Điểm báo Pháp

Bắc Kinh giữ bí mật những thỏa thuận song phương với các tiểu quốc ở Thái Bình Dương, tìm cách đẩy Mỹ khỏi khu vực. Tại châu Âu, Trung Cộng gia tăng quyền lực mềm ở vùng Balkan. Trong khi đó Moscow bị mất đi ảnh hưởng nơi các đồng minh Trung Á do xâm lăng Ukraine.

Thắng thầu nhờ giá rẻ, công nhân đưa từ Trung Cộng sang

Hôm nay là ngày lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống (Pentecôte), chỉ duy nhất Le Figaro ra báo, bên cạnh Le Monde ra từ cuối tuần trước. Trung Cộng và Nga, hai nước thù nghịch với phương Tây là chủ đề chính của nhiều bài báo. Le Monde có bài điều tra dài về Balkan: Tuyến đầu của ”  soft power”  Trung Cộng. Một cây cầu ở Croatia, một tuyến tàu cao tốc ở Serbia, một xa lộ ở Montenegro: ba dự án cơ sở hạ tầng lớn do Trung Cộng xây dựng trong vùng Balkan được khánh thành năm 2022. Trước sự tấn công của Bắc Kinh, Liên Hiệp Châu Âu (EU) cố gắng nắm lại thế chủ động.

Cây cầu Peljesac dài 600 mét mà người Croatia mơ tưởng từ nhiều năm qua sắp nối liền hai thành phố Dubrovnik và Split, không phải đi qua vùng Neum của Bosnia. Trong chi phí 420 triệu euro, đến 85 % là do EU tài trợ, thế nhưng công ty quốc doanh Trung Cộng CRBC lại thắng thầu, gây kinh ngạc và bối rối cho Bruxelles. Dự án này trở thành biểu tượng cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại vùng Balkan. Cùng với đường tàu cao tốc ở Serbia khai trương vào tháng Ba và xa lộ đầu tiên ở Montenegro sẽ hoàn thành vào tháng Bảy, ba dự án này có điểm chung là đều đưa hàng ngàn lao động từ Trung Cộng sang.

Đấu thầu vô cùng giá thấp để thắng và hoàn tất công trình trễ sáu tháng, nhưng có thể cầu Peljesac là dự án cuối cùng Trung Cộng giành được tại Croatia. Nhiều dự án khác rốt cuộc đã bị hủy gọi thầu tại đất nước 3.9 triệu dân. Tuy Trung Cộng không xâm nhập được vào thị trường thầu xây dựng EU qua ngõ Croatia, nhưng vẫn vào được những nước Balkan chưa là thành viên của EU.

Quyền lực mềm Trung Cộng tại Balkan

Ví dụ cụ thể nhất là tuyến tàu cao tốc Soko nối thủ đô Belgrade với Novi Sad, thành phố lớn thứ nhì của Serbia, vận tốc 200 km/h, dự trù tốn 1 tỉ euro. EU từ chối tài trợ vì chi phí quá cao so với lượng khách, các chuyên gia đánh giá chỉ cần tôn tạo tuyến đường cũ để đạt vận tốc 120-160 km/h với kinh phí 400 triệu euro là đạt hiệu quả. Serbia bèn quay sang Trung Cộng. Đây là cơ hội cho Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh, và các công ty Trung Cộng cũng được giao xây dựng métro Belgrade thông qua hiệp ước giữa hai Nhà nước mà không hề gọi thầu.

Ở nước Montenegro láng giềng, xa lộ đầu tiên đất nước 600,000 dân với Serbia đã trở thành xì-căng-đan môi trường và tài chánh. Đương kim thủ tướng Dritan Abazovic đã phải cầu cứu EU: người tiền nhiệm ký vay 800 triệu euro của Trung Cộng, theo hợp đồng nếu không trả được Bắc Kinh có thể siết nợ, chỉ cần có quyết định của một tòa trọng tài đặt tại… Thượng Hải. Hợp đồng không ghi kỳ hạn hoàn tất, và xa lộ này hiện đang dừng lại tại ngôi làng nhỏ bé Matesevo mà dân số chỉ có… 40 người. Hàng núi rác và xà bần từ công trường bị đem đổ vô tội vạ xuống sông Tara, thậm chí tại một khu dự trữ sinh quyển được Unesco bảo vệ.

Lần đầu tiên Đài Loan đơn độc tưởng niệm Thiên An Môn

Trên lãnh vực chính trị, Le Figaro nhận thấy tại những xã hội người Hoa (Đài Loan, Macao, Hồng Kông), năm nay Đài Loan quá đơn độc trong việc tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn. Đúng 33 năm sau sự kiện bi thảm này, cách Bắc Kinh đến 1.700 km, hai ngàn người tập họp lại ở Đài Bắc để tưởng nhớ các nạn nhân. Tại Hồng Kông, với cớ chống Covid-19, công viên Victoria bị đóng cửa.

Tuy nhiên trong buổi tưởng niệm ở Đài Bắc, sự hiện diện của người Hồng Kông dường như còn nhiều hơn người Đài Loan, họ mặc trang phục màu đen, đội nón bảo hộ vàng, đôi khi mang mặt nạ chống khí độc như trong những cuộc biểu tình năm 2019 ở đặc khu. Một người nhấn mạnh, việc này đã trở thành truyền thống, không bao giờ được quên lãng, cũng như không thể quên việc diệt chủng người Do Thái và các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín.

Chuyến đi Thái Bình Dương của Vương Nghị: Thua hay thắng?

Cũng liên quan đến Trung Cộng, chuyên gia về Ấn Độ-Thái Bình Dương, Cleo Paskal phân tích tác động từ chuyến đi của ngoại trưởng Vương Nghị từ 26/05 đến 04/06 thăm tám đảo quốc Thái Bình Dương để ký các hiệp định song phương về an ninh và kinh tế (Đông Timor, Papua-Tân-Ghinê, Salomon, Kiribati, Vanuatu, Fidji, Tonga, Samoa).

Về địa lý, nhìn lên bản đồ sẽ thấy Trung Cộng bị một chuỗi đảo từ Nhật Bản đến Philippines, Đài Loan chắn đường ra ngoài khơi xa, khó thể khai triển tàu ngầm, máy bay. Để ra Ấn Độ-Thái Bình Dương và Bắc Cực, Bắc Kinh cần phá vỡ chuỗi đảo này, và như vậy phải chiếm Đài Loan. Từ Đài Loan, có thể tạo khu vực kiểm soát rộng rãi bao trùm lên các quần đảo Thái Bình Dương. Mục tiêu là mở rộng hải quân lên hàng đầu thế giới, khai triển đội tàu đánh cá phục vụ cho quân đội – nhập nhằng giữa dân sự và quân sự. Trung Cộng rất cần các cơ sở hạ tầng “dân sự”  (hải cảng, sân bay) tại những quần đảo này. Các nhà chiến lược Trung Cộng nghiên cứu kỹ lịch sử, họ thấy rằng nhiều địa điểm đã được Hoa Kỳ và Nhật Bản sử dụng trong Đệ Nhị Thế chiến.

Cleo Paskal cho rằng chuyến đi vừa rồi của Vương Nghị chưa hẳn là thất bại. Tình báo Trung Cộng chắc hẳn đã nghe lén điện thoại các nhà lãnh đạo trong khu vực, biết rằng nên nói chuyện với ai. Bắc Kinh không đối thoại với bốn nước công nhận Đài Loan (Tuvala, Marshall, Palau, Nauru), còn tổng thống Liên bang Micronesia, David Manuelo, người đã can đảm cảnh báo mối đe dọa từ Trung Cộng, là mục tiêu của những cuộc tấn công chính trị thô bạo.

Trên thực tế, Bắc Kinh có lợi nhiều trong chuyến đi của Vương Nghị. Nếu thông tin không bị tiết lộ, quốc tế chẳng biết gì về nội dung các thỏa thuận. Phần công khai đã được ký có những tiến triển lớn, như về nông nghiệp – được trực tiếp sử dụng đất, về hỗ trợ nhân đạo – tàu Trung Cộng có thể đi bất cứ đâu. Riêng sự kiện đa số thỏa thuận song phương được giữ bí mật đã là chiến thắng cho Trung Cộng.

Bắc Kinh tìm cách đẩy Hoa Kỳ khỏi khu vực Thái Bình Dương

Khi tạo bất đồng trong nội bộ, gây chia rẽ trong xã hội, Bắc Kinh làm nổi lên các nhà lãnh đạo độc đoán nhất của các đảo quốc và muốn tìm chỗ dựa nơi mình. Vương Nghị trình bày ” tầm nhìn chung để phát triển”  và một ”  kế hoạch hành động 5 năm”. ” Tầm nhìn”  được công bố bằng tiếng Anh để lưu hành bên ngoài với những từ ngữ được chọn lựa. Nhưng thực chất là một kiểu thuộc địa mới, tạo ra sự lệ thuộc vào Trung Cộng, được thực hiện qua kế hoạch 5 năm, ưu tiên cho những yếu tố an ninh như viễn thông. Tổng thống Panuelo đã tố cáo việc Trung Cộng kiểm soát những cơ sở hạ tầng này và các tàu”  khoa học”  nghe trộm cáp ngầm dưới đáy biển.

Những vùng đặc quyền kinh tế mà Vương Nghị nhắm đến có thể giúp chận bước Úc và New Zealand. Trong trường hợp chiến tranh với Đài Loan, những tuyến đường này rất lợi hại để mở rộng chiến địa, phá vỡ liên minh Bộ Tứ. Pháp cần phải quan tâm khu vực này hơn, vì trong tương lai sẽ rất khó khai triển lực lượng xa khỏi Tân Calédonie. Sẽ không diễn lại những trận hải chiến như Đệ Nhị Thế Chiến, mà Bắc Kinh sẽ cắt cáp dưới đáy biển, gởi một lô một lốc tàu đánh cá đến với mục đích quân sự, cắt đường tiếp tế.

Vương Nghị đề ra quan điểm gồm 15 điểm, mà trước hết là “nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa” và không phát triển vũ khí hạt nhân. Theo nhà nghiên cứu, Đài Loan chỉ là điểm khởi đầu, Bắc Kinh còn nhìn xa hơn nhiều. Nếu Đài Loan thất thủ, có nghĩa là phương Tây bất lực trong việc bảo vệ một đồng minh dân chủ tại một khu vực chiến lược gồm toàn các đối tác của Mỹ. Hai nhóm nước sẽ đối đầu nhau tại Thái Bình Dương: những nước muốn thỏa thuận càng nhanh càng tốt với Trung Cộng, và những nước muốn trang bị vũ khí nguyên tử vì sợ bị Bắc Kinh tấn công. Ý tưởng tạo khu vực phi hạt nhân không nhằm hạn chế chính mình, mà Trung Cộng muốn đẩy các chiến hạm nguyên tử phương Tây ra xa, và dùng lá phiếu các đảo quốc Thái Bình Dương để giới hạn hoạt động của các cường quốc nguyên tử khác.

Chuyên gia nhấn mạnh, mục đích của Bắc Kinh là đẩy Hoa Kỳ ra khỏi khu vực này. Trung Cộng muốn thống trị Thái Bình Dương trong tất cả các lãnh vực, từ quân sự, kinh tế cho đến kiểm soát nguồn lực, truyền thông, hệ thống tư pháp, dân cư. Hiện nay Hoa Kỳ vẫn là số 1, nhưng tất cả các cường quốc khác đều bị đánh bật ra ngoài – cao ủy Ấn Độ ở quần đảo Salomon đã bị từ chối nhập cảnh dưới áp lực Bắc Kinh.

Nga bị mất ảnh hưởng tại Trung Á

Ngược với Trung Cộng, cũng theo Le Monde, ” Moscow bị mất đi ảnh hưởng nơi các đồng minh Trung Á”.  Cuộc xâm lăng Ukraine khiến năm nước thuộc Liên Xô cũ phải xem lại thái độ đối với Nga. Không ủng hộ cũng không lên án, đó là phản ứng của năm quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan, Tadjikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan).

Lần đầu tiên kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1991, không một nguyên thủ Trung Á này xuất hiện bên cạnh Vladimir Putin trong cuộc duyệt binh ngày 09/05 năm nay. Thay vào đó, tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokaiev lại đến Thổ Nhĩ Kỳ để ký hiệp định hợp tác quân sự (trong đó có việc xây dựng nhà máy drone tác chiến), và phát triển hành lang hậu cần (hàng hóa và dầu khí) tránh đi qua lãnh thổ Nga. Việc này khiến Moscow tức giận với một loạt tuyên bố hung hăng, như một dân biểu kêu gọi ” phi phát-xít hóa Kazakhstan”.  Năm nước này cũng từ chối công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk vệ tinh do Nga điều khiển.

Nhà nghiên cứu Pháp Michael Levystone nhận xét ”  Các nước Trung Á có quan hệ tốt với Ukraine, họ rất buồn vì những gì đang diễn ra”.  Hai nước chuyên quyền nhất là Tadjikistan và Turkmenistan giữ im lặng, nhưng Kyrgyzstan tuyên bố mỗi Nhà nước đều có quyền chọn lựa chính sách đối ngoại cho riêng mình, hàm ý việc Nga đòi hỏi Ukraine phải ”  trung lập”.  Theo nhà chính trị học Daniyar Kussainov, ” Ảnh hưởng của Nga trong khu vực yếu đi. Cuộc chiến cho thấy khả năng hạn chế của quân đội Nga, vốn được coi là bảo đảm cho Trung Á và đặc biệt cho quân đội Kazakhstan”. 

Còn theo ông Levystone, ”  quan hệ song phương giữa Nga và Kazakhstan chưa bao giờ xấu đến thế”.  Kazakhstan đã bác bỏ ý định sử dụng lực lượng OTCS ở Ukraine với lý do đó là một liên minh phòng vệ chứ không phải lực lượng viễn chinh. Kazakhstan cũng nói rõ sẽ không giúp Moscow tránh né cấm vận qua Liên minh Kinh tế Âu Á (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia). Việc xâm lăng Ukraine gây lo sợ nơi một quốc gia có 7,600 km đường biên giới với Nga và 18 % dân số là người Nga. Sự giảm sút lòng tin khiến các nước Trung Á bắt đầu tìm kiếm các đối tác khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ.   

Kinh tế Ukraine xuống dốc vì chiến tranh kéo dài

Về Ukraine, nạn nhân cuộc xâm lược của Nga, Libération số đúp ra cuối tuần cho biết nền kinh tế nước này bị cuộc chiến tranh hao mòn làm sụt mất phân nửa tổng sản phẩm nội địa trong năm 2022. Tờ báo mô tả một nhà hàng sang trọng ở Kiev vừa mở cửa lại cách đây một tháng sau khi phải ngưng hoạt động từ những ngày đầu chiến tranh. Trong suốt hai tháng, những người tình nguyện thay phiên đến đây nấu ăn cho các chiến sĩ. Và giờ đây hoạt động trở lại gần như trước, mọi lợi tức của nhà hàng được dành cho chiến trường. Một nền kinh tế chiến tranh: những nhà máy sản xuất áo pull nay làm ra vũ khí, các nhà tạo mốt chuyển sang may những bộ đồ trận, áo giáp… Nông dân tặng một phần sản lượng để nuôi những người lính và hàng triệu người di tản.

Tác động từ cuộc xâm lăng khó thể tính được, vì chiến sự ngăn trở việc thu thập dữ liệu. Chỉ riêng những thiệt hại trực tiếp, tức cơ sở hạ tầng bị bom đạn phá hủy, đến ngày 25/05 Ukraine đã thiệt mất 105 tỉ đô la. Tại miền đông đang bị Nga tấn công, thống đốc Luhansk cho biết từ 100 ngày qua, đã có hơn 400 kilomet đường “theo tiêu chuẩn châu Âu” bị tàn phá, 33 bệnh viện, 237 cơ sở y tế nông thôn, 120 trường học bị phá hủy. Về thiệt hại gián tiếp, Kyiv School of Economics ước đoán từ 527 đến 560 tỉ euro. Theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, 9/10 người Ukraine có thể lâm vào cảnh nghèo khó từ nay đến cuối năm, 5 triệu người đã mất việc do chiến tranh, chiếm 1/3 dân số hoạt động. Chưa kể đến hậu quả về môi trường, ô nhiễm đất đai, hệ quả lên sức khỏe người dân…

Chiến tranh đè nặng lên mọi hoạt động thường nhật, chẳng hạn thiếu xăng dầu. Chính phủ Volodymyr Zelensky đã cho giảm thuế, đóng băng hối suất, ngưng thu thuế hải quan… để giảm bớt gánh nặng cho người dân, nhưng khiến ngân sách thâm thủng hàng tháng 5 đến 7 tỉ euro. Thâm hụt sẽ càng tăng vì những mặt hàng chính không xuất khẩu được, cảng Odessa và Mariupol bị phong tỏa, đường ray xe lửa không tương thích với các nước châu Âu… Những ngành cột trụ khác của kinh tế như than đá, luyện kim chủ yếu nằm ở miền đông và đang dưới mưa bom. Hiện thời hàng tỉ đô la của các đồng minh phương Tây giúp Ukraine chống chọi được, nhưng nếu chiến tranh kéo dài không biết sẽ ra sao, thế nên Kiev không ngừng kêu gọi cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chánh.

Theo Thụy Mi (RFI)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt