, được giao đất để phá rừng canh tác. Bốn tù nhân khác của trại Saut Tigre (Cọp Vó) cũng được cấp rừng để khai hoang canh tác. Một người được cho phép làm việc trong các mỏ vàng của Công ty Société Nouvelle de Saint-Élie (Guyane ngày nay cũng đang khai thác vàng). Bốn người khác đi làm thuê cho các đồn điền (nông trường) và làm nghề đánh cá.

Tuy được trả tự do song họ bị hạn chế di chuyển, tạo ra tâm lý bi quan về chương trình cấp đất rừng để khai hoang canh tác. Tôi đọc thấy trên một tấm biển trong trại Crique Anguille thông điệp đại ý như sau: Chương trình cấp đất rừng khai hoang là để cho các tù nhân có cơ hội làm lụng sinh nhai sau khi mãn hạn tù. Họ hi vọng sẽ có ngày hồi hương với chút ít của cải dành dụm. Nhưng do không thấy ngày về nên sau này họ bỏ bê việc canh tác.

Danielle Donet-Vincent cho biết khi chính phủ Mặt Trận Bình Dân nắm quyền ở Pháp sau cuộc bầu cử năm 1936, 19 người được trả về nguyên quán. 19 trên tổng số gần 500 người còn lại là quá ít, khiến họ càng thêm thất vọng. Tuy vậy, trong thực tế đã chỉ có 15 người được về quê hương, qua ngả các cảng Saint-Nazaire và Marseilles của Pháp. Rồi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Tình hình quản lý tù tại Guyane có phần khó khăn nên đây cũng là giai đoạn các tù nhân mọi quốc tịch trốn trại nhiều nhất. Chính quyền Pháp quyết định giải thể các nhà tù hải ngoại bằng nghị định ngày 4-5-1944. Các tù nhân trước kia được phân tán trong ba trại Crique Anguille, Saut Tigre và La Forestière sau đó được tập trung về Le Bagne (nhà lao An Nam)

Khu người Đông Dương

Giám đốc Sở Văn khố lưu trữ tỉnh Guyane, ông Guyot, cho tôi biết: “Một số sau này ra trại, sống tập trung ở khu vực Saint-Laurent du Maroni, tạo thành khu gọi là Quartier chinois (khu người Hoa) mà thật ra là rút ngắn từ cụm từ quartier Indochinois nghĩa là khu người Đông Dương. Họ trồng trọt, chăn nuôi, trồng lúa… Họ lập gia đình với người bản xứ, thường là người da đen hay người lai. Lần hồi, khu người Đông Dương bị pha trộn dòng máu, không còn “nguyên thủy” nữa. Con cháu họ cứ mang tên họ cha ông mà không nhớ gì về cha ông. Hiện tại trong hội đồng thành phố có một người mang họ Việt”. Danielle Donet-Vincent viết về một đặc điểm của những người tù Đông Dương sau khi ra trại như sau: “Tại Guyane ngày nay, các phương pháp đánh cá của tù nhân Đông Dương vẫn còn được sử dụng”.

Rồi thì tất cả cũng qua đời. Theo tác giả nêu trên, người tù của chuyến tàu năm 1931 cuối cùng sống cho đến đầu năm 2000. Sau khi ra tù, ông làm lụng vất vả trong các mỏ vàng và nhận Guyane là quê hương thứ hai. Năm 2006, các đài truyền hình ARTE – RFO và France 3 của Pháp có chiếu một bộ phim tư liệu tựa đề là Bóng tối của ngục tù (Les ombres du bagne) của Patrick Barberis và Tancrède Ramonet. Bộ phim nói về các trại tù ở Guyane qua số phận bốn tù nhân tên là Charles Hut (người Bỉ), René Belbenoit (người Pháp), Jassek Baron (người Ba Lan gốc Do Thái) và Tran Khac Man (người Việt). Đây có thể là tù nhân cuối cùng còn sống sót ở Guyane mà Danielle Donet-Vincent đã nêu ở trên.

Bác Đinh Vũ, một chuyên viên nông nghiệp của Pháp sang Guyane sau khi về hưu, nói với tôi: “Có lẽ người Việt thuần túy ở Guyane là những người mới đến, còn con cháu các cụ thì dù mang họ tên Việt nhưng không còn nhớ nhiều về tổ tiên”. Chủ nhật, chúng tôi lên chợ Cacao. Một chị tuổi xấp xỉ 60 lặng lẽ bán bánh cuốn cho chúng tôi. Chợt nghe chị nói tiếng Việt với một ai đó, mới hay chị cũng là người Việt. Hỏi chuyện, chị cho biết chị từ Hà Nội sang Lào năm 1954, rồi sang Pháp, rồi sang đây phụ bán cho cô em vài tháng. Gần chợ có một ông thầy dạy võ Việt cổ truyền, miệng hô “Dam thang. Dam vong” không bỏ dấu cho nhóm trẻ ngoại quốc, nghe cũng ấm lòng khi thấy có VN ở nơi xa xôi này.

Quả là những số phận lưu lạc!

(Đọc tiếp bài 4: Đường Vào Nhà Lao)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt