Còn Lại Tình Yêu (Hồi II)

Vẫn như cảnh I, Trung úy và người nữ thư ký. Hồ sơ, sách vở đầy trên bàn.

HỒI THỨ II

Trung úy: Kim Dung này, càng đọc tài liệu về Nguyễn Thái Học, tôi càng bị lôi cuốn, càng thích thú… Thậm chí, tôi có thể hình dung được Nguyễn Thái Học bằng xương bằng thịt ở trước mặt tôi. Bây giờ tôi đã thấy thiếu tướng có lý. Ông già thật có con mắt tinh đời. Đáng tiếc là Đội Tảo chết sớm quá!
Thư ký: Anh hình dung về Nguyễn Thái Học thế nào?
Trung úy: Hình dung thế nào ư? Đây này! Một thanh niên 26 tuổi, đôi mắt mơ mộng và suy nghĩ, thoáng nét cương nghị, hàm răng hơi dô ra, tươi cười. Anh nói năng khúc triết và lôi cuốn.
Thư ký: (cười) Theo em, chân dung những thanh niên yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ này ai cũng đều như vậy. Không chỉ Nguyễn Thái Học, mà ở Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai cũng đều thế cả! Họ đều rất giống nhau!
Trung úy: Đúng! Tất cả những nhà cách mạng trẻ tuổi ấy đều hồn nhiên, trong sáng, không vụ lợi. Thậm chí, về khía cạnh nào đó, họ còn mơ hồ về phương diện chính trị nữa. Bồng bột, lãng mạn, đấy là nét chủ yếu trong tính cách của họ. Mong muốn duy nhất của họ là một Tổ Quốc Độc Lập về chính trị và hùng cường giàu mạnh. Thậm chí, tôi còn nghĩ rằng cho đến những năm 30, vấn đề đấu tranh giai cấp thực tế không gay gắt như hiện nay chúng ta quan niệm. Việc đó chỉ diễn ra trong sách vở của các nhà nghiên cứu lịch sử hẹp hòi, thiển cận, giáo điều mà thôi.
Thư ký: Em có thể đọc cho anh nghe tài liệu này (lục lọi tài liệu). Đây là hồi ký của một nhân sĩ yêu nước đã sống thời đó nhận xét về Nguyễn Thái Học. Xin anh hãy coi đây là một tư liệu có tính chất tham khảo thôi nhé.
Trung úy: Đồng ý.
Thư ký: Vị nhân sĩ yêu nước đó viết thế này (đọc): “Tôi không ngờ Nguyễn Thái Học là một người trẻ trung đến thế. Một con người giản dị, trong sáng và cương nghị. Thực sự là một hòn ngọc trong suốt…
Trung úy: Giống hệt nhận định của Đội Tảo.
Thư ký: Vâng… giống hệt (đọc): “Nguyễn Thái Học ưa tranh luận, những ý nghĩ của chàng mạnh mẽ và cương quyết. Người ta không thể ngờ rằng một sinh viên trường Cao Đẳng có thể ăn nói gãy gọn như thế, một thanh niên 26 tuổi có thể hiểu biết nhiều như thế…”
Trung úy: Hay lắm! Thật tuyệt vời! Đảng trưởng một đảng cách mạng mà chỉ mới có 26 tuổi mà thôi!
Thư ký: Trong một đoạn khác, kể lại một cuộc họp của Việt Nam Quốc Dân Đảng, người viết hồi ký kể lại như sau (đọc): “Nguyễn Thái Học thuyết trình sôi nổi về tương lai của một đất nước dân chủ. Rõ ràng, những tư tưởng của Montesquieu và Rousseau ảnh hưởng sâu sắc đến những suy nghĩ của chàng. Chàng nói “Làm cho đất nước giàu có, phồn vinh, đó là mục tiêu của cách mạng. Tôi tin tưởng ở thế hệ trẻ, tôi tin tưởng ở nhân dân tôi. Cách mạng, một cuộc cách mạng trong sáng do những con người trẻ trung, có tri thức và trung thực tiến hành, đấy chính là điều chúng tôi mong muốn…”
Trung úy: Những tư tưởng rõ ràng rất tiến bộ!
Thư ký: (đọc) Nguyễn Thái Học nói:
“Nước ta chỉ cần 100 nhà giàu, đấy là những nhà công nghiệp, những nhà sản xuất, những chủ hãng buôn. 100 nhà giàu khống chế toàn bộ nền kinh tế, tất cả sẽ làm thay đổi xã hội trong chớp mắt. Tập trung tư bản vào những cá nhân, cộng với một nền dân chủ rộng rãi, dựa trên những pháp luật ổn định của nhà nước, chao ôi, tôi mong muốn điều đó quá chừng”.
Trung úy: (cười) Thật ngây thơ và không tưởng! Đây chính là chỗ yếu nhất của Nguyễn Thái Học, của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của Tân Việt cũng như nhiều tổ chức khác nữa! Họ đã không xác định được đúng động lực cách mạng. Trông chờ vào tầng lớp trên trong xã hội, vào những nhà giàu thì làm sao làm cách mạng được? Bao giờ cũng vậy, những kẻ có của là những kẻ ích kỷ. Họ có thể hy sinh tài sản, hy sinh tiền bạc nhưng cuộc đời họ thì không bao giờ dám hy sinh cả.
Thiếu tướng vào, ông đứng ở cửa chú ý lắng nghe. Trung úy và thư ký không biết có thiếu tướng vào.
Thư ký: Đúng như thế.
Trung úy: Kim Dung này, nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng cách mạng cũng có một nét gì đó rất giống tình yêu. Cách mạng đòi hỏi hy sinh cuộc đời, tình yêu cũng thế, cũng đòi hỏi hy sinh cuộc đời. Hai người yêu nhau, họ có thể trao cho nhau cái hôn, nụ cười, ánh mắt, tiền bạc, thậm chí cả thân thể nữa, nhưng nếu họ không dám đặt cược cuộc đời của họ với nhau, đây cũng không thể gọi là tình yêu được.
Thư ký: Anh có cực đoan quá không? Anh có lẫn lộn hai khái niệm tình yêu với cách mạng không?
Trung úy: Tôi không rõ… Tôi không biết… Tôi còn trẻ quá.
Thiếu tướng: Anh không nhầm đâu, trung úy trẻ ạ. Cách mạng và tình yêu đòi hỏi hy sinh cuộc đời, đều đòi hỏi tát cạn bản thân mình vào đó. Tôi không tin những người tự xưng là người cách mạng mà không biết đến tình yêu, đến tình cảm con người. Song tôi cũng ghê tởm những kẻ chìm ngập trong dục vọng tầm thường. Họ không mảy may quan tâm đến gì cả ngoài bản thân mình.
Trung úy: Thưa thiếu tướng… Nếu vậy, nhân vật Nguyễn Thái Học mà chúng ta đang quan tâm, ông ta có được cả hai điều đó: tình yêu và cách mạng.
Thiếu tướng: Đúng đấy! Đấy là một nhân vật thật đáng kể. Tôi mang cho anh thêm một tài liệu nói về cái chết của Nguyễn Thái Học (đưa tài liệu cho trung úy). Anh đọc đi!
Trung úy: (đọc) “Tường thuật về việc xử tử hình những người tham gia khởi nghĩa Yên Báy năm 1930:
“Ngày 12 tháng 6 năm 1930 Hội đồng đề hình họp ở Yên Báy quyết định xử 44 người tham gia cuộc bạo động ở Yên Báy, trong đó có 13 người bị tử hình lên máy chém. 13 người này gồm:
Nguyễn Thái Học
Phó Đức Chính
Bùi Tư Toàn
Đào Văn Nhít
Nguyễn Văn Tiềm
Hà Văn Lạo
Bùi Văn Chuẩn
Nguyễn Văn Thịnh
Nguyễn An
Nguyễn Văn Cửu
Nguyễn Như Liên
Ngô Văn Du
Đỗ Văn Sứ

Đêm 16 tháng 6 năm 1930, 13 liệt sĩ và chiếc máy chém được chở lên Yên Báy bằng một chuyến xe lửa riêng. 5 giờ sáng ngày 17, chiếc máy chém được chuyển đến khoảng trống gần trại lính khố xanh chung quanh có lính khố xanh và lính lê dương bồng súng canh gác.
6 giờ, 13 liệt sĩ được đưa ra pháp trường. Tất cả đều thản nhiên. Nguyễn Thái Học cất giọng ngâm những câu thơ tiếng Pháp:
Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
Le Plus digne d’envie…
Tức là:
Vì Tổ quốc hy sinh
Đây là điều vinh dự
Cái chết này xứng đáng…

Mọi người đều hô: “Việt Nam Vạn Tuế…” Nguyễn Thái Học bị xử cuối cùng. Chàng mỉm cười với mọi người, hít một hơi dài căng lồng ngực rồi hô to “Việt Nam Vạn Tuế“.
Trong số người đứng chứng kiến có Nguyễn Thị Giang là vợ chưa cưới và là đồng chí của Nguyễn Thái Học. Đầu chị buộc khăn tang trắng. Sau này khi Nguyễn Thái Học đã được chôn cất, Nguyễn Thị Giang đã đến trước mộ, dùng súng lục bắn vào thái dương tuẫn tiết. Nguyễn Thị Giang có để lại một bài thơ tuyệt mệnh”.
Thư ký: Thật lãng mạn! Câu chuyện cảm động quá.
Thiếu tướng: Chúng ta có lỗi biết bao nhiêu nếu chúng ta nhìn nhận những người anh hùng chỉ trên khía cạnh chính trị mà thôi. Chúng ta quên mất rằng những người anh hùng họ tồn tại được trong trí nhớ người dân trước hết là ở nhân cách của mình, ở tình yêu con người trong trái tim họ. Tôi tin là Nguyễn Thái Học phải có một nhân cách thế nào mới có khả năng thu hút mọi người đến như vậy. Các đồng chí thấy không, khi Nguyễn Thái Học chết đi, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học đã tuẫn tiết theo chồng. Khi một người con gái đã dám hy sinh cả cuộc đời mình vì một người đàn ông thì người đàn ông ấy không tầm thường chút nào đâu. Phụ nữ bao giờ cũng là người biết giá trị của cuộc sống thực nhất, có phải không Kim Dung?
Thư ký: (lúng túng)… Dạ, phải… Thưa bác, cháu không biết.
Thiếu tướng: (nghiêm khắc) Cháu phải biết.
Thư ký: (lúng túng hơn) Dạ, cháu, cháu… còn trẻ.
Thiếu tướng: Không đổ lỗi cho tuổi trẻ được đâu. Con người, phải nhớ rằng mình chỉ có một tuổi thanh xuân mà thôi, nó qua rồi là vĩnh viễn mất.
Thư ký: Cháu hiểu…
Thiếu tướng: Thế nào trung úy? Anh có tìm ra manh mối gì về người phụ nữ tên là Lê Thị Minh không?
Trung úy: (lục hồ sơ) Báo cáo thiếu tướng, có đấy. Tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi cũng muốn xin thêm chỉ thị của thiếu tướng.
Thiếu tướng: Tôi nghe đây. Anh hãy báo cáo cụ thể mọi việc đi.
Trung úy: Người phụ nữ tên là Lê Thị Minh hiện nay còn sống… Ở ngay Hà Nội này, phố Đốc Ngữ…
Thiếu tướng: (ngạc nhiên) Còn sống ư? Anh có thể mời bà ấy đến gặp tôi được không? Ngay lập tức…
Trung úy: Tuân lệnh thiếu tướng (đưa cho thư ký mẩu giấy nhỏ) Kim Dung! Phiền đồng chí đến địa chỉ này mời cụ bà Lê Thị Minh đến ngay nhé.
Thư ký: Rõ! (ra)
Trung úy: Có nhiều chuyện liên quan đến người phụ nữ này. Thiếu tướng cho phép tôi báo cáo tiếp.
Thiếu tướng: Anh nói đi. Tôi nghe đây.
Trung úy: Lê Thị Minh là con gái ông Lê Hải Vân, một nhà buôn có tiếng ở Hà Nội. Chúng tôi không xác minh được ông Hải Vân có liên quan gì đến tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Nguyễn Văn Tảo tức Đội Tảo có thời kỳ đã là thư ký tập sự trong hãng buôn này. Điều thú vị là Đội Tảo cũng là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, thậm chí y còn tham gia trong Ban ám sát của tổ chức này nữa. Những vụ ám sát như giết tên Tây Bazin, giết Nguyễn Văn Kính hay giết Giáo Du, y cũng đã từng tham gia. Còn Lê Thị Minh, hình như cô ta biết Nguyễn Thái Học hoàn toàn ngẫu nhiên. Sau khi Nguyễn Thái Học mất, bà Minh bỏ đi tu. Không hiểu tại sao năm 30 tuổi, người phụ nữ này hoàn tục, đấy là năm 1940, bà ta lấy một bác sĩ thú y, sinh được hai người con trai. Người con đầu hiện nay trong bộ đội, người con thứ hai hiện là giáo viên.
Thiếu tướng: Bà Minh năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
Trung úy: Bà Lê Thị Minh sinh năm 1910, năm nay 79 tuổi.
Thiếu tướng: Anh đã tiếp xúc với bà ta chưa?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, có. Bà ta không chịu kể lại những kỷ niệm gì về Nguyễn Thái Học. Chồng bà ta tương đối tầm thường. Cả hai người con trai không biết gì về quá khứ của mẹ.
Thiếu tướng: Anh có ấn tượng gì về người phụ nữ này?
Trung úy: Thưa thiếu tướng, đây là một người đàn bà tuyệt diệu. Tôi tin rằng thời trẻ, đấy phải là một người có sắc đẹp mê hồn. Khi nhắc lại những kỷ niệm về Nguyễn Thái Học, bà ta bị xúc động mạnh. Tôi không có cách gì gợi lại cho bà ta tự mình kể lại câu chuyện cả.
Thiếu tướng: (bực dọc) Anh là một nhà tâm lý hạng bét. Thế anh gặp bà ta mấy lần rồi…
Trung úy: (bối rối) Thưa thiếu tướng, một lần…
Thiếu tướng: Gặp ở đâu? Ở công sở chứ…
Trung úy: (bối rối hơn nữa) Thưa thiếu tướng, ở trụ sở công an phường.
Thiếu tướng: Bà ta bao nhiêu tuổi.
Trung úy: Dạ, 79 tuổi.
Thiếu tướng: Anh nhắc lại đi.
Trung úy: Dạ, 79 tuổi…
Thiếu tướng: (chì chiết). Hay lắm, 79 tuổi. Gặp ở trụ sở công an phường. Nào, xin mời, thưa bà nữ công dân, mời bà hãy mở tâm hồn của bà ra cho tôi xem… Có phải không… Đúng theo kiểu công an!
Trung úy: Dạ, không hẳn như thế. Tôi mất quá nhiều thời giờ đọc tư liệu. Tất cả những tư liệu về Nguyễn Thái Học tìm rất khó khăn, không có chỗ nào lưu trữ cả.
Thiếu tướng: Đấy không phải lý do, anh có hiểu không? Anh bắt đầu nhiễm thói công chức từ bao giờ thế?
Chuông bấm ở cửa. Thư ký vào. Thiếu tướng và trung úy quay ra.
Thư ký: Báo cáo, cụ Lê Thị Minh mất lúc 4 giờ sáng hôm nay.
Trung úy sợ hãi ngồi xuống ghế.
Trung úy: Sao lại chết nhanh như thế… Trời ơi, tôi vừa gặp bà cụ hôm kia cơ mà?
Thư ký: Bà cụ gần 80 tuổi, yếu lắm.
Thiếu tướng: (cắn môi) Chúng ta lại lỡ một nhịp thứ hai nữa rồi. Trung úy, anh có thấy lề lối làm việc quan liêu của anh tai hại như thế nào không? (giận dữ, hai tay nắm lại giơ lên trời) Khốn nạn! Anh có hiểu không? Khốn nạn! Với cách làm việc thế này, chúng ta có lỗi với tất cả những người lương thiện đang sống, và những người anh hùng đã chết. Anh có hiểu không?
Trung úy: (bối rối, đứng lên) Thưa thiếu tướng, tôi, tôi…
Thiếu tướng: (giận dữ) Câm đi! Anh câm đi! Tôi không cần anh xin lỗi. Tôi cho phép anh gác lại tất cả mọi việc để tìm ra vụ án này (cầm lấy bức thư trên bàn). Lê Thị Minh là ai? Vì sao Nguyễn Thái Học viết bức thư này? Vì sao Nguyễn Văn Tảo lại có bức thư? Tôi sẽ cách chức anh, hiểu không, nếu anh không dựng lại cho tôi toàn bộ bức tranh về các nhân vật ấy…
Trung úy: Thưa thiếu tướng…
Thiếu tướng: Đứng nghiêm lại! Đây là kỷ luật. Đây là nhiệm vụ cách mạng. Đây là lương tâm. Không phải cách chức đâu, hiểu không, tôi sẽ bắn anh, tôi sẽ bỏ tù anh, nếu anh không hoàn thành nhiệm vụ này.
Trung úy: Thưa thiếu tướng, rõ.
Thiếu tướng: Hãy đi đi, anh có thể bàn giao công việc từ ngày hôm nay để bắt tay vào nhiệm vụ. Khi bộ máy nội vụ của chúng ta nhiễm thói công chức, điều ấy sẽ gây bất hạnh cho xã hội biết nhường nào.
Thiếu tướng mệt mỏi ngồi xuống ghế.
Trung úy: (bối rối) Thưa thiếu tướng, tôi thành thực xin lỗi…
Thiếu tướng: (xua tay) Đi đi, tôi không cần anh xin lỗi… Xin lỗi mà làm gì, khi anh khinh suất với quá khứ như thế, với lịch sử như thế, với anh hùng dân tộc như thế…
Trung úy: (càng bối rối hơn) Tôi sơ suất, tôi không chủ tâm… Tôi có lỗi…
Thiếu tướng: Anh chỉ còn một cách thôi, anh hiểu không? Anh phải dựng lại toàn bộ câu chuyện này, câu chuyện về Nguyễn Thái Học và người phụ nữ vô danh kia. Không phải để chuộc tội với tôi, anh hiểu không? Tôi không cần điều đó. Cũng không phải chuộc tội với Nguyễn Thái Học hoặc bà cụ Lê Thị Minh, anh hiểu không? Họ không cần điều đó. Anh làm điều này là để chuộc tội với tương lai, với chính những đứa con trai, con gái của anh. Anh phải làm điều này vì chính bản thân anh.
Trung úy im lặng.
Thiếu tướng: Hãy đi đi! Cố mà hoàn thành nhiệm vụ…
Trung úy im lặng chào, đi ra.
Thiếu tướng: (mệt mỏi) Cho tôi xin cốc nước (ho).
Thư ký mang nước lại.
Thiếu tướng: Bà cụ mất có thanh thản không cháu?
Thư ký: Dạ, thanh thản…
Thiếu tướng: Có nhiều người đi viếng không?
Thư ký: Dạ, có…
Thiếu tướng: Con cháu bà cụ có được về cả hay không?
Thư ký: Dạ, có…
Thiếu tướng: Cháu hãy kiếm cho ta một vòng hoa. Ta sẽ đích thân đến viếng bà cụ. Ừ, ngay bây giờ, cháu ạ… Cháu không hiểu được đâu… Ta sẽ xin lỗi vong linh của bà và xin lỗi vong linh của Nguyễn Thái Học.

Hết hồi II, màn kéo lại.

Bấm Link Đọc Hồi I

Bấm Link Đọc Hồi III

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt